Cụ nội khi đã mất thì gọi là gì năm 2024

Đối với các cá nhân và nhóm làm phả ở thành phố Hồ Chí Minh câu trả lời không làm tôi ngạc nhiên, vì cuốn sách tham khảo chính của hầu hết những người quan tâm đến gia phả hay đang làm gia phả hiện nay là cuốn Gia phả khảo luận và thực hành (NXB Văn Hoá Hà Nội, 1992) của Dã Lan đã giải thích:

Tổ Tam đại hay là Tổ phụ: là ông nội sinh ra cha mình.

Tổ tứ đại hay ông Tằng tổ: là cụ của mình sinh ra ông nội.

Tổ ngũ đại hay ông Cao tổ: là kỵ của mình sinh ra cụ nội. (Tr.224)

Vì cụ nội hay Cao tổ đã là Tổ Ngũ đại cho nên theo luật Ngũ đại mai thần chủ, bài vị của cụ đã phải đem chôn để đưa cụ vào thờ tại từ đường họ, chứ không còn được thờ và cúng giỗ tại nhà con cháu nữa (trang 229).

Thật ra cách gọi như thế này cũng là cách thông tục của rất nhiều người và nó cũng có phần lý của nó. Bởi vì ông nội, cha và con tính con số đúng là ba đời, mà nói theo Hán tự là tam đại.

Tuy nhiên qua tìm hiểu từ chính bản các gia phả Hán Nôm cũng như các sách viết về gia phả học, tôi nhận thấy câu trả lời như trên là không đúng với phương pháp và thuật ngữ của gia phả học cổ điển VN, cũng như Trung Hoa, và cả gia phả học Âu Mỹ nữa.

Bởi lẽ trong gia phả xưa các con số thường là số thứ tự (ordinal), nhất là các con số đi kèm với các vị tổ tức là những người đã khuất ở bậc trên chúng ta. Chẳng hạn như người ta thường nói tổ đời 1, tổ đời 2 v.v.. Chứ không nói tổ một đời, tổ hai đời. Viết gia phả tức là ghi lại trên giấy cho con cháu các đời sau biết rõ các thứ bậc dưới trên trong gia tộc (gọi là luân tự). Việc thể hiện cái trật tự ấy trên ngôn từ, giấy mực là điều các cụ ta rất thận trọng. Một bài ca Nôm của các cụ dạy con cháu làm phả đã viết:

Làm người trên có tổ tiên

Trời cho nối dõi phải nên nhận nhìn

Phó ý dằng tả như in

Xét trong luận tự chớ nên lỗi thường

Cửu tộc, ngũ phục rõ ràng

(Tận tăng Thuỳ Hậu diễn ca, hay Bài ca thêm mới về sau)

Lùi hai bước tiến hai bước

Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy cái không đúng của câu trả lời kể trên, nếu ta thử lùi xuống hai bước. Tổ tam đại là ông nội thì Tổ Nhị Đại phải là người cha quá cố.

Như thế thì Tổ Nhất Đại là ai? Nhất định không thể là người đứng ở hàng con của vị này đang cùng anh em đồng hàng soạn phả để nhớ công ơn những bậc tiền nhân. Nên nhớ chữ Tổ là để chỉ người đã khuấtchứ không chỉ là người còn sống. Một điều cần luôn nhớ, các vị Tổ ở đây là đều là tổ trên và tổ Tam đại là Thượng tam đại, Nhị Đại là Thượng nhị đại, Nhất đại cũng vậy.

Trong thi cử thời xưa, các thí sinh ngoài “Niên canh quán chỉ” tức là tuổi tác và quê quán, còn phải “cung khai tam đại”, tức là khai ba đời. Ta hãy xem thí sinh Nguyễn Đức Tâm trong tiểu thuyết Bút Nghiên của tác giả Chu Thiên cung khai tam đại trong lần thi hương đầu tiên: Chàng viết bốn chữ to bằng ba chữ tên: “Cung Khai Tam Đại”, dưới lại viết hai dòng nhỏ: “Tằng tổ, Cố lệ Thập lý hầu Nguyễn Quốc Bảo, một. Tổ, Tiền bản triều tinh binh Đội trưởng Nguyễn Đức Tích, một. Phụ, Bản xã cựu lý trưởng Nguyễn Đức Tưởng, tồn. (trang 215).

Dịch: Cung Khai Ba Đời: Cụ, Chánh tổng đời Lê xưa, Nguyễn Quốc Bảo, mất. Ông, trước là tinh binh Đội trưởng (thất phẩm) của triều ta, Nguyễn Đức Tích, mất. Cha, cựu lý trưởng xã nhà Nguyễn Đức Tưởng, còn.

