Phương pháp nêu yêu cầu sư phạm

(Last Updated On: 09/11/2021)

Việc thực hiện các con đường giáo dục phải tiến hành theo các phương pháp giáo dục để đạt tới mục đích giáo dục đã xác định.

Phương pháp giáo dục là cách thức tác động của nhà sư phạm đến đối tượng giáo dục để hình thành cho họ những phẩm chất nhân cách cần thiết.

Phương pháp giáo dục rất đa dạng, phong phú, nhà giáo dục cần phải vận dụng linh hoạt hệ thống phương pháp này cho phù hợp với mục đích, đối tượng và từng tình huống giáo dục cụ thể. Phương pháp giáo dục cũng chính là nghệ thuật giáo dục.

Các phương pháp giáo dục chia thành 3 nhóm :

  • Nhóm phương pháp thuyết phục.
  • Nhóm phương pháp tổ chức hoạt động.
  • Nhóm phương pháp kích thích hành

1. Nhóm phương pháp thuyết phục.

Thuyết phục là nhóm các phương pháp tác động vào mặt nhận thức và tình cảm của con người để hình thành cho họ ý thức và thái độ tốt đẹp đối với cuộc sống.

Thuyết phục là phương pháp thu phục nhân tâm, giúp con người nhận ra cái chân, thiện, mỹ để sống và hành động theo lẽ phải.

Thuyết phục gồm các phương pháp cụ thể sau :

1.1. Phương pháp khuyên giải.

Khuyên giải là phương pháp gặp gỡ, trò chuyện giữa nhà giáo với đối tượng cần giáo dục để khuyên răn, giải thích mà đối tượng phải tuân theo những nội dung, chuẩn mực, quy tắc xã hội hay làm theo những điều hay lẽ phải.

Khuyên giải có thể bằng lý thuyết, nhưng quan trọng hơn là bằng con đường tình cảm để cảm hoá đối tượng, dẫn đến làm cho đối tượng tự giác điều chỉnh những nhận thức sai lầm, lệch lạc.

Khuyên giải có hai mức độ : giải thích và khuyên răn

  • Giải thích thường tiến hành khi đối tượng không hiểu mà hành động
  • Khuyên răn thường dùng khi đối tượng hiểu đúng nhưng cố tình làm sai, cố tình vi phạm.

Khuyên giải có hiệu quả khi nhà giáo dục hiểu rõ đặc điểm đối tượng giáo dục, tế nhị trong giao tiếp và bản thân nhà giáo dục là người gương mẫu, có uy tín trong cộng đồng.

1.2. Phương pháp tranh luận.

Tranh luận là phương pháp tổ chức đối thoại để tìm ra lời giải đáp cho tình huống khó xử hay một sự kiện giáo dục có vấn đề vừa xẩy ra để xoá đi nhận thức sai lầm của con người, từ đó hình thành quan điểm đúng.

Tranh luận có hiệu quả khi các bên tranh luận cùng phục thiện, hướng tới mục đích tốt đẹp.

Đối với phương pháp này, uy tín và sự tế nhị của nhà giáo có vai trò đặc biệt quan trọng khi đặt vấn đề, hướng dẫn tranh luận để giúp học sinh kết luận xác đáng đúng trọng tâm.

1.3. Phương pháp nêu gương.

Thuyết phục học sinh có thể bằng lời nói, bằng tình cảm nhưng cũng có thể bằng sự gương mẫu của bản thân nhà giáo, của người lãnh đạo tập thể cả trong cuộc sống và trong lao động. Mỗi Thầy Cô giáo phải là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Sự gương mẫu của nhà giáo thể hiện trong nhận thức, trong đời sống tình cảm và trong mọi hành vi ứng xử với những người xung quanh, trong các mối quan hệ gia đình, tập thể và xã hội. Sự gương mẫu có giá trị cao khi nhà giáo là người thành đạt và có uy tín thật sự.

2. Nhóm các phương pháp tổ chức hoạt động.

Giáo dục là quá trình tổ chức cuộc sống, hoạt động và giao lưu cho con người, cho nên phương pháp giáo dục đưa con người vào các hoạt động thực tiễn là để rèn luyện tạo nên các thói quen hành vi tốt.

Nhóm này có 2 phương pháp : Phương pháp luyện tập và phương pháp đưa con người vào cuộc sống xã hội.

