Heo rừng sống được bao lâu

Đúng.

  • Có phải là lợn rừng chỉ sống bầy đàn nên không; thể nuôi nhốt đơn độc như các loại lợn khác không?
  • Lợn rừng có những tập tính sinh hoạt đặc biệt nào không?
  • Lợn rừng có trọng lượng lớn nhất là bao nhiêu? Tốc độ sinh trưởng cửa lợn rừng như thế nào?
  • Tuổi khai thác ở lợn rừng là bao nhiêu?
  • Khi nào có thể phối giống cho lợn rừng?
  • Giống lợn rừng thuần khan hiếm, vậy có thể dùng công nghệ thụ tinh nhân tạo để nhân nhanh giống lợn rừng không?
  • Lợn rừng mang thai bao lâu? Khi mang thai và sinh con lợn mẹ có tập tính gì khác không so với các loại lợn khác?

Nếu muốn đạt kết quả kinh doanh tốt nhất thì cần phải nuôi lợn rừng trong môi trường phù hợp nhất với các tập tính, khả năng sinh trưởng và sinh sản của chúng. Tập tính sinh sống bầy đàn là một tập tính được chọn lọc tự nhiên giữ lại cho lợn rừng, tập tính này giúp chúng sống sót khi đoàn kết lẩn tránh, chống chọi kẻ thù và kiếm ăn. Trong thiên nhiên, lợn rừng thường thích sinh sống thành bầy đàn, đàn nhỏ gồm 5 – 6 con, bầy đàn lớn gồm 10 – 50 con. Trong một đàn có thể chung sống với nhau nhiều thế hệ. Tuy nhiên, lượng lợn đực sống chung đàn thường chỉ tập trung nhiều trong mùa phối giống. Lợn rừng có khoảng 10 kiểu kêu để liên lạc trong bầy báo hiệu về nguồn thức ăn, tình hình lãnh thổ, kẻ thù, tìm bạn tình, tìm con, tìm mẹ,… Chỉ có những con đực to khỏe, có khả năng tự vệ và kiếm ăn tốt mới thường tách đàn sống một mình, gọi là lợn “độc”.

Lợn rừng cũng giống như nhiều loài động vật sống bầy đàn khác là thường liên hệ với nhau bằng âm thanh và tôn trọng đầu đàn. Lợn rừng sống bầy đàn thường có tập tính cọ xát thân mình vào nhau nhằm tạo mối quan hệ thân thiện, tăng sự tự tin, tính đoàn kết, sức mạnh tập thể và cảm giác an toàn trong bầy.

Khi phải sống một mình trong không gian chật hẹp khép kín sẽ tạo sự âu lo, buồn chán, nhiều khi dấn đến tình trạng “stress” làm lợn chậm thích nghi, ăn kém, ngủ ít và sinh trưởng còi cọc, phát dục chậm, đều gây thiệt hại cho người chăn nuôi.

Vì vậy, nuôi lợn rừng thường nên nuôi tối thiểu 10 con để đủ một nhóm nhỏ và chuồng trại tuy đơn giản nhưng rộng rãi, ổn định và yên tĩnh.

Lợn rừng có những tập tính sinh hoạt đặc biệt nào không?

Lợn rừng có khá nhiều tập tính sinh hoạt lý thú thể hiện chúng là loài động vật nhanh nhẹn và thông minh.

Ngoài tập tính sống bầy đàn và cũng duy trì các quan hệ đấu tranh cùng loài như cạnh tranh con cái, cạnh tranh lãnh thổ, cạnh tranh vị trí đầu đàn, cạnh tranh nơi làm tổ đẻ và nuôi con,… thì lợn rừng còn nổi tiếng là một loài động vật có linh tính và nhanh nhẹn. Chúng có khả năng khứu giác phi thường. Đây là loại vũ khí mà chọn lọc tự nhiên đã giữ lại để bảo đảm an toàn cho chúng khi kiếm ăn trong rừng khi mà thính giác của lợn rừng không được tốt cho lắm. Chính vì vậy mà trò thể thao săn lợn rừng rất được ưa chuộng ở các nước châu Âu và châu Phi.

Khi nghe hoặc cảm nhận được điều gì đó làm lợn rừng sinh nghi cho sự an toàn lúc bấy giờ, lập tức chúng ra hiệu cho nhau im lặng để kẻ thù không phát hiện ra chúng mà bỏ đi.

Trường hợp kẻ thù đến được gần nơi ẩn nấp, chúng cùng nhau kêu thật to để uy hiếp kẻ thù và chạy thật nhanh vào rừng sâu. Khi cảm thấy an toàn, chúng lại cùng nhau đứng lại, dũi đất kiếm ăn bình thường.

