Vì sao nói trò chơi đóng vai của trẻ em là coi nguồn của sáng tạo

Thứ Hai, 09-03-2015 | 16:24

Trò chơi - một phương tiện phát triển trí sáng tạo hiệu quả cho trẻ mẫu giáo / ThS. Lưu Ngọc Sơn // Tạp chí Giáo dục.- Số 334.- Tr.: 22 – 25

                                                                 ThS. Lưu Ngọc Sơn

                                                              Trường Đại học Hùng Vương

Các nhà tâm lý học, giáo dục học khẳng định rằng, lứa tuổi mầm non (MN) nói chung và lứa tuổi mẫu giáo (MG) nói riêng là giai đoạn nền tảng quan trọng của sự hình thành và phát triển nhân cách của con người, trong đó có trí sáng tạo (TST). Chính vì điều đó, việc phát triển trí sáng tạo của con người cần phải bắt đầu ngay từ lứa tuổi MN. Ở lứa tuổi này, hoạt động (HĐ) chủ yếu mà trẻ thực hiện trong ngày đó là HĐ vui chơi. “Ở mọi thời đại và mọi dân tộc, trẻ MG đều chơi. Do tính chất thường xuyên của hiện tượng này, nên ta có thể gọi lứa tuổi MG là lứa tuổi vui chơi” (A.L.Xôrôkina). Trong khi chơi, những tình huống, mối quan hệ, điều kiện vật chất của hoàn cảnh xung quanh làm nảy sinh ở trẻ những ý tưởng và thúc đẩy TST của chúng. Bất kì một trò chơi (TC) nào, trẻ cũng thích chơi và khi chơi bất kì trò gì trẻ cũng có thể sáng tạo (ST). Do vậy, TC của trẻ MG được coi là một  phương tiện giáo dục và phát triển TST hiệu quả cho trẻ

1.         Vài nét về trò chơi ở lứa tuổi mẫu giáo

Nếu HĐ lao động và HĐ xã hội là đặc trưng của người lớn, HĐ học tập là HĐ đặc trưng của học sinh phổ thông thì vui chơi là HĐ đặc trưng của trẻ ở lứa tuổi MN.

Chơi chính là cuộc sống của trẻ. Đặc biệt, ở lứa tuổi MG, chơi là hoạt động chủ đạo. Điều này được thể hiện rất rõ trong cuộc sống của trẻ ở trường MN. Đối với trẻ, điều tốt nhất với chúng trong cuộc sống là vui chơi. Không vui chơi, trẻ chỉ có thể tồn tại chứ không phát triển được. Chính vì vậy, vui chơi là một HĐ cơ bản và có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sự phát triển toàn diện nói chung và TST nói riêng của trẻ. Xuất phát từ nhu cầu được vui chơi của trẻ mà nhiều TC như: đóng vai theo chủ đề, xây dựng, đóng kịch, dân gian, vận động, học tập, điện tử... được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu đó.

TC là HĐ lí thú nhưng rất phức tạp; nguồn gốc và bản chất TC của trẻ có nhiều ý kiến giải thích khác nhau như: - Theo trường phái sinh học, đại diện là K.Groos, S.hall, V.Stern, Ph.Siller, G.Spencer... đã đưa ra học thuyết về TC dưới góc nhìn sinh học đó là học thuyết “sức dư thừa”. Họ cho rằng, TC của trẻ mang tính bản năng, chơi là sự giải tỏa năng lượng dư thừa và TC của trẻ em giống như TC của động vật; - Theo trường phái phân tâm học, một số nhà tâm lí học như: S.Freud, A.Atler... lại cho rằng, mọi niềm đam mê, mong ước, những biểu hiện bí ẩn của trẻ đều liên quan tới bản năng sinh dục và chúng không thể hiện trực tiếp ở trong cuộc sống của mình, nó chỉ biểu hiện được ở trong TC. Chơi là cách để trẻ bộc lộ những mong muốn luôn bị “kìm nén” của bản thân vì ở đó, trẻ được tự do khẳng định và thỏa mãn những đam mê của mình.

