Cù chính lan là ai

[HBĐT] - Đài tưởng niệm Anh hùng Cù Chính Lan được xây dựng bên cạnh đường Tây Tiến, cách TP Hòa Bình 8 km, nhắc nhở sự hy sinh cao cả, xả thân ngăn chặn quân thù của người anh hùng quê hương xứ Nghệ, làm nên ngọn lửa "phong trào Cù Chính Lan”, "Anh hùng đường 6”, khẳng định thêm niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ phấn đấu, rèn luyện trở thành người chủ xây dựng quê hương, đất nước.

 

Tượng đài Anh hùng Cù Chính Lan, tại xóm Mỗ I, xã Bình Thanh [Cao Phong] là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Trở lại thăm Đài tưởng niệm Anh hùng Cù Chính Lan vào những ngày tháng Tư lịch sử, trong không khí khắp nơi dấy lên phong trào thi đua lập thành tích chào mừng ngày giải phóng miền Nam, ngày chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhiều đoàn học sinh, du khách đến thăm quan, thành kính tìm hiểu về người anh hùng dân tộc. Vào đúng dịp này, 69 năm về trước, ngày 19/5/1952, liệt sỹ Cù Chính Lan là 1 trong 7 người đầu tiên trên toàn quốc được Chính phủ tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Cù Chính Lan sinh ra ở Quỳnh Lưu [Nghệ An], vùng đất địa linh nhân kiệt, trong một gia đình đông con, nghèo khó. Năm 1946, quân Pháp trở lại xâm lược nước ta, khi ấy, Cù Chính Lan 16 tuổi đã xin gia nhập Vệ quốc đoàn. Trong môi trường mới tiếp tục rèn luyện, nuôi dưỡng, hun đúc lên khí chất người anh hùng Cù Chính Lan. Trong những năm tháng kháng chiến, Hòa Bình được thực dân Pháp xác định là một trong những trọng điểm chiến lược để đặt bộ máy cai trị, ngăn chặn sự phát triển lớn mạnh của quân và dân ta. Cuối năm 1951, thực dân Pháp mở rộng cuộc tấn công ra vùng tự do của ta ở Hoà Bình, nhằm cắt đứt liên lạc giữa Việt Bắc và Khu 3, Khu 4 để giành lại quyền chủ động trên chiến trường chính. Đối với tỉnh ta, người Pháp thực hiện kế hoạch thành lập "Xứ Mường tự trị” để phá hoại khối đoàn kết dân tộc. Trước tình hình đó, T.Ư Đảng chỉ thị đánh địch trên cả hai mặt trận là Hoà Bình và vùng đồng bằng Bắc Bộ. Cuối tháng 11/1951, Tổng quân ủy quyết định mở chiến dịch Hoà Bình.

Trong trận đánh tại Giang Mỗ ngày 13/12/1951, khi quân Pháp lọt vào trận địa, quân đội ta đã nổ súng quyết liệt, diệt gọn một đại đội địch, lúc chuẩn bị rút thì xe tăng Pháp tới tiếp viện, bắn dữ dội vào đội hình của ta, chặn đường rút và làm nhiều chiến sỹ thương vong. Thời điểm đó, Cù Chính Lan đã nhanh chóng nhảy lên xe tăng, kề tiểu liên vào khe hở trên tháp xe bóp cò, nhưng không diệt được địch do tiểu liên bị hóc, chiếc xe tăng vẫn vừa chạy vừa bắn, Cù Chính Lan đã kêu gọi đồng đội tập trung lựu đạn đến cho mình rồi lại tiếp tục nhảy lên, giật nắp quăng lựu đạn vào trong xe, giặc nhặt lựu đạn ném trả lại và lái xe tăng chuyển hướng. Thời cơ diệt xe tăng địch ngay trước mắt, với quyết tâm không để xe của địch chạy thoát và tạo thế chủ động cho đồng đội, Cù Chính Lan táo bạo mở chốt lựu đạn một lần nữa, chờ cho khói thuốc xì ra vài giây rồi mới ném vào buồng lái, lựu đạn nổ, giặc bị tiêu diệt, quân đội ta phản công và giành thắng lợi. 

