Hướng dẫn bài tiểu niệm đầu

Hướng dẫn bài tiểu niệm đầu

0

Tiểu Niệm Đầu (小念頭) là bài quyền đầu tiên chúng ta cần học trong Vịnh Xuân Quyền HK. Rèn luyện Tiểu Niệm Đầu hàng ngày sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các thế đỡ và tấn công căn bản của môn phái. Bài quyền cực kỳ dễ thực hiện nếu như chúng ta theo những bước cơ bản. Trong khi tập Tiểu Niệm các bạn nên tập chậm dãi và suy nghĩ về những ứng dụng của từng động tác. Tập cho tới khi một động tác đều có thốn kình đi kèm thì mới đúng.

  • Mô tả
  • Đánh giá (161)

Video Tiểu Niệm Đầu Albert Chong

Các bạn mơi tập chưa quen thì có thể tập theo video này vì dễ tập hơn. Nhưng sau này thì phải chuyển qua tập theo video của Hoàng Thuần Lương và cuối cùng là Diệp Chuẩn để chuẩn xác hơn. Đặc điểm của video này:

  • Đánh khá chậm rãi dễ xem
  • Các động tác tương đối ổn.
  • Không có đoạn Than => Chẩm rất quan trọng
  • Phục thủ chưa đưa được cùi trỏ vào giữa vì quá béo
  • Phù hợp cho người mới tập.

Bí quyết: Dùng Cốc Cốc tải về rồi bật tốc độ chậm mà xem đi xem lại đoạn mình đang tập.

Tiểu Niệm Đầu Hoàng Thuần Lương

Đây là một bản video do chính sư phụ Hoàng Thuần Lương trình bày. Ông là người được Diệp Vấn cho phép truyền bá võ Vịnh Xuân Quyền qua một chuỗi các bài dạy rất bài bản. Có nhiều lý do khiến tôi chọn làm video này để hướng dẫn:

  • Giản lược tối đa nên dễ luyện nhất.
  • Nguyên tắc khuỷu tay cố định rất triệt để.
  • Trong tất cả những động tác đều đúng hình.
  • Có “nhất thốn kình” trong tất cả thủ pháp.
  • Tay trái (tả) trước, tay phải (hữu) sau là đúng.
  • Ông từng thắng hơn 100 trận đánh beimo và chưa từng thua nên biệt hiệu là “King of Talking Hands”.

Anh Bình TNĐ chính điện

Anh đọc ca quyết và đánh bài Tiểu Niệm Đầu nên các em cần mở loa to mà nghe cho rõ. Nhớ vị trí chiếm trung lộ của từng thủ pháp.

Lưu ý: Phần cổ và lưng anh chưa thẳng theo tiêu chuẩn, nên đừng học theo, phải thẳng giống Hoàng Thuần Lương mới đúng.

Anh Bình TNĐ nghiêng

Ở vị trí này các em sẽ nhìn thấy kỹ hơn khẩu độ (khoảng cách) từ thân tới cùi trỏ và độ duỗi trùng của các thủ pháp. Nhớ nghe cho kỹ.

Lưu ý: Phần cổ và lưng anh chưa thẳng theo tiêu chuẩn, nên đừng học theo, phải thẳng giống Hoàng Thuần Lương mới đúng.

Ca Quyết Tiểu Niệm Đầu

Phần ca quyết này đã được Việt hoá và chỉnh cho dễ đọc:

  1. Mã khai bán bộ chi nhị tự Kiềm dương mã
  2. Giao thoa than thủ, Giao thoa Bát thủ, Cổn thủ, thu quyền
  3. (trái, phải) Nhật tự xung quyền, Khuyên thủ, thu quyền
  4. (trái, phải) Than thủ, ( bán Khuyên thủ, Vấn thủ, Hộ thủ, Phục thủ [ngắn, dài] ) x 3 lần, bán Khuyên thủ, Vấn thủ, Hộ thủ, Trắc chưởng, Hộ thủ, Chánh chưởng, Khuyên thủ, thu quyền
  5. Tả Án thủ, hữu Án thủ, hậu Án thủ, tiền Án thủ
  6. Cặp Lan thủ (trái đè phải), Phất thủ, cặp Lan thủ (phải đè trái), song Chẩm thủ, song Than thủ, song Truất thủ, Tiêu chỉ thủ,
  7. Trường kiều Án thủ, song Đề thủ, thu quyền
  8. (trái, phải) Trắc chưởng, Hoành chưởng, thu quyền
  9. (trái, phải) Than thủ, Chẩm thủ, Than thủ, hạ lộ Hoành chưởng, thu quyền
  10. (trái, phải) Than thủ, Canh thủ, Than thủ, hạ lộ Hoành chưởng, thu quyền
  11. (trái, phải) Bàng thủ, Than thủ, Ấn chưởng, thu quyền
  12. Thoát thủ (Canh + Cổn thủ) 4 lần, Xung quyền 3 lần, thu chân.