Chúng cũng có khả năng ghi nhớ rất tốt về những nguy hiểm mà chúng thoát được. Thường thì đã thoát được một kiểu bẫy hoặc săn nào thì con lợn rừng đó không bao giờ mắc bẫy hoặc kiểu săn đó.

Với lợi thế chân cao, gọn, lợn rừng chạy nhanh gần bằng nai. Không những chạy nhanh được ở trên cạn, chúng còn không sợ nước và bơi rất giỏi.

Để tránh các bệnh ngoài da, sự khó chịu bởi nóng và sự tấn công của ve, ruồi, muỗi chích đốt, lợn rừng duy trì tập tính thích ngâm mình trong bùn lầy và ve vẩy đuôi liên tục.

Bình thường lợn rừng không phải là loài động vật hung dữ như hổ, báo; sư tử, trước nguy hiểm chúng thường im lặng để nghi binh kẻ thù, không được thì tháo chạy chứ ít khi chúng tấn công ngay. Song khi cùng đường hoặc khi bị thương đau đớn làm chúng tức giận thì chúng trở thành con vật khá hung dữ và sẵn sàng quay lại chiến đấu với kẻ thù một cách điên cuồng, không còn tiếc mạng.

Trong tự nhiên, kẻ thù chủ yếu của lợn rừng là hổ, báo, chó sói và thợ săn. Những vùng rừng nào, có quá nhiều kẻ thù cũng làm chúng phát tán dần sang vùng khác để đảm bảo độ lớn của quân thể. Tuy nhiên, lợn rừng không có tập tính di cư. Khi phải đối phó với kẻ thù, chúng thường dựng đứng lồng bờm, ngẩng cao đầu, giơ nanh để dọa nạt kẻ thù.

Nắm bắt được các tập tính này, trọng khi thuần dưỡng lợn rừng, người chăn nuôi nên tạo môi trường tự nhiên và tiếp xúc, làm quen từ từ, tránh để lợn rừng bị kích động đột ngột.

Trong tự nhiên, nếu khu vực chúng sống có nhiều thức ăn thì chúng chỉ loanh quanh trong lãnh thổ khoảng 10m2/con [Vì vậy, có thể lợi dụng tập tính này mà khoanh nuôi lợn rừng khi cung cấp đầy đủ thức ăn cho chúng]. Nếu thức ăn bị cạnh tranh nhiều bởi hươu, nai,… thì chúng có thể đi kiếm ăn trong vòng bán kính 50 – 80 m nhưng không có tập tính di cư. Chúng có thể di chuyển bằng nhiều hình thức vận động như đi chậm, đi nước kiệu, phi nước đại và bơi.

Lợn rừng có tập tính tham ăn, thích tranh ăn, thích đi kiếm ăn lúc sáng sớm, lúc chạng vạng tối và ban đêm, còn ban ngày chúng thường ẩn nấp vào rừng rậm hoặc những nơi yên tĩnh, kín đáo. Song dù sao, chúng cũng có chút ít tính hung dữ của động vật ăn thịt, thể hiện bởi các tập tính săn mồi, dù mồi của chúng chỉ là những con vật còn non hoặc bé nhỏ, ít khả năng tự vệ.

Lợn rừng có trọng lượng lớn nhất là bao nhiêu? Tốc độ sinh trưởng cửa lợn rừng như thế nào?

Lợn rừng sinh trưởng nhanh chậm và đạt kích thước tối đa tùy theo từng giống, môi trường và tuổi. Lợn rừng châu Âu thường có tầm vóc to lớn hơn nhiều so với lợn rừng châu Á. Trong khi lợn rừng châu Á chỉ có thể cao 65 – 70 cm, dài 120 – 140 cm, nặng 70 -150kg thì lợn rừng châu Âu có thể cao tới 90 – 100cm, dài 150 – 160 cm, nặng tới 200 – 350 kg. Con đực thường to lớn hơn con cái khoảng từ 20 – 30 kg. Thậm chí giống lợn rừng đại hay lợn rừng “thần” hay lợn rừng rậm lông xuất hiện ở các rừng thưa châu Âu có con những người thợ săn bắt được có trọng lượng khổng lồ 400 – 600 kg. Tuy nhiên, giống lợn khổng lồ này chưa thể thuần dưỡng được.

Xin giới thiệu khả năng sinh trưởng của lợn rừng lai Thái Lan nuôi trong nước hiện nay như sau:

Lợn con sơ sinh rất bé nhỏ, nặng 0,2 – 0,5 kg, dài 15 – 21 cm.

Tuổi cai sữa: 55 – 60 ngày.

Trọng lượng lợn con khi cai sữa là 4 – 5 kg/con.

