Vì sao phải truyền bá kiến thức

QPTD -Chủ Nhật, 04/12/2011, 23:31 [GMT+7]

Vì sao Đảng ta kiên trì lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng?

Đại hội VI của Đảng năm 1986 đã quyết định tiến hành đổi mới trong sự nghiệp xây dựng CNXH ở nước ta, nhưng vẫn lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm nền tảng tư tưởng của Đảng. Từ Đại hội VII đến Đại hội IX, Đảng ta kiên trì lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng của Đảng. Nhờ đó sự nghiệp đổi mới của nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn về các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đối ngoại, quốc phòng – an ninh. Đến nay, nhìn chung tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân ủng hộ sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngoài những người góp ý chân thành đầy tâm huyết với sự nghiệp đổi mới của dân tộc, có một số người, trong đó có cả cán bộ của Đảng và Nhà nước, có nhà trí thức ngoài Đảng, có người nguyên là cán bộ cao cấp nay đã nghỉ hưu, đã có những bài viết thể hiện những quan điểm lệch lạc về lý luận và các kẻ thù của CNXH đã không ngớt đưa ra những luận điểm xuyên tạc các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác -Lê-nin.

Đó là luận điểm cho rằng ngày nay chủ nghĩa Mác-Lênin đã lỗi thời. Theo họ chủ nghĩa Mác - Lê-nin là sản phẩm của thế kỷ XIX, cách đây đã hơn 150 năm, thì không thể là kim chỉ nam cho hành động của chúng ta trong thời đại mới. Từ giữa thế kỷ XX, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đã và đang phát triển nhanh chóng, làm biến đổi nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội trên toàn thế giới. Chủ nghĩa tư bản vẫn tràn đầy sức sống, vẫn phát triển mạnh mẽ. Sự tan rã của CNXH ở Liên Xô và các nước Đông Âu chứng tỏ chủ nghĩa Mác - Lê-nin là một “sai lầm của lịch sử”.

Họ công khai kiến nghị Đảng ta không lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm nền tảng tư tưởng nữa. Có người nói thẳng ra rằng nên đi theo CNXH dân chủ như các nước Bắc Âu.

Ngay cả những lập luận của một số người có thiện chí với đất nước nhưng do không hiểu thấu đáo chủ nghĩa Mác-Lênin nên rơi vào quan điểm của những kẻ chống lại chủ nghĩa Mác - Lê-nin mà chúng ta đã biết từ lâu.

Kể từ khi chủ nghĩa Mác ra đời và được truyền bá rộng rãi trong giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới, những kẻ thù của chủ nghĩa Mác đã không ngớt tấn công, xuyên tạc, bôi nhọ chủ nghĩa Mác. Những bọn cơ hội xét lại đủ mọi mầu sắc đã bóp méo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, bác bỏ tính khoa học và cách mạng của nó. Từ khi cách mạng tháng Mười Nga thành công, Liên Xô, nước XHCN đầu tiên ra đời và sau đó một hệ thống các nước XHCN đã được xác lập trên thế giới, thì kẻ thù của chủ nghĩa Mác-Lênin càng điên cuồng chống phá CNXH, tìm mọi luận điệu để xuyên tạc lý luận của chủ nghĩa Mác -Lê-nin. Nhất là từ khi CNXH sụp đổ ở Liên Xô và các nước Đông Âu, thì họ reo mừng, lớn tiếng bác bỏ chủ nghĩa Mác -Lê-nin, bác bỏ CNXH.

Vậy chủ nghĩa Mác - Lê-nin là gì? Nó có lỗi thời không ? Vì sao Đảng ta vẫn kiên trì lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng ?

Như mọi người đều biết, chủ nghĩa Mác - Lê-nin không phải là một học thuyết do C. Mác và Ph.Ăng-ghen nghĩ ra, mà nó là một hệ tư tưởng được nảy sinh trong quá trình phát triển của tư duy loài người. C.Mác và Ph. Ăng-ghen đã kế thừa một cách có phê phán những thành tựu tư tưởng của loài người về cả khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội.