Trên là những câu ca (lời thiệu) cho bài Tiểu Niệm Đầu. Nếu bạn muốn tập được bài quyền một cách thành thục thì nhất định bạn phải đọc to ca quyết khi thi triển từng đoạn một.

Khi tập các bạn cố gắng tập nhuần nhuyễn từng đoạn một, ví dụ bỏ ra hẳn một tuần để tập xong 1 đoạn rồi mới chuyển sang đoạn khác.

Nếu có gì khó hiểu bạn có thể mở Youtube tìm từ khoá tiếng Trung tương ứng với thủ pháp để tìm hiểu thêm.

Ca quyết Tiếng Trung

Phần này là bản gốc để các bạn có thể tham khảo:

  1. 馬開半步之二字拑羊馬
    Mã khai bán bộ chi nhị tự kiềm dương mã
  2. 交叉攤手 – 交叉撥手 – 滚手收拳
    Giao thoa than thủ – giao thoa bát thủ – cổn thủ thâu quyền
  3. 日字沖拳 – 圈手收拳
    Nhật tự xung quyền – khuyên thủ thâu quyền (tả – hữu)
  4. 攤手 – 半圈手 – 護手 – 伏手
    Than thủ – bán khuyên thủ – hộ thủ – phục thủ
  5. 側掌 – 正掌 -攤手 -圈手收拳
    Trắc chưởng – chánh chưởng – than thủ – khuyên thủ thâu quyền
  6. 左右按手 – 後按手 – 前按手
    Tả hữu án thủ – hậu án thủ – tiền án thủ
  7. 攔手 – 拂手 – 攔手 – 雙枕手 – 標指手
    Lan thủ – phất thủ – lan thủ – song chẩm thủ – tiêu chỉ thủ
  8. 长橋按手 – 雙提手 – 收拳
    Trường kiều án thủ – song đề thủ – thâu quyền
  9. 側掌 -橫掌- 收拳
    Trắc chưởng – hoành chưởng thâu quyền
  10. 攤手 – 枕手 – 括手
    Than thủ – chẩm thủ – quát thủ
  11. 撈手 – 下路橫掌- 收拳
    Lao thủ – hạ lộ hoành chưởng – thâu quyền
  12. 膀手 – 攤手 -印掌- 收拳
    Bàng thủ – than thủ – ấn chưởng – thâu quyền
  13. 脫手 – 连环沖拳 – 收脚
    Thoát thủ – liên hoàn xung quyền – thâu cước

Về Tiểu Niệm Đầu

Thực sự mà nói, bản thân tôi rất thích tập bài Tiểu Niệm Đầu. Khi mới bắt đầu tập tôi đã cảm nhận được sự bài bản của nó. Khi ứng dụng vào thực chiến thì phát hiện những tuyệt kỹ cao cấp cũng đều nằm trong bài Tiểu Niệm cả.

Thế nhưng vấn đề nằm ở chỗ là “Làm thế nào để rèn luyện hiệu quả nhất?”. Để rèn luyện hiệu quả thì chúng ta cần phải hiểu rõ:

  • Bản chất bài quyền
  • Những yếu tố cơ bản
  • Phương pháp tập hiệu quả

Bản chất Tiểu Niệm Đầu

Luyện Tiểu Niệm không dễ, mà cũng chả khó. Đối với những người mộng mơ cho rằng nó cao siêu, thì nó là cao siêu, khó thành công. Còn đối với ai hiểu đúng, nó là Tiểu Niệm Đầu = “Những khái niệm ban đầu nhỏ bé” thì người đó sẽ sớm thành công hơn.

