Số tiền lãi khi gửi ngân hàng mới nhất năm 2022

Có gần 10 ngân hàng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm trong giai đoạn nửa cuối tháng 5, phần lớn đều tăng lãi suất, dao động 0,1-0,8% một năm.

Trong đó, VIB có mức tăng 0,8% một năm cho tiền gửi online kỳ hạn 9, 11 tháng và kỳ hạn 9 tháng gửi tại quầy. Đây cũng là mức tăng mạnh nhất trong toàn ngành tính từ đầu năm đến nay. Ngoài ra, các kỳ hạn khác cũng được cộng thêm lãi suất 0,3-0,7% một năm. Tuy nhiên với mức nền lãi suất cũ khá thấp, thứ hạng của VIB cũng không được cải thiện nhiều sau động thái trên.

Các ngân hàng như OceanBank, BaoVietBank, PGBank, ACB... đợt này cũng đua nhau tăng lãi suất với mức phổ biến 0,3-0,4% một năm. Nhờ đó, BaoVietBank nâng thứ hạng từ vị trí 11 lên xếp thứ 4 ngân hàng có lãi suất cao nhất thị trường. OceanBank cũng tăng 6 bậc lên đứng vị trí thứ 6. Còn lại các nhà băng như BacABank, GPBank... chỉ nhích nhẹ thêm 0,1-0,2% một năm.

Sau đợt điều chỉnh này, đã có 20 trong số 34 đơn vị được VnExpress khảo sát niêm yết lãi suất tiền gửi 12 tháng tại quầy trên 6% một năm. Con số này với kênh online là 23 nhà băng. Trung bình mặt bằng lãi suất tiền gửi 12 tháng tại quầy và online lần lượt đạt 6,11% và 6,28%, tăng 0,04-0,05% so với hồi giữa tháng 5.

SCB tiếp tục là quán quân lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng. Nhà băng này trả 7,3% cho cả tiền gửi tại quầy và giao dịch online. Mức lãi suất trên đã được SCB áp dụng từ giữa tháng 5.

Giao dịch viên đang kiểm đếm tiền tại một ngân hàng ở Hà Nội. Ảnh: Giang Huy

Trước đó, giữa tháng 5 cũng đã có 11 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Trong đó, nhiều nhà băng đưa ra biên độ tăng trên 0,3% một năm như NCB, GPBank, Sacombank, VietABank...

Lãi suất tiền gửi liên tục đi lên giúp huy động vốn của các tổ chức tín dụng trong quý đầu năm tăng 2,15% so với cùng kỳ, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước. Riêng người dân đã gửi ròng gần 174.000 tỷ đồng, nâng tổng số tiền gửi của cư dân lên mức 5,47 triệu tỷ đồng, tăng 3,28% so với cuối năm 2021.

Xu hướng đổ về kênh tiền gửi ngân hàng cũng diễn ra trong bối cảnh các kênh đầu tư nóng trước đó dần hạ nhiệt. Tính từ đầu tháng 4, thị trường chứng khoán có 27 phiên thanh khoản dưới 20.000 tỷ đồng. Trong đó, gần một tháng qua chỉ có 5 phiên giao dịch vượt mốc 15.000 tỷ đồng. Mức thanh khoản trên tương đối thấp so với trung bình 26.000 tỷ đồng trong quý đầu năm.

Kênh trái phiếu cũng dần lắng xuống sau nhiều động thái vĩ mô nhằm siết chặt thị trường. Báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, tháng 4 có 23 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với giá trị 16.470 tỷ đồng, tuy tăng so với 2 tháng liền trước nhưng vẫn ở mức thấp so với mặt bằng chung của năm ngoái.

Tăng lãi suất đang trở thành xu hướng chính của các ngân hàng tư nhân từ đầu năm đến nay (trong khi đó, bốn nhà băng quốc doanh: Agribank, Vietcombank, BIDV, Vietinbank lại đứng ngoài cuộc đua). Theo thống kê của VnDirect, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng và 12 tháng của khối tư nhân vào cuối tháng 4 đã lần lượt tăng 14 điểm cơ bản và 13 điểm cơ bản so với mức cuối năm 2021.

VnDirect kỳ vọng lãi suất huy động tiếp tục tăng từ giờ đến cuối năm 2022 do lãi suất USD tăng và áp lực lạm phát tại Việt Nam tăng cao trong những quý tới. Tuy nhiên, mức tăng sẽ không lớn, khoảng 30-50 điểm cơ bản cho cả năm. Trong đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên 5,9-6,1% một năm vào cuối năm 2022 (hiện ở mức 5,5-5,7% một năm), vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7% một năm.