Tuổi giết thịt có thể tính từ 6 tháng tuổi.

Trọng lượng xuất chuồng thường dao động từ 25 – 50 kg, tùy theo nhu cầu của thị trường.

Một số chỉ tiêu sinh trưởng cơ bản của lợn rừng

Tuổi thọ sinh lý của lợn rừng kéo dài từ 15 -25 năm. Tốc độ sinh trưởng [đối với lợn rừng đã và đang nuôi tại Thái Lan và Việt Nam] chậm [trung bình chỉ khoảng 0,13 – 0,2 kg/ngày].

Lợn rừng là loài ăn tạp, chúng ăn từ các loại rễ cây, củ, cỏ, cây nông nghiệp, nấm, quả sồi, hạt đậu, các loại hoa quả,… đến các động vật dưới đất như giun, dế, rết,… các loại động vật trên mặt đất như bọ cạp, trứng, kỳ nhông, thỏ con, rắn, chim non của các loài chim làm tổ trên mặt đất, sâu bọ, côn trùng, xác chết,…

Tuổi khai thác ở lợn rừng là bao nhiêu?

Nếu nuôi khai thác thịt: Tuổi khai thác là 7 – 9 tháng. Thậm chí từ 6 tháng tùy theo nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, khai thác thít hợp lý nhất là khi lợn đạt trọng lượng 35 – 50 kg tức khoảng 8 – 9 tháng.

Nếu nuôi khai thác giống: Tuổi khai thác là lứa tuổi lợn hậu bị, sau khi dứt sữa, tức lợn con từ 2 – 5 tháng tuổi.

Khi nào có thể phối giống cho lợn rừng?

Lợn rừng là loài động vật khá mắn đẻ, chúng có thể động dục hàng tháng suốt quanh năm chứ không theo mùa như nhiều loài hoang dã khác.

Để tham gia phối giống thì lợn rừng đực giống phải có độ tuổi 1 năm và lợn nái giống đạt tối thiểu từ 9 tháng trở lên. Chu kỳ động dục của lợn rừng là 21 ngày/lần, như vậy mỗi năm lợn rừng cái có thể đẻ được 2 lứa/năm.

Sau khi cho con thôi bú khoảng 1 tuần, lợn mẹ động dục chính thức và sẵn sàng cho lứa phối giống tiếp theo.

Mỗi lần động dục, lợn rừng cái có thể chịu đực 3 ngày.

Việc phối giống lợn rừng tương đối đơn giản. Khi thấy con cái có dấu hiệu động dục ta lùa vào chuồng lợn đực [hoặc ngược lại]. Lợn đực luôn sẵn sàng phối giống, bất kể ngày đêm. Nếu thấy lợn cái không động dục trở lại thì có nghĩa đã phối thành công.

Lợn rừng cái động dục thường biểu hiện thầm lặng hơn lợn nhà. Các dấu hiệu chủ yếu là bỏ ăn, thích nhảy lên lưng con khác, đi lại nhiều và tỏ vẻ “ngóng đợi”. Những con trong thời gian động dục nếu bị con khác nhảy lên lưng sẽ không kêu la và đứng yên. Bản thân con đang động dục còn có hành vi nhảy lên lưng con khác và có phản xạ giao phối giống con đực. Khi có lợn đực hoặc mùi lợn đực mới kêu rên thành tiếng. Phải xác định chính xác thời điểm để phối giống cho lợn cái nếu không kịp thời, thời điểm này qua đi lại phải chờ đến chu kỳ động dục tiếp theo.

Lợn rừng chỉ động dục trong 3 ngày: Trong ngày đầu động dục, âm hộ lợn sưng đỏ, cửa âm hộ có nước nhờn loãng. Tuy nhiên, với lợn rừng rạ [đã sinh con] thì âm hộ chỉ ửng hồng và có thể không sưng nhưng vẫn có nước nhờn chảy ra.

Ngày tiếp theo, âm hộ lợn rừng cái bớt sưng, chuyển từ màu đỏ sang màu tím tái, dịch nhờn keo đặc hơn. Trạng thái đi đứng không yên, tỏ vẻ bồn chồn cao độ. Khi lợn nằm, ấn vào mông là lợn lập tức đứng lèn, vểnh tai, vểnh đuôi. Đây là thời điểm thích hợp nhất để phối giống cho lợn cái.

Sau giai đoạn mê ì ở ngày thứ 2, tuy lợn rừng cái vẫn còn những biểu hiện động dục nhưng cường độ yếu hơn và đã có thể không cho lợn đực phối.

Giống lợn rừng thuần khan hiếm, vậy có thể dùng công nghệ thụ tinh nhân tạo để nhân nhanh giống lợn rừng không?

