So sánh loại hình du lịch với dòng sản phẩm

Phát triển sản phẩm du lịch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với ngành du lịch, với vai trò là một lĩnh vực kinh doanh, một ngành kinh tế. Đặc trưng của sản phẩm du lịch địa phương, với tư cách là một điểm đến du lịch, đòi hỏi sự tham gia và phối hợp của các bên. Bài báo này làm rõ các cấu phần của sản phẩm du lịch tại điểm đến, đi sâu vào vai trò của các bên trong quá trình phát triển sản phẩm du lịch. Trên cơ sở đưa ra một số khía cạnh trong phát triển sản phẩm du lịch tại các địa phương tại Việt Nam hiện nay, bài báo gợi ý một số vấn đề và giải pháp trong phát triển sản phẩm du lịch thông qua việc phân định rõ ràng vai trò và thúc đẩy sự đóng góp của cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, các nhà quản lý tài nguyên du lịch, các cơ quan tư vấn chuyên môn và cộng đồng dân cư.

1. Giới thiệu

Phát triển sản phẩm du lịch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với ngành du lịch, với vai trò là một lĩnh vực kinh doanh, một ngành kinh tế. Trong khi phát triển các tua, các dịch vụ du lịch cung cấp trực tiếp cho khách du lịch là công việc của các nhà kinh doanh thì việc xây dựng các điều kiện tạo thành sản phẩm, phát triển các sản phẩm “khung”, xây dựng các điểm đến du lịch là nhiệm vụ của các nhà quản lý du lịch. Việc hợp tác giữa các bên đóng vai trò quan trọng trong phát triển sản phẩm du lịch.

Du lịch Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn gần đây. Với trên 10 triệu lượt khách du lịch quốc tê và trên 60 triệu lượt khách nội địa năm 2016[1], du lịch Việt Nam đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng, chiếm gần 10% GDP. Nhiều tỉnh đã nổi lên thành những điểm du lịch lớn của cả nước, thu hút hàng triệu lượt khách du lịch. Tuy vậy, một trong những yếu điểm trong phát triển du lịch Việt Nam, đặc biệt tại các điểm đến du lịch phát triển sau, là “sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn và có sự khác biệt, khả năng cạnh tranh chưa cao. Chất lượng dịch vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu”[2]. Phát triển sản phẩm du lịch đang là mục tiêu chung của các địa phương, huy động tổng hợp các nguồn lực của Nhà nước và xã hội hóa.

Tỉnh Phú Thọ ở vị trí tiếp giáp giữa vùng Tây Bắc, Đông Bắc, đồng bằng sông Hồng. Riêng vùng Tây Bắc năm 2016 đã thu hút hơn 18 triệu lượt khách du lịch trong đó có 1,2 triệu lượt khách du lịch quốc tế[3]. Được mệnh danh là “Đất Tổ”, Phú Thọ lưu giữ những tài sản văn hóa độc đáo của Việt Nam, trải qua hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước. Nơi đây có Khu di tích đặc biệt cấp quốc gia Đền Hùng, có hai di sản văn hóa phi vật thể thế giới là Hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và nhiều di sản vật thể, phi vật thể có giá trị khác. Cùng với những giá trị cảnh quan tự nhiên của vùng đồi núi trung du, nằm giữa ba sông là sông Lô, sông Thao và sông Đà, Phú Thọ tiềm ẩn những giá trị tự nhiên - nhân văn, là nguồn tài nguyên tiềm năng cho phát triển du lịch.

Du lịch tỉnh Phú Thọ phát triển nhanh trong thời gian qua. Tuy vậy, sản phẩm chủ yếu vẫn là tham quan Đền Hùng, nhất là trong mùa lễ hội. Các tài nguyên du lịch của tỉnh Phú Thọ chủ yếu mới chỉ ở dạng tiềm năng, chưa khai thác, phát triển thành những sản phẩm nổi bật, có khả năng thu hút lượng khách lớn. Thách thức nằm ở khâu phát triển sản phẩm, biến những giá trị tiềm năng du lịch thành những trải nghiệm, dịch vụ cung cấp cho khách du lịch.