C. Mác và Ph. Ăng-ghen là những nhà lý luận đồng thời là những nhà hoạt động cách mạng. Các ông không phải là những nhà “hiền triết” mở lớp giảng giải, truyền bá tư tưởng của mình cho các tín đồ, mà các ông nêu ra học thuyết cách mạng, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng của quần chúng, qua đấu tranh mà tổng kết thực tiễn, rút ra lý luận để hướng dẫn đấu tranh. Các ông đã viết nhiều tác phẩm lý luận có tính chất bút chiến, phê phán những quan điểm sai trái để đề ra những nguyên lý cơ bản của học thuyết mình. V.I. Lê-nin khái quát về chủ nghĩa Mác như sau: “Chủ nghĩa Mác là hệ thống các quan điểm và học thuyết của C. Mác. C. Mác đã kế thừa và hoàn chỉnh một cách thiên tài ba trào lưu tư tưởng chủ yếu của thế kỷ XIX, thuộc ba nước tiên tiến nhất của loài người. Triết học cổ điển Đức, môn kinh tế chính trị cổ điển Anh và CNXH Pháp, gắn liền với các học thuyết cách mạng Pháp nói chung”. V.I. Lê-nin đánh giá: “Tính triệt để và tính hoàn chỉnh tuyệt vời [mà ngay cả kẻ thù của Mác cũng phải thừa nhận] của những quan điểm của ông [mà toàn bộ hợp thành chủ nghĩa duy vật biện chứng và CNXH khoa học hiện đại, tức lý luận và cương lĩnh của phong trào công nhân ở tất cả các nước văn minh trên thế giới]…”1. Chúng ta phải hiểu chủ nghĩa Mác - Lê-nin gồm cả 3 bộ phận cấu thành là: Triết học mác xít, kinh tế chính trị học mác-xít và CNXH khoa học. Những người công kích chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã xuyên tạc rằng, chủ nghĩa Mác- Lênin chỉ là học thuyết về chủ nghĩa cộng sản, họ lại đồng nhất chủ nghĩa Mác - Lê-nin với một mô hình XHCN được thực hiện ở Liên Xô và Đông Âu, cho nên khi mô hình XHCN này bị sụp đổ thì họ cho rằng chủ nghĩa Mác - Lê-nin là sai lầm nên thất bại.

Chủ nghĩa Mác- Lênin đã vươn tới đỉnh cao của tư duy nhân loại, phát hiện ra được những quy luật phát triển khách quan của cả tự nhiên và xã hội. Một học thuyết đã tìm ra được những quy luật khách quan thì nó là một khoa học, nó đã đạt tới chân lý đúng đắn thì không thể trở thành lỗi thời được. Sự phát triển của tự nhiên và xã hội chỉ chứng minh tính chân lý đó ngày càng phong phú hơn mà thôi.

Thực vậy, về triết học, C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã kế thừa hạt nhân hợp lý của phép biện chứng trong triết học của Heghen, phê phán chủ nghĩa duy tâm của ông ta, để sáng lập ra chủ nghĩa duy vật biện chứng. Đó là một thế giới quan và phương pháp luận khoa học phản ánh đúng đắn thế giới khách quan.

Trước đây, trong tác phẩm “Phép biện chứng của tự nhiên”, Ph. Ăng- ghen đã khái quát những thành tựu của khoa học tự nhiên hồi thế kỷ XIX để chứng minh cho phép biện chứng duy vật. Ngày nay, những phát minh mới về khoa học tự nhiên không hề bác bỏ phép biện chứng duy vật mà càng chứng minh tính đúng đắn và phong phú của nó.

Học thuyết của C. Mác không phải chỉ dừng lại ở chủ nghĩa duy vật biện chứng, mà Mác đã vận dụng chủ nghĩa duy vật vào việc giải thích xã hội loài người và sáng lập ra chủ nghĩa duy vật lịch sử. Đó mới là công lao sáng tạo vĩ đại của C. Mác. Trong điếu văn đọc trước mộ C. Mác năm 1883, Ph. Ăng-ghen nêu rõ là C. Mác đã cống hiến cho loài người hai phát minh vĩ đại: chủ nghĩa duy vật lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư.

Đứng trên quan điểm duy vật, C. Mác và Ph. Ăng - ghen nghiên cứu lịch sử phát triển của xã hội. Lịch sử phát triển của xã hội loài người là lịch sử của các phương thức sản xuất thay thế nhau. Lý luận về hình thái kinh tế – xã hội của chủ nghĩa Mác chứng minh sự phát triển của xã hội loài người trải qua các hình thái kinh tế – xã hội kế tiếp nhau. Sự phát triển đó tuân theo quy luật: quan hệ sản xuất phải phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất. Đó là một quy luật khách quan của xã hội loài người. Không thể nói rằng đến thời đại ngày nay quy luật này không tác động nữa. Vấn đề chỉ có thể đặt ra là ngày nay sự tác động qua lại giữa hai mặt quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất có những đặc điểm cụ thể khác với ở thế kỷ XIX mà C.Mác và Ph.Ăng ghen đã khái quát thực tiễn thời bấy giờ. Những người mác-xít phải vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào hoàn cảnh cụ thể của nước mình và thời đại mình vì chủ nghĩa Mác - Lê-nin không phải là giáo điều mà chỉ là kim chỉ nam cho hành động.

