Lý thuyết chức năng trong xã hội học

Tổng quan về lý thuyết cấu trúc – chức năng

GS.TS Lê Ngọc Hùng

Trong lĩnh vực xã hội học học, thuyết cấu trúc và thuyết chức năng với các biến thể của chúng đã tạo thành thuyết cấu trúc – chức năng tập hợp nhiều tác giả khác nhau tham gia nghiên cứu, xây dựng. Trong số đó nổi bật nhất là Talcott Parsons [1902-1979], Robert Merton [1910-2003] và Peter Blau [1918-2002].

Nhìn chung, Parsons sử dụng khái niệm cấu trúc và khái niệm hệ thống gần như tương đương nhau với nghĩa là hệ thống có cấu trúc và cả hai đều có chung những thành phần nhất định mà mỗi thành phần này có những chức năng nhất đinh đối với cả hệ thống[1]. Khái niệm cấu trúc nhấn mạnh các yếu tố tạo thành khuôn mẫu, định hình hệ thống một cách tương đối ổn định. Khái niệm hệ thống nhấn mạnh một tập hợp các yếu tố được sắp xếp theo trật tự nhất định, nghĩa là được định hình vừa độc lập vừa liên tục trao đổi qua lại với hệ thống môi trường xung quanh. Thuyết cấu trúc – chức năng nhấn mạnh mối quan hệ chức năng giữa các thành phần với cả tổng thể.

Về mặt lý thuyết, với tư cách là một tập hợp logic các khái niệm[2], Parsons xem xét hệ thống trong một không gian ít nhất có ba chiều như sau:

  • Thứ nhất là chiều cấu trúc: hệ thống xã hội nào cũng có cấu trúc của nó;
  • Thứ hai là chiều chức năng: hệ thống xã hội luôn nằm trong trạng thái động, tức là tự biến đổi để thích nghi trong quá trình liên tục  trao đổi với môi trường;
  • Thứ ba là chiều kiểm soát: hệ thống xã hội nào cũng có khả năng điều khiển và tự điều khiển[3].

Theo Parsons, xã hội là một kiểu hay loại hệ thống xã hội đáp ứng được tất cả các đòi hỏi chức năng cơ bản của một sự tồn tại lâu bền từ các nguồn lực bên trong của nó[4]. Hệ thống xã hội là hệ thống của các quá trình tương tác giữa các tác nhân [actors]. Cấu trúc của hệ thống xã hội về cơ bản là cấu trúc của các mối liên hệ giữa các tác nhân tham gia vào quá trình tương tác[5]. Chức năng là vai trò, nhiệm vụ mà mỗi một thành phần của hệ thống xã hội phải thực hiện để đảm bảo cho cả hệ thống xã hội tồn tại, vận động và phát triển một cách phù hợp với môi trường xung quanh.

Đơn vị của hệ thống xã hội

Parsons phân biệt bốn đơn vị của hệ thống xã hội như sau[6]:

  • Một là động tác xã hội [social act] do một người thực hiện và hướng vào một người hay nhiều người khác như là đối tượng,
  • Hai là vị thế-vai trò với tính cách là một tiểu hệ thống có tổ chức của một người hay nhiều người chiếm giữ những vị thế đã cho và hành động hướng vào nhau theo các xu hướng tương tác nhất định.
  • Ba là bản thân tác nhân - người hành động với tính cách là một đơn vị xã hội, một hệ thống có tổ chức của tất cả các vị thế và vai trò đặt ra đối với người đó như là một đối tượng xã hội và với tính cách là “tác giả” của một hệ thống các hoạt động-vai trò.
  • Bốn là đơn vị tổng hợp, là một tập thể với tính cách là một tác nhân và một đối tượng.

Tương ứng với bốn loại đơn vị hệ thống xã hội là bốn loại cấu trúc xã hội: cấu trúc của các động tác xã hội, cấu trúc của các vị thế-vai trò, cấu trúc của các tác nhân hành động và cấu trúc của tập thể.

