Ý nghĩa của việc nghiên cứu nguồn gốc tôn giáo

Mục lục bài viết

  • 1. Nguồn gốc nhận thức
  • 2. Về nguồn gốc xã hội
  • 3. Quan điểm của V.I Lênin về vài trò của tôn giáo trong xã hội.
  • 4. Quan điểm của V.I Lênin về thái độ của Nhà nước đối với tôn giáo
  • 5. Quan điểm của V.I Lênin về thái độ của Đảng cộng sản đối với tôn giáo

1. Nguồn gốc nhận thức

Trong “CNXH và tôn giáo”, Lênin chỉ ra sự bất lực của những người dã man trong cuộc đấu tranh chống thiên nhiên đẻ ra lòng tin vào thần thánh, ma quỷ, vào những phép mầu nhiệm.

Trong chương II mục 4 của “Lý luận nhận thức…”, Lênin chỉ ra, chính quan điểm sai tận gốc của chủ nghĩa duy tâm cho rằng “xét đến cùng tính khách quan của những vật thể vật lý, mà chúng ta gặp trong kinh nghiệm của chúng ta, là dựa vào sự kiểm tra lẫn nhau và sự xét đoán ăn khớp với nhau của những người khác nhau. Nói chung, thế giới vật lý tức cái kinh nghiệm ăn khớp về mặt xã hội, hài hòa về mặt xã hội. Tóm lại, là cái kinh nghiệm được tổ chức về mặt xã hội” dẫn họ đến chủ nghĩa tín ngưỡng (phê phán chủ nghĩa Ma Khơ) – dù họ có phủ định chủ nghĩa tín ngưỡng. Đây là nguồn gốc nẩy sinh các giáo lý tôn giáo.

Trong chương III mục 3 của “Lý luận nhận thức…”, trong khi phê phán chủ nghĩa Ma Khơ ở Nga, Lênin chỉ ra, chính chủ nghĩa bất khả tri của Cant, Hium trong vấn đề tính nhân quả mà những người theo chủ nghĩa Ma Khơ lập lại, là một trong những nguồn gốc nhận thức của tôn giáo.

Trong chương III, mục 5 của “Lý luận nhận thức…”, Lênin viết:

“Cũng như tất cả những người theo phái Ma Khơ, Badarốp đã lạc đường khi lẫn lộn tính khả biến của những khái niệm của con người về không gian và thời gian, tính chất hoàn toàn tương đối của những khái niệm ấy với tính bất biến của cái sự thật này là: Con người và giới tự nhiên chỉ tồn tại trong không gian và thời gian, còn những vật ở ngoài thời gian và không gian được bọn thầy tu tạo ra và được duy trì bởi óc tưởng tượng của quần chúng dốt nát và bị áp bức thì chỉ là sản phẩm của một ảo tưởng ốm yếu, những mánh khóe lừa bịp của chủ nghĩa duy tâm triết học, sản phẩm vô dụng của một chế độ xã hội xấu xa”.

Vậy phủ định tính thực tại khách quan của thế giới và không gian, thời gian là một nguồn gốc nhận thức của tôn giáo. Bởi lẽ, không gian, thời gian là hình thức tồn tại của vật chất.

Trong mục 8 “Cuộc cách mạng mới nhất trong khoa học tự nhiên” Lênin chỉ rõ, chính tình trạng không hiểu phép biện chứng, mà phương pháp siêu hình trong các khoa học tự nhiên đã dẫn các nhà khoa học này đến với chủ nghĩa duy tâm, đến với tôn giáo.

Tài liệu tham khảo: V.I Lênin toàn tập, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1978-1981, Tập 12, tr 169-171; Tập 17, tr 515, 517; Tập 18, tr 145, 199, 200, 222, 223, 381, 382; Tập 29, tr 385, 393.

2. Về nguồn gốc xã hội

Trong tác phẩm “CNXH và tôn giáo” Lênin chỉ rõ, chừng nào và bất cứ đâu quần chúng nhân dân còn bị áp bức về mặt tinh thần và còn phải khốn khổ, bần cùng, cô độc và phải lao động cho người khác hưởng đều làm cho tôn giáo nảy sinh.