Tinh thần quả cảm, sáng tạo của Cù Chính Lan vang dội làm nức lòng quân và dân ta. Những trận đánh tiếp sau, Cù Chính Lan anh dũng, tiên phong tiêu diệt địch và đã hy sinh trong vòng tay đồng đội khi mới ở độ tuổi 20. Cách đánh sáng tạo dùng lựu đạn diệt xe tăng của Cù Chính Lan được bộ đội ta học tập và áp dụng, khiến quân thù khiếp đảm   trên khắp các chiến trường. Tháng 5/1952, tại Đại hội Chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ nhất, liệt sỹ Cù Chính Lan được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. 

Để ghi nhớ chiến công của người anh hùng Cù Chính Lan, của quân và dân ta, năm 1965, ngành Văn hóa tỉnh Hà Sơn Bình [cũ] đã đề nghị    ghi danh sự kiện anh hùng này.    Năm 1993, Bộ VH-TT [nay là Bộ   VH-TT&DL] ra quyết định công nhận khu di tích lịch sử Cù Chính Lan là di tích quốc gia. Năm 1994, tỉnh khởi công xây dựng khu di tích, đài tưởng niệm anh hùng diệt xe tăng. Năm 2008, Bộ VH-TT và tỉnh thống nhất di dời đài tưởng niệm về cơ sở mới tại xóm Mỗ I, xã Bình Thanh [Cao Phong]. Công trình được xây dựng trên tổng diện tích 3.638 m2, trong đó, tượng và bệ tượng được chế tác từ đá  xanh Thanh Hóa có chiều cao 8,5 m, tổng thể tích 160,4 m3. Đài tưởng niệm Anh hùng Cù Chính Lan đã thành điểm thăm quan khi đến với khu du lịch hồ Hòa Bình, nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay.

                                                                        L.C

Toàn cảnh Tượng đài Anh hùng liệt sĩ Cù Chính Lan.

[HBĐT] - Trang nghiêm, trọng thể và xúc động, đó là không khí của lễ khánh thành tượng đài Anh hùng liệt sỹ Cù Chính Lan được tổ chức ngày 29/8/2009. 

Với người dân trong tỉnh đây thực sự là niềm vui, niềm tự hào bởi chính vùng đất này, trên con đường này cách đây 60 năm, Cù Chính Lan đã lập nên chiến công một mình diệt xe tăng Pháp. Đây thực sự là một công trình văn hóa nghệ thuật tiêu biểu, xứng tầm với giá trị di tích, là điểm đến của khách du lịch trong và ngoài nước khi về với Hòa Bình... Đã gần 2 năm trôi qua, cùng với niềm trân trọng, tự hào, chúng tôi vẫn luôn áy náy trước những trăn trở và nguyện vọng của thân nhân Anh hùng liệt sĩ Cù Chính Lan bày tỏ, đó là ba người em ruột và cháu ruột của Cù Chính Lan là: Cù Chính Thao, 75 tuổi, Cù Chính Huệ, 73 tuổi, Cù Chính Lài, 70 tuổi và  Cù Chính Tuấn, 45 tuổi mà chúng tôi có may mắn được gặp tại lễ khánh thành và vẫn thường xuyên liên lạc để chuyện trò, trao đổi qua điện thoại.  

Theo lời kể của ba cụ,  Cù Chính Lan tên thật là Cù Chính Lơn, sinh 1930, quê ở xóm Cầu Đầm, xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo có 7 anh chị em [2 gái, 5 trai], trong đó, Cù Chính Lơn là con thứ ba. Mẹ mất sớm, Cù Chính Lơn phải đi ở cho địa chủ từ năm lên 7 tuổi. 16 tuổi [năm 1946], Cù Chính Lơn gia nhập một đơn vị bộ đội làm giao liên và đổi tên là Cù Chính Lan, anh có mặt tại tỉnh Hòa Bình từ năm 1950 trong đơn vị bộ đội chủ lực. 