Bài quyền Tiểu Niệm Đầu đơn giản lắm, vì nó chính là những thế đỡ và đánh căn bản nhất của Vịnh Xuân Quyền.

Yếu tố cơ bản

Trong võ thuật, mỗi bài quyền đều có ba yếu tố cơ bản:

  1. Hình – động tác,
  2. Ý – ứng dụng, và
  3. Khí – công lực.

Những người mới tập cho rằng bài Tiểu Niệm Đầu của Vịnh Xuân Quyền chỉ có Hình. Khi rèn nhiều rồi mới phát hiện ra Ý. Và khi luyện nhiều nữa thì mới phát hiện ra Khí.

Hình – động tác

Hình theo nghĩa của hình ảnh. Tiểu Niệm giúp ta nắm vững được những phân thế cơ bản nhất của 18 đòn tay của Vịnh Xuân Quyền, trong đó có 8 thế đỡ, 4 thế tấn công và nhiều thủ pháp.

Lúc sai thì người ta búng một cái cũng đổ. Lấy hai ngón tay kéo một cái cũng ngã. Nếu sai hình thì không bao giờ tới được giai đoạn Ý, hoặc được 1 phần Ý chứ không bao giờ đến được giai đoạn Khí.

Cho nên đã tập là phải đúng hình trước đã. Đúng hình thì đúng theo thế Chính Thân Kiềm Dương Mã. Cảm thấy đứng vững như bàn thạch, người hẩy không ngã, kéo không đi. Đứng đúng thì đánh vào các bộ phận trên cở thể sẽ không bị đau.

Đúng hình thì bất kỳ một thủ pháp nào thì cũng cảm thấy được sự mạnh mẽ của nó, buông lỏng nhưng lại cực kỳ vững chắc.

Giống như ta làm 1 nhà xưởng bằng khung thép ấy. Những thanh thép nhỏ nhưng kết cấu lại thì cực kỳ chắc chắn. Hãy tưởng tượng chúng ta đang kết cấu cái “ngôi nhà” cơ thể của chúng ta từ những mẩu xương. Những bó gân chỉ còn là những mối hàn nhỏ. Và hãy cảm nhận sự chắc chắn đó từ những góc độ khoá khớp đúng.

Hình bao gồm các vị trí chiến lược: chân, hông, thân, vai, khuỷ, cổ tay.

1. Chân

Chân sai thì bàn chân song song, hoặc mũi chân chếch ra. Như thế thì có kéo đầu gối vào đến mấy thì cũng đứng không vững.

Chân đúng thì chĩa mũi chân vào trong để tạo hình tam giác đều. Nghĩa là mỗi bàn chân là 60 độ so với thân mình. Đầu gối trùng xuống một cách tự nhiên như đang ngồi ghế.

Chân buông lỏng tối đa chứ không gồng cứng. Để cảm nhận được sực cứng cáp của mặt đất và có thể đứng cả tiếng không biết mỏi.

2. Hông

Hông phải thả lỏng tự nhiên chứ không gồng cứng. Nhưng phải cảm nhận được. Đây chính là phần kết nối giữa chân và thân, vì thế nó quan trọng vô cùng. Lực va chạm chuyển động có đạt kế quả mong muốn hay không phần lớn là nhờ vào hông.

Nếu hông quá cứng thì lực sẽ truyền theo chiều ngang, khiến cho bị đẩy ngã dễ dàng, nếu quả mềm thì èo ặt không thể chuyển lực lên.

3. Thân

Sai hình thì bụng phưỡn ra, lưng gù, cổ dướn tới trước. Như vậy không khác gì một người đang thiếu tự tin. Khí lực sẽ không truyền lên được. Hơi thở cũng vì thế mà mất đi.

Đúng thì thân phải thẳng, cảm thấy thăng bằng và trọng tâm nằm trên giữa bàn chân.

4. Vai

Vai sai là hơi cao và dúi tới trước, khiến cho sự liên kết giữa tay và thân bị lỏng lẻo, tay dễ bị đánh gặp vào thân và bị bẫy tay như chơi.

Đúng là vai hạ và kéo về sau. Lúc đó đòn mới chịu được tốt hơn nhờ lực truyền từ thân chuyển lên tay và ngược lại.

5. Khuỷu tay

Nhất định phải khoá khớp lại theo nguyên tắc Khuỷ Tay cố định thì mới thành công. Lúc đó mới cảm nhận được sự mạnh mẽ của góc độ lớn hơn sức mạnh cơ bắp nhiều thế nào.