Cùng quan điểm, Chứng khoán BSC cho rằng mặt bằng lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ 0,5-1% trong năm 2022. Dự báo trên đến từ kịch bản lạm phát tăng và tỷ lệ cho vay trên huy động của các ngân hàng thương mại có dấu hiệu tăng trở lại.

Dưới đây là mức lãi suất sắp xếp từ cao tới thấp được niêm yết chính thức (cho khoản tiền dưới 1 tỷ đồng), không tính thỏa thuận thực tế của ngân hàng với từng khách (khách quen, VIP, gửi tiền nhiều - nhưng dưới một tỷ). Lãi suất gửi online thường cao hơn từ 0,1% đến 0,2%, có nơi trả cao hơn 1% một năm so với khi gửi tại quầy.

Tất Đạt

Ngân hàng quốc doanh tăng lãi suất tiền gửi

Cụ thể, ngày 1/6, ngân hàng BIDV đã công bố biểu lãi suất huy động mới áp dụng từ tháng 6. Lần điều chỉnh lãi suất huy động gần nhất của BIDV là từ cách đây gần 1 năm (từ tháng 8/2021).

Đáng chú ý, BIDV đã tăng lãi suất ở các kỳ hạn dài (từ 12 tháng trở lên) thêm 0,1 điểm phần trăm lên 5,6%/năm. Trong khi đó, ngân hàng giữ nguyên lãi suất các kỳ hạn ngắn, hiện kỳ hạn 6 tháng – 9 tháng là 4%/năm, kỳ hạn 3 – 5 tháng là 3,4%/năm, 1-2 tháng là 3,1%/năm.

Dù điều chỉnh tăng, nhưng lãi suất của BIDV vẫn đang thuộc nhóm thấp nhất trên thị trường, cùng với Vietcombank, VietinBank có lãi suất cao nhất chỉ 5,6%/năm. Agribank còn có lãi suất thấp hơn là chỉ 5,5%/năm.

Vietcombank mới đây công bố biểu lãi suất huy động cho hình thức gửi trực tuyến trên website, cộng thêm 0,1%/năm so với hình thức gửi tại quầy.

Hơn nửa năm trở lại đây, bất chấp việc mặt bằng lãi suất huy động ở các ngân hàng tư nhân tăng lên đáng kể, nhóm Big 4 vẫn "bất động", đứng ngoài thì nay đã vào cuộc đua tăng lãi suất tiết kiệm.

Mặc dù thanh khoản được các ngân hàng cho biết, đang khá dồi dào, song trước nhu cầu tín dụng tăng cao sau khi dịch bệnh được kiểm soát và ngân hàng bắt đầu triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% lên áp lực tăng lãi suất tiền gửi huy động vốn - vốn dĩ giảm thấp thời gian qua.

Ngân hàng Nhà nước cho hay, tính đến 20/5, tín dụng toàn ngành kinh tế tăng 7,66%, còn tính tới 27/5 ước tăng 7,75%, tăng cao hơn gấp 2 lần cùng thời điểm năm 2021.

Còn riêng tại khu vực TP.HCM, tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn thành phố 5 tháng tăng 8,4% so với cuối năm 2021. Trong khi đó, cùng kỳ này năm 2021 tín dụng tăng 4,76%; năm 2020 tăng 1,75% và năm 2019 tăng 6,47%.

Trong khi đó, tính đến cuối tháng 5/2022, tiền gửi tiết kiệm của dân cư tại các TCTD trên địa bàn tăng 4,88% so với cuối năm 2021. Trong khi đó tiền gửi thanh toán của tổ chức kinh tế và cá nhân tăng 2,41% so với cuối năm 2021.

Tại các ngân hàng đều ghi nhận tín dụng tăng vọt trong quý đầu năm nay, nhiều ngân hàng tăng gấp đôi cùng kỳ, vượt ngưỡng 10% chỉ trong ba, bốn tháng đầu năm 2022.

Cụ thể, trong 27 ngân hàng niêm yết trên HOSE, HNX và giao dịch trên UPCoM, có 18 nhà băng ghi nhận tăng trưởng cho vay khách hàng quý I/2022 cao hơn năm ngoái.

Trong đó, phải kể tới nhóm ngân hàng quốc doanh khi 3 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng VietinBank đạt tới 8,7%, Vietcombank với 7,1%, còn BIDV tăng trưởng cho vay 4,7%... Còn huy động vốn lại tăng trưởng thấp hơn tín dụng.

