Tiền thuê nhà nên chiếm bao nhiêu thu nhập

"Nghèo vì tiền thuê nhà" là sự thật không quá khó hiểu với những người đang sinh sống, làm việc ở các thành phố lớn mà chưa có nhà riêng.

Giá thuê nhà trong khoảng 2 năm trở lại đây dường như chỉ tăng chứ không giảm, cộng thêm tiền điện nước, dịch vụ bị "độn giá", tổng chi phí thuê nơi ăn chốn ở trở thành đầu mục ngốn quá nửa thu nhập mỗi tháng là chuyện không lạ, nhất là với những người duy mỹ, ở nhà thuê nhưng vẫn muốn không gian sống phải thật đẹp, thật chỉn chu chứ không được xuề xòa.

Đương nhiên nếu được chọn, tất cả chúng ta đều muốn được sống trong một không gian đẹp, dù là nhà của mình hay nhà đi thuê. Câu hỏi cần đặt ra lúc này chính là: Nên dành bao nhiêu phần trăm thu nhập cho việc thuê nhà để không rơi vào cảnh bấp bênh, lo lắng vì vô sản, chẳng có đồng nào "dắt túi phòng thân"?

Trầm cảm vì phải chuyển từ phòng trọ "sang xịn" sang phòng trọ bình dân

Đầu năm 2023, Thanh Huyền - Cô bạn 26 tuổi, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội đã phải "gồng gánh" 2 cú shock tâm lý cùng một lúc: Đùng một cái rơi vào cảnh thất nghiệp và phải rời xa căn phòng bản thân đã dồn nhiều tâm sức, tiền bạc để trang trí.

Tiền thuê nhà nên chiếm bao nhiêu thu nhập

Ảnh minh họa

Ở thời điểm trước khi thất nghiệp, Thanh Huyền kiếm được 12,5 - 12,8 triệu đồng/tháng. Tổng tiền thuê một căn studio khép kín 28m2 cùng phí dịch vụ rơi vào khoảng 5,6 - 5,8 triệu đồng/tháng. Như vậy, chi phí thuê nhà chiếm khoảng 41-43% thu nhập của Thanh Huyền.

"Mình không mua sắm nhiều, cũng ít khi ăn uống bên ngoài, tan làm là chỉ thích về nhà nấu nướng rồi xem phim một mình thôi. Thế nên lúc đó mình thấy việc dành ra chừng đó tiền để thuê nhà cũng là hợp lý, không có gì quá đà và mình cũng không quá khó sống" - Thanh Huyền chia sẻ.

Tuy nhiên đến khi thất nghiệp, không còn nguồn thu ổn định gần 13 triệu/tháng, Thu Huyền mới nhận ra bản thân đã nhầm to.

"Mình vẫn chày cối cố ở căn studio đó thêm gần 2 tháng thì hết sạch tiền, không gồng nổi nữa nên đành phải chuyển trọ. Ở chỗ trọ mới, mình phải dùng chung nhà vệ sinh với người khác, muốn nấu ăn phải leo 3 tầng lầu. Mình đang quen nấu nướng, sinh hoạt trên 1 mặt sàn, trong sự riêng tư tối đa nên chuyển trọ xong mình stress kinh khủng, đêm nào cũng bị mất ngủ xong nằm khóc vì thấy bế tắc quá" - Thanh Huyền kể lại.

Hiện tại, Thanh Huyền đã vượt qua được quãng thời gian khó khăn ấy. Cô bạn này đã tìm được việc làm với mức lương gần bằng công việc cũ, khoảng 12 triệu/tháng. Điều khác biệt duy nhất là giờ đây, số tiền mà Thanh Huyền chi cho nơi ăn chốn ở chỉ khoảng 3,5 triệu đồng/tháng.

Để không "tiêu lố" cho đầu mục tiền thuê nhà, hãy nhớ quy tắc 30%

Tiền thuê nhà nên chiếm bao nhiêu thu nhập

Ảnh minh họa

Đây chính là bài học mà Thanh Huyền đã giác ngộ được sau quãng thời gian khó nhằn vào đầu năm 2023 vừa qua.

Quy tắc 30% rất dễ hiểu: Tổng chi phí thuê nhà chỉ được chiếm tối đa 30% thu nhập mỗi tháng. Giống như Thanh Huyền, hiện tại, cô bạn này kiếm được 12 triệu/tháng và tổng chi phí thuê nhà là 3,5 triệu đồng/tháng - tương đương với 29% thu nhập. Đây là con số an toàn, đảm bảo khả năng tiết kiệm cho Thanh Huyền mỗi tháng.

