Tại sao cảnh quan thiên nhiên Nha Trang khách Đà Lạt

Skip to content

Nhiều người, kể cả những người đã từng sống ở Dalat năm xưa, đang sống ở Dalat hiện nay hoặc chỉ là du khách đôi lần ghé qua và có dịp trở lại, đều có chung nhận xét: Dalat ngày nay đã xuống cấp đến mức báo động. Nếu không có ngay một biện pháp mạnh mẽ, hữu hiệu, kịp thời, thì sẽ không chỉ trễ mà là quá trễ để cứu lấy thành phố mộng mơ này!

Dalat ngày hôm nay như thế nào?

Dalat ngày nay hầu như không còn lạnh nữa. Mà mất đi cái lạnh là Dalat đã đánh mất chính mình, không còn là Dalat nữa rồi! Thật trái khoáy! Ngày nay du khách đến Du lịch Đà Lạt không còn mặc áo lạnh chỉ còn có người sinh sống Dalat vẫn còn giữ như một thói quen. Một điều không tưởng tượng nỗi trước đây, bây giờ thì nhan nhản ở miền đất lạnh nầy: quạt máy sử dụng phổ biến ở Dalat trong các nhà hàng, khách sạn, nhà tư nhân và là mặt hàng bán rất chạy.

Nguyên nhân của tình trạng nói trên không khó để giải thích. Ngoài hiện tượng nhà kính, trái đất nóng dần toàn cầu, thì nguyên nhân trực tiếp khiến Dalat ngày nay không còn lạnh [khi đang viết những dòng nầy [[tháng 5/2007]], được biết Dalat đang 27độ C. Đầu thập niên 70’ khi còn ở Dalat, nhiệt kế trong phòng tôi chỉ tháng nóng nhất là 20 độ C] là do nạn phá rừng bừa bãi, không kiểm soát. Biết bao nhiêu khu rừng thông bị tàn phá không thương tiếc từ ngay trung tâm TP và lan rộng ra vùng ngoại vi như Liên Khương, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lộc, Cầu Đất, Lạc Dương, Đơn Dương…Ngay cả khu vực hầu như vắng bóng người khi xưa như vùng Suối Vàng, Dankia, phía Bắc chân núi và tận đỉnh Langbian người ta cũng không tha…Nếu không chặt thông làm nhà thì cũng khai thác làm nương rẫy!…vì mục tiêu không gì khác hơn là lợi nhuận [khai thác lâm sản, nông sản, khoáng sản, khai thác du lịch, đầu tư dự án nhà ở, phân lô bán nền…] Lợi nhuận gây tối mắt, nên người ta bất chấp di hại cho thế hệ mai sau, bất chấp luật lệ, buông lỏng quản lý để tha hồ hủy diệt thiên nhiên miền cao nguyên thơ mộng nầy.

Như đã nói, thông là một trong những yếu tố làm nên một Dalat mát mẻ, xinh đẹp. “Những rặng thông trên các đỉnh đồi vẫn là niềm tự hào của thành phố cao nguyên, là tín hiệu đặc trưng để nhận biết Dalat. Rừng thông là di sản quý của Dalat…”. Vậy nếu thông ngàn ngày một thưa thớt thì Dalat sẽ như thế nào, có còn là thành phố du lịch nghỉ dưỡng của ngày mai không? Từ Bảo Lộc đến Dalat, rừng thông khi ấy cứ nối tiếp nhau xuất hiện, nhưng ngày nay thì hoàn toàn khác xưa. Rất hiếm hoi trên đoạn đường nầy ta còn bắt gặp bóng dáng một hàng thông liên tục. Nơi duy nhất còn thấy được là tại khu thực nghiệm lâm sản Di Linh, nhưng đã rất thưa thớt so với trước 75 và có nguy cơ bị mất dần do nhà cửa đang lấn lướt. Nhìn hai bên đường từ Di Linh, Đức Trọng, Tùng Nghĩa, Liên Khương đến Dalat, tôi cứ phải ngậm ngùi khi thấy hàng hàng lớp lớp rừng thông bị tàn phá không thương tiếc, một số khác đang chờ đến lượt bị đốn hạ. Nầy là công trình đập tràn đang xây dựng [nay đã hoàn thành: Đập thủy lợi Đại Ninh]. Kia là đường cao tốc Liên Khương. Rồi con đường mới Dalat nối Nha Trang [khánh thành ngày 27/4/2007], con đường nầy được chính quyền và truyền thông ca ngợi là rút ngắn khoảng cách Dalat-Nha Trang được 80km[17], nhưng phải qua những đoạn cong khúc khuỷu như cùi chỏ, xuyên qua những cánh rừng nguyên sinh Bidoup. Như vậy có lợi hơn chút về mặt thời gian, nhưng bao cảnh quan thiên nhiên bị xóa sổ và cánh rừng nguyên sinh còn hy vọng giữ được bao lâu nữa vì theo tập quán tệ hại của dân ta hiện nay: có mở đường là có phá rừng, nhà cửa mọc lên vô tội vạ, khai thác lâm sản bừa bãi. Bao nhiêu dự án được thực hiện là bấy nhiêu rừng thông bị triệt hạ. Mật khu Núi Voi ngày ấy thông và cây rừng rậm rạp mà nay gần như đã trọc rồi. Suốt dọc tuyến cáp treo vào hồ Tuyền Lâm, ăn theo bên dưới là khu dân cư mới với nhà cửa và nương rẫy, chứng tỏ ngần ấy diện tích rừng thông bị hủy diệt.