6. Cổ tay

Đa số các đòn đánh của Vịnh Xuân sử dụng lực ở cổ tay. Nếu đánh đúng thì là sức mạnh ngàn cân ở tất cả đòn đánh, vị trí, thời điểm. Đúng với 1 điều kiện bất di bất dịch: cổ tay phải ở trung lộ.

Ý – ứng dụng

Khi nắm vững những hình ảnh này trong đầu rồi thì ta mới có thể ứng dụng chúng được. Và đặc biệt mỗi một động tác chúng ta cần nhớ về đủ 6 nguyên tắc chính của Vịnh Xuân Quyền.

Để cảm nhận được đúng ý, thì trong tất cả các động tác chúng ta phải tưởng tượng ra một đối thủ ảo. Hãy cảm nhận từng động tác của họ tấn công ta bằng 2 tay lần lượt, thì ta làm như thế nào sẽ hiệu quả nhất. Hãy xem một vài ví dụ ứng dụng Tiểu Niệm Đầu.

Ban đầu hãy học phòng thủ, sau đõ sẽ nghĩ xem cũng một động tác ấy ta phản công như thế nào.

1. Tiết kiệm chuyển động

Thứ nhất Tiểu Niệm luyện cho ta biết tiết kiệm chuyển động một cách tối đa. Tiểu Niệm tập từng tay một không phải chỉ vì cho dễ tập, mà là để hiểu được ý của việc dùng một tay mà vừa phòng thủ vừa tấn công chứ chưa cần tới 2 tay. Một tay đấu 2 tay mà còn thắng, thì 2 tay đấu 2 tay sẽ ra sao?

2. Giữ Trung Tâm Tuyến

Thứ hai Tiểu Niệm giúp ta biết giữ trung lộ, vì tất cả các đòn đánh đều lấy trung lộ làm chuẩn mà xuất chiêu. Bất luận là Than, Phục, hay Bàng, ta đều “nhường” hoặc “chiếm” trung lộ tuỳ vào thời điểm của đòn đỡ. Nhường để bẫy, và chiếm để diệt.

3. Khuỷu tay cố định

Thứ ba Tiểu Niệm giúp ta biết giữ khuỷ tay cố định. Cái này thì không còn gì tuyệt vời hơn. Nhờ khuỷ tay cố định mà ta có thể dùng trỏ triệt quyền và dùng bàn tay phản công đối phương cùng một lúc.

4. Tiêu đả đồng thời

Cái trên cũng góp một phần cho ý thứ tư tiêu đả đồng thời trong từng động tác Tiểu Niệm. Khi đạt tới 1 cấp độ nhất định, bạn sẽ thấy rằng mỗi một cử động của Tiểu Niệm đều là 1 cử động vừa đỡ vừa đánh. Và đặc biệt, nếu không có sự cản trở của đối phương thì tất cả đều là đánh hết.

5. Đỡ bốn cửa

Thứ năm Tiểu Niệm giúp ta biết cách đỡ đủ 4 cửa.

Ví dụ điển hình ta dùng Than, Phách và Bàng để đở 2 cửa trên, và dùng Canh, Bát, Chẩm, Truất để đỡ cửa dưới.

6. Bẫy tay

Thứ sáu, Tiểu Niệm giúp ta biết ứng dụng nguyên tắc bẫy tay. Ví dụ Tập Than, Phách, Truất chính là để bẫy tay đối phương ở má ngoài. Nhìn chung nếu luyện càng nhiều, càng sâu thì ta càng biết cách bẫy càng nhiều. Như dùng Than + Bàng bẫy cả 2 tay khoá nhau, Than + Phách cũng thế. Canh cũng bẫy ở cửa dưới.

Khí – công lực

Nếu hiểu theo khía cạn “khí công” thì nó có hơi mang tính mơ hồ. Sau một thời gian luyện tập thì tôi có thể khẳng định là có chút “sức mạnh đặc biệt”. Tôi có thể phân tích cho các bạn hiểu phần này.

Tôi mạn phép tự ý chia ra thành 2 loại khí như sau: khí trời cho, và khí nội công.

