Xu hướng phát triển ngành ô tô

Thị trường ô tô Việt Nam năm 2020 có nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nửa đầu năm có sự sụt giảm, sau đó có sự hồi phục và tăng trưởng vào nửa năm còn lại. Nhiều nhà máy như Ford, Toyota, TC Mortor, Honda … phải tạm dừng hoạt động trong thời gian phòng chống dịch. Do đó, doanh số bán xe của các đơn vị thành viên Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 107.183 xe, giảm 30,5% so với cùng kỳ năm ngoái và đây là mức thấp nhất trong 5 năm qua.

Trong 6 tháng cuối năm 2020, thị trường ô tô Việt Nam có sự tăng trưởng trở lại khi Chính phủ cho phép giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Nhờ đó, phí trước bạ đối với ô tô “nội” giảm từ 15 triệu đến gần 300 triệu đồng, tùy dòng xe và thương hiệu.

Trong tháng 9/2020, thị trường ô tô Việt Nam đạt doanh số 27.252 xe, tăng 32%; tháng 10 đạt 33.254 xe, tăng 22% và tháng 11 đạt con số kỷ lục trong năm với 36.359 xe được tiêu thụ, tăng 9% so với tháng trước. Tính chung 11 tháng năm 2020 các đơn vị thành viên VAMA tiêu thụ tổng cộng 248.768 xe các loại, giảm 14% so với cùng kì năm ngoái, bình quân mỗi tháng tiêu thụ 22.615 xe. Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, con số trên chưa phản ánh hết toàn cảnh thị trường ô tô Việt Nam bởi còn có sự tham gia của các thương hiệu Audi, Jaguar Land Rover, Mercedes-Benz, Subaru, Volkswagen, Volvo… là đơn vị thành viên VAMA, nhưng không tiết lộ doanh số bán hàng.

Theo 3 báo cáo chính thức từ VAMA, TC Motor và VinFast, thị trường ô tô Việt Nam 11 tháng năm 2020 tiêu thụ khoảng 346.830 xe, bình quân 31.530 xe/tháng. Với doanh số bán này, cùng với tháng cuối cùng của năm người dân tranh thủ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ để mua xe, ước tính cả năm 2020 Việt Nam tiêu thụ trên 380.000 xe, giảm khoảng 20.000 xe so với năm 2019.

CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH Ô TÔ VIỆT NAM

Ngành ô tô Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển. Từ năm 2007 đến nay, ngành ô tô Việt Nam có thể chia làm 4 giai đoạn chính:

Xu hướng phát triển ngành ô tô

Giai đoạn 2007 – 2008:

  • Giai đoạn này ngành ô tô Việt Nam có sự tăng trưởng vượt bậc. Tốc độ tăng trưởng doanh số bán xe duy trì ở mức 2 con số, lần lượt ở mức 97% và 37%. Trong năm 2007, Bộ tài chính đã tiến hành 3 đợt giảm thuế với hy vọng hạ nhiệt giá bán xe trong nước. Tại thời điểm Việt Nam gia nhập WTO (1/2007), các loại ô tô mới nguyên chiếc được giảm thuế nhập khẩu từ 90% xuống 80%.
  • Tháng 8/2007, cắt giảm tiếp xuống còn 70% và vào tháng 11/2007, thuế xuất đối với ô tô mới nguyên chiếc còn 60%.

Giai đoạn 2009 – 2012:

  • Tốc độ tăng trưởng doanh số bán xe bắt đầu chậm lại vào năm 2009 (+7%), và sụt giảm mạnh vào năm 2012 (-33%). Trong đó, sự suy giảm của thị trường ôtô năm 2012 xuất phát từ bối cảnh khó khăn của nền kinh tế nói chung. Bên cạnh đó, việc tăng phí, thuế cùng với việc các loại thuế, phí mới được ban hành cũng góp phần làm giảm sức mua của thị trường.

Giai đoạn 2013 – 2016:

  • Giai đoạn 2013 – 2016, ngành ô tô Việt Nam có sự tăng trưởng trở lại. Tốc độ tăng trưởng doanh số bán xe liên tục đạt 2 con số, mạnh nhất là vào năm 2015, với tốc độ tăng trưởng 55%. Trong đó, mức tăng trưởng 55% trong năm 2015 được cho là đến từ việc thị trường chạy đua tránh áp lực tăng giá trong năm tới do các thay đổi về cách tính thuế Tiêu thụ Đặc biệt.
  • Trong khi đó, mức tăng trưởng 24% năm 2016 được cho là nhờ chiến lược giảm giá xe để kích cầu tiêu dùng của nhiều hãng xe.