Chỉ cần nhìn qua cửa xe khi lên đèo Prenn ta cũng trông thấy ngay nạn phá rừng tiếp tục hoành hành với mức độ thật xót xa! Chỉ cần nhìn dọc hai bên quốc lộ 20 xưa kia rừng thông ngút ngàn, giờ đây trơ ra núi trọc, màu đỏ buồn của đất basalte, mới thấy sức tàn phá của sự vô ý thức ghê gớm biết chừng nào! Một lần tham dự họp với các chuyên gia nghiên cứu phát triển thế giới, với tính cách thẳng thắn Tây phương, có người phát biểu: “Trong tình hình nói chung hiện nay của Việt Nam, chưa nên tính đến việc mở thêm những con đường mới, mà chỉ nên dành sức để nâng cấp, chỉnh trang những con đường cũ. Thứ nhất do vấn đề nguồn vốn không đủ để chi dàn trải cho công tác xây dựng mới và bảo trì hàng năm. Thứ hai do chúng ta thiếu một quy hoạch chung đủ độ tin cậy, đủ uy tín nói nôm na là đủ độ chín để định hướng chắc chắn cho việc phát triển có căn cơ, toàn diện cho khu vực chung quanh khi đường mở ra…” Đến đây lại nảy sinh thêm vấn đề của Thiết kế đô thị [Urban Design]!

Ngay sau 75, chúng tôi được tận mắt chứng kiến biết bao thông rừng to hơn vòng ôm bị đốn hạ không chút xót thương, một cách lẻ tẻ, bừa bãi đều khắp để lấy đất canh tác, trồng rau vì mục tiêu đề cao lao động lúc bấy giờ [Lao động là vinh quang!]; hoặc có hệ thống vì mục đích thương mại, lấy gỗ, được hàng đoàn xe dài chở đi… “Chủ trương tự túc lương thực và lấy nông nghiệp làm trọng, vì thế cảnh quan Dalat đã phải chấp nhận mâu thuẫn gay gắt giữa cảnh quan thiên nhiên trống và cảnh quan nông nghiệp…Thành phố càng rộng lớn càng mất đi vẻ đặc sắc” [10]. Thật ra lúc ấy chính quyền cũng phát động chiến dịch trồng cây khắp thành phố, nhưng sau nầy khi trở lại, tôi không hề thấy tại những địa điểm trồng mới ấy [như tại đồi Cù] còn cây thông nào sống được.

– Cảnh quan – Môi trường:

Dalat không còn như xưa, ai cũng nhìn thấy. Không gian trống mở rộng tầm nhìn về hướng Langbian mà các kiến trúc sư Pineau, Lagisquet dự trù đã và đang dần mất đi. Các công trình kiến trúc được cho phép XD dễ dãi [!] và quá vội vã, đang dần che khuất nó!

Dalat tự thân là một vườn quốc gia rộng lớn, nhưng ngày nay vì nhiều lý do, người ta đang muốn xé vụn nó ra thành những mảnh vườn nhỏ. Tình trạng cát cứ theo xu hướng giữ làm của riêng hiện nay ngày càng gia tăng theo tốc độ “phong trào”. Trộm nghĩ những du khách phương xa đến Dalat đều mong ước những gì? Phải chăng là để được thay đổi khí hậu [theo đúng tinh thần nghỉ mát – ngày nay chỉ hiểu là nghỉ dưỡng], được thoát khỏi môi trường ngột ngạt của những chiếc hộp béton mà mình quen sống.

Thứ hai là để tìm đến thiên nhiên, một nơi chốn hoàn toàn tĩnh lặng để có dịp sống lại những hồi ức, những giờ phút thư thả, thân mật với gia đình, người thân yêu. Thứ ba là để tìm đến một nơi chốn khác lạ, thoát ra môi trường, khung cảnh quen thuộc mình vẫn làm việc, va chạm hàng ngày, đầy dẫy những yếu tố nhân tạo, giả tạo đến độ nhàm chán. Vậy đó! Thay vì đón tiếp du khách bằng bản sắc cố hữu, độc đáo của mình là khí hậu mát lạnh, trong lành và vẻ đẹp thiên nhiên nguyên sơ, Dalat ngày nay giống như một cô gái đẹp, vô tình quên mất vẻ đẹp trời cho để khoác vào cái vẻ diêm dúa, phấn son giả tạo, áo quần lòe loẹt. Chợt nhớ câu thơ Nguyễn Bính:

Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều!

Thiên nhiên mới chính là điểm độc đáo thu hút khách du lịch đến với Dalat [cao độ, địa hình, khí hậu, phong cảnh, đồi núi, rừng thông…]. Thế nhưng, ngày nay người ta đã và đang cố tình hiện đại hóa và “nâng cấp” Dalat bằng cách nhân tạo hóa hoặc nhân bản vô tính bằng những đường nét kệch cỡm. Chẳng hạn:

– Dalat là một vườn hoa của cả nước [có thể gọi đó là một loại National Park].Trước 1975, hoàn toàn không có thắng cảnh nào thu tiền vào cửa. Nay thì khác hẳn. Các công trình du lịch, tham quan được rào kín làm của riêng; công chúng không còn được phép tự do lai vãng. Ai muốn vào phải trả tiền. Các rào cản nầy cũng đồng thời chia cắt không gian, cảnh quan chung rất phản cảm, gây bất bình cho du khách và cư dân Dalat. Nào là đồi cù, hồ Than thở, hồ Đa Thiện, vườn hoa Bích Câu, thác Prenn, thác Dantanla…Tất cả đều đổi tên thêm vào danh xưng KHU DU LỊCH trước đó để khai thác cạn kiệt thắng cảnh nhằm mục đích móc hầu bao du khách. Ngay cả thác Cam Ly ngày nay chỉ là dòng nước cống, bốc mùi, vậy mà cũng là Khu Du lịch thác Cam Ly nơi tổ chức biểu diễn nhạc nước có thu tiền!

