Vì sao nói con người giống hình ảnh Thiên Chúa

BÀI 10

CON NGƯỜI LÀ HÌNH ẢNH CỦA THIÊN CHÚA

Lời Kinh Thánh

“Thiên Chúa phán : ’Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất’. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.” (St 1, 26-17).

Quyền năng của Thiên Chúa được vận dụng trong việc tạo dựng trời và đất đạt tới đỉnh cao với việc xuất hiện con người theo hình ảnh Thiên Chúa để chúng ngự trị trên thế giới.

Vì sao nói con người giống hình ảnh Thiên Chúa

1. Phẩm giá của con người

a.Địa vị con người trong vũ trụ

Kinh Thánh đã xếp con người vượt trên các vật khác.

– Trong lịch trình sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên con người ở giai đoạn cuối cùng. Người dọn sẵn cho họ một môi trường thích hợp, với mọi thứ đã được chuẩn bị sẵn – sông biển, cầm thú, thảo mộc… “Trời và đất đã được tạo dựng để phục vụ con người”. (Tl 1,19)

– Việc tạo dựng con người rất quan trọng, Thiên Chúa có vẻ đắn đo, suy nghĩ trước khi thực hiện:”Chúng ta hãy dựng nên con người” (St 1,26a).

– Thiên Chúa ghi nhận con người trổi vượt hơn các sinh vật khác và đặt làm chủ mọi loài Người đã dựng nên: “Hãy quản trị cá biển, chim trời, súc vật, mọi loài mãnh thú và mọi thứ côn trùng nhung nhúc trên mặt đất” (St 1, 26b). Nhưng quan trọng hơn cả:”Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh mình. Theo hình ảnh Thiên Chúa. Người đã dựng nên chúng là nam và nữ. Người đã dựng nên chúng” (St 1, 27)

b.Những điểm nào cho thấy con người là hình ảnh Thiên Chúa.

– Thiên Chúa là chúa tể trời đất, Người trao cho con người làm chủ mọi loài Người đã tạo dựng.

– Thiên Chúa là Đấng Thượng trí khôn ngoan, Người ban cho con người một trí tuệ cao đẳng.

– Con người có tự do giống như Thiên Chúa, họ có thể thực hiện ý muốn của mình và chịu trách nhiệm công việc mình làm.

– Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ. Người trao quyền canh tác phát triển cho con người để họ dự phần sáng tạo với Thiên Chúa.

– Thiên Chúa là Đấng thánh thiện, con người được mời gọi để trở nên thánh thiện:”Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng chí thánh đã kêu gọi anh em. Vì có lời Kinh Thánh chép:”Hãy sống thánh thiện vì ta là Đấng Thánh” (1Pr 1,15-16).

– Thiên Chúa là tình thương. Con người được tạo dựng để sống thành xã hội yêu thương nhau:”Anh em hãy yêu thương nhau như Thiên Chúa đã yêu thương anh em”. (Ga 13,34)

Tất cả những hình ảnh đó xuất phát từ một điểm căn bản chung: Con người được Thiên Chúa ban cho một linh hồn bất tử (St 2,7). Thiên Chúa là đấng vô hình và vĩnh cửu, con người là hình ảnh của Ngài nhờ linh hồn thiêng liêng bất tử này.

2. Nhờ linh hồn, con người được tham dự vào sự sống bất tử của Thiên Chúa

Cuộc sống trần gian không thể thỏa mãn ước vọng tuyệt đối của con người: Họ “muốn sống mãi mãi” và luôn khao khát một công lý tuyệt đối để phân xử. Mọi người không muốn công sức, kiến thức, tài năng của mình …trở về vật chất im lặng. Ai sẽ giúp con người đạt được ước mơ của mình ?

Chỉ có sự sống bất diệt của linh hồn mới làm cho công lý được thi hành trọn vẹn, bảo đảm cho giá trị cuộc sống bền vững. Hơn nữa, Thiên Chúa không bao giờ để cho kẻ Ngài yêu thương chìm đắm trong cõi hư vô (Mt 22,31-32). Ngài là Đấng hằng sống nên con người cũng được ban cho có một linh hồn bất tử để sống mãi với Ngài.

3. Linh hồn và cuộc sống của bạn

Chính bạn, bạn cũng có một linh hồn bất tử và bạn cần nghĩ đến cuộc trường sinh của chính mình. Người ta có thể hy sinh rất nhiều cho những cái phụ thuộc trong cuộc sống, nhưng lại ái ngại khi phải lo cho hạnh phúc tuyệt đối của mình. Có người nói:”Thôi để gần chết hãy lo! Nhưng khi nào ta chết ? Và cuộc sống ta kết thúc thế nào ?- “Hãy sẵn sàng, vì chính vào giờ các ngươi không ngờ, Con Người sẽ đến” (Lc 12,40). Thiên Chúa mời gọi bạn chuẩn bị cho cuộc sống đời đời.

