Ví dụ về trách nhiệm giải trình

Mục lục bài viết

  • 1. Cơ sở pháp lý:
  • 2. Trách nhiệm giải trình là gì? Trách nhiệm giải trình thuộc về ai?
  • 3. Quy định về nội dung, điều kiện yêu cầu giải trình
  • 3.1. Nội dung giải trình
  • 3.2. Điều kiện để tiếp nhận yêu cầu giải trình là gì?
  • 3.3. Trường hợp nào được từ chối yêu cầu giải trình?
  • 3.4. Những nội dung không thuộc phạm vi giải trình đó là:
  • 4. Quyền và nghĩa vụ của người yêu cầu giải trình
  • 4.1. Quyền của người yêu cầu giải trình
  • 4.2. Nghĩa vụ của người yêu cầu giải trình
  • 5. Quyền và nghĩa vụ của người thực hiện trách nhiệm giải trình
  • 5.1. Quyền của người thực hiện trách nhiệm giải trình
  • 5.2. Nghĩa vụ của người thực hiện trách nhiệm giải trình
  • 6. Trình tự, thủ tục thực hiện việc giải trình
  • 7. Thời hạn thực hiện việc giải trình
  • 8. Tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải trình

Kính chào công ty Luật Minh Khuê. Tôi có thắc mắc mong nhận được hỗ trợ từ ban tư vấn luật của công ty. Xin luật sư cho biết pháp luật hiện hành quy định như thế nào về trách nhiệm giải trình? nội dung cần giải trình là gì? Người yêu cầu giải trình có quyền và nghĩa vụ như thế nào? Quyền và nghĩa vụ của người thực hiện trách nhiệm giải trình được quy định ra sao?

Rất mong nhận được giải đáp từ luật sư. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Người hỏi: Mạnh Quân - Hà Giang

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Dân sự của Công ty luật Minh Khuê

>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900.6162

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

1. Cơ sở pháp lý:

- Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018

- Nghị định số 59/2019/NĐ-CP

2. Trách nhiệm giải trình là gì? Trách nhiệm giải trình thuộc về ai?

Trách nhiệm giải trình là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền làm rõ thông tin, giải thích kịp thời, đầy đủ về quyết định, hành vi của mình trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao.

Trách nhiệm giải trình thuộc về:

- Cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước, bao gồm: cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và tổ chức, đơn vị khác do Nhà nước thành lập, đầu tư cơ sở vật chất, cấp phát toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động, do Nhà nước trực tiếp quản lý hoặc tham gia quản lý; người có chức vụ, quyền hạn công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong phòng, chống tham nhũng.

- Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước và người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức này .

3. Quy định về nội dung, điều kiện yêu cầu giải trình

3.1. Nội dung giải trình

Nội dung giải trình được quy định tại Nghị định số 59/2019/NĐ-CP. Theo đó, những nội dung cần giải trình đó là:

- Cơ sở pháp lý của việc ban hành quyết định, thực hiện hành vi.

- Thẩm quyền ban hành quyết định, thực hiện hành vi.

- Trình tự, thủ tục ban hành quyết định, thực hiện hành vi.

- Nội dung của quyết định, hành vi.

3.2. Điều kiện để tiếp nhận yêu cầu giải trình là gì?

- Cá nhân yêu cầu giải trình có năng lực hành vi dân sự đầy đủ hoặc có người đại diện theo quy định của pháp luật; cơ quan, tổ chức, đơn vị yêu cầu giải trình có người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.

- Quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, đơn vị được yêu cầu giải trình tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có yêu cầu giải trình.

3.3. Trường hợp nào được từ chối yêu cầu giải trình?

Được từ chối yêu cầu giải trình trong những trường hợp sau đây:

- Không đủ điều kiện tiếp nhận yêu cầu giải trình theo quy định trên.

- Nội dung yêu cầu giải trình thuộc trường hợp không thuộc phạm vi giải trình, nội dung đã được giải trình hoặc đã được cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền thụ lý giải quyết, trừ trường hợp người yêu cầu có lý do chính đáng.