Parsons nổi tiếng trong giới xã hội học về sơ đồ lý thuyết hệ thống xã hội viết tắt là AGIL theo bốn chữ cái của bốn tiểu hệ thống. Theo Parsons, hệ thống xã hội được cấu thành từ bốn tiểu hệ thống [hệ thống nhỏ hơn], tương ứng với bốn loại nhu cầu, chức năng cơ bản của hệ thống xã hội. Bốn loại yêu cầu chức năng của xã hội là:

  • Một là: Thích ứng [Adaptation - ký hiệu là A] với môi trường tự nhiên-vật lý xung quanh.
  • Hai là: Hướng đích [Goal Attainment - G] - huy động các nguồn lực nhằm vào các mục đích đã xác định.
  • Ba là: Liên kết [Integration - I] - phối hợp các hoạt động, điều hoà và giải quyết những khác biệt, mâu thuẫn.
  • Bốn là: Duy trì khuôn mẫu lặn [Latent-Pattern Maintenance - L] - tạo ra sự ổn định, trật tự.

Từ đó, trong xã hội học hiện đại đã xuất hiện sơ đồ nổi tiếng của Parsons về hệ thống xã hội viết tắt là sơ đồ AGIL, còn được gọi là sơ đồ hệ thống “bốn chức năng”[7].

Trong hệ thống xã hội, tiểu hệ thống [A] có chức năng cung cấp các phương tiện, nguồn lực và năng lượng để thực hiện các mục đích đã xác định. Trong hệ thống xã hội, đây chính là tiểu hệ thống kinh tế. Nền kinh tế, các doanh nghiệp và các quá trình kinh tế được tổ chức để thực hiện chức năng thích ứng của xã hội đối với môi trường khan hiếm các nguồn lực và đang biến đổi không ngừng.   

Tiểu hệ thống hướng đích [G] đóng vai trò xác định các mục tiêu và định hướng cho toàn bộ hệ thống vào việc thực hiện mục đích đã xác định. Tiểu hệ thống hướng đích trong xã hội chính là hệ thống chính trị với các tổ chức đảng phái và các cơ quan chính quyền trung ương và chính quyền địa phương cùng nhiều đơn vị và cơ quan quyền lực khác.

Tiểu hệ thống liên kết [I] thực hiện chức năng gắn kết các cá nhân, các nhóm và tổ chức xã hội, đồng thời kiểm soát xã hội thông qua giám sát, kiểm tra, điều chỉnh, trừng phạt để giải quyết các quan hệ mâu thuẫn, xung đột nhằm tạo nên sự ổn định, sự đoàn kết và trật tự xã hội. Tiểu hệ thống liên kết gồm có các cơ quan pháp luật, cơ quan hành chính và bộ máy an ninh xã hội.

Để tồn tại một cách ổn định và trật tự, mỗi xã hội cần phải có tiểu hệ thống bảo tồn [L] thực hiện chức năng kích thích, động viên các cá nhân và nhóm xã hội, đồng thời đảm nhiệm chức năng quản lý và bảo trì các khuôn mẫu hành vi, ứng xử của các thành viên. Tiểu hệ thống L bao gồm gia đình, nhà trường, tổ chức văn hoá, tôn giáo, khoa học, nghệ thuật. Thông qua các cơ chế xã hội hoá, hợp thức hoá và thiết chế hoá hệ các giá trị, chuẩn mực xã hội có khả năng đáp ứng nhu cầu duy trì các kiểu hành động, các khuôn mẫu hành vi để bảo đảm trật tự, ổn định, cân bằng và an toàn xã hội.

Các tiểu hệ thống quan hệ với nhau theo nguyên lý điều khiển học. Hệ thống ở cấp độ cao hơn về thông tin nhưng yếu về năng lượng [ví dụ hệ thống văn hoá - L] chi phối và kiểm soát hệ thống ở trình độ cao hơn về năng lượng nhưng kém về thông tin [ví dụ hệ thống kinh tế - A].

Các tiểu hệ thống có mối quan hệ qua lại với nhau theo nguyên lý chức năng để tạo thành một chỉnh thể toàn vẹn. Chẳng hạn, tiểu hệ thống kinh tế có mối quan hệ qua lại với nhau và với các tiểu hệ thống khác của xã hội để lấy nguồn “đầu vào” và cung cấp “đầu ra” là sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ. Ví dụ, doanh nghiệp sử dụng lao động của công nhân có trình độ chuyên môn và kỹ năng tay nghề do tiểu hệ thống giáo dục tạo ra và đổi lại, nó trả công lao động cho công nhân để họ nuôi sống bản thân và gia đình.