Địa khí:

Thực ra nó không huyền bí như chúng ta tưởng (xem phim chưởng). Địa khí được truyền lên từ mặt đất chứ chả ở đâu xa. Khí này có thể nói dễ hiểu là truyền lực.

Xuyên suốt bài quyền chúng ta đứng nguyên 1 thế tấn Nhị tự Kiềm Dương Mã. Cấu trúc thế tấn đúng khiến cho lực tấn công được tới từ mặt đất (lớn ngàn cân), mà lực phòng thủ được truyền về đất (tiêu tán).

Đương nhiên là nếu chỉ tập được chân thì lực đó mới chỉ tụ lại ở phần hông. Lúc đó nếu không sử dụng đúng thì cơ thể bị chia ra thành 2 phần, và lực dừng tại hông. Tấn công người ta mình tự bay ngược lại, mà nhận đòn thì mình bị hất/quật thật dễ dàng.

Tiểu Niệm Đầu giúp ta cấu trúc lại cơ thể, để khoá các khớp xương vào những vị trí tối ưu nhất (nếu đúng hình). Nếu cả 3 phần chân, thân, tay đều đúng hình thì cảm nhận được là khi tấn công mạnh như búa tạ, khi phòng thủ mạnh như cái đe.

Nội công:

Khí này là do tự bản thân tôi luyện mới có được. Nó bao gồm sự cứng chắc của xương, sự dai dẳng của gân, sự mạnh mẽ của cơ, sự điều hoà huyết áp. Khí này giúp cho cơ thể nhỏ bé của ta có thể đánh bật được người gấp rưỡi trọng lượng.

Tất cả những thứ đó nhờ vào nghệ thuật thở. Thực tình tôi mới chỉ luyện được một chút khí nội công thôi nên chứ chưa phải là gì nhưng muốn chia sẻ để các bạn có thể tự rèn luyện.

Khi đánh bài Tiểu Niệm Đầu chúng ta cần phải thở đều đặn. Hít sâu và thở dài bằng bụng. Bằng bụng ở đây không có nghĩa là thở bằng dạ dày đâu nhé. Ta dùng cơ hoành (chia ngực và bụng) kéo xuống để đủn ruột gan phèo xuống đan điền (dưới rốn), để nhường chỗ cho phổi. Lúc này phổi phình to hết cỡ, nghĩa là hoạt động hết công suất của nó.

Lượng không khí gấp hơn 2 lần bình thường được đưa vào phổi sẽ cung cấp đủ Oxy cho từng tế bào cơ gân của chúng ta. Như uống phải thuốc tăng lưc, chúng ta cảm thấy mạnh như dũng sĩ. Cái cơ bắp nhỏ xíu đó giờ hoạt động được mạnh gấp nhiều lần bình thường.

Cứ như thế, nguyên một bài Tiểu Niệm Đầu cũng chính là một bài thiền động. Nếu đánh từ từ, nửa tiếng mới hết bài thì có nghĩa chúng ta đã tăng thêm 30p luyện nội công.

Phương pháp luyện Tiểu Niệm

Nếu bạn đang luyện tập rồi thì nên chú ý. Theo tôi thì phương pháp rèn luyện hiệu quả là làm theo 5 giai đoạn như sau:

  1. Tìm hiểu
  2. Phân khúc
  3. Tổng hợp
  4. Lặp lại
  5. Dạy lại

1. Tìm hiểu

Xem toàn bộ video mô phỏng bài quyền do sư phụ Hoàng Thuần Lương trình bày. Và xem tối thiểu 3 sư phụ các dòng phái khác nhau trình bày.

Tự sơ lược xem có những đòn thủ, công, thủ pháp gì. Sự khác biệt giữa các dòng phái, và lấy làm căn cứ so sánh trong lúc rèn luyện.

Xem toàn bộ các bài hướng dẫn. Như vậy ta hiểu được sơ lược về hình và ý của các đòn đánh. Cũng giống khi ta đi thi mà có ôn bài kỹ. Tìm hiểu càng kỹ thì kết quả rèn luyện càng nhanh.

2. Phân khúc

Chia thành từng đoạn nhỏ ra học. Như thế ta có thể nhớ được kỹ hơn.

Mỗi một đoạn chia ra làm 3 phần: hình, ý, khí. Khi nào luyện đủ chín cho cả 3 phần đó thì mới chuyển sang đoạn tiếp theo.