- Người yêu cầu giải trình đang trong tình trạng không làm chủ được hành vi do dùng chất kích thích hoặc có hành vi gây rối trật tự, đe dọa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người tiếp nhận yêu cầu giải trình.

- Người được ủy quyền, người đại diện không có giấy tờ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

3.4. Những nội dung không thuộc phạm vi giải trình đó là:

- Nội dung thuộc bí mật nhà nước, bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật kinh doanh theo quy định của pháp luật.

- Nội dung chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị mà chưa ban hành, chưa thực hiện hoặc nội dung chỉ đạo, điều hành của cơ quan cấp trên với cơ quan cấp dưới.

4. Quyền và nghĩa vụ của người yêu cầu giải trình

4.1. Quyền của người yêu cầu giải trình

Người yêu cầu giải trình có các quyền được quy định tại Điều 8 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP. Theo đó, người yêu cầu giải trình có quyền sau:

- Tự mình hoặc ủy quyền cho người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện yêu cầu giải trình;

- Rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu giải trình;

- Nhận văn bản giải trình của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm giải trình;

- Khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.

4.2. Nghĩa vụ của người yêu cầu giải trình

Người yêu cầu giải trình có các nghĩa vụ sau đây:

- Nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền;

- Thực hiện đúng trình tự, thủ tục yêu cầu giải trình quy định tại Mục 3 Chương II của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

- Trình bày rõ ràng, trung thực, có căn cứ về nội dung yêu cầu giải trình;

- Cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung yêu cầu giải trình.

5. Quyền và nghĩa vụ của người thực hiện trách nhiệm giải trình

5.1. Quyền của người thực hiện trách nhiệm giải trình

Điều 9 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định về quyền của người thực hiện trách nhiệm giải trình, theo đó người thực hiện trách nhiệm giải trình có các quyền sau đây:

- Yêu cầu người yêu cầu giải trình cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung yêu cầu giải trình;

- Hướng dẫn người yêu cầu giải trình thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định tại Mục 3 Chương II của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

- Từ chối yêu cầu giải trình trong các trường hợp được quy định tại Điều 5 của Nghị định này.

5.2. Nghĩa vụ của người thực hiện trách nhiệm giải trình

Người thực hiện trách nhiệm giải trình có các nghĩa vụ sau đây:

- Tiếp nhận yêu cầu giải trình thuộc thẩm quyền;

- Hướng dẫn người yêu cầu giải trình thực hiện đứng trình tự, thủ tục quy định tại Mục 3 Chương II của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

- Giải quyết yêu cầu giải trình theo đúng trình tự, thủ tục và thời hạn quy định tại Nghị định số 59/2019/NĐ-CP và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

6. Trình tự, thủ tục thực hiện việc giải trình

Bước 1: Yêu cầu giải trình

- Yêu cầu giải trình được thực hiện bằng văn bản hoặc trực tiếp tại cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm giải trình.

- Yêu cầu giải trình bằng văn bản:

+ Văn bản yêu cầu giải trình phải nêu rõ nội dung yêu cầu giải trình; ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ thư tín của người yêu cầu giải trình.

+ Văn bản yêu cầu giải trình phải có chữ ký hoặc điểm chỉ xác nhận của người yêu cầu giải trình.

- Yêu cầu giải trình trực tiếp:

+ Người yêu cầu giải trình trình bày rõ ràng nội dung yêu cầu với người được giao tiếp nhận yêu cầu giải trình.

Trường hợp nhiều người cùng yêu cầu giải trình về một nội dung thì phải cử người đại diện để trình bày. Việc cử người đại diện được thể hiện bằng văn bản có chữ ký hoặc điểm chỉ của những người yêu cầu giải trình;

+ Người được giao tiếp nhận yêu cầu giải trình phải thể hiện trung thực nội dung yêu cầu giải trình bằng văn bản; ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ thư tín của người yêu cầu giải trình;

+ Người yêu cầu giải trình ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản yêu cầu giải trình.