Lẽ ra nên dựa vào thiên nhiên để tôn tạo khung cảnh chung quanh, người ta lại hiện đại hóa nó một cách rất vụng về. Chẳng hạn như xây hẳn những bồn hoa đủ loại, đủ dáng vẻ bằng gạch trang trí kiểu đô thị miền xuôi với bông hoa trồng được tỉa tót, cắt xén cẩn thận, để trang trí các triền đồi thiên nhiên tại hồ than thở, hồ Đa Thiện…Các vật trang trí trên hồ [như thuyền buồm, đàn lyre, khóa sol…] được thực hiện bằng đủ màu sắc lòe loẹt, quê kệch, đèn màu nhấp nháy đúng kiểu hàng mã dụ khị du khách chụp hình thu tiền từng pose một. “Theo sở thích riêng, mỗi cá nhân lại có sáng kiến nguy hiểm: họ muốn tạo hình ảnh gì ở Dalat? Phải chăng là một công viên vay mượn quá khứ một cách vụng về với các chi tiết mạ vàng và màu sắc lòe loẹt được sử dụng bừa bãi?” 

– Vườn hoa Bích Câu [nay là vườn hoa TP] chỉ cần tập trung đi vào chuyên ngành thì với bộ sưu tập hoa kiểng độc đáo xứ lạnh của mình, cũng đủ là điểm thu hút khách bốn phương rồi. Tuy nhiên với tham vọng trở thành một Đầm Sen của Dalat, hầu như nó không thành công, đồng thời đánh mất bản sắc của riêng mình.

– Nếu trước đây đường dẫn vào Đa Thiện [thung lũng tình yêu] từ cư xá Minh Hòa đến hồ Đa Thiện hoàn toàn trống vắng, thì ngày nay chen đầy những công trình kiến trúc và các “khu du lịch” như đồi Mộng mơ, Dalat sử quán…Dalat tự thân đã là một thành phố du lịch rồi, nay có cần quá nhiều khu du lịch trong một khu du lịch như thế không?!

Tôi vẫn hằng lo lắng mỗi khi được biết bất kỳ dự án nào mới về Dalat. Nào là dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp hồ Tuyền Lâm, gồm 8 phân khu, với quy mô kinh hoàng chiếm diện tích 219ha và triệt hạ 18.000 cây thông [số liệu thuyết minh đồ án, tuy nhiên sau khi thực hiện số thông bị đốn hạ lớn hơn gấp nhiều lần và số dự án cũng tăng thêm].

Một dự án lớn khác nhắm vào khu bất trúc tạo xưa nay là dự án Hợp tác khu nhà ở với Singapore tại Suối Vàng – Dankia. Theo tin mới nhất ngày 18/4/2007, một tập đoàn Pháp cũng vừa gởi văn bản đầu tư. Trước đó các tập đoàn Nhật đã đeo đuổi dự án Thành phố Lãng mạn [romantic town] nơi đây với quy mô chấn động hơn nữa: 5.100ha thay cho tập đoàn Singapore xin rút khỏi dự án. Rồi một tập đoàn khác vẽ ra một hình ảnh thiên đàng trong mộng: phủ khắp dãy núi Langbian toàn hoa hồng. Một tập đoàn khác đưa ra dự án nuôi cá hồi trên sườn núi Langbian!!!

Mỗi một dự án đưa ra, một số lớn rừng thông đã mất đi [chúng ta biết thông chỉ dễ dàng mọc tự nhiên, tùy theo điều kiện thổ nhưỡng, địa chất, môi trường quang hợp, tự thích nghi, rất khó trồng. Trước 1975 Chính phủ đã nhiều lần cố gắng trồng thông gây rừng bằng mọi cách, nhưng thành công rất ít. Xem Tập san Sử-Địa số 23-24 Đặc khảo Đà Lạt năm 1971], dân số gia tăng, khí hậu nóng lên, nước nguồn giảm thiểu, hạ tầng kỷ thuật thêm thiếu thốn, nước thãi tràn lan, môi trường càng bị hủy hoại, và tất nhiên thiên tươi đẹp không bao giờ khôi phục lại được. Mỗi một dự án khi đưa ra, đương nhiên sẽ được chủ đầu tư thuyết minh bằng những viễn cảnh tối ưu, hoàn hảo nhất, độc đáo nhất, phục vụ nhân dân nhiều nhất. Điều họ không nói ra nhưng là mục tiêu quan trọng nhất là thu lợi về nhiều nhất. Theo tôi không vẻ đẹp nào hoàn mỹ nhất cho Dalat ngoài vẻ đẹp của thiên nhiên.

. Thác Prenn, dù chỉ trong một đoạn ngắn không cần thiết cũng trang bị cáp treo, phá nát không gian cảnh quan của dòng thác. Cũng vậy với thác Datanla và máng trượt…

. Thác Cam Ly nổi tiếng ngày xưa, được người ta khai thác nó cùng kiệt để thu lợi nhuận, nhưng không hề bảo dưỡng, tu bổ, giữ gìn vệ sinh môi trường, hiện nay chỉ còn là dòng nước cống bẩn thĩu, tanh hôi.

Ngay phía dưới cầu Ông Đạo [gần ấp Ánh Sáng], nơi nước hồ Xuân Hương vừa tràn qua khỏi đập để chảy ra thác Cam Ly, hiện nay được cải tạo thành một vườn hoa với thiết kế thật khô cứng, hoàn toàn không hấp dẫn. Phải chi người ta tạo nên một hồ nước thứ hai, trồng lại thứ thông sapin ven hồ cũ ở cao trình thấp hơn mực nước hồ Xuân Hương một chút có lẽ sẽ lý thú hơn. Hồ nước thứ hai nầy sẽ phục vụ tốt hơn cho nhu cầu dạo chơi, thưởng ngoạn của mọi người với công năng là hồ cảnh, đồng thời cũng là hồ điều tiết, giúp tăng thêm mặt thoáng [l’espace libre], cải thiện phong cảnh cũng như môi trường đô thị.