Phát triển sản phẩm là quá trình mang tính sáng tạo, có sự đầu tư, liên quan tới nhiều bên tham gia, từ doanh nghiệp, người dân, tới người quản lý và cả những bên tham gia khác. Trong mối quan hệ để phát triển sản phẩm này, ai sẽ tham gia thế nào? Việc phát triển sản phẩm mới bắt đầu từ đâu đối với tỉnh Phú Thọ? Bài báo này trao đổi về vai trò của các bên trong phát triển sản phẩm du lịch, một số vấn đề đặt ra trong việc huy động sự tham gia của các bên. Từ đó, bài báo đưa ra những đề xuất trong việc phát triển sản phẩm du lịch tại tỉnh Phú Thọ, trên cơ sở huy động sự tham gia của các bên.

PGS.TS. Phạm Trương Hoàng phát biểu tại Hội thảo Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Phú Thọ ngày 03/8/2017

2. Sản phẩm du lịch và vai trò của các bên trong phát triển sản phẩm du lịch

Du lịch là một ngành kinh tế, một lĩnh vực kinh doanh. Sản phẩm là yếu tố quan trọng. Đứng ở góc độ kinh doanh, sản phẩm là bất cứ cái gì mà khách du lịch bỏ tiền ra mua để tiêu dùng trong quá trình đi du lịch nhằm thỏa mãn nhu cầu du lịch của khách. Sản phẩm du lịch có thể là những dịch vụ (như dịch vụ khách sạn, hướng dẫn viên...), những hàng hóa (như đồ ăn, đồ lưu niệm...), hay thậm chí là những cảm giác, những ý tưởng (yêu thiên nhiên, hiểu biết về văn hóa). Khách du lịch trong chuyến đi trả tiền để có những hàng hóa và dịch vụ này. Nhà kinh doanh thu lợi nhuận từ việc cung cấp cho khách những hàng hóa và dịch vụ đó.

Thực tế, tại một điểm du lịch có những thứ mà xem ra khách du lịch không trả tiền hay chính xác hơn là không trả tiền trực tiếp. Một cảnh quan trên đường đi, một dãy núi, một con sông, một người dân mặc quần áo dân tộc đi bên đường ... tất cả những thứ đó đều thỏa mãn nhu cầu ngắm nhìn, tìm hiểu, khám phá… của khách du lịch. Trong nhiều trường hợp ta không thể thu tiền trực tiếp của khách du lịch. Nhưng những cảnh quan này, lại rất quan trọng đối với chuyến du lịch. Một khách du lịch đi hàng cả trăm cây số từ Hà Nội lên Phú Thọ, đi dọc sông Thao, sông Lô hay sông Đà để “đi qua bến nắng hồng lặng nhìn mầu nước sông Lô”, ngắm nhìn “Hồng Hà chơi vơi dâng nước trên nguồn về xuôi”, thưởng ngoạn một phần “Đà Giang hùng vĩ”... Họ có thể quay về trong ngày mà không mua một hàng hóa, dịch vụ nào của địa phương. Nhưng họ vẫn đã tiêu dùng sản phẩm du lịch Phú Thọ.

Sản phẩm du lịch của một điểm đến (một quốc gia, một vùng, một tỉnh, một huyện hay một làng, bản...) tựu chung lại là những trải nghiệm của khách du lịch trong suốt hành trình đi du lịch tại điểm đến đó. Ăn một bữa ăn tại địa phương, vượt lên nhu cầu cung cấp năng lượng, điều mà họ có thể giải quyết bằng cách tự mang đồ ăn đi, là nhu cầu muốn được trải nghiệm đồ ăn thức uống, hương vị, khẩu vị của địa phương. Dự một lễ hội, khách lưu giữ trong mình những hình ảnh, âm thanh, mùi vị, cảm xúc và suy nghĩ của việc tham gia lễ hội.