Các quan điểm nêu trên đều có những hạn chế nhất định, hoặc chỉ hiểu TC là bản năng tự nhiên, hoặc cho rằng TC là điều thần bí. Chính vì thế, các quan điểm đó chưa giải thích một cách khoa học về sự hình thành và phát triển của TC trong đời sống xã hội. Khắc phục những hạn chế trên về nguồn gốc và bản chất của TC, các nhà khoa học Xô viết đã đưa ra những khẳng định đầy đủ và đúng đắn về nguồn gốc TC của trẻ. Theo họ, TC có nguồn gốc từ lao động và mang bản chất xã hội, TC được truyền thụ từ thế hệ này sang thế hệ khác chủ yếu bằng con đường giáo dục.

Theo G.V.Plêkhanôv – nhà tâm lí học Nga: “TC là một nghệ thuật xuất hiện sau lao động và trên cơ sở của lao động. Trong TC phản ánh lao động của con người”. Ông cũng chỉ rõ: “TC là một sợi dây nối liền nhiều thế hệ với nhau, nó phục vụ cho việc truyền đạt những thành quả văn hóa”.

Tư tưởng của G.V.Plêkhanôv về nguồn gốc TC tiếp tục phát triển trong một số công trình nghiên cứu về TC của các nhà tâm lí học Xô viết, người đầu tiên kế tục đó là Đ.B Encônhin. Họ đã chứng minh rằng, TC của trẻ khác về căn bản so với những TC của động vật con về nội dung cũng như về cấu trúc. TC của trẻ không có nguồn gốc sinh học, mà có nguồn gốc xã hội. TC đã được xã hội bày ra và vun trồng nhằm giáo dục và chuẩn bị cho trẻ với HĐ lao động trong tương lai.

Theo Đ.B Encônhin: “ Lịch sử phát triển TC gắn liền với sự phát triển của xã hội loài người và sự thay đổi vị trí của đứa trẻ trong hệ thống các mối quan hệ xã hội”.

Khi chơi, trẻ vừa được giải trí, đồng thời cũng hiểu biết thêm về thế giới xung quanh, hoàn thiện những khả năng, năng lực của mình, nắm vững những phương thức HĐ của loài người. Tuy nhiên, TC còn có vai trò truyền đạt những kinh nghiệm xã hội của thế hệ này cho thế hệ khác.

Các nhà tâm lí, giáo dục phương Tây như A.Vallon, N.Khrixtencen... cũng chỉ ra rằng, TC của trẻ là sự phản ánh cuộc sống, HĐ của chúng được quy định bởi những điều kiện xã hội. Trẻ nhắc lại những ấn tượng đã được trải nghiệm vào TC và sự bắt chước này có chọn lọc. Trẻ bắt chước những người có uy tín với chúng, những người chúng gắn bó và yêu quý.

Tóm lại, TC có nguồn gốc từ lao động và chuẩn bị cho thế hệ trẻ bước vào lao động. TC mang bản chất xã hội, nội dung chơi của trẻ phản ánh hiện thực xung quanh. TC không nảy sinh một cách tự phát mà do ảnh hưởng có ý thức hoặc không có ý thức từ phía người lớn hay bạn bè; giao tiếp xã hội có vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển TC

2.         Quan điểm về TST của trẻ MG

Mọi trẻ em đều tiềm ẩn năng lực ST, nhưng sự sáng tạo của trẻ không giống sự ST của người lớn. Sự sáng tạo của người lớn là việc tạo ra cái mới, cái độc đáo, gắn với tính chủ đích, có tính bền vững và thường là kết quả của quá trình nỗ lực tìm tòi để phát minh, ST ra những sản phẩm mới mẻ và có ý nghĩa nhất định trong đời sống xã hội. Nhưng ở trẻ, TST lại chính là khi trẻ bắt đầu tái tạo, bắt chước, mô phỏng một điều gì đó và thường không có tính chủ đích. TST của trẻ phụ thuộc vào nhiều xúc cảm, vào tình huống và thường kém bền vững.