Các tiểu hệ thống trao đổi với nhau thông qua một loạt các phương tiện và công cụ xã hội, ví dụ, tài sản, tiền bạc, quyền lực, sự ảnh hưởng, sự gắn bó và niềm tin. Mỗi một cặp tiểu hệ thống quan hệ trao đổi với nhau thông qua một số loại phương tiện chuyên biệt. Phương tiện cơ bản của tiểu hệ thống A là tiền, vốn; của tiểu hệ thống G là quyền lực; của tiểu hệ thống I là sự ảnh hưởng; và của tiểu hệ thống L là sự cam kết về mặt giá trị[8]. Chẳng hạn, tiền công là phương tiện chính để trao đổi giữa tiểu hệ thống kinh tế [A] và tiểu hệ thống duy trì khuôn mẫu [L]. Vốn tư bản là phương tiện chính trong quan hệ trao đổi giữa tiểu hệ thống kinh tế [A] và tiểu hệ thống hướng đích [G]. Cần chú ý là các chức năng và các tiểu hệ thống có thể tương ứng đan xen, bù trừ với nhau rất phức tạp. Ví dụ, tiểu hệ thống chính trị trong tình huống nhất định có thể đảm nhận cả nhiệm vụ làm kinh tế và những tổ chức kinh tế độc quyền mạnh có thể lũng đoạn chính trị, pháp luật.

Lý thuyết về các hệ thống xã hội của Parsons được trình bày dưới dạng sơ đồ khái niệm chủ yếu giúp ta phân tích và mô tả hành động xã hội và trật tự của cấu trúc xã hội một cách tổng hợp, khái quát và hệ thống[9].

Thuyết cấu trúc – chức năng được bổ sung và phát triển nhờ những đóng góp lý luận quan trọng của Robert K. Merton [1910-2003]. Một đóng góp lớn của Merton đối với chủ thuyết này là việc phát hiện ra sự loạn phản chức năng, còn gọi là phi chức năng hay phản chức năng. Khác với Parsons luôn coi mọi hệ quả của một thiết chế xã hội là chức năng với nghĩa là những tác dụng tốt, có lợi cho toàn bộ cấu trúc xã hội, Merton chỉ ra những phản chức năng của thiết chế xã hội. Phản chức năng là những hệ quả làm cản trở, thậm chí gây rối loạn, làm giảm khả năng tồn tại, thích ứng của cấu trúc. Để nhận diện sự loạn chức năng hay phản chức năng, cần trả lời câu hỏi: hệ quả của một hiện tượng xã hội đem lại lợi ích hay gây tổn hại tới lợi ích của ai?

Cần thấy rằng hệ quả có thể là chức năng, tức là có lợi cho nhóm người này nhưng lại là phản chức năng, tức là có hại cho nhóm người kia. Ví dụ, bộ máy nhiệm sở có chức năng nâng cao tính hiệu quả của tổ chức, nhưng có phản chức năng là tạo ra sự xơ cứng, máy móc trong hành vi của các thành viên.

Một đóng góp quan trọng khác của Merton là việc phân loại chức năng trội và chức năng lặn dựa vào mức độ biểu hiện của chúng. Merton chỉ ra cách phân tích chức năng là phải vượt qua quan niệm thông thường về mục đích, ý nghĩa mà các chủ thể gán cho sự vật, hiện tượng để xác định chính xác, khách quan tác dụng của chúng. Khi tìm hiểu thiết chế và tổ chức xã hội, cần chỉ ra đâu là hệ quả không chủ định, chưa thấy rõ, chưa biểu hiện công khai và đâu là hệ quả chủ định, thấy rõ, công khai. Trên thực tế, muốn hiểu cơ chế hoạt động, tồn tại và phát triển của một cấu trúc xã hội, ta không nên vội vàng tin vào những lời tuyên bố công khai về mục đích, tác dụng của nó; mà cần phải phân tích những tác động nhiều chiều của nó đối với các cấu trúc xã hội có liên quan.