Tôi có dịp đi qua và chứng kiến [ngay sau Tết Đinh Hợi 2007] dòng suối chảy dọc Phan Đình phùng, ngày nay được nắn dòng, kè talus bằng đá chẻ uốn lượn trong lòng thành phố, nhưng ô nhiễm khủng khiếp vì bổng dưng trở thành đường cống thoát nước chính của khu vực. Ngay sau đó báo chí cũng lên tiếng mạnh mẽ về dòng suối nầy, cũng như tệ nạn khai thác, hủy hoại tài nguyên và môi trường ngày càng bát nháo hơn, như nạn đào thiếc hỗn loạn tại thung lũng tình yêu. Và cũng ngạc nhiên chưa, cũng vào mùa mưa 2007, một trận mưa lớn đã gây lụt lội tại khu vực Phan Đình Phùng nầy do dòng suối bị rác rến, chất thãi gây tắc nghẽn!

– Kiến trúc Đalat ngày nay thì sao?

• Trước tiên hãy để chính người Dalat hiện nay đưa ý kiến:

+ Một số các biệt thự được sử dụng làm cơ quan nên phải cải tạo cơi nới…một số khác làm nhà tập thể cho cán bộ-công nhân viên, một số ít để hoang tàn, đổ nát. Các công trình tạm bợ xuất hiện khắp thành phố. Rừng nội ô bị tàn phá nặng nề. Nhà ổ chuột, nhà tôle vách ván mọc lên vội vã ở bìa rừng, thung lũng, khe suối, bờ hồ…làm cho thành phố trở nên hỗn độn xuống cấp [10]

+ Thực trạng kiến trúc Dalat đã xuất hiện nhiều công trình theo phong trào: hội trường cơ quan, hội trường khu phố, nhà chung cư, nhà phân lô…khiến cho bộ mặt thành phố lúc nầy trở nên hỗn độn quá mức, nhất là khu trung tâm thương mại và trục nhà liên kế. Chính những nơi nầy, vấn đề thẩm mỹ kiến trúc của từng căn nhà dù có thiết kế đẹp lại dẫn đến một nghịch lý là vô tình góp phần sự lộn xộn, giảm thẩm mỹ chung cả dãy phố 

+ Các công trình công cộng […] chưa thống nhất trong tổng thể hình khối công trình…chưa thật hài hòa trong bối cảnh chung, chưa được sự đồng cảm của công luận. Bố cục quá tự nhiên chủ nghĩa, rập khuôn kiểu nhân bản vô tính, không chú trọng tổ chức không gian, rời rạc, vụn vặt, thiếu thẩm mỹ [12]

+ Ngày trước chính quyền kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng, dầu lúc ấy quê hương đang chìm ngập trong khói lửa đao binh, nên nhìn chung khung cảnh, kiến trúc Dalat rất hòa quyện nhau, rất tôn trọng QH đề ra từ nhiều năm trước. Ngay căn nhà của viên tướng tư lệnh vùng 2 chiến thuật quyền uy một cõi, tuy rất mỹ thuật vẫn chỉ là căn nhà gỗ [bungalow] 2 tầng, nằm khép mình khiêm tốn trên đường Đinh Tiên Hoàng.

Đối với khách phương xa lâu ngày ghé lại, Dalat sẽ là một thay đổi bất ngờ không thích thú, gây hụt hẫng. Còn đối với khách thường xuyên ghé thăm, càng thấy rõ bộ mặt Dalat biến đổi từng ngày theo chiều hướng xấu. Thất vọng là tâm trạng chung của những người từng yêu mến Dalat, mà sự xuống cấp và lộn xộn của kiến trúc Dalat là một trong những nguyên nhân chính. Trước 75, các đồ án QH Dalat xưa rất được tôn trọng và được chính quyền sử dụng như kim chỉ nam để định hướng phát triển TP. Khi ấy hầu như không có một công trình xây dựng nào phá vỡ không gian, cảnh quan, khoảng lùi, các khu bất trúc tạo…theo QH chung. Một vài công trình công cộng và biệt thự được các kiến trúc sư cũ thể nghiệm theo lối hiện đại nhưng vẫn hòa hợp thân thiện với không gian kiến trúc hiện hữu, không hề phá vỡ môi trường, cảnh quan sẵn có. Cụ thể như Trung tâm nguyên tử lực, chợ mới Dalat, trường Võ bị Quốc gia, Giáo hoàng học viện, dòng Chúa Cứu thế, lữ quán thanh niên, các biệt thự đầu đèo Prenn…

• Một cách khách quan, từ cái nhìn của một du khách, chúng ta thấy:

+ Tình trạng xây dựng ngày nay tại Dalat dường như mang tính tự phát và bừa bãi, không theo QH hoặc tuân theo một cách miễn cưỡng, do QH thiếu uy lực hoặc do chính quyền buông lõng quản lý:

Nhà phố liên kế xây dựng tràn lan khắp nơi, từ khu trung tâm đến các khu vực ngoại vi, chiếm hết vị trí mặt tiền các trục đường chính và tràn ra các khu nông nghiệp. Ta thấy rất rõ tình trạng nầy ở hầu hết khu vực Nguyễn Chí Thanh, Phan Bội Châu, 3 tháng 2, Phan đình Phùng, Hải Thượng, khu Chi Lăng, dốc Nhà bò, ấp ánh sáng…

Các khu vực bất trúc tạo xưa kia, nay cũng được biến thành những khu xây dựng kiên cố, vĩnh cửu. Đó là tình trạng xây dựng trước chợ mới. Ngày trước, ngoài công trình duy nhất là khách sạn Mộng Đẹp [Moderne, nay là KS Hải Sơn] chỉ có đường [boulevard] và vài kiosques bán kiên cố. Chính khoảng thông thoáng do boulevard nầy tạo nên một tầm nhìn rất rộng và trang trọng về phía chợ, gây cảm tình ngay từ đầu cho người thưởng ngoạn. Nay KS Hải Sơn mở rộng diện tích và nâng tầng. Một dãy khu thương mại cao tầng cạnh bậc cấp lên khu HB mọc lên kiên cố [KS La Tulipe]. Đối diện bên kia đường khách sạn Thanh Bình cũng được nâng cấp, rồi xuất hiện khách sạn Golf 3 kiên cố cao tầng, thời thượng, cấu trúc màu sắc không ăn nhập gì với khung cảnh chung quanh, hoàn toàn xa lạ với không gian truyền thống. Và như để tiếp tay cho công việc xây dựng bừa bãi nầy đi đến chỗ viên mãn, một công trình nhà đậu xe 2 tầng bằng BTCT cũng đã được hoàn thành từ nhiều năm nay kéo dài cho đến điểm mút đầu bờ hồ…

