Thị trường tiêu thụ sản phẩm du lịch

Chưa chú trọng sản xuất sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch

Giám đốc Công ty Du lịch Sunsmiletravel (doanh nghiệp chuyên đón du khách Nga) Dương Thanh Hằng phản ánh, đa phần du khách đến từ thị trường Nga khi sang Việt Nam đều có nhu cầu mua đồ lưu niệm mang tính độc đáo vùng miền. Tuy nhiên, họ không biết địa chỉ mua ở đâu.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm du lịch
Khách du lịch tham quan làng nghề gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm)

Thực tế cho thấy, mặc dù nhu cầu mua đồ lưu niệm khi đến Hà Nội của du khách rất lớn, nhưng các làng nghề chủ yếu sản xuất phục vụ xuất khẩu chưa chú trọng khai thác thị trường ngách trong việc tiêu thụ, quảng bá sản phẩm.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Trịnh Thị Mỹ Nghệ nêu rõ, mặc dù cả nước có đến 1.300 làng nghề truyền thống nhưng thị trường quà lưu niệm hiện nay đang bị các sản phẩm Trung Quốc lấn át. “Kết quả khảo sát của Hiệp hội làng nghề thì có hơn 80% sản phẩm được bày bán ở vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) là hàng do Trung Quốc sản xuất. Ngay cả làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông) nhiều gia đình có truyền thống nhiều đời làm dệt lụa cũng phải bỏ nghề vì không thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc bày bán tại khu vực phố cổ” - bà Trịnh Thị Mỹ Nghệ dẫn chứng.

Đồng tình với phản ánh này, Chi hội trưởng Chi hội Làng nghề - Làng cổ - Làng văn hóa (Hiệp hội Du lịch Hà Nội) Nguyễn Văn Sử thừa nhận, mặc dù các làng nghề đã có sự liên kết với những điểm đến du lịch trên địa bàn Hà Nội để giới thiệu và bán sản phẩm cho khách du lịch nhưng sức tiêu thụ rất thấp.

Trong khi đó, Chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng cho rằng, mặc dù doanh nghiệp du lịch đã xây dựng, tổ chức tour đưa khách đến tham quan, trải nghiệm và mua sắm tại các làng nghề nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn do thiếu sự liên kết, chia sẻ thông tin giữa làng nghề và đơn vị lữ hành. 

Hỗ trợ phát triển bền vững

Lý giải lý do khiến sức tiêu thụ sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm của làng nghề không được như mong muốn, các chuyên gia du lịch có chung ý kiến, mẫu mã những sản phẩm quà lưu niệm chủ yếu sản xuất theo kiểu đại trà, không mang đặc trưng của điểm đến nên khó thu hút khách.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nêu rõ, nguyên nhân khiến sản phẩm quà lưu niệm của các làng nghề chưa được nhiều du khách biết tới là do chưa chú trọng sản xuất sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch; Chưa coi trọng sở hữu trí tuệ, không giữ được bản quyền dẫn đến tình trạng nhiều mẫu sản phẩm quà tặng bị nhái mẫu mã.

Bên cạnh đó, sự liên kết với các nhà sáng tạo mẫu thiết kế chưa được chú trọng bởi thực tế để làm ra sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm, nhà sản xuất phải hiểu về nhu cầu thị trường từ đó sản xuất ra sản phẩm phù hợp. “Đơn cử như thị trường khách Nhật thích dùng hàng bằng giấy nhiều hơn các nguyên liệu khác”, ông Vũ Thế Bình nêu ví dụ.

Bàn về giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm quà tặng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Anh Tuấn  hiến kế, mặc dù người thợ các làng nghề có kỹ năng, hiểu rõ về nguyên vật liệu nhưng để có mẫu mã thì cần chuyên gia thiết kế để kết hợp giữa truyền thống và hiện đại.

“Nghệ nhân giới hạn về ý tưởng nên cần có chuyên gia và đơn vị hiểu về thị trường khách để có thể ra mẫu thiết kế phù hợp. Nếu không sẽ phải làm đi làm lại rất nhiều lần mới có được sản phẩm mẫu mã phù hợp với thị trường khách” - ông Nguyễn Anh Tuấn gợi ý.

Thời gian tới các làng nghề cần đẩy mạnh liên kết, kết nối với những điểm du lịch qua đó tạo ra những mẫu thiết kế sản phẩm quà tặng độc đáo, phù hợp với đặc trưng điểm đến và tâm lý du khách. Đồng thời hình thành một khu giới thiệu, trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ, lưu niệm, quà tặng của các làng nghề Hà Nội, qua đó quảng bá tinh hoa làng nghề và tăng tính trải nghiệm cho du khách.

Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng

Nhận thấy sản phẩm quà tặng là một trong những yếu tố có thể tăng khả năng chi tiêu, giữ chân du khách lâu dài, nhiều đơn vị đã có hướng đầu tư cho sản phẩm quà tặng, lưu niệm. Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, đơn vị vừa tổ chức cuộc thi thiết kế sản phẩm quà tặng, và tới đây sẽ phối hợp với các làng nghề để làm những sản phẩm mới. “Bên cạnh sản phẩm truyền thống của làng nghề, sẽ có thêm sản phẩm quà tặng đặc trưng của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, như những vật phẩm dành cho sĩ tử, thể hiện tinh thần hiếu học của người Việt Nam”, ông Lê Xuân Kiêu cho hay.

Nhằm giúp làng nghề khắc phục những yếu điểm, đồng thời quảng bá sản phẩm lưu niệm tới du khách trong và ngoài nước, trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 sắp tới Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với các làng nghề, doanh nghiệp lữ hành tổ chức Lễ hội quà tặng Hà Nội năm 2022.

Trong thời gian diễn ra sự kiện, Sở Du lịch phối hợp với các làng nghề giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà tặng Hà Nội như nón làng Chuông (huyện Thanh Oai); chuồn chuồn tre Thạch Xá, quạt giấy Chàng Sơn (huyện Thạch Thất); tò he (huyện Phú Xuyên);; gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm); sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín), tò he (huyện Phú Xuyên)…

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, đặc biệt tại lễ hội này, đơn vị sẽ tổ chức cuộc thi thiết kế mẫu quà tặng, mẫu bao bì để tăng tính hấp dẫn cho sản phẩm. Các sản phẩm quà tặng sẽ thiên về nhỏ gọn, tinh tế, mẫu mã đẹp và gắn với biểu tượng các điểm đến của Hà Nội, như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hồ Hoàn Kiếm… 

Những gợi ý, hiến kế của các chuyên gia, cơ quan quản lý du lịch cho thấy, sản phẩm lưu niệm không chỉ giải quyết vấn đề việc làm, nâng cao đời sống cho người dân làng nghề mà còn đóng vai trò quảng bá văn hóa, du lịch góp vào việc phát triển kinh tế, thu hút du khách.

09:39' - 02/04/2021

BNEWS Tỉnh Bắc Giang đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng thành đề tài khoa học và nhanh chóng triển khai vào thực tiễn; đồng thời, coi đây là một trong những giải pháp để vừa kích cầu du lịch.

Theo định hướng của Chính phủ, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) sẽ tiếp tục là chương trình phát triển kinh tế nông thôn trọng tâm, cần được ưu tiên trong chính sách phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững. Đây cũng là chương trình mang tính dài hạn nên cần được tập trung đầu tư phát triển vào nhóm những sản phẩm có lợi thế, là đặc trưng của địa phương và gắn với yếu tố văn hóa, con người ở mỗi khu vực, vùng miền, dân tộc để phục vụ phát triển kinh tế du lịch. Trước yêu cầu ấy, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng thành đề tài khoa học và nhanh chóng triển khai vào thực tiễn; đồng thời, coi đây là một trong những giải pháp để vừa kích cầu du lịch; vừa xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản và nhanh chóng thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đến thời điểm này, toàn tỉnh Bắc Giang hiện có 95 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên; trong đó, 24 sản phẩm 4 sao; 71 sản phẩm 3 sao. Các sản phẩm đều có sự đầu tư công phu về hình thức, chất lượng; có hồ sơ công bố, tiêu chuẩn cơ sở, phiếu kiểm nghiệm các chỉ tiêu, kế hoạch giám sát chất lượng, giấy đủ điều kiện sản xuất, đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Khá nhiều khách hàng trong nước và quốc tế đã biết đến và đánh giá cao về những sản phẩm đặc trưng của Bắc Giang như vải thiều nước đường của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco (thành phố Bắc Giang); vải thiều đóng hộp, ngô ngọt đóng hộp, nước ép cam Fully của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu; mỳ Chũ (Lục Ngạn); trà hoa vàng của Hợp tác xã Sản xuất cây dược liệu Lựu Chanh (Lục Nam); chè xanh Bản Ven của Hợp tác xã Thân Trường (Yên Thế); mật ong rừng Tây Yên Tử của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thảo Mộc Linh (Sơn Động)...