2.1. Phương pháp luyện tập.

Luyện tập là phương pháp đưa con người vào các hoạt động đa dạng có mục đích, có kế hoạch trong một thời gian tương đối lâu dài nhằm tạo cho họ thói quen, hành vi tốt.

Luyện tập cần được thực hiện bằng cách có thể giao việc hàng ngày, kế hoạch hoá công việc hàng tuần, hàng tháng. Nội dung công việc được chọn lọc theo lứa tuổi, giới tính và lôi cuốn học sinh. Trong quá trình luyện tập, nhà giáo phải theo dõi, uốn nắn, chỉ đạo kịp thời để học sinh hoàn thành tốt công việc.

2.2. Phương pháp đưa con người vào cuộc sống xã hội.

Đây là một phương pháp giáo dục gắn liền với cuộc sống của học sinh với cuộc sống xã hội để các em trưởng thành theo những yêu cầu của xã hội.

Chẳng hạn như :

  • Tham quan các cơ sở sản xuất, nhà bảo tàng, các cuộc triển lãm tại địa phương.
  • Tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương.
  • Tổ chức học sinh tiếp xúc với gương lao động tiên tiến.
  • Tham gia các lễ hội văn hoá, lễ hội truyền thống ở địa phương.

Tham gia vào cuộc sống xã hội, học sinh sẽ học tập được tinh thần thái độ và phong cách lao động, cách ứng xử giao tiếp và có những hành vi văn hoá từ đó hình thành kỹ năng sống và hoạt động cần thiết.

3. Nhóm các phương pháp kích thích hành vi

Phương pháp kích thích hành vi là nhóm các phương pháp tác động vào mặt tình cảm nhằm để thúc đẩy tính tích cực hoạt động hoặc nhận ra và khắc phục những sai lầm đã vi phạm.

Nhóm này có 3 phương pháp sau dây :

  • Phương pháp khen thưởng
  • Phương pháp trách phạt
  • Phương pháp thi đua.

3.1. Phương pháp khen thưởng.

Khen thưởng là phương pháp biểu thị sự hài lòng và đánh giá tích cực của nhà giáo dục đối với hành vi tốt của cá nhân hay tập thể.

Khen thưởng không những nhằm vào những thành công, kết quả công việc mà còn nhằm vào động cơ của hoạt động.

Khen thưởng trong nhà trường có các hình thức sau :

  • Lời khen của nhà giáo.
  • Người lãnh đạo biểu dương cá nhân trước tập thể.
  • Nhà trường cấp giấp khen, đề nghị cấp cao hơn tặng bằng
  • Tặng thưởng vật chất, cấp học bổng, miễn thi vào các cấp học cao hơn.

Yêu cầu đối với khen thưởng :

+ Khen thưởng phải khách quan, công bằng, hợp lý, đúng người, đúng việc, đúng thời điểm, phải được tập thể thừa nhận, dư luận hoan nghênh.

+ Động viên, khuyến khích những em lần đầu đạt thành tích dù chưa thật cao.

3.2. Phương pháp trách phạt

Trách phạt là phương pháp biểu thị sự không đồng tình, sự lên án của người lãnh đạo, nhà giáo dục hay tập thể đối với những hành vi sai lầm của đối tượng để gây cho họ sự hối hận, từ đó thành khẩn nhận lỗi và quyết tâm sửa chữa sai lầm.

Trách phạt là biện pháp không thể áp dụng thường xuyên, vì nếu thường xuyên trách phạt sẽ tạo nên sự chai lỳ tâm lý. Lạm dụng trách phạt hay trách phạt quá nặng, thiếu khách quan sẽ là nguyên nhân trực tiếp đưa con người vào những sai lầm khác.

Các hình thức trách phạt trong nhà trường

  • Nhắc nhở, phê bình trước tập thể.
  • Mời phụ huynh tới trường.
  • Chuyển sang lớp khác.
  • Cảnh cáo ghi học bạ.
  • Đuổi học, khai trừ khỏi tổ chức đoàn thể.

Đối với học sinh phổ thông, đuổi học hay khai trừ khỏi tổ chức Đoàn thể là hình thức không nên dùng vì đó chính là sự thừa nhận sự bất lực, thất bại của giáo dục. Đối với giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm khi học sinh do mình quản lý, chủ nhiệm phải chuyển sang lớp khác cũng chính là thừa nhận sự yếu kém về năng lực sư phạm của bản thân.