Do một quan niệm thẩm mỹ cao siêu nào đó, các công trình kiên cố mọc lên sẽ vĩnh viễn xóa mất đi không gian hoài niệm muôn thuở [cũng đồng thời xóa đi bao tâm huyết của người làm QH, bao kỷ niệm của nhiều thế hệ con người yêu quý Dalat], để hàng phượng tím nằm chơ vơ lạc lõng, bị áp chế, đè nén, để công trình điểm nhấn là Chợ mới Dalat bị chìm lĩm trong không gian dưới vẻ đồ sộ của những công trình trên.

Chưa hết, suốt dọc bờ hồ ngay lối vào cầu ông Đạo lù lù mọc lên Ngân hàng Vietinbank cao 4 tầng. Từ lối vào chợ đến đầu đường Võ Tánh cũ, nay cũng chen vào những công trình xa lạ, không lấy gì làm ấn tượng như ngay phía đầu bờ hồ mọc lên thêm khách sạn Empress [cạnh tòa Giám mục khi xưa đã lùi vào rất sâu], một loạt công trình nhà hàng, khách sạn vui-chơi-giải trí bên phải tòa Giám mục. Nhà hàng Thanh Thủy [trước kia chỉ là túp lều bán kiên cố, mái ngói nằm gọn trên đất liền] ban đầu với tài năng ngoại giao sao đó, đề xuất bản thiết kế xây dựng hoành tráng, kiên cố, cao tầng và lấn ra mặt hồ Xuân Hương như kiểu nhà thủy tạ. Cũng may dư luận khắp nước và báo chí khi ấy phản ứng rất dữ, nên công trình thu gọn quy mô lại như hiện nay. Nếu không chẳng biết ra sao ngày sau!

Ngoài ra còn biết bao công trình, dự án khác đã và đang từng ngày từng giờ gậm nhấm thành phố gần hết…thơ mộng nầy, lăm le vắt kiệt sức và cố biến nó thành đô thị loại một, một thành phố miền xuôi. Dạo quanh khu vực dân cư nội thành Dalat, ta thấy hình như hiếm còn một mảnh đất trống nào mà không bị khai thác. Chẳng hạn khu đất rộng bao la tại khu vực ngã tư Viện ĐH biến thành dãy nhà trọ, quán ăn, khu đồi thông gần cư xá Minh Hòa [ĐCV Dalat] ngày nay là khu an dưỡng của bộ đội hải quân Trường Sa…

Ngay dưới tuyến cáp treo đồi Robin đi vào hồ Tuyền Lâm, khi vừa hoàn thành, ngồi trên cabine, du khách có cảm giác như bay trên những ngọn thông, Chỉ một năm sau, dưới đường cáp treo nầy, đã thấy lô nhô nhà cửa, thông bị chặt ngổn ngang. Đến nay thì đã thành xóm thành làng, thành nương thành rẫy, thành nông trại…!!!

Những ngôi biệt thự cũ của Dalat có giá trị kiến trúc, được hầu hết các nhà chuyên môn đánh giá cao, hiện nay đang có những vấn đề sau:

*Những biệt thự để kinh doanh thì được khai thác triệt đễ, nhưng không chú trọng việc bảo dưỡng, tôn tạo; nhất là tu bổ cảnh quan chung quanh, như trồng thêm thông, giữ gìn vệ sinh môi trường [chẳng hạn dinh 1, dinh 2, dinh 3…]

* Những biệt thự không khai thác du lịch thì bỏ mặc cho tình trạng hoang phế, xuống cấp nghiêm trọng. Biệt thự Dalat có một vẻ đẹp đặc biệt duyên dáng mà không nơi nào trên đất nước VN có được. Đó chính là vì nó được đặt trong một bao cảnh thích hợp: rừng thông, cỏ cây hoa lá, địa hình, đồi núi…Thiếu bao cảnh thiên nhiên nầy Biệt thự Dalat cũng sẽ mất đi nét độc đáo của mình. Do nhiều nguyên nhân rất khác nhau, trong đó không ít lý do tế nhị, ngày nay rất nhiều ngôi biệt thự với kiến trúc rất đẹp đang trong tình trạng hấp hối, hoặc nằm đơn độc như nhà phố trên đường Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Quang Trung, Chi Lăng, Trần Phú…Phải có ngay một chính sách thích hợp để cứu nguy cho các biệt thự nầy.

*Những ngôi biệt thự được sang tay cho chủ mới, thường là giới đầu tư, thì hầu hết được sửa chữa tùy thích, phong cách sáng tạo tự do theo mục tiêu kinh doanh của họ. Lòe loẹt, tạm bợ là nguyên tắc của giới làm ăn, như nhà hàng Trung Hoa [biệt thự Ming] trên đường Trần Hưng Đạo.

