Chuyên viên tổ chức thi hành an dân sự là gì

  • Theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư 03/2017/TT-BTP quy định chức danh, mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệp vụ ngạch công chức chuyên ngành Thi hành án dân sự thì chấp hành viên cao cấp là công chức có chuyên môn nghiệp vụ thi hành án dân sự, thi hành án hành chính cao nhất, trực tiếp tổ chức thi hành, đôn đốc thi hành những vụ việc thi hành án dân sự, thi hành án hành chính đặc biệt phức tạp, có liên quan đến các ngành, các cấp, các địa phương hoặc có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền của Cục Thi hành án dân sự.

    Để trở thành Chấp hành viên cao cấp phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

    1. Tiêu chuẩn chính trị, đạo đức, lối sống

    - Có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng; trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân.

    - Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công chức theo quy định của pháp luật; nghiêm túc chấp hành sự phân công nhiệm vụ của cấp trên; tuân thủ pháp luật, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, trật tự hành chính; gương mẫu thực hiện nội quy, quy chế của Cơ quan.

    - Tận tụy, trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan, công tâm và gương mẫu trong thực thi công vụ; lịch sự, văn hóa và chuẩn mực trong giao tiếp, phục vụ nhân dân.

    - Có lối sống và sinh hoạt lành mạnh, khiêm tốn, đoàn kết; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; không lợi dụng việc công để mưu cầu lợi ích cá nhân; không quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

    - Thường xuyên có ý thức học tập, rèn luyện nâng cao phẩm chất, trình độ, năng lực.

    - Có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

    2. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

    - Nắm vững và am hiểu sâu sắc đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên để vận dụng vào công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội;

    - Nắm vũng và am hiểu các kiến thức về quản lý hành chính nhà nước, am hiểu sâu các nội dung pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; áp dụng thành thạo các nguyên tắc, chế độ, thủ tục về nghiệp vụ thi hành án dân sự;

    - Nắm vững tình hình và xu thế phát triển của lĩnh vực thi hành án dân sự trong nước và thế giới; tổ chức nghiên cứu phục vụ quản lý và xử lý thông tin quản lý;

    - Có năng lực đề xuất, tham mưu hoạch định chính sách, chủ trì xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, đề án, chương trình gắn với chuyên môn nghiệp vụ của lĩnh vực thi hành án dân sự để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; có khả năng phối hợp tốt với các cơ quan hữu quan trong việc tổ chức thi hành án;

    - Có khả năng giáo dục, thuyết phục đương sự thi hành bản án, quyết định của toà án;

    - Thành thạo và làm chủ các kỹ năng soạn thảo, thuyết trình, bảo vệ và tổ chức thực hiện để xây dựng và triển khai các dự án, đề án, chương trình, kế hoạch công tác, tài liệu giảng dạy liên quan đến công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính;

    - Có năng lực nghiên cứu khoa học, tổng kết chuyên đề diện rộng thuộc lĩnh vực được giao, đề xuất những vấn đề chiến lược về công tác thi hành án dân sự, công tác thi hành án hành chính; có khả năng phân tích, khái quát, tổng hợp trong nhiều lĩnh vực liên quan đến công tác thi hành án;

    - Đối với công chức dự thi nâng ngạch Chấp hành viên cao cấp thì phải là người đã chủ trì xây dựng hoặc tham gia xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành được ít nhất 02 [hai] văn bản quy phạm pháp luật hoặc đã chủ trì nghiên cứu, xây dựng hoặc tham gia nghiên cứu, xây dựng ít nhất 02 [hai] đề tài, đề án, chương trình nghiên cứu khoa học cấp bộ, ngành, địa phương được nghiệm thu đạt yêu cầu hoặc chủ trì xây dựng, tham gia xây dựng ít nhất 02 [hai] đề tài, đề án, chương trình chuyên ngành hoặc đã chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện đạt hiệu quả ít nhất 02 đề tài, đề án, sáng kiến trong phạm vi Tổng cục Thi hành án dân sự hoặc hệ thống tổ chức thi hành án dân sự;

    - Công chức dự thi nâng ngạch Chấp hành viên cao cấp phải có thời gian giữ ngạch Chấp hành viên trung cấp từ 05 năm [60 tháng] trở lên.

    3. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

    - Có trình độ Cử nhân Luật trở lên;

    - Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ ngạch Chấp hành viên cao cấp theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp;

    - Có trình độ Cao cấp lý luận chính trị;

    - Có chứng chỉ Ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 4 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;

    - Có chứng chỉ Tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.

    Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.

    Trân trọng!

  • Chấp hành viên là ai? Nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên [Ảnh minh họa]

    1. Chấp hành viên là ai?

    Căn cứ theo Điều 17 Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định:

    Chấp hành viên là người được Nhà nước giao nhiệm vụ thi hành các bản án, quyết định theo quy định tại Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự 2008.

    Chành viên có ba ngạch là Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp và Chấp hành viên cao cấp.

    2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên

    Theo Điều 20 Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định Chấp hành viên có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

    - Kịp thời tổ chức thi hành vụ việc được phân công; ra các quyết định về thi hành án theo thẩm quyền.

    - Thi hành đúng nội dung bản án, quyết định; áp dụng đúng các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành án, bảo đảm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; thực hiện nghiêm chỉnh chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp Chấp hành viên.

    - Triệu tập đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để giải quyết việc thi hành án.