3.3. Phương pháp thi đua.

Thi đua là phương pháp tổ chức cho học sinh hoạt động tích cực, tạo nên động lực thúc đẩy mọi người tích cực hơn trong mọi công việc.

Thi đua là biện pháp để mỗi người rèn luyện, tu dưỡng, tạo nên những hành vi đúng đắn vì lợi ích chung, hoạt động với một nhịp độ khẩn trương hơn bình thường.

Thi đua hoạt động làm cho mỗi cá nhân trong tập thể gần gũi, quý mến nhau, tạo nên tình cảm tập thể lành mạnh, chính nó trở thành động lực, sức mạnh tổng hợp, đoàn kết cùng hành động để đạt thành tích cao nhất.

Tóm lại, giáo dục gồm nhiều phương pháp khác nhau, mỗi phương pháp có thế mạnh riêng để tác động vào một mặt của nhân cách, mỗi phương pháp có thể áp dụng vào từng tình huống, hoàn cảnh và đối tượng cụ thể. Tuy nhiên, trong quá trình giáo dục cần phải phối hợp các phương pháp với nhau, bởi không có phương pháp nào là vạn năng. Sử dụng nhuần nhuyễn, linh hoạt các phương pháp đó chính là nghệ thuật sư phạm.

Thảo luận nhóm là một phương pháp dạy học tích cực đang được sử dụng rộng rãi và phổ biến ở các môn khoa học khác nhau, trong đó có môn Giáo dục công dân ở trường Trung học phổ thông, với phương pháp này lớp học được chia thành những nhóm nhỏ để bàn bạc, trao đổi, thảo luận và đưa ra ý kiến chung của nhómnhằm giải quyêt một vấn đề liên quan đến nội dung bài học dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Tuy nhiên để sử dụng phương pháp thảo luận nhóm đạt hiệu quả trong dạy học môn Giáo dục công dân, giáo viên cần thực hiện tốt các hình thức và những yêu cầu sư phạm sau:

1. Các hình thức thảo luận nhóm trong dạy học môn Giáo dục công dân

- Nhóm nhỏ thông thường

Giáo viên chia lớp học thành các nhóm nhỏ (3 đến 6 người) để thảo luận một vấn đề cụ thể của nội dung bài học và các nhóm phải  nhanh chóng đưa ra kết luận tập thể về các vấn đề đó. Hình thức này thường được sử dụng kết hợp với các phương tiện, kỹ thuật dạy học khác khi giảng dạy một bài hoặc một tiết học. Nội dung thảo luận của nhóm thông thường là các vấn đề có các câu hỏi nhỏ, ngắn gọn, nội dung súc tích, thời gian ít khoảng (5 đến 10 phút).

- Nhóm rì rầm

Giáo viên chia lớp học thành các nhóm “cực nhỏ” khoảng 2 đến 3 người (thường là ngồi cùng bàn) để dễ trao đổi với nhau và thống nhất trả lời một câu hỏi, giải quyết một vấn đề, nêu một ý tưởng, một thái độ...Để nhóm rì rầm có hiệu quả, giáo viên cần cung cấp đầy đủ, chính xác các dữ liệu, các gợi ý và nêu rõ yêu cầu đối với câu trả lời để các thành viên tập trung vào giải quyết. Việc chia lớp thành các nhóm nhỏ “nhóm rì rầm” là biện phảp khắc phục tâm lý ỉ lại của các thành viên khác, nhằm mục đích làm tăng hiệu quả của phương pháp thảo luận nhóm cũng như hiệu quả học tập của học sinh.

- Nhóm kim tự tháp

Đây là hình thức mở rộng của nhóm rì rầm. Sau khi thảo luận theo cặp 2 đến 3 người cùng bàn của nhóm rì rầm thì các cặp nhóm kết hợp thành một nhóm  có số lượng 4 đến 6 người để thống nhất phương án trả lời nhằm hoàn thiện vấn đề chung của nội dung bài học.

- Nhóm đồng tâm (nhóm bể cá)

Để thực hiện hình thức thảo luận nhóm theo hình thức nhóm đồng tâm, giáo viên chia lớp thành hai nhóm: nhóm thảo luận và nhóm quan sát, sau đó hoán vị cho nhau. Nhóm có số lượng từ 6 đến 10 người có nhiệm vụ thảo luận và trình bày vấn đề được giao, còn các thành viên khác trong lớp đóng vai trò là người quan sát và phản biện. Tiến hành thảo luận nhóm theo hình thức nhóm đồng tâm rất có hiệu quả đối với việc làm tăng ý thức trách nhiệm cá nhân trước và tạo cơ hội cho mọi người trình bày ý kiến của mình trước tập thể lớp.