Sản phẩm du lịch của một điểm đến du lịch là một trải nghiệm tổng hợp và hoàn chỉnh, bắt đầu từ khi khách du lịch đặt chân tới biên giới của điểm đến cho tới khi khách rời khỏi biển giới đó trở về nhà hay sang một điểm đến khác. Vậy nên một khách sạn tốt chưa chắc đã nhận được sự đánh giá tốt nhất của khách du lịch khi khách du lịch nhận được những “trải nghiệm không tốt” của đường xá tới khách sạn, của thái độ lạnh nhạt của người dân xung quanh khách sạn. Khách sạn tốt cũng khó thu hút khách nếu như không có khách tới điểm đến, khi họ không có gì để xem, để cảm nhận, để trải nghiệm. Tại một điểm du lịch, các sản phẩm của các nhà kinh doanh du lịch, của người dân có bán được hay không khi điểm đến đó không có gì hấp dẫn để xem, để nghe, để tìm hiểu, đển trải nghiệm? Ngược lại, một trải nghiệm tốt của khách du lịch tại một điểm đến phụ thuộc vào chất lượng trải nghiệm của từng dịch vụ riêng lẻ, đi cùng với những điều kiện cơ sở hạ tầng, cảnh quan... của điểm đến du lịch.

Tính tổng hợp của trải nghiệm - sản phẩm điểm đến du lịch dẫn tới yêu cầu của việc nhiều người tham gia trong việc phát triển sản phẩm du lịch. Có những dịch vụ, trải nghiệm du lịch trực tiếp do một đối tượng nào đó thực hiện như một nhà hàng do một nhà kinh doanh làm, một điểm tham quan do một cơ quan quản lý... Nhưng có những dịch vụ, trải nghiệm do nhiều người đóng góp vào. Ví dụ như hoạt động du lịch tại vườn quốc gia không chỉ phụ thuộc vào người quản lý vườn quốc gia mà còn liên quan quan tới các doanh nghiệp được đầu tư cung cấp dịch vụ tại vườn quốc gia, tới chính sách của địa phương trong việc đầu tư đường xá vào trong vườn, cho phép đầu tư kinh doanh trong vườn.

Tổng hợp chung về vai trò của các bên tham gia trong phát triển sản phẩm du lịch được tổng hợp tại Bảng 1. Có 5 nhóm bên tham gia trong phát triển du lịch nói chung và phát triển sản phẩm tại một điểm đến du lịch nói riêng là:

- Các cơ quan quản lý hành chính và chuyên môn du lịch: ủy ban nhân dân Tỉnh, địa phương, sở du lịch, phòng văn hóa thông tin ....

- Các doanh nghiệp du lịch: bao gồm cả các doanh nghiệp trong và ngoài điểm đến. Tại nhiều điểm đến tại địa phương tại Việt Nam hiện nay, việc thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển sản phẩm, phát triển điểm du lịch.

- Các nhà quản lý các điểm di tích, điểm tham quan, quản lý sự kiện văn hóa, lễ hội...: là những người trực tiếp phụ trách các khu vực có các tài nguyên / điểm hấp dẫn du lịch. Những nhà quản lý này có trách nhiệm trực tiếp với các hoạt động diễn ra tại khu vực của mình, kể cả các hoạt động du lịch và hoạt động liên quan.

- Người dân: bao gồm các cộng đồng dân cư tại địa phương. Hầu hết các điểm có khách du lịch đều gắn với hoạt động của người dân. Sự tham gia của người dân ở các mức độ khác nhau nhưng luôn có tác động tới trải nghiệm của khách du lịch.

- Các bên tham gia khác: bao gồm rộng rãi các nhà nghiên cứu, các cơ quan có liên quan tới văn hóa, môi trường, các viện nghiên cứu, bảo tàng, trường đại học ... có ảnh hưởng tới phát triển du lịch.

Các sản phẩm /trải nghiệm du lịch tại một điểm đến có thể chi thành 4 cấu phần:

- Các dịch vụ, hàng hóa cụ thể phục vụ khách du lịch: dịch vụ khách sạn, nhà hàng, bán đồ lưu niệm, cung cấp chỗ để xe ... Các dịch vụ này nhìn chung do các doanh nghiệp cung cấp. Tuy vậy các bên tham gia khác cũng có ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp tới việc phát triển và tổ chức kinh doanh sản phẩm này.