+ Sự bất lực của giai cấp bị bóc lột trong cuộc đánh chống giai cấp bóc lột đẻ ra lòng tin vào một cuộc đời tốt đẹp hơn ở thế giới bên kia, tin vào thần thánh, vào ma quỷ và những phép màu.

+ Tình trạng nô lệ về mặt kinh tế là nguồn gốc thực của sự mê hoặc nhân loai bằng tôn giáo.

Trong “Bút ký triết học” Lê nin chỉ ra “cảm giác về sự phụ thuộc là cơ sở của tôn giáo” , cái chết làm nẩy sinh sự sợ hãi, lòng tin vào thượng đế – nguồn gốc tâm lý xã hội.

+ Tính ích kỷ theo nghĩa triết học, là gốc rễ của tôn giáo.

+ Gia cốp Bômơ là “người hữu thần duy vật”, không những ông thần thánh hóa tinh thần, mà ông còn thần thánh hóa cả vật chất nữa. Ở ông thượng đế có tính vật chất – chủ nghĩa thần bí của ông là ở chỗ đó. “Ở chỗ nào con mắt nhìn đến và bàn tay mò đến thì chỗ đó các thần thánh không tồn tại nữa”. Như vậy, nếu thần thánh hóa vật chất và thực sự chỉ lệ thuộc vào vật chất là nguồn gốc xã hội của tôn giáo.

+ Khi lý tưởng của con người không hướng tới sự phù hợp với giới tự nhiên, mà hướng tới lý tưởng siêu tự nhiên, khi đó tôn giáo nẩy sinh.

+ Sự phiến diện, cứng nhắc, thấy cây mà không thấy rừng, chủ nghĩa chủ quan và mù quáng chủ quan sẽ dẫn đến chủ nghĩa duy tâm và là nguồn gốc của tôn giáo.

+ Trong tôn giáo cũng như trong nền dân chủ, chúng ta đều thấy có nguyện vọng chung là giải phóng. Nhưng chúng ta thấy rằng, về mặt này, dân chủ đi xa hơn và tìm sự giải phóng không phải trong tinh thần, mà chính trong xác thịt, trong hiện thực vật chất, thực tế, nhờ tinh thần của con người19 – Nếu chỉ hướng sự giải phóng con người đến sự giải phóng tinh thần, thì đó là nguồn gốc xã hội cho tôn giáo nẩy sinh. Chính trị phi kinh tế tự nó làm nhục nó.

Tình trạng nô lệ về mặt kinh tế, đó là nguồn gốc thật sự của sự mê hoặc nhân loại bằng tôn giáo.

Tài liệu tham khảo: V.I. Lênin toàn tập, Nxb Tiến bộ, M1978-1981, Tập 12, tr 169-171, 175. Tập 17, tr 513-516. Tập 18, tr 145, 222, 223, 382. Tập 26, tr 363. Tập 29, tr 51, 52, 62-66, 385, 446. Tập 37, tr 221.

3. Quan điểm của V.I Lênin về vài trò của tôn giáo trong xã hội.

Trong xã hội tư bản, sự áp bức chủ nghĩa về mặt kinh tế, gây nên và đẻ ra mọi hình thức áp bức chính trị đối với quần chúng, làm cho đơn vị xã hội của quần chúng thấp kém đi, đời sống tinh thần và đạo đức của quần chúng mê muội và tối tăm thì tôn giáo là một trong những hình thức áp bức về mặt tinh thần:

+ Với người lao khổ, tôn giáo dạy họ phải cam chịu, phải nhẫn nhục ở trần gian để khi nhắm mắt xuôi tay sẽ được đền đáp ở thiên đường.

+ Với kẻ thống trị, tôn giáo dạy họ làm việc thiện ở thế gian để biện hộ một cách rẻ tiền cho toàn bộ cuộc đời bóc lột của họ; tôn giáo bán rẻ cho họ những tấm thẻ để lên thiên đường của người hạnh phúc.

+ Tôn giáo làm cho người nô lệ mất phẩm cách con người và quên hết những điều đòi hỏi để được sống một cuộc đời đôi chút xứng đáng với con người.

+ Tôn giáo là sự mê hoặc nhân loại đối với quần chúng bị nô lệ về mặt kinh tế.

Đạo Công giáo cũng là một kinh nghiệm được tổ chức một cách xã hội; chỉ có điều là đạo ấy không phản ánh chân lý khách quan mà phản ánh việc một số giai cấp xã hội nhất định lợi dụng sự ngu dốt của nhân dân.