L.X.Vygotsky cho rằng, khi trong đầu trẻ xuất hiện ý định chơi và mong muốn tìm kiếm phương tiện để thực hiện nó có nghĩa là đứa trẻ đã bộc lộ TST trong HĐ chơi của nó. Nếu chúng ta coi TC của trẻ giống như một HĐ ST của người lớn thì thuật ngữ “ST” ở đây là không thích hợp. Song khi xem xét dưới góc độ phát triển của trẻ, thuật ngữ đó có thể chấp nhận được. L.X.Vygotsky đã chỉ ra rằng, khi trong đầu đứa trẻ xuất hiện một dự định hay một kế hoạch nào đó và chúng có ý muốn thực hiện nó thì có nghĩa là trẻ đã chuyển sang HĐ ST. Sự xuất hiện dự định gắn liền với sự phát triển óc tưởng tượng ST. Có thể nói, TST của trẻ không có nghĩa là tạo ra một cái mới mà chỉ cần trẻ có nhu cầu chơi, có ý định chơi và tìm cách để chơi là trẻ đã có ST. Như vậy, ở trẻ có sự ST phát triển từ kinh nghiệm của trẻ trong một quá trình nào đó chứ không phải là một sản phẩm hoàn chỉnh.

3. Trò chơi – một phương tiện phát triển TST hiệu quả cho trẻ MG

Tại sao TC là một phương tiện phát triển TST hiệu quả cho trẻ MG? Là một hoạt động cơ bản và chủ đạo của trẻ MG, TC cũng có những nét đặc trưng riêng và chính điều này khiến nó luôn giữ được vị trí đặc biệt so với các hình thức HĐ khác trong việc phát triển TST của trẻ. TC hay sáng tác của trẻ không phải là hồi ức đơn giản, mà là sự gia công ST những ấn tượng đã được tiếp nhận, sự phối hợp những tiếp nhận ấy và từ đó cấu tạo nên một thực tế mới, đáp ứng nhu cầu và hứng thú của bản thân. Vậy khả năng biết xây dựng một hệ thống bằng các yếu tố, biết phối hợp cái cũ thành những kết hợp mới chính là tạo nên cơ sở của sự ST.

TC và sự ST của trẻ MG có mối quan hệ mật thiết. HĐ vui chơi là HĐ chủ đạo của lứa tuổi MG, nhu cầu lớn nhất của lứa tuổi MG là nhu cầu được vui chơi. ST của trẻ bao giờ cũng xuất phát từ nhu cầu đã có trước, một nhu cầu cấp bách, tự nhiên và là điều kiện tồn tại của trẻ và đó chính là nhu cầu vui chơi. Trong khi chơi, động cơ của TC không nằm ở kết quả mà nằm trong bản thân hành động chơi. Nguyên cớ thúc đẩy đứa trẻ chơi chính là sự hấp dẫn của đồ chơi và bản thân quá trình chơi chứ không phải là kết quả đạt được của hành động đó. Trẻ chơi không vì nhu cầu thực tiễn mà từ chính nhu cầu và hứng thú trực tiếp của bản thân. Có nghĩa là, đứa trẻ không chủ tâm nhằm tới một lợi ích thiết thực nào cả. Trẻ chơi chỉ cốt cho vui, có vui thì mới chơi và đã chơi thì phải vui. Chính vì lẽ đó, HĐ chơi của trẻ thường được gọi là hoạt động vui chơi. Ở đây, vui như một thuộc tính vốn có của chơi. M.X.Macarenco đánh giá niềm vui trong TC là niềm vui của sự ST, niềm vui chiến thắng, niềm vui đẹp đẽ, niềm vui của những phẩm giá. Mặt khác, trẻ không bao giờ ST cái gì nó không biết, không hiểu và không có hứng thú. Cũng giống như TC, ST của trẻ không tách rời hứng thú và đời sống cá nhân. ST của trẻ biểu hiện một cách tự phát và độc lập với ý muốn của người lớn. Vậy giữa TC và TST của trẻ không thể tách rời. ST xuất  phát từ nhu cầu của trẻ, nhu cầu của trẻ MG là được vui chơi.