Cách cải tạo các ngôi biệt thự cũ hiện nay của các chủ mới cũng là vấn đề đáng quan tâm. Một cụm các biệt thự rất đẹp trên đường Trần Hưng Đạo [người dân địa phương gọi là khu biệt thự Bảo Đại: 14, 16, 18, 20, 22, 24…THĐ – gần BT Nguyễn Hữu Hào nay là Bảo tàng Dalat] đang được một công ty du lịch sửa sang. Thay vì phục chế theo nguyên bản, người ta chỉ cho năm ba người thợ đến dặm-vá-tô-trét với gạch cát ciment thông thường, chẳng thấy ai giám sát…Nếu không tận mắt chứng kiến, chắc chắn tôi sẽ không thể tin được vào kỷ thuật “phục chế nhà cổ” của họ. Và khi người quản lý đến hạch hỏi, tôi bị mời ra ngay khỏi “khu phục chế” khi biết tôi là KTS. [Hiện nay khu vực nầy trở thành khu khách sạn CADASA]

Các biệt thự mới xây dựng sau nầy cho thấy chưa thành công trong việc hòa nhập với đường nét kiến trúc và không gian biệt thự cũ. Có lẽ chủ đầu tư và người thiết kế quá chú trọng đến việc phô bày kiến thức thu thập được khi chu du đó đây, cộng với khả năng tài chánh quá dồi dào, nên Dalat hiện nay có quá nhiều biệt thự sang trọng đắt tiền, nhưng nếu đặt ở Sài Gòn, Thủ Đức, Bình Dương thì hợp hơn.

Các biệt thự nầy rất cầu kỳ theo phong cách thời trang và với sự hỗ trợ màu sắc phong phú của sơn nước, của vật liệu xây dựng, đã tạo ra những kiểu biệt thự quá xa lạ với những ai có tâm hồn của người Dalat xưa!

Một KTS ngoại quốc nhận định về vấn đề nầy: “…sử dụng vật liệu đủ mọi chủng loại, các biến dạng trang trí cầu kỳ và sao chép vụng về các kiểu kiến trúc châu Âu. Xu hướng hoài cổ thật là tùy tiện…Kiến trúc đương đại ở Dalat vừa thủ cựu vừa kém cỏi. Thủ cựu vì nó đang đi tìm một bản sắc. Kém cỏi vì nó vay mượn của các trường phái châu Âu, nhưng lại không làm chủ được” 

Đối với kiến trúc cao tầng, một điều mà chính quyền cũ rất cân nhắc và thận trọng, cũng như rất hạn chế cấp phép xây dựng, ngày nay hầu như không còn xa lạ gì đối với Dalat. Những tòa nhà cao tầng dần dần xuất hiện rồi phát triển đến hoa mắt, không những tại khu trung tâm mà còn lan dần ra ngoại ô theo kiểu dây chuyền. Trên đường Nguyễn Chí Thanh ta thấy khách sạn Ngọc Lan to đùng, cao lừng lững và một loạt khách sạn mini khác án mất khu trung tâm thương mại Dalat. Tình trạng nầy lập lại tại đường 3 tháng 2 [Duy Tân cũ], Phan Bội Châu, Khách sạn Sammy trên đường Trần Phú, chung cư cuối đường Hùng Vương…

Một số công trình khác gây hoang mang cho chúng ta về mặt quản lý. Không biết các cơ quan hữu quan có quá vội vã và dễ dàng [thông thường thì không hề!] khi phê duyệt cấp phép không? Chẳng hạn tháp antenne của Bưu điện Dalat. Tại sao tháp Eiffel là biểu tượng [symbol] của Paris được cả thế giới biết đến mà lại sao y vào tháp antenne Dalat, một địa danh cũng được nhiều người biết đến [nhưng với kiểu dáng và quy cách thô thiển hơn]? Rồi khách sạn Ngọc Lan được xây dựng lại với vị trí và quy mô áp đảo tầm nhìn khu trung tâm, bằng hình dáng kiến trúc không lấy gì làm tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Dalat!

Một cái nhìn lướt qua tổng thể kiến trúc Dalat cho ta thấy hầu như Dalat chưa định hình một phong cách kiến trúc cho riêng mình, một thành phố cao nguyên với phong cảnh, khí hậu, địa hình độc đáo. Tình trạng sao chép, cóp nhặt kiến trúc các nơi khác, nhất là loại nhà mà ai cũng ngán ngẩm và mong có dịp thoát ra [nhà ống-nhà phố liên kế] khiến nhà ở của Dalat giờ đây giống như bất cứ nhà cửa các thành phố khác của nước ta nếu bỏ đi khung cảnh đồi dốc. Kiến trúc công cộng và biệt thự cũng đều chung tình trạng trên. Dalat ngày nay đang từ bỏ bản sắc độc đáo của mình!

QH Dalat hiện nay cũng chưa cho thấy rõ tính thực thi của việc áp dụng qui chế quản lý QH vào thực tế xây dựng: bố cục công trình, mật độ xây dựng, chỉ giới xây dựng, khoảng lùi, tầng cao giới hạn…

Việc phân biệt khu ở người Âu và người bản xứ của đồ án QH cũ có vẻ mang tính kỳ thị, nhưng xem ra lại hóa hay. Điều nầy một phần cũng do đầu óc nhìn xa, có xét đến mức độ dân trí của nhà nghiên cứu QH. Vô tình chính nhờ vậy mà Dalat còn bảo tồn được cho mình cảnh quan và những khu ở trật tự, rộng rãi, khang trang theo ý đồ QH ban đầu đến nay.

• Con người Đà Lạt ngày nay.

