So sánh các mô hình tăng trưởng kinh tế neu năm 2024

Xu thế cạnh tranh, hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang đặt ra cho tất cả các quốc gia trên thế giới phải tiếp tục nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của đất nước mình. Đối với VN, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX chỉ rõ: Đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững (1). Đó là nhiệm vụ hàng đầu trong các chương trình nghị sự của Đảng và Nhà nước; là công việc thường trực của các cấp, các ngành và các thành phần kinh tế. Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, một trong những công việc phải quan tâm giải quyết đó là đánh giá, phân tích chất lượng tăng trưởng kinh tế, thông qua ứng dụng các mô hình kinh tế, tìm hiểu nguyên nhân gây cản trở tăng trưởng kinh tế bền vững, đưa ra giải pháp khắc phục là hết sức cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn. Bài viết này không có tham vọng giải quyết vấn đề nêu trên mà chỉ xin phân tích những điểm tương đồng và khác biệt chủ yếu trong các mô hình tăng trưởng kinh tế: Mô hình J.Keynes, mô hình Harrod – Domar, mô hình Cobb – Douglas, mô hình W.A.Lewis, mô hình R.Solow, với mục đích làm sáng tỏ hơn vai trò của các mô hình tăng trưởng kinh tế, qua đó có phương pháp luận đúng trong ứng dụng các mô hình vào dự báo, phân tích, đánh giá thực trạng chất lượng tăng trưởng kinh tế.

  1. Những điểm tương đồng

1. Các mô hình kinh tế lấy đối tượng nghiên cứu là nền kinh tế thị trường và khảo nghiệm kết quả nghiên cứu đối với nền kinh tế thị trường, trong điều kiện cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Các mô hình kinh tế J.Keynes, Harrod Doma, Cobb – Douglas, W.A Lewis, R. Solow đều xác lập hệ thống căn cứ khoa học xác đáng, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào việc dự báo, phân tích, đánh giá tăng trưởng kinh tế của ngành, vùng hay toàn bộ nền kinh tế quốc dân, dưới một hay nhiều khía cạnh khác nhau: qui mô, tốc độ, chất lượng.. tăng trưởng kinh tế.

3. Các mô hình tăng trưởng kinh tế đều nghiên cứu và làm sáng rõ vai trò của một hay nhiều nhân tố đầu vào (vốn, lao động, tài nguyên thiên nhiên, khoa học công nghệ), làm gia tăng sản lượng đầu ra, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

II. Những điểm khác biệt

1. Mỗi mô hình tăng trưởng kinh tế nêu trên có những cách tiếp cận khác nhau:

– Mô hình J.Keynes tiếp cận tăng trưởng kinh tế trên cơ sở tổng cầu của nền kinh tế: cầu tiêu dùng và cầu đầu tư. Trong đó, tổng cầu đầu tư đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình gia tăng sản lượng hay tăng trưởng kinh tế.

– Mô hình Harrod – Domar xem xét duy nhất vai trò của nhân tố vốn trong tăng trưởng kinh tế (sau khi đã loại trừ các nhân tố khách quan và chủ quan khác tác động đến tăng trưởng kinh tế). Mô hình đưa ra công thức tính toán, đo lường khối lượng vốn đầu tư cần thiết cho tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu dự định.

– Mô hình Cobb – Douglas nghiên cứu vai trò của các nguồn lực đầu vào, bao gồm 2 nhân tố: vốn và lao động; kết hợp 2 nhân tố này theo tỷ lệ nhất định tạo ra sản lượng hay tăng trưởng kinh tế.

– Mô hình W.A.Lewis tiếp cận nền kinh tế theo 2 khu vực:

+ Khu vực nông nghiệp, nông thôn, có tiềm năng kinh tế đủ sống và dư thừa nhiều lao động. Khu vực này tác động “thụ động” trong quá trình tăng trưởng kinh tế. Nghĩa là, đóng góp của khu vực nông nghiệp, nông thôn cho tăng trưởng kinh tế chỉ khi có sự tác động tích cực, chủ động và có mục đích của khu vực công nghiệp.

