Vị trí, chức năng vai trò của Nhà nước trong hệ thống chính trị

Phân tích vị trí, vai trò của nhà nước trong hệ thống chính trị

1 – Hệ thống chính trị là gì?

Nhà nước là gì?

Nhà nước là tổ chức quyền lực đặc biệt của xã hội, bao gồm một lớp người được tách ra từ xã hội để chuyên thực thi quyền lực, nhằm tổ chức và quản lý xã hội, phục vụ lợi ích chung của toàn xã hội cũng như lợi ích của lực lượng cầm quyền.

Hệ thống chính trị là gì?

Hệ thống chính trị là tổng thể các tổ chức chính trị, chính trị – xã hội trực tiếp nắm giữ hoặc tham gia thực thi quyền lực chính trị, có mối liên hệ mật thiết với nhau dưới sự lãnh đạo của một đảng hoặc một liên minh các đảng phái chính trị nhằm thực hiện các mục tiêu chính trị của lực lượng cầm quyền.

2 – Phân tích vị trí, vai trò của nhà nước trong hệ thống chính trị

– Vị trí: Nhà nước ở vị trí trung tâm của hệ thống chính trị, nơi hội tụ của đời sống chính trị xã hội. Nhà nước có quan hệ mật thiết với tất cả các tổ chức khác trong hệ thống chính trị, thu hút các tổ chức đó về phía mình.

– Vai trò: Nhà nước có vai trò đặc biệt quan trọng, mang tính quyết định trong hệ thống chính trị. Nhà nước quyết định sự ra đời, tồn tại và phát triển của hệ thống chính trị; quyết định bản chất, đặc trưng, vai trò của hệ thống chính trị. Nhà nước chi phối tất cả các tổ chức khác trong hệ thống chính trị, nó có thể cho phép thành lập hoặc làm mất đi một tổ chức nào đó trong hệ thống chính trị. Nhà nước là công cụ hữu hiệu nhất để thực hiện, củng cố, bảo vệ lợi ích, quyền và địa vị thống trị, lãnh đạo của giai cấp thống trị hay lực lượng cầm quyền; để tổ chức, quản lý, xây dựng và phát triển xã hội.

3 – Nguyên nhân hình thành vị trí, vai trò của nhà nước

Sở dĩ nhà nước có vị trí, vai trò đó là vì so với các tổ chức khác trong hệ thống chính trị, nhà nước có những ưu thế sau:

Nhà nước là sản phẩm thắng lợi của cuộc cách mạng xã hội do giai câp cầm quyền lãnh đạo, nhằm xoá bỏ chê độ cũ, thiết lập chế độ mới

Hệ thống chính trị được hình thành cùng với sự hình thành của nhà nước tư sản nên chỉ trong xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội xã hội chủ nghĩa mới có hệ thống chính trị. So với các tổ chức khác trong hệ thống chính trị, nhà nước được xây dựng, bảo vệ, củng cố và phát triển trên nền tảng xã hội rộng lớn nhất. Cơ sở xã hội của nhà nước là mọi tổ chức và cá nhân trong xã hội… Cơ sở xã hội của các tổ chức khác chỉ là một bộ phận của dân cư.

Nhà nước là tổ chức đại diện chính thức, hợp pháp cho toàn thế xã hội, nhân danh xã hội để thực hiện việc tổ chức và quản lý hầu hết các mặt của đời sống xã hội

Nhà nước là tổ chức do nhân dân thành lập, đại diện và thực hiện quyền lực của nhân dân nên chỉ nhà nước mới là đại diện chính thức cho toàn xã hội, có chức năng tổ chức và quản lý xã hội để thiết lập trật tự xã hội, vì sự phát triển chung của xã hội.

Nhà nước có quyền lực công khai và có phạm vi tác động rộng lớn nhất trong hệ thống chính trị, bao trùm lên toàn xã hội, tới mọi cá nhân, tổ chức, mọi miền lãnh thổ và các lĩnh vực hoạt động cơ bản của xã hội

Để thực hiện quyền lực của mình, nhà nước có bộ máy hùng mạnh nhất, bao gồm một hệ thống các cơ quan nhà nước từ trung ương tới địa phương, trong đó có cả các cơ quan bạo lực như quân đội, cảnh sát để bảo đảm cho việc thực hiện quyền lực nhà nước.