Hiện tại, phương pháp thụ tinh nhân tạo chưa thể áp dụng cho lợn rừng dù nhu cầu về giống rất cao do các lý do sau đây:

– Lợn rừng là loài mới được nuôi dưỡng, hệ thống kiến thức nghiên cứu về chúng còn rất ít, thiếu hoàn chỉnh hay các cơ sở khoa học cần thiết cho công nghệ thụ tinh nhân tạo còn chưa đầy đủ.

– Lợn rừng là loài còn nhiều tập tính hoang dã, chúng nhát và khó tiếp cận nên việc khai thác tinh và thụ tinh nhân tạo là việc làm chắc chắc gặp nhiều khó khăn, rủi ro cao.

– Nếu sử dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo; người chăn nuôi phải tăng chi phí sản xuất cho dịch vụ dẫn tinh viên và các loại phí khác có liên quan. Điều này làm tăng giá thành sản phẩm , trong khi lợn rừng vốn khá mắn đẻ, tỷ lệ thụ thai cao. Lợn mẹ nuôi và dạy con rất khéo nên tỷ lệ sống sót sau sinh, sau sữa của con non cũng khá cao.

Lợn rừng mang thai bao lâu? Khi mang thai và sinh con lợn mẹ có tập tính gì khác không so với các loại lợn khác?

Khi có thai thì lợn cái không động dục nữa, mang thai 112 – 117 ngày. Sau khi sinh con khoảng 5 – 6 ngày lợn mẹ đã có biểu hiện động dục nhưng khá mờ nhạt do phải tập trung sản sinh sữa và chăm sóc con non.

Trong tự nhiên khi gần đến ngày sinh, lợn mẹ thường tách bầy, bới tìm chỗ và làm tổ để đẻ. Tổ chúng chọn thường là nơi khuất, tĩnh mịch, ấm áp, cao ráo và khá kín đáo. Sau khi tìm được nơi làm tổ, lợn mẹ sẽ tiến hành ngay việc làm tổ như sau:

Nếu là nơi đất pha cát, ít cây cối thì nó chọn phương thức đào hang hoặc hố đất để làm nơi đẻ và bảo vệ đàn con.

Những nơi khá bằng phẳng, nhiều cây bụi nó sẽ tha các loại cỏ khô hoặc nhánh cây bụi khô về đánh đống cao khoảng 1 m, rồi lợn mẹ bò vào giữa đống cỏ, bới thành khoang rỗng ở giữa đống cỏ. Lợn mẹ sẽ đẻ con vào khoang giữa đó của nhà cỏ mà nó tạo được.

Lợn mẹ trở nên rất hung dữ sau đẻ để bảo vệ đàn con của mình. Nó tấn công bất kỳ vật gì, điều gì xâm phạm đến tổ và đàn con của nó kể cả sự thăm viếng của lợn đực hoặc sự vô tình xâm phạm của các con lợn khác từng cùng bầy.

Theo bản năng tự vệ, lợn con có thể đứng lên ngay sau khi đẻ nhưng chân và móng yếu nên nhất thiết nền nơi lợn mẹ đẻ là nền đất và có cỏ gây lực ma sát cho lợn con đứng được khi vừa chào đời.

Lợn rừng cái đẻ ít con nhưng chúng có tập tính tự làm tổ, nuôi và dạy con rất khéo. Lợn mẹ thường cho đàn con đi theo để học tập cách dũi đất, tìm kiếm rất nhiều loại thức ăn [lợn rừng vốn là loài ăn tạp] và cách lẩn tránh kẻ thù.

Mỗi núm vú mà con lợn con nào tìm được khi lọt lòng mẹ thì trong suốt thời gian sơ sinh nó chỉ sử dụng và độc chiếm núm vú ấy của mình. Những lợn con nào yếu quá, không chen tìm núm vú cho mình hoặc số con thừa nhiều hơn số núm vú của lợn mẹ thì số lợn con thừa ấy sẽ nhanh chóng chết yểu do đói và kiệt sức.

Lợn mẹ còn có khả năng nhận con mình rất tốt nên nếu có lợn con lạc đàn vào sẽ nhanh chóng bị cắn chết, kể cả lợn mẹ đó có thừa vú.

Mẹ con lợn rừng ở trong nhà cỏ đó khoảng 4 tháng cho đến khi lợn con khỏe mạnh thì lợn mẹ sẽ dắt con vào nhập đàn, sinh sống theo bầy bình thường.

Nắm bắt các tập tính này, khi nuôi lợn nái cần tạo môi trường yên tĩnh, không thay đổi người chăm sóc, kể cả các dụng cụ chăm sóc.

Video liên quan

Chủ Đề