Thực ra vấn đề lớn nhất của chúng ta là phải đúng hình thì mới cảm nhận được khí. Thấy khí thì cảm thấy được ý chuẩn hơn.

Tuy nhiên để đạt được hình đúng, thì lại cần phải hiểu được ý của từng động tác, mục đích của chúng là gì và chuyển đụng như thế nào để đạt được mục đích đó. Ví dụ như Than thủ dùng để gạt má trong hay má ngoài của đòn đấm? Từ ý sinh hình, và từ hình sinh khí.

Vì vậy mỗi 1 động tác ta nên tìm hiểu về ý của nó trước, học đúng theo hình và cảm nhận được khí vào đó.

Trong mỗi phân khúc thì ta cần tự kiểm chứng sức mạnh và độ chính xác của các đòn đánh. Có 3 cách kiểm chứng:

a) Tưởng tượng:

Bạn hãy tưởng tượng ra những đòn tấn công từ “đối thủ ảo”. Nếu họ đấm, mình đỡ như nào. Nếu thiếu kinh nghiệm thì có thể xem video và phim chưởng để cảm nhận đòn đánh và nghĩ cách phản công.

b) Đánh mộc nhân:

Nếu có mộc nhân thì thật tuyệt vời, ví nếu bạn đánh sai thì ngay lập tức sẽ bị mộc nhân khống chế.

Đừng nghĩ rằng phải tập Mộc Nhân Thung thì mới dùng tới mộc nhân, vì tôi có mộc nhân và tôi nhận thấy nó chính là 1 người thầy vĩ đại nắn hình cho Tiểu Niệm Đầu của tôi.

c) Đối luyện

Nếu có thầy hoặc bạn tập chung để kiểm chứng thì là tốt nhất, vì họ có thể phân tích và điều chỉnh những điểm thiếu sót của bạn.

Đừng nghĩ rằng Tiểu Niệm Đầu không có đối luyện, tôi có thể đứng 1 chỗ cho 1 người đánh cả 2 tay và tôi vẫn dùng 1 tay đỡ bằng đủ các thế đánh của Tiểu Niệm. Chính vì thế tôi khẳng định với bạn rằng, Tiểu Niệm sẽ theo bạn suốt cuộc đời này.

3. Tổng hợp

Sau khi học được từng đoạn thì ta tổng hợp lại. Ví dụ học xong đoạn 1 thì chuyển sang đoạn 2. Học xong đoạn 2 rồi thì đánh cả 1 và 2. Học xong đoạn 3 thì đánh cả 1, 2, và 3. Cứ như vậy đến khi xong đoạn 10 thì bạn đã tập nhiều gấp 10 lần cho đoạn 1.

Nhờ sự lặp lại này mà đoạn 1 được tập nhiều nhất, khiến cho hình, ý, khí hợp nhất và tiến triển sâu hơn cho những đoạn sau.

4. Lặp lại:

Sau khi thực hiện xong 4 giai đoạn trên thì bạn nghĩ đã xong? Không đâu, bạn sẽ phải lặp lại nó đấy. Số lượng vọng lặp càng tăng thì công lực của bạn càng lớn. Vậy hãy kiên trì luyện tập.

Khi lặp lại thì nên nâng cấp như sau:

  • Nâng cấp 1: Tập 1 chân.
  • Nâng cấp 2: Tập 2 tay.
  • Nâng cấp 3: Mộc nhân.
  • Nâng cấp 4: Đối luyện.
  • Nâng cấp 5: Ngồi thiền (tập trong tưởng tượng).

5. Dạy lại:

Luyện tập 1 mình uổng phí thời gian. Khi đã luyện xong rồi thì nên chia sẻ lại với những người khác, vì không có sự rèn luyện nào hiệu quả bằng hướng dẫn lại.

Từ khi tôi dạy bài Tiểu Niệm đầu tới giờ thì sự hiểu biết của tôi về nó tăng rất nhiều. Nếu như điểm tối đa của bài Tiểu Niệm là 10 thì tôi học thầy và tự học được 1 điểm, nhưng khi dạy lại tôi có thêm những 4 điểm nữa. Và tôi nghĩ 5 điểm còn lại sẽ là sự phấn đấu đến già.

Chúc các bạn có những buổi rèn luyện thật thú vị, khoẻ và mạnh.