Sự ST khi tham gia TC còn được thể hiện ở chỗ khi chơi TC, trẻ có rất nhiều ý tưởng chơi; mỗi buổi chơi khác nhau có ý tưởng chơi khác nhau; đưa ra được nhiều cách chơi khác nhau độc đáo và hợp lí; trẻ sử dụng nhiều đồ dùng, đồ chơi để tạo ra những sản phẩm phong phú, đa dạng, hài hòa, độc đáo, hấp dẫn. Hãy thử quan sát TC lắp ghép xây dựng của trẻ MG, khi cho trẻ chơi xây dựng “Ngôi nhà mơ ước của bé”, trẻ có rất nhiều ý tưởng khác nhau. Có trẻ thích xây ngôi nhà sàn, có trẻ thích xây ngôi nhà tầng, có trẻ lại thích xây nhà như cung điện với vườn cây, ao cá... khác nhau. Nhìn vào công trình trẻ xây dựng, từng chi tiết nhỏ cũng thấy sự ST: những chiếc xe, cây cối... vô cùng đa dạng, độc đáo với đủ bố cục, hình thù, màu sắc khác nhau. Nhiều người lớn cũng bất ngờ về TST của trẻ.

ST của trẻ mang tính chất tổng hợp các lĩnh vực trí tuệ, tình cảm, ý chí... và đặc biệt là tưởng tượng ST. Trong khi chơi, trẻ vận dụng những kiến thức mà trẻ lĩnh hội được trong cuộc sống, như cô giáo luôn ân cần với học sinh, bác sĩ phải quan tâm bệnh nhân... trẻ thỏa sức suy nghĩ, tìm tòi, mơ ước, tưởng tượng, mà tưởng tượng mới phong phú làm sao: nào là lái xe, chữa bệnh, nào là các chú công nhân xây dựng,... cái gì cũng có thể làm được. Một cháu bé yếu ớt cũng coi mình là lực sĩ, cháu gái nào cũng trở thành “nàng tiên”, “công chúa”,... Chính sự tưởng tượng ngây thơ đến mức ảo tưởng đó đã đem lại cho trẻ niềm vui vô bờ bến, và thực sự đó là những giây phút hạnh phúc nhất của tuổi thơ. TC luôn mang lại sự thỏa mãn và niềm vui cho người chơi với những tưởng tượng phong phú và mang màu sắc xúc cảm chân thực mạnh mẽ. Trong TC, đứa trẻ sống hết mình, tưởng tượng ST hết mình và dấu vết cuộc sống tuyệt vời đó sẽ lắng động sâu sắc trong tâm hồn chúng hơn cả dấu vết của cuộc sống thực.

So với người lớn, tri thức và kinh nghiệm của trẻ còn ít, trí tưởng tượng của trẻ còn nghèo nàn, hứng thú đơn giản và sơ đẳng hơn. Nhưng do sự dễ dãi, sự mộc mạc của trí tưởng tượng nên trẻ sống trong thế giới tưởng tượng và tin vào những sản phẩm của trí tưởng tượng nhiều hơn, nên trẻ dễ có những biểu hiện ST hơn. Khi sáng tác, trẻ ít nghiền ngẫm lâu về tác phẩm của mình,  phần lớn nó sáng tác liền một mạch. Trẻ giải quyết nhu cầu của mình nhanh chóng và triệt để những tình cảm đang tràn ngập trong lòng nó. Sản phẩm ST của trẻ có thể không hoàn hảo nhưng có ưu thế là chúng được nảy sinh trong quá trình ST, nảy sinh trong quá trình tưởng tượng của trẻ. Trí tưởng tượng ST đó giúp trẻ có những ST giá trị trong cuộc sống sau này.