Lại xem thí sinh Đặng Như Bích trong cuốn Trong Rừng Nho (Dã sử Hồ Xuân Hương) của Ngô Tất Tố cung khai thế nào:

Thế rồi chàng lại đặt quyển lên mặt tráp, cẩn thận đề ba chữ tên thật lớn, viết xong niên canh quán chỉ, cùng viết đến dòng “cung khai tam đại”. Soát lại một lượt, các tên tằng, tổ, phụ và phủ, huyện, trấn đều không sai lầm nét nào… (trang 76).

Qua hai thí dụ của hai tác giả có thẩm quyền về luật lệ thi cử đời trước ta thấy cung khai tam đại ở đây là ba đời ở trên chứ không có các đương sự.

Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh giải thích: Tam đại: Ba đời là cha, ông, cố.

Trong câu trả lời ở trên nhích lên hai bước đặt Cao tổ vào hàng Ngũ đại để rồi đem mai thần chủ cũng lại thấy không ổn. Trong thang cửu tộc gồm bốn đời trên là Cao, Tằng, Tổ, Khảo (tức kỵ, cụ, ông, cha hay nói theo lối miền Nam là Sơ, Cố, Nội, Bố), bốn đời dưới là Tử, Tôn, Tằng (Tôn), Huyền (tôn) (tức con cháu chắt chút hoặc chít theo miền Nam) và ở giữa là Kỷ Thân (hay Đồng Hàng Huynh Đệ, Tự thân, ego) như trục đối xứng, thì Cao Tổ là Tứ đại (thượng). Điều này có quy định rõ trong Bản Tổng cửu tộc ngũ thục chi đồcó vẽ trong cả hai bộ luật Hồng Đức đời Lê và Gia Long đời Nguyễn. Theo đồ hình này thì Cao Tổ còn ở trong vòng Tứ Đại (thượng), khi mất con cháu chắt chút còn phải để tang với tang phục quy định rõ trong đồ hình và mất rồi còn được cúng giỗ trong các gia đình cổ thời xưa. Ngày nay người ta thường chỉ giỗ đến ông nội, nhưng ở các gia tộc giữ đúng truyền thống, vị Cao tổ còn được cúng giỗ ở các nhà thờ ngành.

Trung Hoa và Âu Mỹ

Trong cuốn Ancêtres(Liệt tổ) hay Tần thị Thiên Tải Sử(Lịch sử 1000 năm họ Tần), tác giả Frank Ching, một người Mỹ gốc Hoa, con cháu Tần Quán, thi sĩ đời Tống, bạn của Tô Đông Pha, đã kể lại cuộc đi tìm dòng họ: Người ta giới thiệu với tôi Tsin Tchen-hao, một người bà con sống ở Vô Tích… Chúng tôi là anh em Tứ đại, nghĩa là có chung một vị Cao tổ (triaileul). Ở Trung Hoa, anh em tứ đại còn là bà con gần, còn vừa đúng ở trong vòng giới hạn. Họ nằm trong vòng ngũ đại thân thuộc (cinq degré de pảentés) nếu một người mất cha chẳng hạn thì người kia còn phải để tang. Từ cấp ngũ đại trở đi, người ta chỉ còn là bà con xa (parents éloignés).

Phía Âu Mỹ có một công thức tính đời các tổ rất khoa học nhưng kết quả cũng giống Việt Nam và Trung Hoa vì cũng không kể đời của kỷ thân (ego). Việt nhận biết đời các tổ được dễ dàng nhờ một phép đánh số do Jérome de Sosa phát minh từ năm 1676 và được hoàn thiện vào năm 1898 bởi Stephan Kekule Von Stradonitz gọi là phương pháp Sosa – Stradonitz. Phương pháp này cho mỗi cá nhân một con số; bắt đầu bằng người lập phả mang số 1, người cha số 2, mẹ số 3, ông nội số 4… Các vị phái nam luôn mang số chẵn, phái nữ số lẻ. Cha luôn luôn mang số gấp đôi con, mẹ mang số gấp đôi con cộng thêm 1.

Phương pháp này tính cả các vị tổ rất xa về bên ngoại. Đối với Việt Nam và Trung Hoa chỉ có dãy số của các vị tổ trực hệ về bên nội là quan trọng và các con số này chính là số hạng của một cấp số nhân với công bội là 2 với số mũ luỹ tiến:

2 0, 2 1, 2 2, 2 3, 2 4…, 2 n-1, 2 n.

1, 2, 4, 8, 16… trong đó số mũ của công bội 2 chính là bậc đời của các tổ. Ta thấy 2 nlà số của tổ đời n, 16 là số của tổ đời 4 hay cao tổ (kỵ nội), 8 là tổ đời 3 (cụ nội), 4 là tổ đời 2 (ông nội), 2 là tổ đời 1 (cha). Còn kỷ thân hay ego không tính đời.