Nhà nước có pháp luật, công cụ quản lý xã hội có hiệu quả nhất

Pháp luật là hệ thống quy tắc xử sự mang tính bắt buộc phải tôn trọng hoặc thực hiện đối với tất cả các tổ chức và cá nhân trong xã hội. Pháp luật do nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện bằng tất cả sức mạnh của mình, trong đó có sức mạnh cưỡng chế. Nhà nước sử dụng toàn bộ sức mạnh vật chất, tinh thần của mình để tổ chức thực hiện pháp luật và bảo vệ pháp luật. Khi cần thiết, nhà nước sử dụng sức mạnh bạo lực của mình để đảm bảo cho pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh trong cuộc sống, nhờ vậy, các quy định của pháp luật có thể được triển khai và thực hiện một cách rộng rãi trong toàn xã hội, do đó, các chính sách của nhà nước có thể trở thành hiện thực trong xã hội.

Quy định của các tổ chức khác chỉ có giá trị bắt buộc phải tôn trọng và thực hiện đối với các hội viên trong tổ chức, đồng thời chỉ được đảm bảo thực hiện bằng sự tự giác của các hội viên và các hình thức kỷ luật của tổ chức, nên sức mạnh và hiệu quả thấp hơn pháp luật. Các tổ chức khác chỉ được nêu sáng kiến xây dựng pháp luật khi được nhà nước cho phép.

Nhà nước là tổ chức duy nhất trong hệ thống chính trị nắm giữ và thực hiện chủ quyền quốc gia

Trong hệ thống chính trị chỉ nhà nước mới có quyền cho phép các tổ chức khác trong hệ thống chính trị được thành lập hoặc được tồn tại và hoạt động một cách hợp pháp, chỉ nhà nước mới có toàn quyền xác định và thực hiện các đường lối, chính sách đối ngoại của mình. Do đó, chỉ nhà nước mới đủ khả năng huy động mọi tiềm năng trong nước, mọi sự hợp tác và hỗ trợ quốc tế vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Nhà nước có sức mạnh vật chất to lớn nhất, vì vậy nhà nước có đầy đủ các phương tiện vật chất cần thiết để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

Nhà nước có quyền thu thuế, phát hành tiền, quốc trái và là chủ sở hữu lớn nhất trong xã hội nên nó có sức mạnh vật chất to lớn, không chỉ có thể trang trải cho các hoạt động của nó và của xã hội mà còn có thể hỗ trợ một phần kinh phí hoạt động cho một số tổ chức khác trong hệ thống chính trị.

 Vai trò của nhà nước trong hệ thống chính trị? Tại sao Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII xác định: ” Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị” [5 Điểm].

Bài làm

Là tổ chức quyền lực thực hiện ý chí và quyền lực của nhân dân, thay mặt nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân quản lý toàn bộ các mặt của đời sống xã hội, chịu sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, thực hiện đường lối chính trị của giai cấp công nhân, thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Là thành viên của hệ thống chính trị, là trụ cột của hệ thống chính trị ở Việt Nam, là công cụ thể hiện ý chí và quyền lực của nhân dân, là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân

Vai trò

Trong hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay, Nhà nước đóng vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Vì đó là thiết chế biểu hiện tập trung nhất quyền lực nhân dân và là công cụ hữu hiệu nhất để thực hiện quyền lực ấy.

Không những đứng ở vị trí trung tâm của hệ thống chính trị mà Nhà nước còn là người đại diện chính thức cho các giai cấp và tầng lớp trong xã hội. Điều đó làm cho Nhà nước có một cơ sở xã hội rộng rãi để có thể triển khai nhanh chóng và thực hiện tốt những quyết định, chính sách của mình. Nhà nước cũng là chủ thể của quyền lực chính trị, là tổ chức chính trị thể hiện tập trung nhất quyền lực nhân dân; có sức mạnh cưỡng chế toàn diện, ban hành và sử dụng pháp luật để quản lý các quá trình xã hội. Nhờ có pháp luật, mọi chủ trương, chính sách của Nhà nước được triển khai một cách rộng rãi và thống nhất trên quy mô toàn xã hội.

Nhà nước cũng có đầy đủ các phương tiện vật chất cần thiết để thực hiện vai trò của mình. Nhà nước còn là chủ sở hữu tối cao đối với những tư liệu sản xuất quan trọng nhất của xã hội. Bằng việc nắm giữ các tư liệu sản xuất đó, Nhà nước thực hiện việc điều tiết vĩ mô đối với nền kinh tế, đảm bảo cho nó phát triển vì lợi ích của nhân dân.

Nhà nước nắm giữ nguồn tài chính và cơ sở vật chất to lớn, bảo đảm cho hoạt động của bộ máy nhà nước và của các tổ chức chính trị xã hội khác. Nhà nước có quyền tối cao trong việc quyết định những vấn đề đối nội và đối ngoại của đất nước. Những quan hệ quốc tế trong lĩnh vực chính trị và kinh tế càng làm cho Nhà nước có vai trò nổi bật hơn trong các quan hệ đối nội, giúp Nhà nước củng cố và phát triển các quan hệ đó trong một thể thống nhất.

