Thị trường xuất khẩu nông sản Việt Nam

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Mọi sự thay đổi đều khó khăn, nhưng nếu không thay đổi thì càng khó khăn hơn. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Tại tọa đàm "Để nông sản không bị ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ?" do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức chiều 4/3, các diễn giả đều nhấn mạnh yêu cầu cần phải nhanh chóng triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là xuất khẩu nông sản phải theo con đường chính ngạch, không thể đi tiểu ngạch, "đường mòn lối mở" mãi được.

Mở đường lớn cho nông sản xuất khẩu

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, trong tuần sau, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ chủ trì, cùng bàn thảo với các cơ quan, hiệp hội, ngành hàng liên quan "để bắt đầu con đường chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch" cho nông sản Việt.

"Mỗi sự thay đổi đều không đơn giản và đều phải có lộ trình. Nhưng nếu chúng ta không khởi hành thì sẽ không có kết thúc", Tư lệnh ngành nông nghiệp bày tỏ và cho biết: Chúng ta sẽ phải tách bạch rõ các công việc trong công tác xuất khẩu nông sản. Việc nào Bộ, ngành Trung ương làm, việc nào địa phương làm, việc nào Hiệp hội ngành nghề làm.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải có cơ chế để hỗ trợ thêm trong quá trình "một bên đang giằng xé, một bên vẫn còn lợi ích xuất khẩu nông sản theo đường tiểu ngạch hay đường biên lối mở với những khó khăn đối với xuất khẩu chính ngạch".

"Tôi nghĩ mọi sự thay đổi đều khó khăn, nhưng nếu không thay đổi thì càng khó khăn hơn", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Phải tổ chức lại từ khâu sản xuất đến thị trường thông qua hạ tầng logistic

Theo ông, để chuyển con đường xuất khẩu nông sản từ tiểu ngạch sang chính ngạch phải tổ chức lại ngành hàng, tổ chức lại từ khâu sản xuất đến thị trường thông qua hệ thống hạ tầng logistics.

Vừa qua, Bộ NNPTNT đã ký trình Thủ tướng về chủ trương đồng ý cho tỉnh Quảng Ninh - địa phương đầu tiên trở thành Trung tâm kết nối nông sản xuất khẩu. 

Theo đó, tỉnh Quảng Ninh quản lý, doanh nghiệp tư nhân xã hội hóa đầu tư. Bộ NNPTNT cũng đã làm việc với Bộ Công Thương và đã trình Thủ tướng Chính phủ, sau Quảng Ninh sẽ là tỉnh Lạng Sơn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, tại Trung tâm này, phía bạn có thể đưa bộ phận thông quan, kiểm dịch sang, nghĩa là chỉ kiểm tra một lần bên này rồi xe chạy suốt, có thể đi sâu vào nội địa tùy theo mối quan hệ của thương nhân hai bên.

Nếu có trường hợp ùn ứ, chúng ta đóng gói, sơ chế, tạm trữ được một thời gian để tránh nông sản nằm ở container vì rủi ro rất nhiều. 

Khi xảy ra dịch bệnh thì khu vực này là một "vùng xanh", nông sản của chúng ta bảo đảm tiêu chuẩn quy định phòng dịch của phía bạn.

Vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho thành phố Cần Thơ trong đó có xây dựng Trung tâm kết nối nông sản ở Cần Thơ cho các vùng lân cận của Đồng bằng sông Cửu Long.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Bộ NNPTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ chủ trương hình thành Trung tâm này ở Cần Thơ. Bộ NNPTNT cũng định hướng xin chủ trương của Chính phủ để xây dựng một Trung tâm như vậy ở khu vực Tây Nguyên. Đây là hai vùng xuất khẩu nông sản chiếm tỷ trọng cao của cả nước và xuất khẩu sang Trung Quốc.

Mặc dù có trung tâm xuất khẩu nông sản rồi nhưng quan trọng nhất vẫn là tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại hệ sinh ngành hàng, để đáp ứng nhu cầu chuẩn hóa từng loại thị trường như thị trường Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản…, thị trường trong nước.

Chúng ta cũng phải tính đến một ngày nào đó tại thị trường trong nước, người tiêu dùng trong nước cũng không còn dễ tính nữa. Thực tiễn đòi hỏi chúng ta phải thay đổi rất nhiều.

Sắp tới Bộ NNPTNT dự thảo đề án về xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sau khi tham khảo ý kiến của các cơ quan ngoại giao và thương vụ Việt Nam bên Trung Quốc. Bộ NNPTNT sẽ lấy ý kiến của Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, các Hiệp hội ngành hàng.