Trong gia phả cổ Việt Nam, về mặt thuật ngữ, các vị tổ trong vòng tứ đại thượng đều có danh hiệu riêng: Khảo (cha), Tổ (ông), Tằng Tổ (cụ, cố), Cao Tổ (kị, sơ). Bộ Đông tác Nguyễn thị gia phảcủa họ Nguyễn làng Đông Tác huyện Thọ Xương (Hà Nội) (ký hiệu ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm A673) có liệt kê danh hiệu tuyên xưng 4 thế hệ đã qua đời được thờ phụng tại nhà con cháu, gồm từ trên xuống:

Hiển Cao Tổ Khảo (Kị ông), Hiển Cao Tổ Tỉ (Kị bà).

Hiển Tằng Tổ Khảo (cụ ông), Hiển Tằng Tổ Tỉ (cụ bà).

Hiển Tổ khảo (ông nội), Hiển Tổ tỉ (bà nội).

Hiển khảo (Cha), Hiển tỉ (mẹ).

Trên bậc tứ đại thượng, các vị tổ không còn danh hiệu riêng mà chỉ được gọi chung là Tiên tổ, tức tổ xa hay Viễn tổ (Ngay cả vị thuỷ tổ cao nhất trong họ cũng là Tiên tổ, nhưng có thêm hai chưa Cao là Cao Cao Tiên Tổ).

Cái lối tính đời theo cách ngược lên mà lại bỏ đi đời của những anh em đồng hàng đang cáng đáng việc họ và đang lập phả cho dòng họ của mình, đã khiến bản thân tôi phải khó khăn lắm mới quen dần được. Trong phả của họ tôi, trên anh em đồng hàng có 6 đời tổ được ghi chép đầy đủ tử hệ. Trên các cụ tổ này còn có một danh sách 8 cụ tổ, trong đó có cụ Thuỷ tổ, do phả cũ để lại, không nói rõ quan hệ trên dưới ra sao mà các cụ soạn bộ phả năm 1881 gọi là “bất văn kỳ tường” đành cứ chép nguyên theo phả cũ. Vậy là tính đến người lập phả đã có 7 đời, trên đó là 8 đời, nhưng trong bài tựa các cụ khi nói đến các đời trên, lại chỉ viết: “Tự đệ thất thế dĩ thượng giai bất văn kỳ tường” (Từ 7 đời về trước không nghe nói rõ). Như thế là không kể đời người làm phả.

Cũng xin lưu ý ở đây, người lập phả là người còn sống, đang hay đã soạn phả họ để lại cho con cháu đời sau, chứ không phải là tổ phận chi, tức là người đã chết như một tác giả dạy làm phả đã dùng. (Sách Phạm Côn Sơn, đã dẫn, trang 23 đến 33).

Phó Ý, chánh bạ

Lối chép đời ngược lên kèm theo danh hiệu đầy đủ của các vị tổ này rất phổ biến trong các loại gia phả của các Chi, chủ yếu để con cháu nhìn vào đấy mà biết những vị tổ phải cúng giỗ và cách tuyên xưng danh hiệu khi khấn vái. Loại này thuật ngữ riêng của Gia phả học Việt Nam gọi là Phó Ý từ này không có trong thuật ngữ Trung Hoa. Phả loại này chép đến tứ đại thượng tức đến Cao Tổ, trên nữa thường chỉ nhắc sơ về Thuỷ tổ dòng họ và tên vị Tiên tổ, hay còn gọi là Cao Cao tổ, sinh ra vị Cao tổ mà thôi. Phả này khác với Tộc Phả, Công phả hay theo từ dùng trong họ Nguyễn Đình Chiểu là Chánh bạ, chép đầy đủ các đời thường để ở Từ đường họ.

Tập Nguyễn Chi Thế Phả của gia đình Nguyễn Đình Chiểu ở miền Nam chính là một cuốn gia phả thuộc loại Phó Ý. Từ “Chánh” trong thuật ngữ “Chánh Bạ” của phả này giúp chúng ta hiểu ra nghĩa từ “Phó” trong thuật ngữ “Phó Ý” của gia phả học Việt Nam. Phó đây chỉ thứ yếu, bậc thứ, kém quan trọng, không đầy đủ bằng Chánh, như thường thấy trong các từ ghép: phó lý, phó giáo sư, phó tiến sĩ, phó bảng .v.v… Trong một tập Phó Ý của chi họ Đào nhà tôi mà tôi vừa được đọc viết vào năm 1959, tôi thấy tác giả là anh họ tôi đã dùng hai chữ Phả ý. Từ này có được nhắc đến trong bộ Cơ Sở Ngữ Văn Hán Nôm của GS. Lê Trí Viễn nhưng không ghi Hán tự.