Quyền lực Nhà nước là thống nhất có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp

+ Cơ quan lập pháp

Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Là  cơ quan do nhân dân trực tiếp bầu ra, là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp

Quốc hội quyết định những chính sách cơ bản về đối nội, đối ngoại, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội…..quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao với toàn bộ hoạt động của Nhà nước

+ Cơ quan hành pháp

Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính cao nhất của nước CHXHCNVN, chịu trách nhiệm trước quốc hội và phải báo cáo công tác với quốc hội. Chính phủ thống nhất việc quản lý việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại.

+ Cơ quan tư pháp: bao gồm Tòa án nhân dân ,Viện kiểm sát nhân dân và  các cơ quan điều tra

Đây là những cơ quan được thành lập ra để xử lý những tổ chức và cá nhân vi phạm pháp luật, bảo đảm việc thực thi pháp luật một cách nghiêm minh, chính xác

Tòa án nhân dân là cơ quan nhân danh nhà nước, thể hiện thái độ và ý chí của Nhà nước trước các vụ án thông qua hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật

VKSND là cơ quan đảm bảo cho pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh, bảo đảm việc xét xử đúng người đúng tội. Thực hiện các quyền khởi tố, kiểm sát các hoạt động điều tra, truy tố.

Do đó, cùng với việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, Nhà nước cũng đang tập trung đẩy mạnh các hoạt động tổ chức thực hiện pháp luật, cải cách nền hành chính nhà nước, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, thực sự là của dân, do dân, vì dân

Tại sao Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII xác định: ” Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”  

Xuất phát từ, vị trí vai trò của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo

Vị trí

Là thành viên của hệ thống chính trị, là trụ cột của hệ thống chính trị ở Việt Nam, là công cụ thể hiện ý chí và quyền lực của nhân dân, là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân

Vai trò

Nhà nước có vai trò trong việc quản lý các mặt của đời sống xã hội như kinh tế văn hóa, xã hội, quốc phòng – an ninh

– Nhà nước vừa là cơ quan quyền lực, vừa là bộ máy hành chính, vừa là tổ chức quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội của nhân dân.

– Nhà nước thể chế hóa những quan điểm chủ trương của Đảng thành Hiến pháp và pháp luật, nhà nước thực hiện việc quản lý xã hội thông qua hệ thống pháp luật.

Xuất phát từ thực trạng xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam hiện nay

Thời gian qua, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam có tiến bộ trên cả ba lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp. Sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc – một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam ở bất kỳ giai đoạn nào, đã được phát huy ở mọi cấp, mọi ngành. Dân chủ ngày càng được mở rộng. Dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu vừa là động lực của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Quốc hội đã có nhiều đổi mới quan trọng, tập trung vào thực hiện chức năng lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và quyền giám sát tối cao. Điều này được thể hiện rất rõ ở cách thức Quốc hội lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng và ban hành pháp luật. Thông qua hình thức dân chủ trực tiếp và gián tiếp, nhân dân được tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Cơ cấu và hoạt động của bộ máy hành pháp, tư pháp được phân định ngày càng rõ ràng, cụ thể hơn và có nhiều chuyển biến tích cực. Với Quy chế dân chủ ở cơ sở, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội ngày càng có hiệu quả thông qua các cuộc vận động xã hội đầy ý nghĩa, thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đã đạt được thì việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân trên thực tế vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và yếu kém: “Tổ chức và hoạt động của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân còn một số khâu chậm đổi mới. Quốc hội còn lúng túng trong việc thực hiện chức năng giám sát. Bộ máy quản lý nhà nước các cấp, nhất là ở cơ sở còn yếu kém. Tình trạng nhũng nhiễu, cửa quyền, thiếu trách nhiệm ở một bộ phận công chức, nhất là ở các cơ quan trực tiếp giải quyết công việc của dân và doanh nghiệp, chậm được khắc phục. Mô hình tổ chức chính quyền địa phương, nhất là tổ chức hội đồng nhân dân, còn những điểm bất hợp lý. Cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở nhiều nơi còn mang tính hành chính, hình thức. Dân chủ trong xã hội còn bị vi phạm. Kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi không nghiêm”. Hơn nữa, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đối với nhân dân còn hạn chế.

 Từ những lý do trên Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII xác định: ” Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”

Khắc Niệm

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề