Yêu cầu người phạm tội xin lỗi trước nhân dân năm 2024

Từ vụ này và các vụ tương tự, phát sinh vấn đề: Cần có quy định cụ thể về thủ tục, thể thức xin lỗi giữa các cơ quan công quyền với người dân.

Sau khi xin lỗi, lãnh đạo TAND tỉnh Đồng Nai đến bắt tay và ân cần hỏi han ông Nguyễn Văn Tuấn. Ảnh: TB

Luật chỉ quy định chung: Cơ quan làm sai phải nói lời xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc.

Cách nay gần một năm, buổi xin lỗi công khai chị Trương Thị Kim Hoàn tổ chức tại trụ sở UBND phường Cô Giang [quận 1, TP.HCM] đã khiến không chỉ người trong cuộc mà cả những người dự khán cũng cảm thấy hụt hẫng, không hài lòng. Chị Hoàn bị bắt giam và bị TAND quận 1 kết án 10 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy, sau đó được đình chỉ điều tra vì không có tội sau gần bốn năm bị giam oan.

Sơ sài và chóng vánh

Theo thư mời, chiều 6-1-2010, chị đến trụ sở phường cùng người thân để được lãnh đạo TAND quận 1 công khai xin lỗi. Thành phần tham dự cũng khá đầy đủ, gồm đại diện khu phố, UBND phường, quận, hội phụ nữ… Ngồi chờ một hồi thì lãnh đạo tòa cũng đến. Sau phần giới thiệu, lãnh đạo tòa lên đọc lời xin lỗi, tóm tắt diễn biến vụ án cùng quá trình điều tra dẫn đến việc làm oan cho chị. Trình bày xong lời xin lỗi thì lãnh đạo tòa ra về. Buổi xin lỗi diễn ra chưa tới 10 phút…

Một buổi xin lỗi công khai khác diễn ra với thời gian còn chóng vánh hơn. Đó là buổi xin lỗi ba công dân Kim Lắc, Trần Lắc Lil và Thạch Ngọc Tấn ở xã Trung Bình [Long Phú, Sóc Trăng] diễn ra vào tháng 12-2007. Ba anh này bị bắt giam và bị TAND tỉnh Sóc Trăng kết án tử hình, chung thân và 20 năm tù về hai tội hiếp dâm trẻ em và giết người. Sau gần 10 năm mòn mỏi kêu oan, đến ngày được công khai xin lỗi, họ được tòa án tỉnh đọc lời xin lỗi trong vòng chưa đầy 5 phút rồi kết thúc. Uổng cho công lao của chính quyền địa phương đã phải khiêng bàn ghế từ ủy ban xã ra sân banh sắp xếp để buổi xin lỗi thêm phần công khai, long trọng.

Vẫn bề trên và kẻ cả

Trong nhiều vụ, khi người được xin lỗi chưa kịp mở miệng nói câu nào thì người xin lỗi đã bỏ về, bất kể người ta có thông cảm, tha thứ hay không. Như trong vụ TAND quận 1 xin lỗi chị Hoàn, lẽ ra tòa nên mời chị Hoàn nói đôi câu. Đằng này, sau khi nói lời tha thiết: “Tòa án mong chị Hoàn và gia đình cảm thông vì sự sai lầm đáng tiếc này”, tòa lại không muốn nghe phản hồi của chủ thể được xin lỗi.

Không ít cơ quan tố tụng dù đã xác định người ta không phạm tội nhưng vẫn mang trong lòng nỗi ấm ức, rằng anh có tội đấy, chẳng qua tôi không chứng minh được. Chính tâm lý này khiến họ xin lỗi người bị oan trong tâm thế chẳng đặng đừng, làm lấy được cho xong, không cần biết người được xin lỗi có hài lòng, thỏa đáng hay không. Điển hình như kỳ án đốt nhà trước đây, sau khi bà Út, được tòa cấp trên tuyên không phạm tội, trả tự do tại tòa và đình chỉ vụ án, trong cuộc họp có nhiều phóng viên tham dự, lãnh đạo tòa cấp dưới đã chân tình nói rằng mình vẫn còn ấm ức. Không biết ấm ức ấy chi phối đến đâu, chỉ biết buổi xin lỗi bà Út diễn ra chưa đầy 15 phút.

Ngoài ra, cách bố trí chỗ ngồi tại buổi xin lỗi cũng hết sức không bình đẳng. Thường bàn của người xin lỗi ở trên, có khăn trải bàn và lọ hoa, còn người được xin lỗi thì ngồi phía dưới cùng người dự khán khác. Khi người được xin lỗi đứng lên phát biểu, người ta có cảm giác đây là một hội nghị, trong đó kẻ đi xin lỗi là người chủ trì, còn người được xin lỗi là người cần quán triệt tinh thần hội nghị. [Cá biệt mới có TAND quận Tân Bình khi xin lỗi công dân Đào Xuân Thế đã sắp chỗ ngồi quanh cái bàn hình ô van nên cả hai trông rất bình đẳng.]

Cần có quy định về nghi thức xin lỗi

Sau khi Nghị quyết 388 ra đời, ông Nguyễn Xuân Phát - khi ấy đang là phó chánh tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM - là một trong những người đầu tiên thay mặt tòa này đi xin lỗi người bị oan ở nhiều địa phương. Ông Phát cho biết ngoài những quy định chung tại Điều 4 của nghị quyết [như trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị oan, có sự tham gia của đại diện chính quyền địa phương…], lúc đó [và cả bây giờ] không có văn bản nào quy định cụ thể thể thức, thủ tục xin lỗi. “Khi ấy tôi tổ chức buổi xin lỗi theo nhận thức của mình, cũng họp dân, đọc lời xin lỗi và chuyện trò chân thành với họ. Tôi thấy khi đó bà con rất hài lòng” - ông Phát nói.

Theo kiểm sát viên cao cấp Võ Văn Thêm, pháp luật nên có quy định rõ ràng về địa điểm xin lỗi, hay nhất là tại xã phường nơi người được xin lỗi cư trú hoặc tại nhà riêng tùy yêu cầu của họ. Đồng tình, luật sư Trịnh Thanh, Trưởng Văn phòng luật sư Người Nghèo, cho rằng cần phải quy định cả thời gian cụ thể của buổi xin lỗi, tạo điều kiện cho người được xin lỗi được nói hết lòng hết dạ. Về chỗ ngồi, luật sư Thanh cho rằng nên sắp xếp để hai bên được ngồi đối diện, bình đẳng, hoặc tất cả đều ngồi chung, sau đó người xin lỗi lên bục đọc lời xin lỗi.

“Xin lỗi do bị hàm oan trong tố tụng nói riêng, xin lỗi người bị các cơ quan nhà nước xử lý sai nói chung cần thể hiện mối quan hệ bình đẳng giữa nhà nước và công dân. Hơn nữa, đó còn là văn hóa pháp lý, là chuẩn mực chung trong xã hội pháp quyền. Muốn vậy, chuyện xin lỗi cũng cần có quy định cụ thể để tránh mỗi nơi làm một phách” - ông Thêm nói.

Một vụ xin lỗi chân tình

Đó là vụ TAND tỉnh Đồng Nai xin lỗi công dân Nguyễn Văn Tuấn ở xã Suối Cát [Xuân Lộc] cách nay một năm. Trước khi diễn ra, lãnh đạo tòa đến sớm hơn cả người được xin lỗi. Sau khi đọc lời xin lỗi, tòa mời ông Tuấn phát biểu và đến bắt tay hỏi han công việc làm ăn của anh. Buổi xin lỗi vừa trang trọng lúc đầu, vừa chân thành, cởi mở lúc sau khiến người được xin lỗi và cả người đi xin lỗi cũng cảm thấy thanh thản, nhẹ nhàng.

Chủ Đề