Phả cũ còn một thuật ngữ mà về sau, từ đời Nguyễn, vì bất tiện, các nhà viết phả bỏ không dùng nữa. Theo hệ thống này vị sinh ra Cao tổ gọi là Cao Cao, sinh ra Cao Cao gọi là Cao Cao Cao .v.v… thuật ngữ này còn được dùng trong phả của gia đình Nguyễn Đình Chiểu mà ta có thể tìm thấy bản dịch của Nguyễn Văn Y, in lại trong cuốn Dõi tìm tông tích người xưacủa Dã Lan (tr 295 – 302).

Một vấn đề dễ nhầm lẫn

Trên đây là giải thích vấn đề theo đúng phương pháp chính thống của gia phả học, còn trong dân gian vẫn có thói quen tính đời gom cả anh em đồng hàng vào.

Ngay cả các nhà làm từ điển, trong lúc vô tinh vẫn có thể nhầm:

Các tác giả cuốn Việt Nam Từ Điển, Hội Khai trí Tiến Đức soạn (Hà Nội 1931) khi giảng chữ Huyền tôn đã viết: Chút: cháu 4 đời (tr 253), nhưng khi giảng chữ chút thì lại đề: cháu 5 đời, con người chắt (tr 140).

Huỳnh Tịnh Của, trong Đại Nam Quốc Âm Tự Vị, soạn năm 1893, khi giảng từ chút chít, đã viết: cháu dòng giữa, ba đời kêu là chắt, bốn đời kêu là chít, 5 đời kêu là chút (tr 144). Như vậy là rất đúng với thang Cửu Tộc. Tuy nhiên khi giảng về chữ Chút thì lại giảng: Ít lắm, cháu 4 đời (tr 172) (Từ miền Nam Chít rồi mới đến Chút).

Các thí dụ dẫn trên cho thấy đây là một vấn đề rất dễ nhầm lẫn. Tuy nhiên trong gia phả họ Nguyễn thôn Hậu làng Dịch Vọng, tức làng Vòng ở huyện Từ Liêm, Sơn Tây, có một bài Gia Phả Tổng Thuyếtdạy con cháu cách tôn xưng trong khi cúng giỗ tổ tiên, đã viết:

Gia phả sở dĩ minh thế chứ, tự tổ tiên dã. Thế đại viễn cận truy tôn hữu biêt, như:

Tử tế Phụ Mẫu (kết tự bản thân dĩ thượng thị nhị đại) tắc tự xưng trưởng (hoặc Hiếu…) Tử, nhi tôn phụ viết Hiển Khảo, mẫu viết Hiển Tỷ:

Tôn tế Tổ (kế tự bản thân dĩ thượng thị tam đại) tức tự xưng Đích (hoặc Hiếu…) Tôn, nhi tôn tổ viết Hiển Tổ Khảo, tổ mẫu viết Hiển Tổ Tỷ.

Tằng Tôn Tế Tằng Tổ (kế tự bản thân dĩ thượng thị tứ đại) tắc tự xưng Đích Tằng Tôn, nhi tôn Tằng Tổ nhị vị viết Hiền Tăng Tổ Khảo, viết Hiền Tằng Tổ Tỷ…

Dịch: “Gia phả cốt là để làm rõ thứ tự các đời mà thờ cúng tổ tiên vậy. Các đời xa gần con cháu tôn xưng có khác nhau, như:

Con tế cha mẹ, tính từ bản thân lên là 2 đời, thì tự xưng là Trưởng (hay Hiếu) Tử và tôn cha là Hiển Khảo, mẹ là Hiển Tỷ.

Cháu tế ông, tính từ bản thân lên là ba đời, thì tự xưng là Đích Tôn và tôn xưng ông nội là Hiển Tổ Khảo, bà nội là Hiển Tổ Tỷ.

Chắt tế cụ nội, tính từ bản thân lên là bốn đời, thì tự xưng là Đích Tằng Tôn và tôn xưng hai cụ là Hiển Tằng Tổ Khảo và Hiển Tằng Tổ Tỷ…”

Như thế các cụ xưa cũng có dạy ta cách tính số đời như bình thường, nhưng khi nói đến thứ tự các đời thì lại không thể nhầm lẫn, nhất là các nhà nghiên cứu về Gia phả học.

Viết bài này tôi không hề có ý định chê bai người đi trước vì bản thân cũng còn rất nhiều điều phải học hỏi đối với ngành học này. Chỉ là tìm một cách khởi động lại vấn đề gia phả trong dư luận qua một số điểm thật then chốt của phương pháp và thuật ngữ gia phả học Việt Nam, trong lúc phong trào tìm về nguồn đang rất sôi nổi.