- Điểm hấp dẫn du lịch: chính là nơi, là đặc trưng thu hút khách du lịch. Điểm hấp dẫn du lịch có thể là một địa điểm như cảnh quan, chùa chiền…, có thể là một lễ hội hay những giá trị văn hóa, lịch sử thu hút khách. Các giá trị mang tính hữu hình nằm tại một địa điểm hay bên trong một tài sản vật thể cụ thể nào đó. Điểm hấp dẫn du lịch chính là lý do để khách du lịch tìm tới và trải nghiệm. Nó có thể có sẵn tại địa phương, được khai thác, gọt giũa để thu hút khách. Nó có thể là những giá trị mới do sáng tạo, xây dựng mà ra.

- Cơ sở hạ tầng cho du lịch: bao gồm đường xá, hệ thống điện nước, viễn thông … Cấu phần này cho phép khách du lịch có thể tiếp cận với điểm du lịch và tới nơi có các điểm hấp dẫn du lịch, các dịch vụ và hàng hóa du lịch.

- Hình ảnh điểm đến: là thuộc tính chung của điểm đến, cho phép khách có thể nhận diện ra và tìm đến điểm đến. Hình ảnh điểm đến có thể coi là yếu tố mang tính vô hình của một điểm đến du lịch nhưng rất cần thiết cho việc phát triển điểm đến với vai trò là một sản phẩm du lịch.

Bảng 1: Các loại trải nghiệm của sản phẩm du lịch tại một điểm đến và vai trò các bên trong phát triển trải nghiệm/sản phẩm du lịch tại các điểm đến du lịch

Bên tham gia

Loại

sản

phẩm/trải nghiệm

Cơ quan quản lý (hành chính và quản lý du lịch)

Doanh nghiệp

Người quản lý di tích/ điểm tham quan

Người dân

Các bên tham gia khác

Dịch vụ, hàng hóa du lịch cụ thể (khách sạn, nhà hàng, hướng dẫn, điểm dừng chân...)

Hỗ trợ các chính sách, nghiên cứu thị trường, quy hoạch du lịch

Sáng tạo, phát triển, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ

Quy định, chính sách, quy hoạch cho phép kinh doanh du lịch

Cung cấp các yếu tố đầu vào cho các dịch vụ hoặc kinh doanh như các doanh nghiệp

Tư vấn, hỗ trợ, cung cấp thông tin

Điểm hấp dẫn du lịch (cảnh quan, lễ hội ...)

- Nghiên cứu về điểm đến, xác định các điểm hấp dẫn, quy hoạch điểm hấp dẫn du lịch

- Làm việc với các bên về định hướng và dành nguồn lực cho du lịch, quản lý tính bền vững của điểm hấp dẫn

- Cung cấp thông tin và thúc đẩy cơ quan quản lý quy hoạch, định hướng chiến lược phát triển điểm hấp dẫn

- Sáng tạo trong việc khai thác, phát triển điểm hấp dẫn

- Đề xuất bổ sung các điểm hấp dẫn trong quy hoạch

- Quản lý tính bền vững, giá trị của điểm hấp dẫn

- Đề xuất bổ sung điểm hấp dẫn trong quy hoạch

- Sáng tạo, cùng tham gia sáng tạo và phát triển điểm hấp dẫn

- Tạo điều kiện cho việc phát triển điểm hấp dẫn (chuyển nhượng sử dụng đất ...)

- Tham gia phát triển điểm hấp dẫn

- Bảo tồn điểm hấp dẫn trong dân

- Hỗ trợ quản lý và phát triển điểm hấp dẫn

- Tham gia phát hiện, phát triển điểm hấp dẫn

- Bảo tồn điểm hấp dẫn trong dân

- Hỗ trợ quản lý và phát triển điểm hấp dẫn thành các sản phẩm cụ thể hấp dẫn khách du lịch

Điều kiện cơ sở hạ tầng (giao thông, liên lạc...)

Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho phát triển du lịch, tuyến, điểm du lịch

- Tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng

- Đề xuất dự án phối hợp đề nghị đầu tư cơ sở hạ tầng

- Đề xuất phát triển cơ sở hạ tầng khai thác các điểm hấp dẫn trong du lịch

- Đầu tư phát triển các cơ sở hạ tầng hỗ trợ du lịch

Hỗ trợ phát triển, quản lý các cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch

Hỗ trợ phát triển, quản lý các cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch

Hình ảnh điểm du lịch

- Đầu tư, xây dựng thương hiệu điểm đến, tổ chức và quản lý thương hiệu điểm đến.

- Tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu

- Tham gia vào quá trình xây dựng thương hiệu

- Sử dụng thương hiệu, xúc tiến thương hiệu điểm đến trong quảng bá sản phẩm của mình

- Tham gia các hoạt động xúc tiến chung của vùng

- Hỗ trợ quá trình xây dựng thương hiệu

- Sử dụng thương hiệu trong quảng bá du lịch tại cơ sở do mình quản lý

- Hỗ trợ doanh nghiệp và nhà nước trong hoạt động xúc tiến

- Hiểu biết về hình ảnh điểm đến du lịch

- Tuyên truyền trực tiếp về các giá trị tài nguyên du lịch của mình (với định hướng thương hiệu)

- Hỗ trợ quá trình xây dựng thương hiệu điểm đến.

- Tham gia vào quá trình xúc tiến du lịch.

Nguồn: Phát triển của tác giả

3. Một số vấn đề trong phát triển sản phẩm du lịch tại Việt Nam hiện nay

Phát triển sản phẩm vẫn được xem là “khâu yếu” trong phát triển du lịch hiện tại. Từ góc nhìn hợp tác giữa các bên tham gia trong quá trình phát triển sản phẩm du lịch, một số vấn đề nổi lên trong phát triển sản phẩm du lịch tại Việt Nam là:

Thứ nhất, vai trò các bên trong phát triển sản phẩm du lịch. Ý thức được vai trò quan trọng của phát triển sản phẩm du lịch nhưng có một số địa phương còn khá lúng túng trong việc xác định vai trò của các bên trong phát triển sản phẩm du lịch, xác định nhà nước làm gì, doanh nghiệp làm gì, người dân hay các bên có liên quan khác cần làm gì. Cũng có khi vai trò của từng bên đã được xác định nhưng việc “kích hoạt” vai trò của các bên như thế nào là bài toán thực sự của nhiều địa phương.

Thứ hai, nguồn lực đầu tư cho phát triển sản phẩm du lịch. Tại một số địa phương, phát triển sản phẩm du lịch được nhắc tới thường xuyên, luôn được đặt thành giải pháp mang tính trọng tâm trong phát triển du lịch. Tuy vậy, nguồn đầu tư cho phát triển du lịch lại không có, nhất là nguồn đầu tư của Nhà nước. Tại một số nơi, các nhà doanh nghiệp rất “nhiệt tình” đầu tư phát triển sản phẩm du lịch. Nhìn lại thì đó là những nơi có tiềm năng du lịch rất rõ ràng. Các nhà đầu tư phải nhanh chóng phát triển và kinh doanh các dịch vụ, hàng hóa du lịch nếu không muốn “bị loại ra khỏi cuộc chơi vì chậm chân”. Các nhà đầu tư thậm chí đi trước một bước và kích hoạt hệ thống quản lý Nhà nước trong phát triển du lịch. Ngược lại, một số địa phương không có tiềm năng du lịch rõ ràng có thể phát triển du lịch, tạo lợi nhuận được ngay, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp không thực sự mặn mà. Trong cả hai trường hợp kể trên, vai trò của Nhà nước vẫn không thể thiếu trong phát triển sản phẩm du lịch. Ở các địa phương có tiềm năng du lịch chưa thực sự thu hút nhà đầu tư, vai trò “kích hoạt” của Nhà nước càng trở nên quan trọng.