Trước đây, ở thế kỷ XIX C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã phát hiện ra mâu thuẫn giữa tính chất xã hội của lực lượng sản xuất với tính chất chiếm hữu tư nhân của quan hệ sản xuất trong các nước tư bản. Ngày nay, trong nền kinh tế tri thức, toàn cầu hóa, với tình trạng phân hóa giầu nghèo trong từng nước và nước giầu, nước nghèo thì mâu thuẫn nói trên càng tác động với mức độ sâu sắc, gay gắt hơn rất nhiều trong từng nước và trên phạm vi toàn thế giới.

Về chủ nghĩa xã hội, C. Mác và Ph. ăng- ghen đã phê phán CNXH không tưởng ở Pháp, Anh hồi thế kỷ XIX và đề ra những nét cơ bản của CNXH khoa học. Chúng ta không thể đòi hỏi chủ nghĩa Mác vạch ra một mô hình cụ thể về CNXH, vì nó là một khoa học, khái quát thực tiễn để đề ra lý luận. C. Mác và Ph. Ăng- ghen không thể nghĩ ra một cách chủ quan những chi tiết về CNXH khi CNXH chưa được thực hiện ở một nơi nào trên thế giới. Phân tích xã hội tư bản hiện tồn, phê phán những tệ nạn mà nó gây ra, C. Mác và Ph. Ăng-ghen khẳng định xã hội loài người tất yếu sẽ tiến lên CNXH và chủ nghĩa cộng sản.

Theo phương pháp phân tích khoa học của C. Mác và Ph. Ăng-ghen chỉ có thể nêu lên những nguyên lý cơ bản. Còn về việc thiết lập các hình thức quản lý kinh tế cụ thể và các thể chế chính trị, xã hội của CNXH như thế nào thì phải chờ có thực tiễn thì mới khái quát thành lý luận được.

Những người mác-xít phải vận dụng những nguyên lý cơ bản đó vào điều kiện cụ thể từng nước, trong thời đại của mình một cách sáng tạo để giành thắng lợi cho cách mạng và xây dựng dần từng bước CNXH tiến lên chủ nghĩa cộng sản.

V.I.Lê-nin, người học trò trung thành và kiệt xuất của chủ nghĩa Mác, đã vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác vào thực tiễn nước Nga, lãnh đạo Đảng cộng sản Nga làm cuộc cách mạng tháng Mười năm 1917 thắng lợi và bắt đầu xây dựng CNXH ở Liên Xô, nước XHCN đầu tiên trên thế giới.

Trong những năm đầu khi cách mạng mới thành công, do phải tiến hành cuộc nội chiến chống thù trong giặc ngoài, Đảng cộng sản Nga đã thực hiện chính sách cộng sản thời chiến. Nhưng sau khi hòa bình được lập lại, đứng trước nền kinh tế kiệt quệ sau chiến tranh, V.I. Lê-nin đã kịp thời đưa ra chính sách kinh tế mới [NEP]. Đó là sự vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác. Chính sách kinh tế mới thực hiện một nền kinh tế gồm 5 thành phần, cho phép thành phần kinh tế tư bản tư nhân được tồn tại và phát triển ở một mức độ nhất định. Thậm chí còn cho phép các nhà tư bản nước ngoài đầu tư vào nước Nga, thực hiện chính sách tô nhượng,v.v., Như vậy là V.I. Lê-nin đã tuân theo quy luật “ Quan hệ sản xuất phải phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất” mà chủ nghĩa Mác đã phát hiện ra.

Từ năm 1921 đến năm 1924, nền kinh tế của Liên Xô đã được phục hồi và phát triển. Tiếc rằng sau khi V.I. Lê-nin mất, những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô đã thay chính sách kinh tế mới bằng chính sách cải tạo XHCN để xóa bỏ nhanh chế độ tư hữu, thực hiện chế độ công hữu tràn lan một cách vội vàng, mong xây dựng nhanh chóng chế độ XHCN. Chúng ta không phủ nhận những thành tựu nhất định của mô hình XHCN xô-viết. Nhưng mô hình này đã bộc lộ những nhược điểm rõ rệt là từ những năm 70 của thế kỷ XX khi nền kinh tế của các nước XHCN chậm phát triển so với các nước tư bản phương tây.