Trong “Vở Bê ta“ Lê nin nói về tính hai mặt của tôn giáo: “Có khả năng có một phong trào Đạo Hồi vĩ đại” ở Châu Phi, phong trào này vừa cách mạng vừa phản động.

Đối với chủ nghĩa đế quốc tôn giáo có vai trò lóa mắt lên vì những hào quang thật hay giả của lòng dũng cảm chiến đấu mà chủ nghĩa sô-vanh cho đó là “lòng yêu nước kiểu đặc biệt”. Họ dùng tôn giáo để đẩy người ta lên thành một sự điên cuồng hoặc là một tội ác bất kỳ nào đó – Tử vị đạo bởi chính dục vọng bàng quan của chủ nghĩa sô vanh hiếu chiến (Vở Cáp Pa).

Trong chủ nghĩa đế quốc, dục vọng bàng quan của chủ nghĩa sô- vanh hiếu chiến của tư bản tài chính đối với nhà thờ, chính là sự củng cố uy tín của nhà thờ và sự thiết lập sự kiểm soát tinh thần của nhà thờ đối với quảng đại quần chúng các bộ lạc hạ đẳng – Có thể thấy điều này ở Việt Nam dưới thời Ngô Đình Diệm.

Ở Anh, các giáo phái Anh giáo thường dựa vào các giai cấp trung gian và một phần công nhân lớp trên để thần thánh hóa sự cướp bóc.

Lợi dụng truyền giáo để cướp bóc thuộc địa.

Sự phát triển mạnh của Đạo Hồi ở vùng Tác ta vừa có tác dụng phát triển văn hóa ở vùng này, đồng thời sự liên kết của họ với người theo Đạo Hồi ở Tuốc kê xtan, Trung Quốc, Ấn Độ trong chủ nghĩa Liên Hồi là một sự nổi loạn, là mối lo ngại của chính phủ Nga.

Lê nin cũng chỉ ra tính hai mặt của tôn giáo khi trích dẫn “Các cha cố đạo Cơ Đốc nói về chiến tranh rằng, các cha cố Pháp lo lắng vì chiến tranh xẩy ra sẽ dẫn châu Âu đến kiệt quệ, các ông khêu gợi lòng yêu nước của mỗi người và vì sự nhân từ của chúa (cha của mọi con chiên), và vì chúa ở trong lòng mọi người, mà không tiến hành chiến tranh, nhưng các cha cố người Đức cũng vận dụng lý do đó mà tán thành chiến tranh do Đức khởi xướng.

Tài liệu tham khảo: V.I Lênin toàn tập, Tập 12, tr 169-175. Tập 18, tr 281-282. Tập 28, tr 109, 511, 512, 542, 543, 552, 553, 636, 649, 661- 663.

4. Quan điểm của V.I Lênin về thái độ của Nhà nước đối với tôn giáo

– Phải tách Giáo hội ra khỏi Nhà nước. Tôn giáo phải được tuyên bố là một việc của tư nhân đối với Nhà nước, Nhà nước không dính đến tôn giáo, các đoàn thể tôn giáo không được dính đến chính quyền Nhà nước.

Bất cứ ai cũng được quyền tự do theo hoặc không theo bất cứ một tôn giáo nào đó. Không phân biệt quyền lợi giữa công dân có tín ngưỡng tôn giáo với các công dân khác. Trong các văn kiện chính thức của Nhà nước phải vứt bỏ thậm chí mọi sự nhắc đến tôn giáo nào đó của công dân.

Nhà nước không chi bất cứ một khoản phụ cấp nào cho quốc giáo cũng như cho các đoàn thể tôn giáo, giáo hội. Các đoàn thể tôn giáo hoàn toàn độc lập với chính quyền… Phải triệt để thực hiện điều này để tránh và chấm dứt sự nhục nhã khi giáo hội phụ thuộc vào Nhà nước, và tồn tại tòa án của giáo hội đã truy tố công dân về tội vô thần hay tín ngưỡng, cưỡng bức lương tâm con người; nhằm đập tan mọi sự liên kết giữa giáo hội và Nhà nước tước mất quyền tự do của con người.