Thứ ba, việc phối hợp giữa các bên trong quá trình phát triển sản phẩm du lịch. Việc phối hợp giữa các bên thể hiện rõ nét nhất qua kết quả là các hoạt động đầu tư và kinh doanh du lịch. Các địa phương có du lịch phát triển là nơi có hệ thống sản phẩm được đầu tư mạnh mẽ, sự phối hợp của các bên cũng mở rộng hơn. Tuy xuất hiện những “vấn đề cần giải quyết” trong mối quan hệ phối hợp này (như giải quyết mâu thuẫn lợi ích giữa doanh nghiệp với người dân, giữa lợi ích doanh nghiệp với phát triển bền vững của địa phương…) nhưng việc phối hợp dần trở nên thực chất và hiệu quả.

Những khó khăn trong phối hợp giữa các bên có thể thấy rõ ở các địa phương có tài nguyên chưa thực sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư, nhà kinh doanh khi so sánh với các địa phương khác. Một lần nữa, vai trò “đầu tầu”, “kích hoạt” nằm ở cơ quan quản lý.

Thứ tư, tính sáng tạo trong phát triển sản phẩm du lịch. Các sản phẩm du lịch thu hút khách du lịch bởi sự sáng tạo của nó, tạo ra sự phong phú, đa dạng, sâu sắc trong trải nghiệm, từ đó khuyến khích khách du lịch bỏ tiền ra tiêu dùng sản phẩm du lịch.

Một dấu hiệu đáng mừng là tính sáng tạo trong phát triển sản phẩm du lịch được nâng lên trong thời gian trở lại đây, đặc biệt tại các điểm du lịch trọng tâm của Việt Nam. Yêu cầu thu hút khách, cạnh tranh và đầu tư kích thích những ý tưởng đột phá, sáng tạo trong phát triển du lịch.

Thứ năm, phát triển sản phẩm du lịch trong mối quan hệ với phát triển bền vững. Khi các sản phẩm du lịch được phát triển mạnh, đặc biệt là những sản phẩm có quy mô lớn, thu hút đông đảo khách du lịch, một vấn đề đặt ra và ngày càng cần được cân nhắc là tính bền vững trong phát triển du lịch. Có một nghịch lý trong phát triển du lịch là nếu phát triển du lịch theo cách ít tác động vào tài nguyên du lịch (nhất là tài nguyên thiên nhiên và văn hóa) nhất thì thì tính hấp dẫn và quy mô của sản phẩm du lịch phụ thuộc chủ yếu vào tính hấp dẫn của tài nguyên và không dễ dàng gì đạt được quy mô lớn để có lợi nhuận cao. Ngược lại, khi ta sáng tạo trong khai thác tài nguyên du lịch, nhất là tìm cách tăng quy mô thu hút khách du lịch, một thách thức đặt ra là tính bền vững trong phát triển du lịch tại điểm đến. Tại Việt Nam cũng đã xuất hiện những điểm du lịch lớn mà việc đầu tư phát triển sản phẩm đang thách thức tính bền vững. Điều này đòi hỏi những cân nhắc thấu đáo của người phát triển và quản lý du lịch.

4. Một số gợi ý với phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Phú Thọ

Tỉnh Phú Thọ được xác định có không ít tiềm năng cho phát triển du lịch. Tuy vậy, cho tới thời điểm hiện tại Phú Thọ vẫn chưa thực sự được xem là một điểm du lịch quan trọng trên bản đồ du lịch Việt Nam. Trong khi lượng khách du lịch tới và đi qua Phú Thọ không hề nhỏ, lượng khách lưu trú tại tỉnh rất khiêm tốn. Chi tiêu của khách du lịch cũng hạn chế bởi không có nhiều sản phẩm du lịch bán cho khách.