TST còn được thể hiện ở chỗ, trong TC trẻ không sao chép cuộc sống mà chỉ bắt chước những gì chúng nhìn thấy, tổng hợp lại những biểu tượng của mình đối với những gì chúng thể hiện trong TC. Trong khi chơi, trẻ HĐ sôi nổi, hết mình và chủ động như chính cuộc sống của mình. Hãy thử quan sát trẻ đang chơi. Ở góc này, một cháu bé đang nựng búp bê như người mẹ nựng em bé, cũng âu yếm, cũng vuốt ve nồng thắm như thật. Góc kia, một tốp đang chơi dạy học mà “cô giáo” cũng chỉ bé như học trò nhưng cũng chủ động trong vai của mình, cũng nhận xét, khen thưởng, quở phạt, dặn dò học sinh; ở một góc khác “kẻ bán, người mua” cứ y như người lớn vậy. Trong nhiều TC, ở trẻ xuất hiện những yếu tố của sự sáng tạo nghệ thuật. Xúc cảm thẫm mĩ trước vẻ đẹp của đồ chơi và HĐ chơi được hình thành khi trẻ tham gia TC. Các đồ chơi của trẻ luôn hài hòa về màu sắc, các bố cục khác nhau. Tiếp xúc nhiều với đồ chơi đẹp, với những sản phẩm TC ST như vậy, những xúc cảm vui tươi, hồn nhiên của tuổi thơ, sự ST nghệ thuật sẽ được hình thành ở trẻ.

Trong quá trình chơi, chúng ta nhận thấy trẻ luôn thể hiện sự ST. Trẻ luôn có sự thắc mắc, tò mò cao độ và một sự nỗ lực tự phát nhằm khám phá, thao tác, thử nghiệm, ST theo kiểu độc đáo. Đây cũng là đặc điểm chung của lứa tuổi này. Trẻ có nhu cầu cao về nhận thức, nhu cầu ST, luôn đặt ra nhiều câu hỏi như: Đây là cái gì? Tại sao nó thế?  Nó để làm gì? ... Nhiều bậc phụ huynh khi mua đồ chơi cho con, một lúc sau đồ chơi tan tành và cảm thấy rất bực mình. Đừng vội quở trách cháu, đó là lúc trẻ đang khám phá. Chỉ một phần của đồ chơi sẽ trở thành một đồ chơi mới của trẻ, trẻ sẽ say sưa chơi với chúng. Hãy đổ một rổ đồ chơi lắp ghép cho trẻ chơi TC lắp ghép những gì trẻ thích, một lúc sau chúng ta sẽ thấy nào là máy bay, tàu hỏa, siêu nhân... với đủ hình thù. Đó cũng chính là ST của trẻ. TST của trẻ còn thể hiện ở chỗ: sản phẩm của TC sẽ nảy sinh những ý tưởng của trò chơi mới. Trẻ có thể đóng vai người mua hàng đi mua: ô tô, máy bay... khi sang góc xây dựng trẻ có thể làm thêm sân bay, nhà để xe... để chơi với những đồ chơi đó. Một xã hội thu nhỏ với sự tưởng tượng của trẻ.