Các cấu trúc chức năng thay thế. Giống như nhiều nhà chức năng luận, Merton chỉ ra những nhu cầu chức năng cần phải đáp ứng để xã hội vận hành một cách bình thường và gọi chúng là “những điều kiện tiên quyết về mặt chức năng đối với xã hội”. Nhưng khác với họ, Merton cho rằng không nhất thiết mỗi thiết chế xã hội chỉ đáp ứng một loại nhu cầu xã hội. Mà trên thực tế, trong xã hội luôn có “các cấu trúc chức năng thay thế nhau” để thoả mãn các yêu cầu chức năng mà xã hội đặt ra. Một chức năng có thể do hai hay nhiều hơn các tổ chức, thiết chế xã hội cùng có khả năng thực hiện. Điều này có nghĩa là những thiết chế hiện hành, đang được duy trì không phải vì chúng thực sự cần thiết và thực sự tốt hay có lợi cho xã hội; mà chẳng qua chúng có cơ chế để tồn tại và có khả năng để duy trì sự tồn tại của chúng bất chấp việc chúng có thực sự cần thiết hay có chức năng hay không.

Các thiết chế xã hội luôn luôn có khả năng thay thế lẫn nhau trong việc đáp ứng những nhu cầu cần thiết cho sự vận hành và hoạt động của xã hội. Ví dụ, khi xã hội chưa có nhà trường theo nghĩa đang dùng hiện nay thì gia đình là thiết chế thực hiện chức năng giáo dục trẻ em. Khi các doanh nghiệp quốc doanh không có khả năng tạo việc làm cho mọi người lao động thì gia đình trở thành một trong những thiết chế xã hội đóng vai trò tạo việc làm cho các thành viên trong gia đình. Khi người già không được chăm sóc tại gia đình thì trong xã hội xuất hiện các trung tâm dưỡng lão cung cấp loại dịch vụ này.

Merton đã sử dụng triệt để cách phân tích chức năng luận để giải thích sự sai lệch xã hội. Merton làm rõ ý tưởng của Parsons về vai trò của yếu tố văn hoá, yếu tố thiết chế và sự phân hoá định hướng-giá trị trong việc phân loại hành vi sai lệch. Parsons cho rằng sự lệch chuẩn diễn ra trong hệ thống của sự phân hoá hành động theo xu hướng đối lập nhau là chủ động và thụ động và sự phân hoá động cơ thành thoả hiệp và xa lạ[10].

Merton đưa ra định nghĩa: sự lệch chuẩn là sự không phù hợp, sự “lệch pha” giữa mục tiêu văn hoá và phương tiện được thiết chế hoá. Do xác định sai mục tiêu văn hoá hoặc chọn sai phương tiện mà hành động bị coi là lệch chuẩn, là sai lệch thậm chí là tội phạm. Như vậy, sự lệch chuẩn xã hội là do sự lệch lạc so với chuẩn mực xã hội trong việc lựa chọn một trong hai thành tố quan trọng nhất của cấu trúc hành động, đó là mục tiêu và phương tiện.

Từ cách giải thích mang tính chức năng luận về sự lệch chuẩn [Anomie], Merton đưa ra bảng phân loại hành động để nhận diện các kiểu hành vi sai lệch xã hội[11]. Căn cứ vào việc xã hội chấp nhận [ký hiệu là dấu +] hay bác bỏ [ký hiệu là dấu - ] mục tiêu và phương tiện, Merton phân biệt năm kiểu hành động thích nghi với xã hội như sau:

  • Kiểu thoả hiệp [++]: Khi cả mục tiêu văn hoá và phương tiện được chủ thể lựa chọn đều phù hợp với hệ các giá trị, chuẩn mực xã hội và do vậy được xã hội hoàn toàn chấp nhận. Ví dụ, để đạt mục tiêu làm giàu mà xã hội không phản đối mục tiêu này[12] thì cá nhân có thể chọn phương tiện được xã hội chấp nhận là học hành “đến nơi đến chốn” và tìm kiếm được một chỗ làm việc tốt.
  • Kiểu đổi mới [+ -]: Đây là kiểu hành động nhằm mục tiêu đã được chấp nhận nhưng bằng những phương tiện và cách làm mới mà xã hội có thể chưa hay không chấp nhận. Ví dụ, việc làm giàu bằng cách đổi mới công nghệ hay mở rộng doanh nghiệp mà lúc đầu chưa được mọi người thừa nhận.
  • Kiểu nghi thức[- +]: Đây là kiểu hành động tuân theo các thủ tục, các quy định và sử dụng các phương tiện được thừa nhận, nhưng lại không nhằm vào mục tiêu văn hoá được xã hội chấp nhận. Ví dụ, hành động quản lý của những vị giám đốc chỉ biết làm theo một cách máy móc những quy định nhưng không đem lại kết quả gì, thậm chí còn gây thua lỗ và bất bình đẳng xã hội trong doanh nghiệp.
  • Kiểu thoái lui [- -]: Đây là kiểu hành động mà cả mục tiêu và phương tiện của nó đều không được chấp nhận. Ví dụ, hành động của những người đi tìm khoái lạc bằng cách sử dụng các chất ma tuý. Kiểu hành động này còn gọi là sự suy đồi.
  • Kiểu nổi loạn [+ -  + -]: Đây là kiểu hành động hướng tới mục tiêu mới được đặt ra để thay thế cho những mục tiêu cũ và sử dụng phương tiện mới thay thế cho phương tiện cũ. Ví dụ, hành động của những người khởi nghĩa, những người cách mạng hay việc thành lập doanh nghiệp mới để sản xuất những mặt hàng hoàn toàn mới.

Xếp tất cả năm kiểu hành động này trên cùng một trục ta thấy kiểu hành động thoả hiệp nằm ở cực “bình thường, đúng mực” đối lập với kiểu nổi loạn ở cực “bất thường, sai lệch”. Các kiểu hành động còn lại nằm dọc trên trục này, cụ thể sau “thoả hiệp” là “đổi mới”, tiếp đến là “nghi thức” rồi “thoái lui” và cuối cùng là “nổi loạn”.

Sự khác biệt giữa các kiểu ứng xử xã hội chủ yếu là ở nhận thức và thái độ đánh giá của xã hội đối với từng biểu hiện của mục tiêu văn hoá và phương tiện được lựa chọn để thực hiện mục tiêu. Tiêu chuẩn để xác định mức độ đúng mực hay sai lệch của hành động phụ thuộc vào hệ quả của nó đối với xã hội. Điều này liên quan tới câu hỏi phương pháp luận của thuyết cấu trúc-chức năng mà Merton đã đặt ra, là: hành động xã hội có chức năng hay phản chức năng đối với ai?

Cuối thế kỷ 20, chủ thuyết cấu trúc – chức năng được phát triển lên một bước nữa nhờ những đóng góp của nhà xã hội học nổi tiếng người Mỹ là Peter Blau [1918-2002]. Trong cuốn sách Bất bình đẳng và sự hỗn tạp[13], Blau đã cung cấp cách nhìn nhận mới để giải đáp một câu hỏi cơ bản của xã hội học: cái gì tạo nên sự thống nhất xã hội? Blau cho rằng nhất định có một loại liên kết xã hội, một loại quan hệ xã hội nào đó có khả năng tạo ra sự thống nhất xã hội. Theo ông, sự kết hợp của các nhóm và các tầng lớp xã hội khác nhau thành một thể thống nhất không thể chỉ dựa vào mối phụ thuộc lẫn nhau về mặt chức năng mà đòi hỏi sự tương tác xã hội thực sự giữa các thành viên. Blau phân biệt hai loại đặc điểm cơ bản của cấu trúc xã hội quy định vị trí, vai trò và mối liên hệ xã hội của các cá nhân.

  • Loại đặc điểm thứ nhất là đặc điểm danh nghĩa [định tính bằng tên gọi] cho biết chất của sự vật, hiện tượng xã hội. Nhờ chúng mà các cá nhân được phân ra thành từng loại, từng nhóm khác nhau về tên gọi chứ không phải về thứ bậc cao thấp, trên dưới. Ví dụ, đặc điểm về giới tính, dân tộc, tôn giáo, đảng phái, nghề nghiệp, v.v..
  • Loại đặc điểm thứ hai là đặc điểm mức độ [định lượng] nhờ nó mà các cá nhân phân hoá thành từng loại, từng nhóm khác nhau về mức độ nhiều ít, cao thấp, trên dưới. Ví dụ là các đặc điểm về mức thu nhập, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, mức độ uy tín, quyền lực v.v..