Đồng thời, Bộ NNTPNT cũng xây dựng Đề án riêng cho thị trường EU. Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, việc cần làm là liên minh để xuất khẩu vì EU là thị trường tiềm năng rất lớn với 27 quốc gia. Chúng ta phải đi riêng từng nhóm thị trường. Từng nhóm thị trường đó phải củng cố Liên minh hiệp hội xuất khẩu từng thị trường để chia sẻ thông tin.

Chúng ta không một mình một chợ, chúng ta phải cạnh tranh

"Tôi được biết anh em bên Trung Quốc có nói, hằng ngày khi chợ đầu mối Bắc Kinh mở cửa thì một giờ sau nông dân Thái Lan nắm bắt được giá cả, thị trường. Còn chúng ta hơi chậm hơn trong vấn đề thông tin đến doanh nghiệp và các hợp tác xã", Bộ trưởng chia sẻ.

Ông nhấn mạnh: Chúng ta không "một mình một chợ". Chúng ta phải cạnh tranh với các nước xuất khẩu cùng một mặt hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc. Bản thân Trung Quốc cũng trồng được những loại nông sản nhập của chúng ta.

Sự tự bằng lòng và hài lòng của chúng ta quá lớn, khiến chúng ta chưa thấy hết được những rủi ro.

Sắp tới Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành liên quan sẽ cùng nhau ngồi lại phân tích câu chuyện thị trường khi chúng ta không phải "một mình một chợ" và độ khó khăn phức tạp càng cao hơn, Bộ trưởng nói./.


Rau quả không còn là mặt hàng chiếm tỉ trọng lớn nhất trong xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc - Ảnh: CHÍ TUỆ

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn [NN&PTNT], 2 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt gần 14,2 tỉ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. 

Cụ thể, về xuất khẩu tháng 2-2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 3,3 tỉ USD. Lũy kế 2 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 8 tỉ USD, so với cùng kỳ năm 2021 chỉ đạt khoảng 6,3 tỉ USD

Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 3,2 tỉ USD, sản phẩm chăn nuôi đạt 54,1 triệu USD, thủy sản đạt gần 1,5 tỉ USD, lâm sản chính đạt gần 2,9 tỉ USD.

Một số sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng mạnh gồm cà phê, cao su, gạo, hồ tiêu, thịt, phụ phẩm thịt, cá tra, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ, mây tre, cói…

Về thị trường xuất khẩu, châu Á và châu Mỹ là 2 thị trường chiếm tỉ trọng lớn nhất khi chiếm tới 70%, tiếp đến là châu Âu, châu Đại Dương và châu Phi.

Hoa Kỳ là nước xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt trên 2,3 tỉ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 69,9% tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam tại thị trường này.

Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc gần 1,3 tỉ USD với kim ngạch xuất khẩu nhóm cao su chiếm tới 33,3% tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản. Như vậy có sự thay đổi về thứ hạng mặt hàng nông sản Việt xuất khẩu sang Trung Quốc, từ nhiều năm nay rau quả luôn là mặt hàng chiếm tỉ trọng xuất khẩu lớn nhất tại thị trường Trung Quốc.

Tiếp đến là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt gần 586 triệu USD và xuất khẩu nhóm sản phẩm gỗ chiếm tỉ trọng lớn nhất. 

Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản 2 tháng ước trên 6,2 tỉ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021.

Đứng đầu là thị trường Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam đạt 607 triệu USD. Tiếp theo là Argentina đạt khoảng 564 triệu USD.

Bộ NN&PTNT cho biết sẽ tiếp tục thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản với các nước Peru, Úc, Brazil, Trung Quốc, Hoa Kỳ, ASEAN, Nga, Czech…

Đồng thời tổ chức Tuần lễ nông sản Việt Nam tại EXPO 2022 Dubai và làm việc với một số đối tác song phương với Ấn Độ, Argentina, UAE.

Hội đàm với đoàn phó chủ tịch điều hành EU nhằm thúc đẩy hợp tác về lĩnh vực biến đổi khí hậu trong khuôn khổ triển khai kết quả Hội nghị COP26 và chống khai thác IUU, đề xuất các giải pháp và kiến nghị EU gỡ bỏ thẻ vàng cho ngành thủy sản Việt Nam.

Trước đó, tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ quý 1-2022, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ vừa qua, ông gặp gỡ nhiều doanh nghiệp, bà con nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long và thấy rằng xung lực hay khả năng phục hồi của doanh nghiệp sau đại dịch COVID-19 rất nhanh.