Bước 2: Tiếp nhận yêu cầu giải trình

Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm giải trình tiếp nhận yêu cầu giải trình khi đáp ứng các điều kiện tiếp nhận và không thuộc những trường hợp từ chối yêu cầu giải trình lần lượt quy định tại Điều 4 và Điều 5 của Nghị định 59/2019/NĐ-CP. Trường hợp yêu cầu giải trình không thuộc trách nhiệm thì người tiếp nhận hướng dẫn người yêu cầu đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Trường hợp văn bản yêu cầu giải trình không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 10 của Nghị định số 59 thì người tiếp nhận có trách nhiệm hướng dẫn người yêu cầu giải trình bổ sung thông tin, tài liệu.

Trường hợp nội dung yêu cầu giải trình đã được giải trình cho người khác trước đó thì cung cấp bản sao văn bản giải trình cho người yêu cấu giải trình.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận yêu cầu, người giải trình phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu giải trình về việc giải quyết hoặc không giải quyết và nêu rõ lý do.

Bước 3: Thực hiện việc giải trình

Trong trường hợp yêu cầu giải trình trực tiếp, có nội dung đơn giản, thì việc giải trình có thể thực hiện bằng hình thức trực tiếp. Việc giải trình trực tiếp phải được lập thành biên bản có chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên.

Trong những trường hợp còn lại thì việc giải trình được thực hiện như sau:

+ Thu thập, xác minh thông tin có liên quan;

+ Làm việc trực tiếp với người yêu cầu giải trình để làm rõ những nội dung có liên quan khi thấy cần thiết. Nội dung làm việc được lập thành biên bản có chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên;

+ Ban hành văn bản giải trình;

+ Gửi văn bản giải trình đến người yêu cầu giải trình.

Văn bản giải trình phải có các nội dung sau đây:

+ Họ tên, địa chỉ người yêu cầu giải trình;

+ Nội dung yêu cầu giải trình;

+ Kết quả làm việc trực tiếp với tổ chức, cá nhân [nếu có];

+ Căn cứ pháp lý thực hiện việc giải trình;

+ Nội dung giải trình cụ thể.

7. Thời hạn thực hiện việc giải trình

Thời hạn thực hiện việc giải trình không quá 15 ngày, kể từ ngày ra thông báo tiếp nhận yêu cầu giải trình; trường hợp có nội dung phức tạp thì có thể gia hạn 01 lần; thời gian gia hạn không quá 15 ngày và phải thông báo bằng văn bản đến người yêu cầu giải trình.

8. Tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải trình

Tạm đình chỉ việc giải trình

Trong quá trình thực hiện việc giải trình, người thực hiện trách nhiệm giải trình quyết định tạm đình chỉ việc giải trình trong các trường hợp sau đây:

- Người yêu cầu giải trình là cá nhân đã chết mà chưa xác định được người thừa kế quyền, nghĩa vụ; cơ quan, tổ chức bị chia tách, sáp nhập, giải thể mà chưa có cá nhân, tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ trong vụ việc yêu cầu giải trình;

- Người yêu cầu giải trình là cá nhân mất năng lực hành vi dân sự mà chưa xác định được người đại diện theo pháp luật;

- Cá nhân yêu cầu giải trình bị ốm đau hoặc vì lý do khách quan khác mà người thực hiện trách nhiệm giải trình chưa thể thực hiện được việc giải trình.

Người thực hiện trách nhiệm giải trình tiếp tục thực hiện việc giải trình khi lý do của việc tạm đình chỉ không còn.

Đình chỉ việc giải trình:

Người thực hiện trách nhiệm giải trình quyết định đình chỉ việc giải trình trong các trường hợp sau:

- Người yêu cầu giải trình là cá nhân đã chết mà không có người thừa kế quyền, nghĩa vụ; cơ quan, tổ chức bị chia tách, sáp nhập, giải thể mà không có cá nhân, tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ trong vụ việc yêu cầu giải trình;

- Người yêu cầu giải trình là cá nhân mất năng lực hành vi dân sự mà không có người đại diện theo pháp luật;

- Người yêu cầu giải trình rút toàn bộ yêu cầu giải trình.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.6162 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Dân sự - Công ty luật Minh Khuê

Video liên quan

Chủ Đề