Giai đoạn 2017 – Nay:

  • Tốc độ tăng trưởng doanh số bán xe có dấu hiệu chững lại vào năm 2017, khi sụt giảm 10%, tuy nhiên phục hồi nhẹ trở lại vào năm 2018 (+6%) và 11 tháng đầu năm 2019 (+14%).
  • Trong năm 2017, sự suy giảm doanh số toàn thị trường chủ yếu bị tác động từ những chính sách mới có hiệu lực từ 2018. Tâm lý chung của khách hàng là chờ đợi, chủ yếu kỳ vọng giá xe giảm nhiều trong 2018 do thuế nhập khẩu từ ASEAN về 0% và thuế nhập khẩu linh kiện về 0%.
  • Năm 2018, tốc độ tăng trưởng doanh số bán xe chậm lại được lý giải là do những vướng mắc trong việc nhập khẩu xe, qua đó gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường.
  • Năm 2019, giá xe giảm khoảng từ 8- 15% đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng doanh số bán xe toàn thị trường.
  • Năm 2020, bên cạnh việc Việt Nam kiểm soát tốt dịch COVID-19 thì chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe sản xuất lắp ráp trong nước của Chính phủ cùng hàng loạt khuyến mại của doanh nghiệp đã kích cầu được doanh số bán hàng, đặc biệt là dòng xe lắp ráp trong nước.

CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN NGÀNH Ô TÔ VIỆT NAM

Ngành ô tô Việt Nam vài năm trở lại đây đã có những bước tiến. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực và trên thế giới thì còn rất nhiều hạn chế. Trong đó, một số yếu tố ảnh hưởng đến ngành ô tô Việt Nam như sau:

Môi trường kinh tế vĩ mô

Môi trường vĩ mô tại Việt Nam ổn định hỗ trợ tăng trưởng nhu cầu xe hơi. Thu nhập bình quân đầu người tăng trưởng tốt, trong khi lạm phát và tỷ giá được điều chỉnh kịp thời và hợp lý, tạo điều kiện cho người dân có cơ hội tiếp cận các tài sản vốn trước đây bị coi là xa xỉ như xe hơi. Dự kiến năm 2025, GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt khoảng 4.688 USD, đưa Việt Nam gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình cao. 

Chính sách của Nhà nước

Nhà nước luôn đánh thuế cao với mặt hàng ô tô, đồng thời xếp vào danh mục các loại hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Đến nay, ô tô phải chịu tới 15 loại thuế phí. Việc đánh thế chồng lên thuế với ô tô khiến cho giá xe bán đến tay người tiêu dùng tại Việt Nam cao vào hàng đầu thế giới.

Các đề xuất thu phí trong tương lai khiến người tiêu dùng đắn đo khi mua xe ô tô. Mục tiêu chính của việc tăng các loại phí và mức thu phí đối với mặt hàng ô tô là để hạn chế lưu lượng xe trên đường, qua đó góp phần giảm tai nạn, ách tắc giao thông và tạo nguồn thu cho ngân sách đầu tư hạ tầng giao thông.

Nhiều chính sách để bảo hộ ngành công nghiệp ô tô nhưng chưa thu được kết quả nổi bật. Trong hơn 20 năm qua, Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách để bảo hộ ngành công nghiệp ô tô, từ miễn giảm thuế, miễn giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này. Tuy nhiên đến nay, ngành ô tô Việt Nam vẫn không phát triển, chủ yếu dừng lại ở công đoạn lắp ráp và bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém.

Cơ sở hạ tầng giao thông

Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng ô tô. Ở Hà Nội và TP.HCM, đất dành cho giao thông chỉ chiếm 6-8% trong khi đó tiêu chuẩn phải đạt 20%. Chiều rộng của các tuyến giao thông không đủ để thoát lưu lượng xe và người đi lại ngày một gia tăng dẫn đến tình trạng tắc nghẽn nặng ở các khu vực thành phố lớn. Chưa có sự tách bạch, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông chuyên biệt cho phương tiện ô tô, vì hiện nay phương tiện giao thông chính vẫn là xe máy.

Tỷ lệ nội địa hóa

Tỷ lệ nội địa hóa thấp khiến cho giá thành cao. Hoạt động sản xuất, lắp ráp ôtô Việt Nam có tỷ lệ nội địa hóa thấp nhất, cụ thể, xe tải dưới 7 tấn đạt tỷ lệ nội địa hóa trung bình trên 20%; xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng đạt tỷ lệ 45-55%. Riêng đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi, tỷ lệ nội địa hóa bình quân mới đạt 7-10% (trừ dòng xe Innova của Toyota đạt 37%).

Nếu so với các nước trong khu vực, tỷ lệ nội địa hóa ngành ô tô của Việt Nam hiện quá thấp. Tỷ lệ trung bình của các nước trong khu vực đã đạt 55-60%, riêng Thái Lan đạt tới 80%. Theo Toyota Việt Nam, tỷ lệ nội địa hóa thấp khiến cho giá thành sản xuất của ngành ô tô Việt Nam cao hơn 10% so với các nước khác trong khu vực.

PHÂN TÍCH SWOT NGÀNH Ô TÔ VIỆT NAM

Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu, ngành ô tô Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển, nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Để phát triển ngành ô tô Việt Nam, các doanh nghiệp ô tô cần phải phân tích SWOT của ngành để có định hướng phát triển trong thời gian tới.