Tương ứng với hai loại đặc điểm này là hai kiểu cấu trúc xã hội như sau:

  • Dựa vào đặc điểm danh nghĩa, có kiểu cấu trúc xã hội không đồng nhất - kiểu cấu trúc hàng ngang gồm các nhóm người khác nhau về tên gọi nhưng giống nhau về cấp bậc, tầng lớp.
  • Dựa vào đặc điểm mức độ, có kiểu cấu trúc xã hội bất bình đẳng - kiểu cấu trúc hàng dọc gồm các nhóm người khác nhau về vị thế trên dưới, cao thấp. Các kiểu cấu trúc xã hội như vậy đều có thể tạo ra những hàng rào hoặc những cơ hội cho sự tương tác xã hội, tức là cho sự thống nhất xã hội.

Cũng thuộc chủ thuyết cấu trúc – chức năng, nhưng lý thuyết của Athony Giddens lại nhấn mạnh chiều cạnh quá trình của hệ thống xã hội. Từ đó Giddens đưa ra thuyết cấu trúc hoá với luận điểm cốt lõi là con người với tư cách là những hành thể [Actor - diễn viên, người hành động] luôn tái tạo ra các cấu trúc xã hội, đồng thời hành động của họ bị cấu trúc xã hội quy định. Thông qua các hành vi, hoạt động của mình, con người tạo dựng, thay đổi những cấu trúc xã hội mà họ là thành viên[14]. Sự cấu trúc hoá diễn ra trong thời gian, không gian và trong suốt cuộc sống của mỗi cá nhân. Nhờ mặt tích cực của hành động cá nhân mà cấu trúc xã hội được tái tạo một cách sinh động, liên tục chứ không máy móc.

Theo Giddens, cấu trúc gồm các quy tắc và các nguồn lực được sử dụng trong quá trình tái tạo các hệ thống xã hội. Các quy tắc cho biết con người phải làm gì và làm như thế nào khi tương tác xã hội, còn các nguồn lực vật chất-tinh thần giúp con người đạt được mục đích của họ[15].

Giddens chỉ ra một số yếu tố tác động tới sự tái tạo xã hội - sự cấu trúc hoá xã hội. Trong số đó có sự hiểu biết lẫn nhau, sự tự chủ, sự tin cậy, thói quen và những yếu tố khác thuộc về điều kiện bên trong và điều kiện bên ngoài. Lý thuyết cấu trúc hoá nhấn mạnh tính chất hai mặt của hành động người và cấu trúc xã hội cũng như nói đến quá trình chuyển hoá và tái tạo lẫn nhau của chúng.

Với việc đưa ra lý thuyết cấu trúc hoá, Giddens hy vọng giải quyết được những vấn đề “tiến thoái lưỡng nan” của khoa học xã hội nói chung và chủ thuyết cấu trúc-chức năng nói riêng. Đó là cặp vấn đề “hành động người và cấu trúc xã hội”, “trật tự và mâu thuẫn”, vấn đề lồng ghép quan niệm giới trong xã hội học và vấn đề nghiên cứu, dự báo sự phát triển của xã hội hiện đại. Thuyết cấu trúc – chức năng được triển khai và phát triển thông qua các biến thể mới như thuyết hậu cấu trúc và thuyết hậu chức năng để lý giải những biến đổi mới ở những nước công nghiệp phát triển cao, nhưng lại khó giải thích được những biến đổi mới ở những nước chậm phát triển và đang phát triển.


[1] Parsons viết: “Khi một tập hợp các hiện tượng phụ thuộc lẫn nhau cho thấy tính ổn định và tính khuôn mẫu đủ rõ ràng trong khoảng thời gian nhất định thì ta có thể nói là nó có “cấu trúc” và có thể coi nó như là một “hệ thống”. Trong James Farganis. Readings in Social Theory: the Clasic Trandition to Post-Modernism. McGraw-Hill, Inc. 1993. Tr. 213.

[2] Về cuốn Hệ thống xã hội của mình, Parsons viết: “Cuốn sách này rõ ràng là bài luận về lý thuyết có tính hệ thống. Nó không phải là sự thử nghiệm trình bày lý thuyết về một hiện tượng cụ thể nhất định, mà là sự cố gắng trình bày một sơ đồ khái niệm được diễn đạt một cách logic”. Talcott Parsons. The Social System. Glencoe, Illinais: The Pree Press. 1951. Tr. 536.