Kết luận

Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con, lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu! Uy phong Ngài vượt quá trời cao. Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù, khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan. Ngắm tầng trời tay chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,

phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm ?

PHẦN III

SỐNG TRONG CHÚA KI-TÔ

CHƯƠNG I :   PHẨM GIÁ CON NGƯỜI

Bài 30

CON NGƯỜI LÀ HÌNH ẢNH THIÊN CHÚA

Lời Chúa   :        “Anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá, để được ơn thông hiểu” (Cl 3,10).

Ý chính      :        1. Con người là hình ảnh Thiên Chúa. (Cl 3,9-10)

              2. Phương cách thể hiện hình ảnh Thiên Chúa trong cuộc sống. (Mt 5,3-12)

Quy chiếu  :        sách GL.HTCG 1992 số 1701-1729

Tâm tình    :        Sung sướng vì có phẩm giá cao cả là hình ảnh Thiên Chúa.

Chuẩn bị    :        GLV đọc lại giáo án bài 14 cấp I.

I. ỔN ĐỊNH.

1. Đón tiếp.

2. Thánh hóa.

(từ phần này, GLV có thể phân công để các em cầu nguyện bằng lời cầu nguyện tự phát hay bài hát).

3. Giới thiệu tổng quát phần III :

Đức tin mà chúng ta tuyên xưng (Phần I) và cử hành (Phần II), phải dẫn đến một lối sống cụ thể, phù hợp và xứng đáng với danh nghĩa Kitô hữu. Chính vì thế, trong Phần III này, chúng ta lắng nghe Chúa dạy chúng ta cách sống phù hợp với đức tin mà chúng ta đã tuyên xưng và cử hành. Bài đầu tiên trong phần III sẽ giúp chúng ta khám phá ra ơn gọi cao cả và bản chất đích thực của con người : con người là hình ảnh của Thiên Chúa.

II. TỪ CUỘC SỐNG.

Ngày nay, bất cứ du khách nào đến Copenhague, Đan Mạch, cũng sẽ hối tiếc nếu không chiêm ngắm cho bằng được tuyệt tác “Chúa Kitô và 12 tông đồ”. Thế nhưng điều khiến cho nhiều người ngạc nhiên là tác phẩm này có hai ấn bản được trưng bày tại hai nơi khác nhau. Ấn bản tại Bảo tàng viện quốc gia có màu xám ảm đạm ; còn ấn bản tại nhà thờ Chính tòa Copenhague lại trắng toát thanh cao.

Tại sao có hai ấn bản và có sự khác biệt như thế ? Người ta giải thích : tác phẩm tại Bảo tàng viện được làm bằng đất sét, nên dễ bám bụi, khói và nhiều thứ ô nhiễm khác của thành phố ; còn ấn bản thứ hai được khắc bằng cẩm thạch, nên ít bị bụi bặm và những thứ khác ảnh hưởng.

Câu chuyện trên đây có thể gợi lên một suy nghĩ về phẩm giá và ơn gọi cao cả của con người. Con người chúng ta hôm nay có còn giống con người nguyên thủy khi mới được tạo dựng hay đã bị bụi bặm của tội lỗi làm hoen mờ ? Muốn khám phá lại phẩm giá của con người, chúng ta hãy lên gặp Chúa để Người chỉ dạy cho - Mời đứng :

III. LÊN TỚI CHÚA.

A. Công bố Lời Chúa :

Lời Chúa trong thư thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Côlosê (Cl 3,9-10)

“Anh em đừng nói dối nhau, vì anh em đã cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó rồi, và anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hóa, để được ơn thông hiểu”.

- Đó là Lời Chúa.

+ Tạ ơn Chúa (thinh lặng giây lát rồi mời ngồi).

B. Dẫn giải nội dung giáo lý.

1. Con người là hình ảnh Thiên Chúa. (Cl 3,9-10)

Con người là gì ? Trong biết bao nhiêu câu trả lời về con người, Kinh Thánh đã đưa ra định nghĩa đơn sơ nhưng sâu sắc : “Con người là hình ảnh Thiên Chúa” (St 1,26-27).