"Nhiều nông sản, trái cây như thanh long, mít, xoài... được mùa, được giá. Do đó, tôi tự tin hơn rằng trong năm 2022, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của nước ta sẽ đạt và vượt 50 tỉ USD" - ông Hoan nói.

Tuy nhiên, tư lệnh ngành nông nghiệp lưu ý, chúng ta không thể đánh cược trên sự may rủi thị trường mà phấn đấu để làm chủ được thị trường ở chừng mực nào đó. Khi đã mở cửa được thị trường thì phải thực hiện hành động kép là xây dựng và chuẩn hóa vùng nguyên liệu.

Xuất khẩu nông sản vượt kế hoạch trước 1 tháng, khả năng đạt 47 tỉ USD

CHÍ TUỆ

Nông dân Cần Thơ thu hoạch lúa. [Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN]

Trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu nông sản Việt Nam đang có sự tăng trưởng tốt. Xu thế thị trường thế giới cũng đang cho thấy nhiều nông sản tăng giá mạnh.

Tuy không sở hữu những nông sản đang tăng tăng nóng như lúa mỳ, ngô... nhưng các nông sản Việt được kỳ vọng tiếp tục có được sự tăng trưởng tốt nhờ xu hướng thị trường thế giới cũng như nhu cầu tăng lên sau khi dịch COVID-19 gây đứt gãy nhiều chuỗi sản xuất.

Để tận dụng cơ hội này, các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, nông sản Việt cần tiếp tục hoàn thiện chuỗi sản xuất cùng với việc nâng cao chất lượng, khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Theo Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 2 tháng ước đạt khoảng 8 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong số đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 3,2 tỷ USD, tăng 10,2%. Một số sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng như: cà phê tăng 35,6%; cao su 6,6%; gạo 22,3%; hồ tiêu 43,8%...

Tuy nhiên, việc tăng này ở một số sản phẩm chủ yếu vẫn tăng ở khối lượng xuất khẩu. Điển hình như mặt hàng gạo, khối lượng và trị giá xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm đạt 906 nghìn tấn với 437 triệu USD, tăng 38,6% về khối lượng và tăng 22,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Như vậy, có thể thấy, sự tăng trưởng về khối lượng đang tăng mạnh hơn sự tăng về giá trị. Giá gạo xuất khẩu bình quân tháng 1/2022 đạt 486 USD/tấn, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2021. Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1/2022 với 44,8% thị phần.

[Nông sản Việt Nam gây ấn tượng tại triển lãm quốc tế ở Nhật Bản]

Gần đây, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng như Thái Lan đầu có sự tăng trở lại. Giá gạo Việt Nam tăng được cho là do các đơn hàng từ Trung Quốc đang tăng lên nên hoạt động thương mại đang nhộn nhịp hơn và khiến giá tăng nhẹ.

Giới thương nhân cho rằng, giá gạo Hoa Kỳ đang tăng nhanh do gạo có thể sẽ trở thành một lựa chọn thay thế cho lúa mỳ - vốn đang trở nên rất đắt đỏ sau khi căng thẳng Nga-Ukraine gia tăng. Giá gạo Hoa Kỳ tuần qua đã tăng 4,2% lên 16,89 USD/100 lb [lb = 0,45359237 kg], cao nhất kể từ tháng 5 năm 2020.

Hay nhu cầu gạo tấm sẽ tăng lên trong thời gian tới, do giá ngô đang tăng, nên các nhà nhập có thể chuyển sang gạo tấm để thay thế cho ngô.

Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc công ty TNHH Việt Hưng [Tiền Giang] đánh giá, khi giá nhiều loại lương thực trên thế giới tăng, trong tương lai, giá gạo dự báo cũng sẽ điều chỉnh tốt lên.

Còn hiện giá lúa trên thị trường lại đang thấp hơn khá nhiều so với cuối  năm 2021, hy vọng thị trường tiêu thụ tốt sẽ đẩy giá lúa lên để gánh bớt phần nào chi phí đang tăng lên của nông dân do giá vật tư đầu vào ngày càng cao.

Thu hoạch càphê ở tỉnh Đắk Lắk. [Ảnh: Phạm Cường/TTXVN]

Ông Nguyễn Anh Phong, Giám đốc Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đánh giá, tính liên thông của thị trường lương thực, thực phẩm Việt Nam với thị trường thế giới tốt nên những biến động cũng sẽ có tính liên thông.