Cùng với sự biến đổi mọi mặt về khí hậu, phong cảnh, kiến trúc, theo nhiều người nhận xét, con người Dalat ngày nay cũng quá nhiều đổi thay. “Người Dalat” như một danh từ chung để gọi nhóm người từ khắp mọi miền đất nước trong giai đoạn hình thành Dalat. Đó là những người từ Hà Đông, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên, Nam-Ngãi-Bình-Phú, người Nam, người Bắc di cư, người Hoa và các địa phương khác trong cả nước đến quần tụ sinh sống và qua thời gian hình thành nên phong cách người Dalat. Sau 75 với đà gia tăng dân số bùng phát với rất nhiều dân nhập cư, tính cách người Dalat ngày nay hoàn toàn biến đổi. Suốt thời gian ở Dalat trước đây, tôi chưa từng bao giờ nghe nói đến tội phạm hình sự, giết người, đâm chém…nay thì nhan nhãn. Chỉ mới đây thôi, báo chí liên tiếp đưa tin tình trạng giết người, cướp của, bạo lực học đường, nữ sinh đánh nhau! Nạn trộm cướp lừa lọc khắp nơi. Một số người Dalat ngày nay không còn lịch sự, thân thiện, nhẹ nhàng trong lời ăn tiếng nói và thái độ ứng xử. Họ sẵn sàng lừa lọc du khách trong các hoạt động dịch vụ [chụp ảnh, thuê xe, thuê ngựa, ăn uống…] với đủ chiêu trò ăn gian, nói thách và sẵn sàng đôi co, đốp chát và sử dụng bạo lực nếu du khách có can đảm phản ứng. Tình trạng nói thách ngày nay rất phổ biến, điều mà trước kia hình như không khi nào thấy.

Phong cách quí phái, thanh lịch, trí thức của người Dalat giờ đây chỉ còn tìm thấy ở một số người lớn tuổi.

Dalat ngày nay [2007] đã vượt qua ngưỡng 170.000 dân [14].Tình trạng dân số tăng vọt quá mức khiến Dalat oằn lưng vì quá tải, mất hẳn đi nét thơ mộng. Hiện Dalat đang đối diện nguy cơ khan hiếm nước sinh hoạt trầm trọng.

Một sự thay đổi khác mà tôi chợt giật mình nhận ra: má các cô gái Dalat không còn đỏ hây hây như trước nữa!…

IV. MƠ ƯỚC GÌ CHO ĐÀ LẠT TƯƠNG LAI?

Dalat không là của riêng ai. Dalat được tạo hóa dành cho mọi người, mọi tâm hồn, mọi lứa tuổi, mọi thành phần xã hội. Dường như bất cứ ai có cảm tình với thành phố cao nguyên nầy đều có thể bắt gặp tâm hồn mình đâu đó một lần ghé qua, khi bồi hồi nhớ lại. Dalat đem lại cảm hứng cho mọi bộ môn nghệ thuật: thơ, văn, nhạc, họa, điện ảnh [hiếm có bộ phim nào của VN hiện nay mà không có những scènes về Dalat]…Dalat là nơi chứng kiến bao mối tình đầu tiên, cuối cùng, dang dở, hạnh phúc, bao nhiêu buồn vui, nước mắt, nụ cười, hy vọng lẫn tuyệt vọng của biết bao đôi uyên ương thuộc nhiều thế hệ; là nơi lưu giữ biết bao kỷ niệm của những người đã đến, đã yêu Dalat…

đã ghi trong lòng tôi biết bao nhiêu buồn vui lúc trao thân vào đời…”

• Không dám là một kiến nghị hay một đề xuất cho việc nghiên cứu quy hoạch phát triển của Dalat ngày mai. Người viết chỉ đơn giản muốn nêu lên tâm nguyện của mình, hy vọng những người yêu quí Dalat đồng cảm và chia sẻ:

– Đồ án quy hoạch Dalat phải được căn cứ trên tính chất đặc thù của mình. Việc xác định đúng tính chất của Dalat khả dĩ tìm ra hướng phát triển đúng đắn của thành phố, phù hợp với lòng mong mỏi của người dân cả nước. Dalat phải là trung tâm du lịch, nghỉ mát đúng nghĩa của quốc gia, là trung tâm văn hóa giáo dục không những trong nước mà còn nhắm đến khu vực Viễn Đông sau nầy. Ngoài ra còn phải xem Dalat là “thành phố di sản” của VN. Là “thành phố di sản”, Dalat phải được trân trọng, giữ gìn, bảo quản mọi tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan, quỹ kiến trúc và những giá trị văn hóa đặc thù…Dalat phải được đãi ngộ bằng một chính sách và qui chế đặc biệt để được giải thoát khỏi mọi hệ lụy về kinh tế. Không còn bận tâm với bài toán kinh tế, Dalat sẽ là một bảo tàng sống về khí hậu, kiến trúc, cảnh quan…của cao nguyên Lâm Viên cho nhiều thế hệ mai sau.

Dalat là một đô thị đặc biệt nên không thể nghiên cứu, thiết lập QH một cách bình thường như các đô thị khác. Nó phải vượt thoát khỏi mọi ràng buộc của những qui định về chỉ tiêu quy hoạch-kiến trúc thông thường.

– Theo tính chất trên, nhất thiết đồ án QH Dalat phải được thiết lập trên cơ sở kế thừa các đồ án QH trước đây của các KTS Hébrard, Pineau, Lagisquet, phải cố gắng bảo toàn các khu vực bất trúc tạo.

– Phân khu chức năng cần hợp lý hơn nữa.

– Hạn chế tình trạng xây dựng mới. Tuyệt đối tránh tình trạng phá rừng thông lấy đất đầu tư xây dựng hoặc mở rộng nông nghiệp. Dalat hiện là trọng điểm thu hút khách du lịch, các nhà đầu tư, kinh doanh, dân nhập cư… Với tình trạng phất lên nhanh chóng như hiện nay, nếu người dân khắp nơi trong nước, ai cũng muốn sở hữu cho mình một căn nhà nghỉ mát ở Dalat, mà chính quyền không dự trù ngay những biện pháp hạn chế thì TP nầy sẽ ra sao?

– Đồ án phải xác định mức giới hạn xây dựng, cũng như hạn chế gia tăng dân số. Theo tôi nên dừng lại ở mức khoảng 120.000-130.000 dân. Tình trạng dân số hiện nay đã khiến Dalat trở nên quá chật chội.