[3] Talcott Parsons. The Social System, trong James Farganis. Readings in Social Theory: The Clasic Trandition to Post-Modernism. McGraw-Hill, Inc. 1993. Tr. 213-216

[4] Talcott Parsons. The Social System. Glencoe, Illinais: The Pree Press. 1951. Tr. 19

[5] Talcott Parsons. The Social System. Glencoe, Illinais: The Pree Press. 1951. Tr. 25.

[6] Talcott Parsons. The Social System. Glencoe, Illinais: The Pree Press. 1951. Tr. 26

[7] Robert J. Holton. “Four-Function” paradigm, trong George Ritzer and Barry Smart [eds]. Handbook of Social Theory. London: Sage Publications. 2001. Tr. 155.

[8] Jeffrex Alexander. Văn hoá và thuyết chức năng, trong Đỗ Lai Thuý. Theo vết chân những người khổng lồ: tân Guylivơ phiêu lưu ký về các lý thuyết văn hoá. Nxb Văn hoá Thông tin. Hà Nội. 2006. Tr. 57.

[9] Đối với Parsons, lý thuyết xã hội học, với tư cách là một khía cạnh của lý thuyết về các hệ thống xã hội, chủ yếu quan tâm tới hiện tượng thiết chế hoá các khuôn mẫu định hướng-giá trị trong hệ thống xã hội. Talcott Parsons. The Social System. Glencoe, Illinais: The Pree Press. 1951. Tr. 552.

[10] Khung khái niệm [Paradigm] của Merton về sự lệch chuẩn là một trường hợp quan trọng của cấu trúc xã hội của hành vi sai lệch do Parsons đưa ra. Talcott Parsons. The Social System. Glencoe, Illinais: The Pree Press. 1951. Tr. 257-258

[11] Hồ Diệu Thuý. Điểm qua các lý thuyết xã hội học về lệch lạc và tội phạm. Tạp chí Xã hội học. Số 1. 2000. Tr. 95-101.

[12] Có nơi có thời kỳ, việc làm giàu ngay cả một cách chính đáng cũng có thể bị lên án là xấu xa, là bóc lột. Ngày nay, tình hình đã đổi mới: nhưng “làm giàu” chỉ được đề cao là mục đích chứ không phải là lý tưởng.

[13] Peter Blau. Inequality and Heterogeneity: A Primitive Theory of Social Structure. New York: The Free Press. 1977.

[14] Giddens viết: “Cấu trúc bao gồm các khuôn mẫu hay các mối quan hệ có thể quan sát được trong sự đa dạng của các khung cảnh xã hội”. Anthony Giddens. Social Theory and Modern Sociology. Stanford California: Stanford University Press. 1987. Tr. 60.

[15] Giddens viết: theo quan niệm về tính hai mặt của cấu trúc, cấu trúc không phải nằm ngoài hành động người và cũng không phải là cái hạn chế nó. “Cấu trúc vừa là phương tiện vừa là sản phẩm của các hoạt động của con người mà nó liên tục tổ chức”. Anthony Giddens. Social Theory and Modern Sociology. Stanford California: Stanford University Press. 1987. Tr. 61.

Share Post

Một số bài viết khác


- Lý thuyết "trung tâm và ngoại vi" trong nghiên cứu không gian văn hóa - Tác giả: GS.TS. Ngô Đức Thịnh

- Các trường phái lý thuyết chính trong nhân học - Tác giả: Tùng Nguyễn

- Các lý thuyết về chính trị thế giới - Tác giả: Charles W. Kegley, JR. & Gregory A. Raymond - Biên dịch: Lê Thùy Trang - Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

- Cách tiếp cận hệ thống và các lý thuyết, biên dịch: Nguyễn Việt Vân Anh | Hiệu đính: Nguyễn Hoàng Như Thanh

- Tiếp cận lý thuyết về hệ giá trị - Tổng hợp Th/s Trần Minh Hoàng

- Lý thuyết về thực thể tôn giáo - Dẫn theo đề tài TN3/X6 "Vấn đề tôn giáo trong phát triển bền vững Tây Nguyên"

- Lý thuyết về thể chế và thể chế phát triển vùng - Dẫn theo PGS.TS Hà Huy Thành

- Lý thuyết về chức năng vùng - Dẫn theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng

Video liên quan

Chủ Đề