    - Xác minh tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu để xác minh địa chỉ, tài sản của người phải thi hành án hoặc phối hợp với cơ quan có liên quan xử lý vật chứng, tài sản và những việc khác liên quan đến thi hành án.

    - Quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án; lập kế hoạch cưỡng chế thi hành án; thu giữ tài sản thi hành án.

    - Yêu cầu cơ quan Công an tạm giữ người chống đối việc thi hành án theo quy định của pháp luật.

    - Lập biên bản về hành vi vi phạm pháp luật về thi hành án; xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm.

    - Quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế để thu hồi tiền, tài sản đã chi trả cho đương sự không đúng quy định của pháp luật, thu phí thi hành án và các khoản phải nộp khác.

    - Được sử dụng công cụ hỗ trợ trong khi thi hành công vụ theo quy định của Chính phủ.

    - Thực hiện nhiệm vụ khác theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự.

    Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Chấp hành viên phải tuân theo pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án và được pháp luật bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và uy tín.

    3. Bổ nhiệm, miễn nhiệm Chấp hành viên

    3.1. Tiêu chuẩn bổ nhiệm Chấp hành viên

    Tại Điều 18 Luật Thi hành án dân sự 2008 [sửa đổi, bổ sung 2014], quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm Chấp hành viên như sau:

    - Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, trung thực, liêm khiết, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ cử nhân luật trở lên, có sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao thì có thể được bổ nhiệm làm Chấp hành viên.

    - Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Thi hành án dân sự 2008 và có đủ các điều kiện sau thì được bổ nhiệm làm Chấp hành viên sơ cấp:

    + Có thời gian làm công tác pháp luật từ 03 năm trở lên;

    + Đã được đào tạo nghiệp vụ thi hành án dân sự;

    + Trúng tuyển kỳ thi tuyển Chấp hành viên sơ cấp.

    - Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Thi hành án dân sự 2008 và có đủ các điều kiện sau thì được bổ nhiệm làm Chấp hành viên trung cấp:

    + Có thời gian làm Chấp hành viên sơ cấp từ 05 năm trở lên;

    + Trúng tuyển kỳ thi tuyển Chấp hành viên trung cấp.

    - Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Thi hành án dân sự 2008 và có đủ các điều kiện sau thì được bổ nhiệm làm Chấp hành viên cao cấp:

    + Có thời gian làm Chấp hành viên trung cấp từ 05 năm trở lên;

    + Trúng tuyển kỳ thi tuyển Chấp hành viên cao cấp.

    - Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Thi hành án dân sự 2008, là sỹ quan quân đội tại ngũ thì được bổ nhiệm Chấp hành viên trong quân đội.

    Tiêu chuẩn để được bổ nhiệm Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp và Chấp hành viên cao cấp trong quân đội được thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 18 Luật Thi hành án dân sự 2008.

    - Người đang là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên được điều động đến công tác tại cơ quan thi hành án dân sự, người đã từng là Chấp hành viên nhưng được bố trí làm nhiệm vụ khác và có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Thi hành án dân sự 2008 thì có thể được bổ nhiệm Chấp hành viên ở ngạch tương đương không qua thi tuyển.

    - Trường hợp đặc biệt do nhu cầu bổ nhiệm Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Thi hành án dân sự 2008 đã:

    + Có thời gian làm công tác pháp luật từ 05 năm trở lên có thể được bổ nhiệm Chấp hành viên sơ cấp;

    + Có 10 năm làm công tác pháp luật trở lên có thể được bổ nhiệm Chấp hành viên trung cấp;

    + Có 15 năm làm công tác pháp luật trở lên có thể được bổ nhiệm Chấp hành viên cao cấp không qua thi tuyển.

    3.2. Miễn nhiệm Chấp hành viên

    Tại Điều 19 Luật Thi hành án dân sự 2008 [sửa đổi, bổ sung 2014], quy định về miễn nhiệm Chấp hành viên như sau:

    - Chấp hành viên đương nhiên được miễn nhiệm trong trường hợp nghỉ hưu hoặc chuyển công tác đến cơ quan khác.

    - Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định miễn nhiệm Chấp hành viên trong các trường hợp sau đây:

    + Do hoàn cảnh gia đình hoặc sức khỏe mà xét thấy không thể bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ Chấp hành viên;

    + Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ không bảo đảm thực hiện nhiệm vụ Chấp hành viên hoặc vì lý do khác mà không còn đủ tiêu chuẩn để làm Chấp hành viên.

    4. Những việc Chấp hành viên không được làm

    Căn cứ theo Điều 21 Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định Chấp hành viên không được làm những việc sau:

    - Những việc mà pháp luật quy định công chức không được làm.

    - Tư vấn cho đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan dẫn đến việc thi hành án trái pháp luật.

    - Can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết vụ việc thi hành án hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm thi hành án.

    - Sử dụng trái phép vật chứng, tiền, tài sản thi hành án.

    - Thực hiện việc thi hành án liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người sau đây:

    + Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi;

    + Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Chấp hành viên, của vợ hoặc chồng của Chấp hành viên;

    + Cháu ruột mà Chấp hành viên là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.

    - Sử dụng thẻ Chấp hành viên, trang phục, phù hiệu thi hành án, công cụ hỗ trợ để làm những việc không thuộc nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

    - Sách nhiễu, gây phiền hà cho cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thi hành án.

    - Cố ý thi hành trái nội dung bản án, quyết định; trì hoãn hoặc kéo dài thời gian giải quyết việc thi hành án được giao không có căn cứ pháp luật.

    Xuân Thảo

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email .

    Video liên quan

    Chủ Đề