Như chúng ta đã biết (x. b.1+2 cấp I,II ; bài 9 cấp III), Kinh Thánh diễn tả công việc tạo dựng trời đất vũ trụ bằng lời quyền năng : “Hãy có...” liền xảy ra đúng như ý muốn và Lời của Thiên Chúa (x. St 1,3.6.9.11.15.20.24). Còn khi tạo dựng con người, Kinh Thánh đã diễn tả theo một cách thức khác :

- Theo trình thuật thứ nhất (Truyền thống Tư tế : x. St 1,1-2,4a)

+ Trước tiên Thiên Chúa có một ý định : “Ta hãy làm ra người” (St 1,26a).

+ Thứ đến, Thiên Chúa tìm và chọn một kiểu mẫu, một mô hình : “Theo hình ảnh Ta ; theo họa ảnh của Ta” (St 1,26b).

+ Tiếp theo, Thiên Chúa thực hiện đúng theo ý định và mô hình đã chọn : “Dựng nên người theo hình ảnh mình. Theo hình ảnh của Thiên Chúa, Người đã dựng nên nó” (St 1,27), và trao cho con người làm chủ các tạo vật khác.

Theo trình thuật thứ hai (truyền thống Giavê : x. St 2,4b-25), Kinh Thánh cho thấy con người có vị trí ưu việt :

+ Con người và nước, 2 yếu tố làm nên vẻ đẹp và sức sống vũ trụ (x. St 2,5).

+ Mượn hình ảnh của người thợ gốm, Kinh Thánh diễn tả việc Thiên Chúa tạo dựng con người và đặc biệt Thiên Chúa “thổi hơi sống” cho con người (x. St 2,7).

+ Thiên Chúa đặt con người vào một tình trạng hạnh phúc dưới hình ảnh của vườn diệu quang, cho con người làm chủ muôn loài (x. St 2,8-15 ; 2,19).

+ Thiên Chúa ban cho con người một “trợ giúp thỏa đáng” để làm bạn với con người (x. St 2,18-24).

+ Thiên Chúa còn dành cho con người một đặc ân độc đáo hơn tất cả các loài vật : Thiên Chúa đến thăm con người vào buổi chiều khi gió hiu hiu thổi (x. St 3,8).

Tất cả những lối diễn tả trên đây đều cho thấy phẩm giá cao quí của con người mà Kinh Thánh diễn tả bằng kiểu nói “con người là hình ảnh của Thiên Chúa” (x. St 1,24 ; Cl 3,10).

Là hình ảnh Thiên Chúa, nên con người mang phẩm giá đặc biệt, vượt trên vạn vật, tác giả Thánh vịnh đã thốt lên :

“Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân” (Tv 8,4-7).

Là hình ảnh Thiên Chúa, con người có khả năng đặc biệt, khả năng nhận biết và yêu mến ; nhờ đó, con người có thể đáp trả tiếng gọi của Thiên Chúa và bước vào giao ước yêu thương với Người.

Thiên Chúa đã cho con người có phẩm giá là có lý trí để nhận biết trật tự vạn vật mà Người sắp đặt cho, có ý chí tự do để tự mình có thể hướng về sự thiện đích thực.

Nhờ các khả năng đó, con người nhận ra được tiếng nói của Thiên Chúa thúc đẩy làm lành lánh dữ. Tiếng nói này luôn vang lên trong lương tâm.

Tuy nhiên, phẩm giá cao quí này đã bị tội lỗi làm hoen ố (x. Rm 5,12) khiến phẩm giá đó bị tổn thương, mất hết năng lực hướng thượng (x. Rm 7,14-24). Vì thế, trong cuộc sống, con người chúng ta dễ hướng về điều xấu và thường hay mắc phải sai lầm.

Trở lại khởi đầu của việc tạo dựng, tổ tông loài người là Ađam, Eva đã phạm tội, vì đã nghe theo lời dụ dỗ của ma quỉ, lạm dụng tự do để làm điều xấu, không vâng phục Thiên Chúa. Tội đầu tiên này lôi kéo theo muôn vàn tội lỗi của mọi người qua mọi thời đại. Chính vì mọi người sinh ra trong tình trạng mất ơn thánh thiện và công chính ban đầu, nên bản tính con người đã bị tổn thương, suy yếu và hướng về điều xấu. Ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu ban qua Bí tích Rửa tội, xóa sạch tội lỗi, đưa ta trở về với ân nghĩa thân tình cùng Thiên Chúa, nhưng tính suy yếu và nghiêng về sự ác vẫn tồn tại nơi bản tính con người. Dẫu thế, con người vẫn còn giữ được lòng ao ước làm điều thiện. Điều này chúng ta cảm nghiệm trong cuộc sống, có lúc vẫn bị giằng co khi phải lựa chọn giữa tốt và xấu, lành và ác... (GLV nêu ví dụ cụ thể...).