Với góc nhìn về sự tham gia của các bên trong phát triển du lịch, một số gợi ý với phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Phú Thọ là:

Thứ nhất, đánh giá một cách rõ ràng, có tầm nhìn dài hạn về tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh Phú Thọ. Các tiềm năng về tài nguyên, nhân văn cần được xem xét và đánh giá theo nhiều phương diện, góc độ khác nhau. Đặc biệt cần đánh giá các tài nguyên du lịch trong bối cảnh cạnh tranh, trong xu hướng phát triển ngành du lịch, thị trường du lịch, với tầm nhìn về sự phát triển năng động và sáng tạo của du lịch trong tương lai.

Đánh giá thực chất tiềm năng phát triển du lịch là bước đầu tiên nhưng rất quan trọng trong phát triển du lịch của các địa phương. Nếu địa phương thực sự có tiềm năng phát triển du lịch, cơ hội quan trọng này cho phát triển kinh tế xã hội cần được khai thác mạnh mẽ một cách có chiến lược. Nếu không sẽ mất cơ hội hoặc chính tài nguyên du lịch cũng có thể bị suy thoái. Nhưng nếu tiềm năng du lịch của địa phương không có hoặc không thể cạnh tranh với các địa phương khác, hay không thể cạnh tranh với các lĩnh vực kinh doanh khác trong tỉnh thì dù ý muốn chủ quan có cao đến đâu thì cũng không thể phát triển du lịch hiệu quả được.

Trong các tiềm năng có thể khai thác cho phát triển du lịch, có những tiềm năng khá rõ ràng như giá trị cảnh quan, giá trị văn hóa lịch sử... Tuy vậy, có nhiều tiềm năng không thực sự rõ ràng, đòi hỏi cái nhìn sáng tạo và năng động của những nhà chuyên môn về phát triển du lịch. Các doanh nghiệp cũng có thể là những chuyên gia trong lĩnh vực này.

Thứ hai, vai trò của cơ quan quản lý lôi cuốn sự tham gia của các bên trong hợp tác phát triển sản phẩm du lịch. Hợp tác giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp đang từng bước thúc đẩy tại Phú Thọ. Tuy vậy, nếu nhìn vào kết quả là các sản phẩm du lịch, có thể thấy là quy mô và hiệu quả của hợp tác này còn khiêm tốn. Có nhiều nguyên nhân cho sự hạn chế này nhưng nổi bật là việc “đánh thức tiềm năng du lịch của tỉnh Phú Thọ”. Phú Thọ chưa thực sự hấp dẫn với các nhà đầu tư du lịch, khi so sánh với các tỉnh, các địa phương khác.

Cho tới khi các tiềm năng du lịch được “đánh thức”, việc thúc đẩy hợp tác đòi hỏi sự “kích hoạt” của các cơ quan quản lý Nhà nước. Bắt đầu từ việc đầu tư đánh giá tiềm năng tài nguyên như trên, các nỗ lực tiếp theo cần tập trung vào khâu thông tin, tạo niềm tin thông qua những cam kết rõ ràng về chính sách cho việc thúc đẩy phát triển du lịch và kêu gọi đầu tư.

Tăng cường giao tiếp thúc đẩy gặp gỡ cung cầu giữa các đơn vị kinh doanh là một cách thức thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch nói riêng và ngành du lịch địa phương nói chung. Đơn cử như một công ty lữ hành tới đưa khách tới địa phương sẽ thúc đẩy sự hình thành của một loạt các dịch vụ tại địa phương đó. Tạo lập các cơ hội tiếp xúc, lôi cuốn sự tham gia của các doanh nghiệp lữ hành ở các quy mô khác nhau là cách tạo lập niềm tin trong kinh doanh và thúc đẩy quan hệ cung cầu để tạo ra sản phẩm du lịch.

Thứ ba, thu hút các nhà đầu tư lớn trong phát triển du lịch. Các nhà đầu tư lớn không chỉ mang theo nguồn tiền đầu tư, kinh nghiệm quản lý mà quan trọng hơn là tầm nhìn và ý tưởng sáng tạo trong phát triển sản phẩm du lịch. Kinh nghiệm của nhiều địa phương tại Việt Nam phát triển du lịch mạnh mẽ với dấu ấn của các nhà đầu tư lớn, được các tỉnh xác định là những nhà đầu tư chiến lược.