Tuy nhiên, yếu tố tác động giá trước hết là do chi phí đầu vào, đặc biệt là chi phí logistics.  Liệu việc tăng giá nông sản thời gian tới có đến được người sản xuất hay phải bù vào chi phí logistics thì cần có sự đánh giá kỹ lưỡng.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam [VFA], chất lượng gạo Việt Nam ngày càng được nâng cao. Với việc hạn ngạch 80.000 tấn ưu đãi thuế suất 0% từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU [EVFTA] chưa được lấp đầy trong năm 2021, trong khi xu thế sử dụng gạo tại EU gia tăng, xuất khẩu gạo sang EU hứa hẹn còn nhiều cơ hội hơn nữa trong thời gian tới.

Với thị trường EU, không chỉ riêng mặt hàng gạo, Bộ Công Thương dự báo, cà phê, hạt điều, cao su, rau quả, hạt tiêu... tiếp tục sẽ là những mặt hàng đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản sang EU và sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2022.

Riêng về càphê, mặt hàng này 2 tháng đầu năm có sự tăng mạnh về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái với mức tăng tới 35,6%. Tháng 2/2022, giá xuất khẩu bình quân càphê của Việt Nam ước đạt 2.337 USD/tấn, tăng 32,6% so với tháng 2/2021.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân càphê của Việt Nam ước đạt 2.299 USD/tấn, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Dự báo, giá càphê toàn cầu có xu hướng giảm trong ngắn hạn. Giới đầu cơ rút vốn tìm nơi trú ẩn an toàn do lo ngại rủi ro khi tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine "leo thang." Về dài hạn, giá cà phê sẽ phục hồi khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine “hạ nhiệt.”

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Phúc Sinh Group các doanh nghiệp trong ngành đã có sự cải cách, thay đổi, đầu tư số hóa, đa dạng các mặt hàng, sản phẩm có chiều sâu hơn so với xuất thô như trước đây. Riêng công ty đã đa dạng hóa sản phẩm và kiểm soát chặt chẽ từ vùng trồng cho tới chế biến thành phẩm để đảm bảo sản phẩm có chất lượng tốt nhất. Đặc biệt, công ty còn tăng cường việc bán hàng trực tiếp qua các sàn thương mại điện tử như Amazon, Lazada...

Mặc dù Việt Nam được coi là 1 trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, tuy nhiên tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản chỉ chiếm khoảng 1-2% giá trị nhập khẩu nông sản của Hoa Kỳ nên có thể thấy dư địa xuất khẩu còn rất nhiều. Nhất là khi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ dự báo nhập khẩu nông sản trong năm 2022 của nước này có thể lên tới 165 tỷ USD.

Một số nhóm sản phẩm có tỷ trọng nhập khẩu lớn như thủy sản, nông sản nhiệt đới, gia vị chiếm đến trên 90%; rau quả tươi, hạt thực vật, nước trái cây tỷ trọng nhập khẩu chiếm từ 20-50%. Những sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh cũng là nhóm hàng chiếm tỷ trọng nhập khẩu lớn.

Với thị trường Trung Quốc, nhập khẩu nông sản lớn thứ hai của Việt Nam sau thị trường Mỹ. Xuất khẩu nông sản sang thị trường này quan trọng là việc thực hiện Lệnh 248 và Lệnh 249.

Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn siết chặt nhập khẩu bởi chính sách “Zero COVID” với tất cả các nước nhập khẩu, nên việc kiểm soát hàng hóa từ khâu đóng gói, vận chuyển... để đảm bảo trong kiểm soát dịch.

Mới đây, quả ớt tươi đã chính thức được xuất khẩu trở lại cùng với 9 loại hoa quả và thạch đen được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, ngành nông nghiệp đang nỗ lực đàm phán tiếp tục mở rộng mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch, đồng thời triển khai mở rộng nhiều thị trường để giảm áp lực thị trường Trung Quốc cũng như thu được giá trị cao hơn.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ngành nông nghiệp sẽ phải đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng,vùng nuôi để không chỉ đáp ứng các điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc mà có thể xuất khẩu sang tất cả các thị trường như EU, Mỹ, Nhật Bản... đều có thể đáp ứng được. Cộng với đó là tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn các thị trường.

“Thị trường truyền thống thì cần tận dụng tối đa; tập trung phát huy các thị trường ngách; thị trường mới cũng cần nghiên cứu, phát huy. Phát triển toàn diện các thị trường, vừa để phát triển xuất vừa để thúc đẩy xuất khẩu nông sản,” Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay./.

Bích Hồng [TTXVN/Vietnam+]

Video liên quan

Chủ Đề