Thánh Phaolô đã nói lên tâm trạng chiến đấu nội tâm : “Điều lành tôi muốn làm tôi lại không làm, điều dữ không muốn thì tôi lại làm” (Rm 7,15).

Tội lỗi đã huỷ hoại phẩm giá con người, nhưng Chúa Kitô đã dùng cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Người giải thoát ta khỏi tội lỗi và làm cho ta được sự sống trong Thánh Thần. Người phục hồi những gì mà tội lỗi đã hủy hoại. Nếu ta tin vào Chúa Kitô, ta được trở thành con Thiên Chúa, nghĩa là được biến đổi để sống đời sống mới trong Thánh Thần.

Bằng con đường Nhập thể và cuộc sống làm người, Chúa Giêsu đã thể hiện trọn vẹn hình ảnh Thiên Chúa, cũng như đã sống trọn ơn gọi làm người bằng con đường hiến thân hy sinh. Giờ đây, để có thể là hình ảnh Thiên Chúa, con người phải đi theo con đường của Chúa Kitô nghĩa là luôn hành động ngay chính và thực hành điều thiện.

2. Phương cách thể hiện hình ảnh Thiên Chúa trong cuộc sống (Mt 5,3-12)..

Trong buổi lễ nhận giải thưởng Nobel Hòa Bình tại Oslo, Na-uy, Mẹ Têrêsa Calcutta đã phát biểu trước đám đông và báo chí : “Chúng ta hãy ghi nhớ tình yêu thương vĩ đại của Chúa. Chính Người đã trở thành Bánh Hằng Sống để thoả đáng cơn đói khát của chúng ta đối với tình yêu của Người - Cơn đói khát Thiên Chúa - bởi vì chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Chúng ta đã được tạo dựng để yêu thương và được yêu thương, và Thiên Chúa đã trở nên một con người để đem lại cho chúng ta khả năng yêu thương như Người yêu thương chúng ta”.

Mẹ Têrêsa đã biến đổi cuộc sống thành ngôn ngữ sống động, cụ thể. Điều đem lại vui sướng và hạnh phúc cho mẹ Têrêsa trong buổi lễ nhận giải thưởng này là : những công tác bác ái, như nuôi ăn người đói khát, cho người trần truồng áo mặc, giúp nơi cư ngụ cho những người vô gia cư, bây giờ được nhân loại nhìn nhận là những việc làm kiến tạo hòa bình. Mẹ Têrêsa đã thực hiện Tám Mối phúc thật. Mẹ đã tìm thấy con đường hạnh phúc Nước Trời mà Chúa Giêsu đã mời gọi các môn đệ, trong đó có chúng ta, có Mẹ Têrêsa, tiến bước theo Người. Mời các em lắng nghe Lời Chúa (mời đứng nếu là tiết riêng :)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 5,3-12)

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng. Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.”

- Đó là Lời Chúa.

+ Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa.

(thinh lặng giây lát rồi mời ngồi).

Tâm điểm lời rao giảng của Chúa Giêsu là Nước Trời và các mối phúc thật. Nước Trời gắn liền với các mối phúc. Nghèo khó, hiền lành, bị bách hại... là khuôn mặt của Chúa Kitô. Lòng thương xót, hòa giải là đức ái của Người. Đây chính là tiêu chuẩn(1) mà người Kitô hữu phải đạt tới. Thực hiện tinh thần của tám mối phúc chính là chúng ta từng bước đi vào con đường Chúa Giêsu đã đi, là phác họa lại chân dung của Chúa Giêsu (nghèo khó, khiêm hạ, hiền lành, yêu thương, phục vụ...) . Tất cả Tin Mừng Nước Thiên Chúa là ở đó. Các mối phúc cũng soi sáng cho ta hiểu đâu là hành động và thái độ tiêu biểu của đời sống Kitô hữu. Các mối phúc còn đáp ứng khát vọng tự nhiên của con người muốn được hạnh phúc. Khát vọng hạnh phúc này bắt nguồn từ chính Thiên Chúa và chỉ có mình Thiên Chúa mới có thể thỏa mãn được.

Các mối phúc giúp ta thấy rõ mục đích của cuộc đời và cùng đích tối hậu của mọi hành vi con người, đó là chung hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa. Cuộc đời của các Thánh là một minh chứng hùng hồn về việc sống các mối phúc.