+ Khu vực công nghiệp là khu vực sản xuất vật chất, có mức tiền công cố định và cao hơn mức tiền công trung bình của khu vực nông nghiệp, nông thôn. Bởi vậy, khu vực công nghiệp dễ dàng thu hút lao động, không hạn chế lao động từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang hoạt động ở ngành này. Đường cung lao động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn co dãn hoàn toàn. Bởi vậy, nền kinh tế muốn tăng trưởng phải đầu tư mạnh phát triển khu vực công nghiệp.

– Mô hình R. Solow lại có cách tiếp cận hết sức độc đáo: Xuất phát từ mô hình Cobb – Douglas, mô hình R.Solow cũng nghiên cứu vai trò của các nguồn lực đầu vào: vốn, lao động đối với tăng trưởng kinh tế nhưng đặt trong điều kiện tiến bộ không ngừng của khoa học – công nghệ; đo lường, tính toán được chính xác tỷ lệ phần trăm đóng góp của các nguồn lực đầu vào trong tăng trưởng kinh tế, với tiến bộ khoa học – công nghệ theo thời gian. Đây là điểm khác biệt lớn nhất của mô hình R.Solow đối với mô hình Cobb-Douglas và các mô hình khác.

2. Nội dung nghiên cứu của các mô hình tăng trưởng kinh tế là khác nhau

– Mô hình J.Keynes chú trọng nghiên cứu tổng cầu của xã hội, bao gồm: cầu tiêu dùng và cầu đầu tư.

Về cầu tiêu dùng: Cầu tiêu dùng tồn tại qui luật tiêu dùng cận biên giảm dần. Tức là, khi thu nhập tăng lên, tiêu dùng tăng lên nhưng tốc độ tăng lên của cầu tiêu dùng bao giờ cũng chậm hơn tốc độ tăng lên của thu nhập, và đó chính là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới hiện tượng sụt giảm tuyệt đối tăng trưởng kinh tế.

Về cầu đầu tư: Khối lượng đầu tư phụ thuộc vào lãi suất cho vay và hiệu suất cận biên của tư bản (vốn). Hiệu suất cận biên của vốn đầu tư, xét trong dài hạn có xu hướng giảm dần, trong khi lãi suất cho vay trên thị trường tài chính luôn có xu hướng tăng do tâm lý dân cư thích giữ tiền mặt trong gia đình hơn là gửi tiết kiệm vào ngân hàng.

Xét đến cùng, cầu tiêu dùng và cầu đầu tư đều có xu hướng giảm, làm cho nền kinh tế cân bằng dưới mức sản lượng tiềm năng, nhiều người sẽ mất việc làm, dẫn tới suy giảm kinh tế. Muốn đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế cần phải tác động tới tổng cầu. Chính phủ phải điều chỉnh chính sách kinh tế, trực tiếp là chính sách tài chính nhằm tăng cường vốn đầu tư, hay “kích cầu” đầu tư tạo ra việc làm, tăng thu nhập thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Như vậy, cầu đầu tư đóng vai trò quan trọng trong quá trình đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế.

– Mô hình Harrod – Domar lại đánh giá cao vai trò của nhân tố vốn trong tăng trưởng kinh tế. Mô hình đưa ra hàm sản xuất:

Trong đó:

g: tốc độ tăng trưởng kinh tế

s: Tỉ lệ tiết kiệm/GDP [giả định s = i (i là tỉ lệ đầu tư/GDP)]

k: Hệ số gia tăng vốn – sản lượng đầu ra (ICOR)

Hệ số ICOR là thước đo năng lực đồng vốn tăng thêm. Hay nói cách khác, để có thêm một đồng sản phẩm tăng thêm cần đầu tư k đồng vốn. Muốn đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế phải gia tăng tiết kiệm để đưa vào đầu tư phát triển. Như vậy, mô hình này đặc biệt quan tâm tới mối quan hệ giữa tích lũy tư bản (vốn) và sản lượng đầu ra (kết quả sản xuất hay tăng trưởng kinh tế).