Mặt khác, khi tham gia TC, những tính cách cần thiết của người ST cũng được hình thành như tính tự lập, chủ động, tích cực, đoàn kết, sự say mê, lòng dũng cảm, kiên trì vượt khó khăn... Khi tham gia TC, trẻ tự lựa chọn TC, tự thỏa thuận, phân công nhiệm vụ và tham gia trò khẩn trương, tích cực. Đứa trẻ lao vào cuộc chơi với tất cả lòng say mê và lòng nhiệt tình vốn có của nó. Hơn bất cứ HĐ nào, khi tham gia vào TC, đứa trẻ bộc lộ hết mình một cách tích cực, chủ động, tự lập cao bởi vì nó hấp dẫn trẻ, trẻ tự tạo ra nó, làm chủ được nó. Hơn nữa, trong hoạt động chơi của trẻ, hành động chơi xuất hiện từ nguyện vọng và hứng thú cá nhân chứ không do sự áp đặt từ phía người lớn. Trong khi chơi, trẻ tự lực làm hết mọi việc từ chọn trò chơi, bạn chơi đến việc tìm kiếm đồ chơi, đặc biệt là cố gắng suy nghĩ để khắc phục trở ngại trong quá trình chơi. Tinh thần đoàn kết, niềm vui sướng khi cùng nhau tích cực vượt qua khó khăn để đạt được kết quả chơi được bộc lộ khá rõ. Quan sát niềm vui vô bờ bến của nhóm trẻ khi chiến thắng trong TC vận động ta thấy điều đó. Có lẽ ít HĐ nào khi tham gia trẻ lại thể hiện tinh thần chủ động, tự lực, đoàn kết, kiên trì... như vậy. Một biểu hiện độc đáo của tính tự lực, độc lập, ST là sự điều chỉnh hành vi của mình khi chơi. Để phù hợp với yêu cầu của TC, trẻ phải luôn điều chỉnh hành vi của mình, đoàn kết với bạn đó không chỉ tạo cho trẻ niềm vui sướng và lòng tự tin khi chơi mà còn giúp trẻ phát huy được TST của mình trong cuộc sống sau này.

TC của trẻ thay đổi theo lứa tuổi và cùng với sự phát triển của lứa tuổi, TC chuyển từ những TC có quy tắc ẩn sang TC có quy tắc cụ thể rõ ràng. Điều này giúp TC luôn là phương tiện phát triển TST ở độ tuổi MG. Lứa tuổi MN nói chung, lứa tuổi MG nói riêng là lứa tuổi tràn ngập cảm xúc, phát triển trí tò mò, trí tưởng tượng bay bổng, khả năng liên tưởng mạnh. Vì vậy, đây là giai đoạn tối ưu, là “mảnh đất” màu mỡ nhất để gieo “mầm ST”. Trong đó, TC là phương tiện hiệu quả trong việc phát triển TST của trẻ./.

Tài liệu tham khảo

  1. Đào Thanh Âm (chủ biên). Giáo dục học mầm non (tập II, III). NXB Đại học sư phạm, H. 2010.
  2. Nguyễn Thị Hòa. Giáo dục học mầm non. NXB Đại học sư phạm, H. 2012.
  3. Vũ Hoa – Hà Sơn. Phương pháp giáo dục mới giúp trẻ thông minh, sáng tạo. NXB Hà Nội, H. 2006.
  4. Đinh Văn Vang. Tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ mầm non. NXB Đại học sư phạm, H. 2013.
  5. Trần Thị Ngọc Trâm – Lê Thu Hương – Lê Thị Ánh Tuyết (đồng chủ biên). Hướng dẫn tổ chức thực hiện chương trình giáo dục mầm non – mẫu giáo bé (3-4 tuổi). NXB Giáo dục Việt Nam, H. 2010.
  6. Trần Thị Ngọc Trâm – Lê Thu Hương – Lê Thị Ánh Tuyết (đồng chủ biên). Hướng dẫn tổ chức thực hiện chương trình giáo dục mầm non – mẫu giáo nhỡ (4-5 tuổi). NXB Giáo dục Việt Nam, H. 2010.
  7. Trần Thị Ngọc Trâm – Lê Thu Hương – Lê Thị Ánh Tuyết (đồng chủ biên). Hướng dẫn tổ chức thực hiện chương trình giáo dục mầm non – mẫu giáo lớn (5-6 tuổi). NXB Giáo dục Việt Nam, H. 2010.
  8. L.X Vygotsky. Trí tưởng tượng sáng tạo ở lứa tuổi thiếu nhi. NXB Phụ nữ, H. 1985.