– Căn cứ Luật QH, cần phải lập thiết kế đô thị ngay trong đồ án quy hoạch chi tiết, kèm qui chế quản lý QH [administration rules], làm cơ sở quản lý QH chặt chẽ, đúng hướng. Phải minh định rõ các tiêu chí xây dựng [building criterions] như tầng cao, mật độ xây dựng, khoảng lùi, hình khối công trình, màu sắc kiến trúc đối với từng loại công trình [CTCC, biệt thự, khách sạn, nhà phố, nhà nông thôn…]. Các công trình đặc biệt, điểm nhấn phải được tổ chức thi tuyển kiến trúc. Sự chặt chẽ, nghiêm túc trong cấp phép xây dựng là một biện pháp cần thiết để hạn chế và quản lý đúng hướng việc xây dựng.

– Trước khi thẩm định, phê duyệt đồ án QH hoặc các dự án đầu tư trên địa bàn TP, cần công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng và internet, để nhân dân cả nước theo dõi và có ý kiến [cũng vậy đối với các TP cùng tính chất như Sapa, Nha Trang, Huế…Hẳn chúng ta còn nhớ kinh nghiệm dự án khách sạn trên đồi Vọng Cảnh, Huế và tuyến cáp treo trên biển của dự án VINPEARLAND Nha Trang gây trở ngại rất nhiều cho tàu biển cập bến mà dư luận phản ánh gay gắt]. Chắc chắn khi ấy sẽ có nhiều ý kiến đóng góp của những người yêu mến Dalat ở khắp nơi.

– Trong khi chờ đợi một đồ án QH Dalat đạt mức tối ưu, được nghiên cứu thấu đáo, đủ uy tín, đủ tầm cỡ đáp ứng được nguyện vọng của đại đa số dân chúng, các nhà quản lý cần duy trì, giữ nguyên trạng cảnh quan, kiến trúc, rừng thông hiện nay. Phải có biện pháp cương quyết xử lý vi phạm hành chánh trong lãnh vực xây dựng, phá rừng, chặt thông, làm biến dạng hiện trạng đất đai; ngoài việc xử phạt thật nặng còn buộc phải khôi phục đúng hiện trạng ban đầu.

• Ngoài việc quản lý QH, chính quyền TP cần:

– Khuyến khích lòng tự hào của người Dalat và lòng tự trọng của du khách trong việc tôn trọng giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên rừng…

– Khuyến khích người dân Dalat và các công sở tùy theo điều kiện, gia tăng trồng thông và bông hoa chung quanh nơi ở và nơi làm việc.

– Tổ chức trồng thông gây rừng, phủ kín đồi trọc, đất trống và chung quanh khuôn viên các công trình mới xây dựng. Bộ phận Lâm Nghiệp nghiên cứu phương pháp trồng thông hiệu quả và nhanh chóng nhất, cung cấp cây giống cho mọi người.

– Thay vì tổ chức Festival hoa hàng năm tốn kém, để rồi chẳng còn để lại dư âm gì sau lễ hội, chính quyền chỉ cần trích ra một khoản kinh phí nhỏ khuyến khích và cung cấp hoa cho mọi người tự trồng chung quanh nhà và trước ngôi nhà mình. Như vậy, du khách đến Dalat nhìn đâu cũng thấy hoa. Dalat đích thật là một thành phố hoa quanh năm từ trong nhà ra ngoài ngõ, đâu đâu cũng toàn là hoa…Chính đặc điểm tự nhiên nầy mới là điểm thu hút du khách dài lâu.

Trên đây là những nguyện ước chân thành của tôi như một lời tâm sự gởi đến những tâm hồn đồng điệu đã từng yêu mến thành phố mộng mơ nầy. Dù sao chúng ta cũng đã được trải qua những năm tháng tươi đẹp của đời mình tại thị xã nhỏ bé nhưng quyến rũ nầy, vào lúc Dalat đang thời xuân sắc, đang thời kỳ hoàng kim, diễm lệ nhất. Chỉ tiếc cho con cháu chúng ta, tiếc cho thế hệ mai sau! Vài năm nữa đây, chắc chắn Dalat sẽ còn thay đổi nhiều hơn nữa! Dalat sẽ nóng hơn, Dalat sẽ có nhiều nhà cao tầng hơn, hiện đại hơn. Dalat sẽ thêm nhiều khu vui chơi giải trí, nhiều dự án đầu tư hơn, đất sẽ chật hơn, người sẽ đông hơn. Rồi đồi thông sẽ lùi xa thành phố hơn, sẽ co cụm lại, sẽ ít đi…và tình cảm mọi người với Dalat lúc ấy ra sao?

Tôi vẫn nơm nớp lo sợ có một ngày Dalat sẽ phát triển thêm các trụ đèn tín hiệu giao thông, thì còn đâu Dalat nữa?!

Tôi biết, những lời mạo muội trên đây cũng sẽ chỉ là tiếng kêu vô vọng trong sa mạc. Nó sẽ nhanh chóng rơi vào quên lãng, bởi lẽ trong đời sống vật chất quay cuồng hiện nay, lợi nhuận là quyết định. Thôi thì đành làm cánh én báo hiệu mùa Xuân nếu nó chẳng làm nên mùa Xuân!

Hỡi những ai yêu mến Dalat, hãy làm gì đó để cứu lấy thành phố thân yêu của chúng ta đi, dù chỉ bằng lời kêu gọi! Hãy cứu lấy Dalat!

Tôi mong ước lại được một ngày, chỉ một ngày thôi, được đắm mình trong không gian của một Dalat năm xưa. Nhưng mong ước cũng chỉ là mong ước…ngậm ngùi! Dalat vẫn phải phát triển theo quy luật của kinh tế, của đồng tiền. Mà đồng tiền thì không ngại sự tàn phá, dù là tàn phá một thành phố thơ mộng như…DALAT!

Thôi thì, Xứ lạnh yêu ơi, đừng buồn để lạt phai nét son trên làn môi!

Video liên quan

Chủ Đề