Tuy nhiên, tiết kiệm và đầu tư mới chỉ là điều kiện cần, chưa phải là điều kiện đủ cho tăng trưởng kinh tế. Điều kiện đủ ở đây phải là sử dụng vốn hiệu quả; phát triển đồng bộ các loại thị trường: thị trường hàng hóa, thị trường lao động, thị trường vốn và có một hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ; sự ổn định chính trị và thiên nhiên ôn hòa.

– Mô hình Cobb – Douglas: Mô hình xem xét vai trò và tác động của 2 nhân tố: vốn và lao động trong điều kiện nền kinh tế mở. Mô hình đưa ra hàm sản xuất:

g = A Ka Lb

Trong đó: g: Tăng trưởng kinh tế hàng năm

K: Vốn đầu tư

L: Lao động

A: Biểu thị hiệu quả sản xuất và là hằng số

a: Hệ số co dãn của vốn

b: Hệ số co dãn của lao động

Khác với mô hình Harrod – Domar – chỉ nghiên cứu nhân tố vốn đối với tăng trưởng kinh tế, mô hình Cobb – Douglas đưa 2 nhân tố vốn và lao động vào xem xét, đánh giá tác động của chúng đối với tăng trưởng kinh tế. Hai nhân tố vốn và lao động được kết hợp với nhau theo tỷ lệ bất kỳ, có thể thay thế lẫn nhau, gắn với việc nghiên cứu hệ số co dãn của vốn (a) và lao động (b). Hệ số này cho phép tính toán, đo lường được tỷ lệ phần trăm đóng góp của các nguồn lực đầu vào trong quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Như vậy, mô hình Cobb-Douglas đã tiến một bước dài trong nghiên cứu, nếu được áp dụng vào dự báo, phát triển, đánh giá thực trạng tăng trưởng kinh tế; xác định rõ nhân tố đầu vào nào đã và đang đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế và cần thiết điều chỉnh chiến lược tăng trưởng kinh tế ra sao khi sử dụng 2 nguồn lực đầu vào vốn và lao động.

– Mô hình W.A.Lewis: Mô hình này phân chia nền kinh tế thành 2 khu vực : nông nghiệp, nông thôn và khu vực công nghiệp; nhấn mạnh vai trò tích lũy vốn trong khu vực công nghiệp để đầu tư thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Khu vực công nghiệp là nơi tích luỹ vốn (chủ yếu) cho nền kinh tế. Phần vốn tích luỹ được trích ra từ lợi nhuận của ngành công nghiệp, dành để tái đầu tư cho phát triển. Bởi vậy, khu vực công nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế. Một khi khu vực công nghiệp được mở rộng, hiện đại hóa và đô thị hóa không ngừng; quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn ra nhanh chóng sẽ càng thu hút được lao động dư thừa từ khu vực nông nghiệp, nông thôn. Quá trình đó diễn ra đến một giai đoạn nhất định làm cho khu vực nông nghiệp, nông thôn thiếu lao động. Tiền công ở khu vực nông nghiệp, nông thôn tăng lên không ngừng, trong khi nền kinh tế đã tái cấu trúc được cơ cấu kinh tế mới. Vì vậy, nền kinh tế muốn tăng trưởng nhanh phải gia tăng đầu tư hay kích cầu đầu tư khu vực công nghiệp, vốn đầu tư lấy từ lợi nhuận của chính khu vực công nghiệp và toàn dụng được lao động từ khu vực nông nghiệp chuyển sang khu vực công nghiệp.