– Xóa bỏ tôn giáo không phải bằng cách tuyên chiến với tôn giáo, mà bằng phát triển kinh tế, tuyên truyền thế giới quan khoa học, xóa bỏ tình trạng nô lệ về kinh tế. Lênin không cấm những tín đồ tôn giáo và những người tin ở tôn giáo gia nhập Đảng.

– Một khi tín ngưỡng tôn giáo trở thành tôn giáo Nhà nước thì người ta sẽ quên ngay “những điều ngây thơ” của tôn giáo lúc sơ khai với tinh thần dân chủ cách mạng của nó.

– Đối với Nhà nước, tôn giáo chỉ là việc tư nhân. Điều đó không có nghĩa đối với Đảng thì tôn giáo là việc tư nhân. Làm như thế là hạ thấp Đảng của giai cấp công nhân xuống trình độ của người thị dân “có tư tưởng tự do tầm thường nhất” – Hạng này sẵn sàng không theo bất cứ tôn giáo nào, nhưng lại cự tuyệt không chấp hành nhiệm vụ đấu tranh theo lập trường của Đảng để chống thứ thuốc phiện tôn giáo mê hoặc nhân dân.

– Cho đến nay, hôn nhân có tính chất tôn giáo vẫn thịnh hành mà phụ nữ là người gánh chịu hậu quả của tệ nạn đó. Đấu tranh chống tệ nạn này còn khó hơn đấu tranh chống lại pháp chế cũ. Đấu tranh chống các thành kiến tôn giáo phải cực kỳ thận trọng. Trong cuộc đấu tranh này, ai làm tổn thương đến tình cảm tôn giáo, người đó sẽ gây thiệt hại lớn. Phải đấu tranh bằng tuyên truyền giáo dục, nếu hành động thô bạo sẽ làm cho quần chúng tức giận, sẽ gây thêm chia rẽ trong quần chúng về vấn đề tôn giáo. Nguồn gốc sâu xa nhất của thành kiến tôn giáo là cùng khổ và dốt nát. Chính điều đó mà chúng ta cần phải đoàn kết và đấu tranh.

Tài liệu tham khảo: V.I Lênin toàn tập, Nxb Tiến Bộ, Maxcova 1979, Tập 10, tr 14, 15. Tập 12, tr 170 – 173, 175. Tập 17, tr 511, 513, 520, 522, 525, 526. Tập 33, tr 53, 93. Tập 37, tr 221).

5. Quan điểm của V.I Lênin về thái độ của Đảng cộng sản đối với tôn giáo

– Lênin tuyên bố: Người cộng sản đấu tranh đòi cho mỗi người có toàn quyền tự do theo tôn giáo nào mà mình thích, không những thế mà mỗi người đều có quyền truyền bá bất kỳ tôn giáo nào hoặc thay đổi tôn giáo. Vấn đề tín ngưỡng không một ai được can thiệp. Không một tôn giáo nào hay giáo đường nào có địa vị thống trị cả. Mọi tôn giáo, mọi giáo hội đều bình đẳng trước pháp luật. Tăng lữ của tôn giáo nào thì do người theo tôn giáo đó nuôi, Nhà nước không dùng công quỹ để giúp đỡ bất kỳ tôn giáo nào, nuôi bất kỳ tăng lữ nào thuộc bất kỳ tôn giáo nào. Tất cả những điều đó phải được thực hiện một cách vô điều kiện và thẳng thắn.

– Với những công nhân theo tín đồ Cơ Đốc, và những trí thức theo chủ nghĩa thần bí, những người cộng sản không gạt họ ra khỏi xô viết và cũng không gạt họ ra khỏi Đảng. Chúng ta tin rằng, cuộc đấu tranh thực tế và công việc cùng nhau làm trong một hàng ngũ, trong một đội ngũ nhất định có thể làm cho tất cả những phần tử có sức sống tin vào chân lý của chủ nghĩa Mác và vứt bỏ những gì không có sức sống.

Tài liệu tham khảo: V.I Lênin toàn tập, Nxb Tiến Bộ, Maxcova 1979, Tập 10, tr 14, 15. Tập 12, tr 170 – 173, 175. Tập 17, tr 511, 513, 520, 522, 525, 526. Tập 33, tr 53, 93. Tập 37, tr 221).

Luật Minh KHuê (tổng hợp)