Việc thu hút đầu tư cũng vấp phải cạnh tranh lớn từ các địa phương khác, trong khi các tài nguyên du lịch của tỉnh Phú Thọ chưa thực sự thu hút các nhà đầu tư để có lợi nhuận sớm. Cần xác định vị trí thực sự của tỉnh trong thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch, để sẵn sàng đón những “làn sóng” đầu tư mới, sau những làn sóng đầu tư du lịch vào những địa phương giầu tiềm năng. Kinh nghiệm các địa phương trong nước trong việc “trải thảm mời gọi đầu tư trong du lịch” không khó để tham khảo. Thu hút đầu tư du lịch nói riêng và thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh nói chung liên quan mật thiết tới hoạt động quy hoạch. Những địa điểm, giá trị văn hóa, cảnh quan giầu tiềm năng cần được quy hoạch để sẵn sàng cho thu hút đầu tư phát triển du lịch.

Thứ tư, đầu tư cho phát triển sản phẩm, mô hình mẫu. Song song với những nỗ lực kêu gọi đầu tư, một việc cần làm là phải phát huy nội lực trong phát triển du lịch tại tỉnh Phú Thọ. Với những nguồn lực của tỉnh, có thể phát triển những mô hình du lịch có quy mô vừa và nhỏ, mang tính thí điểm, mô hình trình diễn. Các mô hình này vừa có tác dụng tạo ra những tuyến du lịch, “dòng” khách du lịch mới “chảy” vào tỉnh, vừa có tác dụng quảng bá, tạo hình ảnh, tạo sự chú ý và quan tâm của các bên, các nhà đầu tư về tiềm năng du lịch của tỉnh Phú Thọ.

Phát triển sản phẩm du lịch tại tỉnh Phú Thọ còn có nhiều thách thức trước mắt. Một kế hoạch hiện thực trên cơ sở những phân tích, đánh giá vừa thực tế, vừa có tầm nhìn là cần thiết trong giai đoạn trước mắt nhằm huy động có hiệu quả nhất sự tham gia của các bên trong phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Phú Thọ.

PGS.TS. Phạm Trương Hoàng

Trưởng Khoa Du lịch và Khách sạn,

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân


[2] Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngày 16/01/2017

[3] Nguồn: Trang web của Tổng cục Du lịch Việt Nam: http://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/22377 (truy cập ngày 15/6/2017)

Sản phẩm du lịch là gì ví dụ?

Sản phẩm du lịch có thể là một vật phẩm hữu hình. Ví dụ, một chỗ ngồi thoải mái trên máy bay hoặc đồ ăn được phục vụ trong nhà hàng. Hơn nữa, sản phẩm du lịch cũng có thể là một vật phẩm vô hình, ví dụ, chất lượng dịch vụ do hãng tàu cung cấp hoặc danh lam thắng cảnh tại một khu nghỉ dưỡng trên đồi.

Khái niệm về sản phẩm du lịch là gì?

Dưới góc độ pháp lý theo khoản 5 Điều 3 Luật Du lịch 2007 thi sản phẩm du lịch được giải thích như sau: “Sản phẩm du lịch là tập hợp các dịch vụ trên cơ sở khai thác các giá trị tài nguyên du lịch để thoả mãn nhu cầu của khách tham quan”.

Sản phẩm du lịch vô hình là gì?

Tính vô hình. Sản phẩm du lịch không hiện hữu một cách tự nhiên cũng không tồn tại ở dạng vật chất. Nó được tạo ra bởi con người và vì thế bạn không thể cầm, sờ hay nắm nó để kiểm tra được chất lượng nếu như chưa bỏ tiền ra mua.

Có bao nhiêu cách phân loại loại hình du lịch?

6 loại hình du lịch tại Việt Nam đang rất được yêu thích.

1.Du lịch tham quan..

2.Du lịch văn hóa..

3.Du lịch ẩm thực..

4.Du lịch xanh..

5.Du lịch MICE..

6.Teambuilding..