Các Đảng Cộng sản ở các nước XHCN đã phạm sai lầm rơi vào chủ quan, duy ý chí, nóng vội, không vận dụng đúng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác -Lê-nin về CNXH. Thực vậy, ngay từ năm 1847, Ph.Ăng-ghen viết: “Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản” đã nói rõ là không thể thủ tiêu ngay chế độ tư hữu được khi chế độ tư hữu còn có tác dụng tích cực trong việc phát triển sản xuất, khi lực lượng sản xuất chưa phát triển cao đến trình độ thỏa mãn được mọi nhu cầu của loài người.

Với câu hỏi: Có thể thủ tiêu chế độ tư hữu ngay lập tức được không? Ph. Ăng-ghen trả lời dứt khoát là: “Không, không thể được, cũng y như không thể làm cho lực lượng sản xuất hiện có tăng lên ngay lập tức đến mức cần thiết để xây dựng một nền kinh tế công hữu. Cho nên cuộc cách mạng giai cấp vô sản đang có tất cả những triệu chứng là sắp nổ ra sẽ chỉ có thể cải tạo xã hội hiện nay một cách dần dần và chỉ khi nào đã tạo nên được một khối lượng tư liệu sản xuất cần thiết cho việc cải tạo đó thì khi ấy mới thủ tiêu được chế độ tư hữu”2.

Đứng trước tình trạng nền kinh tế trì trệ, những người lãnh đạo sau này của Liên Xô đã tiến hành cuộc “cải tổ”. Song họ lại rơi vào chủ nghĩa cơ hội xa rời chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Đồng thời bọn đế quốc lại thi hành âm mưu “diễn biến hòa bình”. Cho nên chế độ XHCN ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ nhanh chóng vào năm 1989 và 1991.

ở nước ta, đồng chí Nguyễn ái Quốc, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh, thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lê-nin, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn nước ta, đã cùng Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn dân tộc thực hiện thành công cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 và chiến thắng trong hai cuộc chiến tranh chống đế quốc Pháp, Mỹ xâm lược, giành độc lập thống nhất cho Tổ quốc và xây dựng CNXH ở nước ta. Chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu về các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đối ngoại, quốc phòng-an ninh trong công cuộc xây dựng đất nước. Nhưng xuất phát từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, Đảng ta lại xây dựng CNXH rập theo mô hình CNXH ở Liên Xô, cho nên đã phạm sai lầm chủ quan, nóng vội không theo đúng quy luật khách quan.

Vì thế, ở nước ta có thời kỳ đã có quan điểm cho rằng, quan hệ sản xuất có thể đi trước lực lượng sản xuất để mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển, cho rằng phải giải quyết mâu thuẫn giữa quan hệ sản xuất tiên tiến với lực lượng sản xuất lạc hậu thì sẽ xây dựng được CNXH.

Sau này, khi tiến hành công cuộc đổi mới, rút kinh nghiệm về sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô và Đông Âu, Đảng ta đã nhận định lại là quan hệ sản xuất đi trước hay đi sau cũng đều cản trở sự phát triển của lực lượng sản xuất, mà phải xác lập cho được sự phù hợp của quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất trong từng bước đi cụ thể của cách mạng.

Chúng ta tiến hành công cuộc đổi mới chính là làm theo chính sách kinh tế mới của V.I. Lê-nin và vận dụng đúng đắn hơn những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào thực tiễn nước ta. Vững tin vào tính chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, cho nên Đảng ta kiên trì lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng cho Đảng. Thực vậy, chủ nghĩa Mác - Lê-nin là một học thuyết cách mạng và khoa học đã được giai cấp công nhân và nhân dân tiến bộ trên thế giới thừa nhận. Gần đây, chương trình “Thời đại chúng ta” trên sóng phát thanh Rađio4 tại Anh đã tổ chức cuộc thăm dò xã hội bình chọn triết gia vĩ đại nhất của nhân loại. Khoảng hơn 30 nghìn người Anh và các nước tham gia cuộc bình chọn này. Trong số 20 triết gia vĩ đại được giới thiệu, C.Mác được bình chọn là triết gia vĩ đại nhất của nhân loại từ trước tới nay, bởi những cống hiến khoa học xuất sắc của ông. Giáo sư Andrew Chitty thuộc trường Đại học Tổng hợp Sussex ở Anh, một chuyên gia hàng đầu nghiên cứu học thuyết Mác, cho rằng, xã hội hiện đại vẫn cần tiếp tục đánh giá chủ nghĩa Mác như một hệ thống triết học nghiêm túc nhất của loài người.

GS. Ngô Thành Dương

1- V.I.Lê-nin - Toàn tập, Tập 26, Nxb Tiến bộ, M. 1980, tr.59

1- C.Mác và Ph.Ăng-ghen - Toàn tập, Tập 4, tr. 459.

Video liên quan

Chủ Đề