– Mô hình R.Solow: Xuất phát điểm nghiên cứu của mô hình R.Solow là từ mô hình Cobb – Douglas – nghiên cứu vai trò của nhân tố vốn, lao động trong tăng trưởng kinh tế nhưng dưới tác động của tiến bộ không ngừng của khoa học – công nghệ theo thời gian.

g(t) = A(t) Ka (t) Lb (t)

Trong đó: g : Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm

K: Vốn theo thời gian

L: Lao động theo thời gian

A: Tiến bộ khoa học công nghệ thay đổi theo thời gian

a: Độ co dãn của vốn

b: Độ co giãn của lao động

t: Thời gian

Việc sử dụng mô hình R. Solow trong thực tế có thể tách bạch và tính toán được tỷ lệ phần trăm tăng trưởng kinh tế đạt được nhờ nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế hay nhờ có yếu tố phản ánh sự thay đổi về chất của các nguồn lực đầu vào trong tăng trưởng kinh tế. Phần đóng góp của tiến bộ khoa học – công nghệ được đo lường thông qua hệ số A(t) theo thời gian – đó chính là tốc độ tăng trưởng của nhân tố tổng hợp (TFP). Tất nhiên, tốc độ tăng của nhân tố tổng hợp phải tính toán gián tiếp qua tốc độ tăng trưởng của g(t), k(t) và l(t), với các hệ số a và b.

3. Khác nhau về ý nghĩa khoa học và khả năng ứng dụng các mô hình tăng trưởng kinh tế vào thực tiễn

– Mô hình J.Keynes được ứng dụng vào thực tiễn từ những năm cuối thập kỷ 30 của thế kỷ XX. Ngày nay, đối với những nền kinh tế đang phát triển, trong chừng mực nhất định vẫn có thể ứng dụng thành công. Thông qua việc điều chỉnh chính sách tài chính (lãi suất cho vay) có thể kích cầu đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất, tạo việc làm, giải quyết vấn đề thất nghiệp, qua đó gia tăng sản lượng, khuyếch đại tăng trưởng kinh tế.

– Mô hình Harrod – Domar được áp dụng vào nền kinh tế trong thập kỷ 40 của thế kỷ XX. Mặc dù là mô hình tăng trưởng kinh tế giản đơn – chỉ xem xét, đánh giá nhân tố đầu vào duy nhất là vốn; đề cao vai trò của tiết kiệm và đầu tư và chưa luận chứng được đầy đủ các vấn đề của tăng trưởng kinh tế. Song, mô hình Harrod

– Domar đã làm rõ được mối quan hệ giữa tư bản (vốn) đầu tư và tăng trưởng kinh tế xét trong dài hạn. Hiện nay nhiều quốc gia vẫn ứng dụng mô hình này vào dự báo, phân tích nhu cầu vốn đầu tư cho tăng trưởng kinh tế ngành, vùng hay toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

– Mô hình 2 khu vực của Lewis vẫn có ý nghĩa lý luận và thực tiễn tốt, đặc biệt đối với các nền kinh tế chuyển đổi như Việt Nam, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng công nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp – dịch vụ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

– Mô hình Cobb – Douglas và mô hình R. Solow có ý nghĩa lý luận và ứng dụng thực tiễn cao, nhất là mô hình R. Solow. Thông qua mô hình R. Solow có thể dự báo vốn đầu tư, phân tích, đánh giá thực trạng chất lượng tăng trưởng kinh tế thông qua nguồn lực đầu vào và nhân tố tổng hợp (TFP). Từ đó có thể điều chỉnh nền kinh tế tăng trưởng và phát triển kinh tế theo hoạch định.

III. Một số nhận xét chung

1. Các mô hình tăng trưởng kinh tế trên đây được nghiên cứu trên nhiều giác độ khác nhau nhưng đều có thể ứng dụng vào dự báo, phân tích, đánh giá thực trạng tăng trưởng kinh tế (đối với nền kinh tế thị trường). 2. Các mô hình tăng trưởng kinh tế có tính lịch sử – cụ thể. Nghĩa là, mỗi một mô hình kinh tế ra đời, tồn tại và phát huy cao vai trò của nó trong từng giai đoạn cụ thể.

3. Mô hình tăng trưởng kinh tế càng sử dụng nhiều nhân tố để nghiên cứu càng có ý nghĩa lý luận cao và sát thực khi ứng dụng chúng vào phân tích, đánh giá thực trạng tăng trưởng kinh tế.

4. Cần sử dụng tổng hợp các mô hình tăng trưởng kinh tế trong xem xét, đánh giá thực trạng tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy nền kinh tế phát triển ª