Ông Nguyễn Văn Ngọc, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang cho hay, trong số nhiều sản phẩm OCOP được quảng bá và giới thiệu ra thị trường thì thông tin và sản phẩm OCOP đã giúp du khách có thêm nhiều sự lựa chọn khi có nhu cầu mua hàng về làm quà biếu mỗi dịp đến Bắc Giang. Hiện nay, đơn vị đang đề xuất trưng bày tất cả các sản phẩm OCOP của tỉnh tại các gian hàng gần hoặc trong khu du lịch trên địa bàn tỉnh, vừa để quảng bá vừa tạo sự đa dạng hàng hóa trong các điểm du lịch. Song song với việc giới thiệu sản phẩm, tỉnh cũng đã triển khai nhiều tour du lịch gắn với sản phẩm OCOP như: du lịch trải nghiệm vườn quả trong mùa cam, bưởi hay tour tham quan các cơ sở sản xuất mỳ Chũ...đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan và mua sản phẩm. Trên cơ sở đánh giá những tiềm năng, lợi thế, đề xuất cơ chế, chính sách để phát triển du lịch nông thôn đặc trưng riêng của tỉnh Bắc Giang và xây dựng các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP quảng bá đến du khách; đồng thời, khuyến khích hình thành đặc sản vùng miền cho mỗi địa phương, ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang cho biết, Chương trình OCOP đã góp phần hoàn thiện nhiều sản phẩm, khơi dậy sự sáng tạo của người dân ở mỗi làng quê. Hiện nay, cơ quan này đang phối hợp với các ngành liên quan xây dựng kế hoạch phát triển du lịch nông thôn. Mục tiêu là nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; phát triển du lịch gắn với quảng bá, xây dựng thương hiệu riêng của tỉnh Bắc Giang. Lục Ngạn là một trong những huyện có nhiều thế mạnh về phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông thôn gắn với cộng đồng tại tỉnh Bắc Giang. Trong những năm qua, huyện Lục Ngạn đã chủ động xây dựng các vùng trồng cây ăn quả quy mô lớn, hoàn thiện cơ sở hạ tầng để thu hút khách du lịch; đặc biệt, với sự tham gia của các hợp tác xã đã kết hợp thành chuỗi các hoạt động du lịch, tham quan trải nghiệm trên địa bàn huyện.

Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân (thôn Kép, xã Hồng Giang) - một trong những đơn vị kinh tế hợp tác thành công nhất tại Lục Ngạn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và xuất khẩu vải thiều gắn với phát triển du lịch.
Ông Phạm Văn Dũng, đại diện hợp tác xã cho biết, để phục vụ xuất khẩu, 100% diện tích vải thiều của hợp tác xã được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, tạo điều kiện thuận lợi để mở cửa thu hút khách du lịch tham quan, trải nghiệm.

Đây là một trong những hướng đi được hợp tác xã quan tâm và tập trung đầu tư hơn nữa trong thời gian tới; thậm chí, tiến tới liên kết với các doanh nghiệp và địa phương khác trong tỉnh để xây dựng thành chuỗi sản xuất nông sản OCOP và xúc tiến các sản phẩm du lịch cho địa phương. Trong quý II năm 2021, tỉnh Bắc Giang sẽ triển khai dự án Phát triển du lịch nông thôn gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP sau khi đã nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học từ Sở Khoa học Công nghệ tỉnh. Chương trình có phối hợp với các cơ quan như Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch Bắc Giang, Hiệp hội du lịch tỉnh Bắc Giang, Trung tâm khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh, Phòng văn hóa của 4 huyện là Yên Thế, Lục Lam, Lục Ngạn và Sơn Động. Ngoài ra, còn có 3 doanh nghiệp cùng tham gia chương trình bao gồm 1 công ty lữ hành, Công ty cổ phần dịch vụ Tây Yên Tử và Hợp tác xã Thân Trường cùng tham gia phát triển một số tour du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn theo dự án này. Ông Lưu Xuân San, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch Bắc Giang cho biết, dự án hiện đã gửi thông báo mời thầu và đang hoàn thiện các thủ tục để sớm triển khai ngay trong thời gian sớm nhất. Dự kiến, dự án sẽ đầu tư khoảng 1 tỷ đồng để hình thành các điểm du lịch nông thôn, các tour du lịch và xây dựng các điểm bán hàng OCOP. Việc liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương theo chương trình này sẽ giúp các bên cùng phát huy lợi thế để phát triển du lịch Bắc Giang. Các địa phương có thể sử dụng tài nguyên du lịch của nhau để cùng xây dựng sản phẩm du lịch và xúc tiến du lịch. Sự liên kết giữa các tuyến, điểm du lịch và sự gắn bó chặt chẽ của các doanh nghiệp cùng địa phương có các sản phẩm nông nghiệp OCOP sẽ tạo nên sự đồng bộ để không chỉ thu hút khách mà còn tạo nên những sản phẩm du lịch hấp dẫn, làm tăng thêm sức hấp dẫn, hiệu quả kinh doanh và giá trị thương hiệu sản phẩm của người dân Bắc Giang.