(GLV minh họa đời sống một vị Thánh yêu chuộng cuộc sống khó nghèo, phục vụ, hoặc liên hệ đến câu chuyện Mẹ Têrêsa...).

Tóm lại : Con người có phẩm giá vì được Thiên Chúa yêu thương, được dựng nên giống hình ảnh Người, nghĩa là có lý trí, ý chí và tự do để chọn lựa điều thiện và có thể đạt tới hạnh phúc mà mình khát vọng.

Nhờ phẩm giá cao cả đó, con người có thể yêu mến Thiên Chúa, yêu thương nhau, và yêu cả vũ trụ vạn vật. Khi chúng ta sống đúng phẩm giá con người, là chúng ta chứng tỏ mình đích thực là hình ảnh Thiên Chúa và được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, được thông phần bản tính Thiên Chúa và hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Thiên Chúa Ba Ngôi. Ơn gọi này trước hết, liên hệ đến bản thân mỗi người, nên mỗi người phải ý thức phẩm giá và ơn gọi nên giống Chúa Kitô để tự nguyện đáp trả tình thương của Thiên Chúa. Con người chỉ có thể nên giống Thiên Chúa và như vậy, sống trọn ơn gọi làm người, khi biết sống cho tình yêu. Thánh Gioan viết : “Ai sống trong tình yêu là sống trong Thiên Chúa” (1 Ga 4,16).

C. Hướng ý cầu nguyện.

Lạy Chúa, Chúa là nguồn mạch tình yêu. Chúa tạo dựng nên chúng con giống hình ảnh Chúa. Xin cho chúng con luôn biết nhìn thấy hình ảnh ấy nơi mọi người anh em, nhất là nơi những người cùng khốn, đói rách, những người đang đau khổ.

Xin cho chúng con luôn biết mở rộng tâm hồn và đôi tay, để không ngừng thi thố tình yêu của Thiên Chúa và mang lại cho mọi người niềm hy vọng rằng : “Chúa yêu thương mọi người”.

IV. TRỞ VỀ CUỘC SỐNG.

1. Bài học :

“Anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá, để được ơn thông hiểu” (Cl 3,10).

172.                                                                       H.    Tại sao con người là hình ảnh Thiên Chúa ?                                     # (GLCG.287)

    T. Vì Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Người, ban cho có linh hồn thiêng liêng, có trí tuệ và ý chí tự do. Cho nên ngay từ trong lòng mẹ, con người đã hướng về sự thiện đích thực và hạnh phúc muôn đời.

173.                                                                       H.    Con người có giữ được nguyên vẹn hình ảnh Thiên Chúa nơi mình không ? # (GLCG.288)

    T. Không, tội lỗi đã làm tổn thương hình ảnh ấy nơi con người, khiến họ dễ hướng về điều xấu và dễ bị sai lầm.

174.                                                                       H.    Chúa Ki-tô đã làm gì để phục hồi hình ảnh Thiên Chúa nơi con người ? (GLCG.289)

    T. Chúa Ki-tô đã chết và sống lại để phục hồi hình ảnh ấy cho những ai tin vào Người và sống như môn đệ Người.

175.                                                                       H.    Sống như môn đệ Chúa Ki-tô là thế nào ?                                        # (GLCG.290)

    T. Là thực hiện tinh thần bài giảng trên núi được gồm tóm trong các mối phúc thật.

176.H.         Tám mối phúc thật nhắc ta điều gì ?    (GLCG.292)

    T. Tám mối phúc thật nhắc ta nhớ rằng hạnh phúc đích thật và cuối cùng của con người là Thiên Chúa. Các mối phúc là tiêu chuẩn để đánh giá và hướng dẫn đời sống Ki-tô hữu.

2. Sinh hoạt : tìm trong tập Sinh hoạt giáo lý cấp III.

3. Gợi ý sống đạo :

Nhận biết phẩm giá cao quá của mình là hình ảnh Thiên Chúa, chúng ta cố gắng sống sạch tội để xứng danh là hình ảnh Thiên Chúa.

4. Bài làm ở nhà :

Tìm đọc và ghi lại lời của vị thánh nào quyết sống trong sạch để không làm hoen ố hình ảnh Thiên Chúa nơi bản thân.

(Đáp án : - Đaminh Saviô : thà chết chứ không phạm tội.

- Bà Blance, mẹ thánh Louis IX : “Dù thương con cách mấy, mẹ cũng vui lòng thấy con chết ngay dưới chân mẹ, còn hơn thấy con phạm tội”.)

V.   KẾT THÚC.