Quy tắc dành 30% thu nhập cho việc thuê nhà đã xuất hiện tại Mỹ vào những năm 1930 và phổ biến hơn sau đạo luật nhà ở năm 1937. Theo thời gian, ngưỡng tiền thuê tối đa tăng dần từ 20% thu nhập lên 25% và chạm mốc 30% thu nhập vào năm 1981.

Nhìn nhận quy tắc 30% này, chuyên trang Tài chính The Balance đưa ra lời khuyên: "Bạn chỉ nên áp dụng quy tắc này trong trường hợp bản thân đang không có các khoản nợ cần thanh toán định kỳ mỗi tháng. Nói cách khác, nếu bạn đang phải trả nợ, số tiền bạn nên dành cho việc thuê nhà là 30% khoản tiền còn lại sau khi đã trừ đi số nợ phải trả".

Các chuyên gia tài chính cũng khuyên mọi người nên bắt đầu thực hiện thói quen thắt chặt chi phí thuê nhà càng sớm càng tốt, không nên để nó vượt quá 30% thu nhập hàng tháng vì "đây là cách duy nhất để cân đối các khoản chi tiêu, đảm bảo khả năng tiết kiệm ít nhất 20% thu nhập".

Đặt trong bối cảnh hiện tại ở Việt Nam, có lẽ, ở chung với bạn bè và cùng nhau san sẻ chi phí sinh hoạt là cách tối ưu nhất để tiền thuê nhà không vượt quá 30% thu nhập hàng tháng, dù rằng với nhiều người, việc phải ở chung với người khác là điều không mấy dễ chịu.

(Thanhuytphcm.vn) - Một khảo sát trực tuyến với sự tham gia của 1.200 lao động di cư trong nước và 41 doanh nghiệp thuộc ngành may mặc, da giày và điện tử tại TPHCM, tỉnh Đồng Nai và Bình Dương do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) công bố mới đây cho thấy, nhà ở luôn chiếm một phần chi tiêu lớn đối với người lao động di cư trong nước khi họ rời quê hương để đến các tỉnh khác làm việc.

Kết quả khảo sát cho thấy, một người lao động chi trả từ 1,2 – 1,5 triệu đồng cho chi phí thuê nhà ở hàng tháng, trong khi thu nhập tháng bình quân của họ khoảng 8,07 triệu đồng (theo khảo sát). Điều này có nghĩa là chi phí thuê nhà trọ của họ chiếm 14,8% - 18,5% thu nhập hàng tháng. Cũng theo khảo sát, 78,7% người lao động hiện đang ở nhà/phòng trọ thuê, 16,1% ở nhà của gia đình và 5,1% ở nhờ nhà họ hàng của họ.

Theo kết quả phỏng vấn sâu, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, chưa có công ty nào trên địa bàn hỗ trợ nhà ở cho người lao động, kể cả lao động di cư trong nước. Nhà cho thuê và phòng trọ cung cấp cho lao động di cư trong nước thường có điều kiện dưới tiêu chuẩn tối thiểu theo quy định của Bộ Xây dựng. Chẳng hạn, đánh giá cuối năm 2020 của Liên đoàn Lao động TPHCM cho thấy, phòng cho thuê có diện tích phổ biến 14m2 cho khoảng 4 người ở, trong khi tiêu chuẩn cho phòng trọ tối thiểu không nhỏ hơn 5m2/người.

Từ khảo sát, các đơn vị đưa ra khuyến nghị, cần ban hành quy định về tiêu chí xây dựng, cung cấp nhà ở, phòng trọ cho người lao động và quán triệt việc thực hiện để đảm bảo điều kiện sống tốt hơn cho người lao động di cư trong nước. Trong đó bao gồm việc xem xét các gói vay để các chủ nhà và chủ phòng trọ tiếp cận nguồn vốn nâng cấp hoặc xây mới các phòng trọ đạt tiêu chuẩn tốt hơn cho người lao động.

Bên cạnh đó, cần rà soát các chính sách hiện hành để áp dụng hiệu quả việc giảm chi phí điện nước cho người lao động, qua đó giảm gánh nặng tiền thuê nhà và chi phí sinh hoạt. Chính phủ cần có biện pháp đảm bảo người lao động ở trọ được tiếp cận với mức giá điện nước thấp theo quy định và kiểm soát việc các chủ nhà trọ tư nhân cho người lao động thuê nhà trọ phải thực hiện đúng yêu cầu tính giá điện nước cho người lao động theo quy định.