Xu hướng lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng dần

Vì thế, hầu hết những ngân hàng tư nhân lớn đều đã tăng lãi suất, ngay cả Techcombank - ngân hàng duy trì mức lãi suất thấp nhất thị trường trong năm 2020-2021 cũng vừa tăng mạnh.

Trong tháng 5/2022, nhiều ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động ở một số kỳ hạn ngắn để thu hút người gửi tiền tiết kiệm. Đơn cử, Techcombank sau một thời gian để lãi suất tiền gửi thấp hơn nhóm NHTM có vốn Nhà nước chi phối.

Cụ thể, mới đây Techcombank đã tăng thêm 0,3% lãi suất gửi tại quầy cho những người gửi kỳ hạn 36 tháng, một số kỳ hạn ngắn khác cũng được ngân hàng này tăng thêm từ 0,3-0,45%; và một số sản phẩm tiết kiệm online khác được cộng thêm lãi suất 0,3%.

Ngoài ra, để mở rộng khách hàng mới Techcombank đang có chính sách tặng thêm 0,5% lãi suất đối với khách hàng gửi tiền lần đầu tiên.

KienlongBank cũng vừa điều chỉnh một loạt mức lãi suất các kỳ hạn ngắn đối với cá nhân và doanh nghiệp.

Theo đó, ngân hàng tăng lãi suất huy động từ 0,1% - 0,3% đối với các kỳ hạn tiền gửi 1-7 tháng dành cho khách hàng cá nhân và tăng từ 0,1% - 0,4%/năm với các kỳ hạn 1-9 tháng dành cho khách hàng doanh nghiệp.

Sau đợt điều chỉnh này lãi suất cao nhất của KienlongBank ở mức 6,75%/năm. Đối với huy động tiết kiệm trực tuyến, KienlongBank ưu đãi tăng thêm từ 0,2% - 0,3%/năm so với mức huy động tại quầy.

Tương tự, VPBank cũng tăng thêm 0,3% lãi suất đối với các kỳ hạn 13, 24 và 36 tháng - đưa lãi suất tiền gửi các kỳ hạn này lên 6,4%/năm.

Trong trường hợp người gửi tiền trên 300 triệu đồng với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên sẽ được tăng thêm từ 0,3-0,5% lãi suất đối với gửi tại quầy.

Hiện lãi suất kỳ hạn 6 tháng cao nhất 6,85%/năm đối với hình thức gửi online, SCB đang có mức lãi suất cao nhất với 6,85%/năm, CBBank (6,6%/năm), NamABank (6,5%/năm), BaoVietBank (6,4%/năm),…

SCB tiếp tục là ngân hàng có lãi suất cao nhất ở kỳ hạn này với 7,3%/năm cho cả hình thức gửi tiết kiệm online và tại quầy.

Ngoài ra, một số ngân hàng khác niêm yết trên dưới 7%/năm như NamABank (7,2%), CBBank (7%), VietABank (6,95%), BaoVietBank (6,85%), VietBank (6,8%),….

Lãi suất kỳ hạn 24 tháng - 36 tháng cao nhất 7,55%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 18 tháng trở lên tại SCB. Tiếp theo là tại NamABank (7,4%/năm).

Ngoài ra, nhiều ngân hàng có lãi suất trên 7%/năm như VietCapitalBank (7%/năm, kỳ hạn 24 tháng), CBBank (7%/năm, từ 13 tháng), Kienlongbank (7,3%/năm, kỳ hạn 36 tháng), VietABank (7,2%/năm, từ 24 tháng),…

Theo các chuyên gia kinh tế - tài chính, việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động tiết kiệm một phần cũng bởi áp lực lạm phát, đồng thời do lãi suất ở một số kỳ hạn ngắn của nhiều ngân hàng trước đây ở mức khá thấp.

Tổng cục Thống kê cho biết, bình quân 5 tháng đầu năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức tăng 1,29% của 5 tháng đầu năm 2021.

Chính áp lực lạm phát cộng thêm tín dụng tăng cao trong 5 tháng đầu năm và sức hút từ các kênh đầu tư khác buộc ngân hàng phải tăng lãi suất huy động nếu muốn cạnh tranh thu hút tiền gửi.

VnDirect nhận định, lãi suất huy động khó có thể duy trì ở mức thấp lịch sử do nhu cầu huy động vốn cao hơn khi tín dụng tăng tốc.

Đồng thời, áp lực lạm phát ở Việt Nam sẽ gia tăng trong năm nay và sự cạnh tranh gay gắt hơn với các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán để thu hút dòng vốn. Tuy nhiên, VnDirect kỳ vọng lãi suất huy động chỉ tăng nhẹ 0,3-0,5%.