- Nhóm khép kín và nhóm mở

Nhóm khép kín là các thành viên trong nhóm làm việc trong khoảng thời gian dài, thực hiện trọn vẹn một hoạt động học tập từ giai đoạn đầu cho đến giai đoạn kết thúc. Nhóm mở là các thành viên có thể tham gia một hoặc vài giai đoạn phù hợp với khả năng và sở thích của mình. Hình thức này mang lại cho người học có nhiều khả năng lựa chọn vấn đề phù hợp để cá nhân chủ động về thời gian, về năng lực và sở trường của mình.

Thông qua các hình thức thảo luận nhóm, kiến thức môn học của học sinh được củng cố, được đào sâu, mở rộng, bước đầu biết phân tích, phê phán, lập luận, dẫn chứng để bảo vệ ý kiến của mình trước tập thể. Qua thảo luận, giúp học sinh nói lên suy nghĩ, quan điểm của mình. Sự hiểu biết của họ có được phải trải qua một quá trình tìm tòi, nghiên cứu, kích thích được nhu cầu nhận thức, phát triển trí thông minh, hứng thú trong sáng tạo.

2. Những yêu cầu sư phạm khi thực hiện phương pháp thảo luận nhóm trong dạy học môn Giáo dục công dân

- Chia nhóm để tiến hành thảo luận

        Có nhiều cách chia nhóm: theo số điểm danh, theo tổ, theo giới tính, vị trí chỗ ngồi. Quy mô nhóm có thể lớn hoặc nhỏ tuỳ theo vấn đề thảo luận, tốt nhất nhóm có 4-6 người.

        - Nội dung và thời gian thảo luận

Nội dung thảo luận của các nhóm có thể giống hoặc khác nhau. Quy định rõ thời gian thảo luận và trình bày kết quả thảo luận của các nhóm. Mỗi nhóm sẽ cử một thành viên trong nhóm làm nhóm trưởng để điều khiển quá trình thảo luận và một thư kí để ghi lại  những điểm chính của cuộc thảo luận để trình bày trước lớp. Nhóm trưởng và thư kí phải được luân phiên nhau.

Kết quả thảo luận có thể trình bày dưới nhiều hình thức: nói, viết, thay mặt nhóm trình bày, mỗi người trình bày một đoạn nối tiếp nhau.

Trong thời gian học sinh thảo luận theo nhóm nhỏ, giáo viên quan sát lắng nghe ý kiến, giúp đỡ, gợi ý cho học sinh nếu cần thiết.

Như vậy, Thảo luận nhóm là một phương pháp dạy học sử dụng trí tuệ tập thể của học sinh cùng đi tìm chân lí, là một trong những xu hướng đổi mới phương pháp dạy học hiện nay. Tuy nhiên mỗi hình thức của phương pháp thảo luận nhóm đều có những đặc điểm và ưu thế nổi trội của mình. Do vậy tuỳ thuộc vào tính chất, nội dung bài học cũng như các điều kiện dạy và học khác nhau mà giáo viên có thể lựa chọn cho mình những hình thức thảo luận nhóm phù hợp nhằm mang lại hiệu quả cao trong quá trình dạy học./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

       1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo dục công dân 11, sách giáo viên,  Nxb giáo dục, 2011.

       2. Vũ Đình Bảy (Chủ biên) Đặng Xuân Điều, Nguyễn Thành Minh, Phương pháp dạy học môn Giáo dục công dân ở Trường trung học phổ thông, Nxb giáo dục Việt Nam, 2010.

       3. Đinh Văn Đức – Dương Thị Thuý Nga (Đồng chủ biên) Phương pháp dạy học môn Giáo dục công dân ở Trường trung học phổ thông, Nxb Đại học sư phạm, 2009.

       4. Trần Bá Hoành, Đổi mới phương pháp dạy học, chương trình và sách giáo khoa, Nxb Đại học sư phạm, 2007.

       5. Trần Duy Hưng (1998) Quy trình thảo luận nhóm trong dạy học hướng vào người học, Tạp chí nghiên cứu  Giáo dục số 10.