Thân nhân của Anh hùng liệt sĩ Cù Chính Lan trăn trở: Quê của Cù Chính Lan ghi trên bia tưởng niệm là làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An là chưa chính xác, thực tế là xóm Cầu Đầm, xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Thời gian và địa điểm hy sinh của Cù Chính Lan đến nay không rõ ràng và thiếu thống nhất. Tại bia tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Cù Chính Lan [nghĩa trang liệt sĩ chiến dịch Hòa Bình tại phường Phương Lâm - TP Hòa Bình] ghi: “Khi quân ta đánh đồn Cô Tô - một trong những trận ác liệt nhất trên đường số 6, đồng chí đã chỉ huy tiểu đội bộc phá thứ nhất của đơn vị. Tuy ba lần bị thương đến cụt hai tay và gãy một chân, đồng chí vẫn bám sát chỉ huy đơn vị 5 lần phá hàng rào kẽm gai tiến thẳng vào lô cốt địch. Đồng chí trút hơi thở cuối cùng cũng là lúc quân ta hoàn toàn tiêu diệt đồn Cô Tô”.  Tại cuốn  “Anh hùng LLVT nhân dân” tập I, in lần thứ hai do Nhà xuất bản QĐND phát hành năm 1996 ghi:  “Ngày 29/12/1951, tham gia đánh đồn Cô Tô, bị thương hai lần, Cù Chính Lan vẫn dũng cảm xông lên... Cù Chính Lan dũng cảm hy sinh khi trận đánh đồn Cô Tô vừa kết thúc thắng lợi”. Trong cuốn “Thị xã Hòa Bình lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ [1945 - 1954]” ghi:  “Đêm ngày 1/2/1952, du kích xã Quỳnh Lâm phối hợp với tiểu đoàn 616 [bộ đội chủ lực của tỉnh] và Tiểu đoàn 353-Trung đoàn 66 - Đại đoàn 312 tiến công đồn Gô Cô trên đường số 6”.  Như vậy, tên đồn mà quân ta tiến công có Cù Chính Lan tham gia là Cô Tô hay Gô Cô cũng chưa thống nhất. Ngày Cù Chính Lan hy sinh cũng mỗi nơi một khác, cuốn “Anh hùng LLVT nhân dân” tập I, in lần thứ hai do Nhà xuất bản QĐND phát hành năm 1996 ghi là ngày 29/12/1951. Nhưng khắc trên bia đá tại khu vực Tượng đài Cù Chính Lan khánh thành 29/9/2009 lại ghi Cù Chính Lan hy sinh ngày 1/2/1952 trong trận chiến đấu ác liệt và không ghi địa điểm hy sinh. Về trận phục kích tại Giang Mỗ với chiến công nổi tiếng của Cù Chính Lan cũng có sự khác nhau. Trong cuốn “Thị xã Hòa Bình lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ [1945 - 1954]” do Nhà xuất bản QĐND phát hành năm 2003 ghi: “Ngày 15/12/1951, du kích Bình Thanh, Chăm, Vôi, Tháu [xã Quỳnh Lâm] phối hợp với Tiểu đoàn 353 - Trung đoàn 66 - Đại đoàn 312 phục kích tại Giang Mỗ đánh tan một tiểu đoàn địch, bắt sống gần một Đại đội âu  Phi, phá hủy 6 xe cơ giới. Trong trận chiến đấu này, Anh hùng Cù Chính Lan đã dũng cảm đuổi theo xe tăng địch, nhảy lên dùng lựu đạn diệt xe tăng địch” nhưng tại lời giới thiệu trên bia đá khu vực Tượng đài lại ghi: “Ngày 13/12/1951, trên đường số 6, khu vực dốc Giang Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong đã diễn ra một trận đánh ác liệt của Đại đội 12, Tiểu đoàn 353, Trung đoàn 9, Đại đoàn 304... trong trận đánh này đã nổi lên tấm gương Cù Chính Lan dũng cảm bám đuổi, dùng lựu đạn ném vào thùng xe tiêu diệt và phá hủy xe tăng địch”. Vậy, Cù Chính Lan chính thức biên chế ở đơn vị nào, tư liệu nào đúng, tư liệu nào sai?. 

Băn khoăn hơn cả đối với thân nhân của Anh hùng liệt sĩ Cù Chính Lan là trên bia đá tại khu vực Tượng đài có ghi  “Cù Chính Lan tên thật là Cù Văn Mấu”, như vậy là hoàn toàn không đúng mà Cù Chính Lan tên thật là Cù Chính Lơn, sau đi bộ đội thì đổi thành Cù Chính Lan. Còn Cù Văn Mấu chính là tên thường gọi cụ thân sinh ra Cù Chính Lan, tức là cụ Cù Khắc Nhượng.  

Từ những nội dung trên, chúng ta thấy rõ với nhiều nguồn tư liệu khác nhau, ngày Cù Chính Lan hy sinh không trùng khớp, những thông tin về Cù Chính Lan lại không thống nhất, thậm chí còn có những nhầm lẫn đáng tiếc. Thân nhân của Anh hùng liệt sĩ Cù Chính Lan và người dân trong tỉnh đều mong muốn các ngành chức năng sớm xác định rõ.  

                                                                Nhóm PV PBĐ 

Video liên quan

Chủ Đề