Điểm mạnh: 

  • Có sự hiện diện của các hãng sản xuất ô tô lớn trên thế giới.
  • Môi trường vĩ mô ổn định hỗ trợ tăng trưởng nhu cầu xe hơi.
  • Lực lượng lao động dồi dào với chi phí thấp.
  • Vị trí thuận lợi để gia nhập chuỗi cung ứng ô tô trong khu vực ASEAN và châu Á, trung tâm sản xuất ô tô chính trên thế giới.

Điểm yếu:

  • Quy mô thị trường nhỏ.
  • Chi phí đầu tư tài sản cố định lớn.
  • Giá xe quá cao.
  • Nhiều nhà lắp ráp.
  • Công nghiệp phụ trợ chưa phát triển.
  • Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng ô tô.

Cơ hội:

  • Xu thế dịch chuyển sản xuất ô tô từ châu Mỹ và Châu Âu sang Châu Á.
  • Tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng ô tô trong khu vực ASEAN và Châu Á.
  • Thị trường tiêu thụ ô tô tiềm năng nhất thế giới.
  • Thời kỳ phổ cập hóa ô tô tại Việt Nam có thể diễn ra từ 2025.
  • Quyết tâm của chính phủ trong phát triển ngành công nghiệp ô tô.

Thách thức:

  • Áp lực cạnh tranh của xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) sau 2018.
  • Thái Lan và Indonesia đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới.
  • Chính sách liên quan đến ngành ô tô chưa ổn định, và đồng bộ.
  • Chính sách bảo hộ ngành ô tô của các nước trong khu vực.

THỊ PHẦN THỊ TRƯỜNG Ô TÔ TẠI VIỆT NAM NĂM 2020

Theo Báo cáo của Chứng khoán Bảo Việt, đến tháng 9/2020, tính riêng trong Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), bốn thương hiệu lớn gồm Toyota, Honda, Ford và Thaco hiện đang chiếm tới 77% thị phần thị trường ô tô tại Việt Nam.

Trong đó, chiếm thị phần cao nhất là Thaco với tỉ lệ 34,3%. Đứng thứ hai là Toyota với 23,8% thị phần. Honda và Ford lần lượt nắm giữ 10,2% và 8,7% thị phần xe trong nước. Còn lại là các thương hiệu khác như VinFast, Mitsubishi,…

Xu hướng phát triển ngành ô tô

Nguồn: Báo cáo VAMA

Thị trường ô tô cuối năm 2020

Năm 2020, thị trường ô tô Việt Nam có nhiều biến động và có sự khác biệt giữa 6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm. Số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc có sự sụt giảm, trong khi các loại xe lắp ráp trong nước tăng mạnh vào những tháng cuối năm.

Theo Thống kê của Tổng cục Hải quan, có 12.237 xe ô tô nguyên chiếc được làm đăng ký tờ khai hải quan trong tháng 11/2020, đạt giá trị tương ứng 273 triệu USD. Tháng liền trước, lượng xe nhập khẩu đạt 13.653 chiếc với trị giá 283 triệu USD.

Báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, đã có tổng cộng 36.359 xe được bán ra thị trường trong tháng 10/2020, tăng 9% so với tháng liền trước và tăng đến 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý là sản lượng bán hàng của các loại ô tô lắp ráp trong nước tháng 11/2020 đạt đến 23.509 chiếc, tăng 15% so với tháng liền trước.

Xu hướng phát triển ngành ô tô

Theo Tổng cục Hải quan

XU HƯỚNG THỊ TRƯỜNG Ô TÔ TẠI VIỆT NAM NĂM 2021

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn còn phức tạp, thị trường ô tô Việt Nam năm 2021 vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Dự báo về thị trường ô tô Việt Nam 2021, ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng tiểu ban Chính sách VAMA nhận định, thị trường rất khó đoán định khi chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ kết thúc sẽ khó kích cầu thị trường, các doanh nghiệp và người lao động tiếp tục thắt chặt chi tiêu.

Liên quan đến thị trường và giá xe, ông Hiếu cũng cho rằng, hiện có đến 80% linh kiện cho sản xuất xe ô tô phải nhập khẩu dẫn đến chi phí sản xuất trong nước cao hơn các nước trong khu vực từ 10-20% do sản lượng thấp, làm giảm tính cạnh tranh của xe, trong khi nhập khẩu xe nguyên chiếc ở khu vực về chỉ chiếm 5% chi phí xe.

Để khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, qua đó nâng cao sức cạnh tranh, giảm giá thành ô tô, Chính phủ đã ban hành Nghị định 57/2020/NĐ-CP áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, gia công các sản phẩm hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ ô tô.

Đặc biệt, với Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), ô tô nhập khẩu từ châu Âu đang chịu thuế suất 70%, Việt Nam cắt giảm thuế nhập nhập khẩu ô tô từ EU bình quân khoảng 7% và sau 10 năm thuế sẽ về 0%, nhiều người cho rằng người tiêu dùng trong nước có thể mua xe châu Âu với chi phí thấp hơn.

Trong bối cảnh môi trường biến động và cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành ô tô cần có sự hiểu biết sâu sắc về thị trường, khách hàng. Đồng thời cần phải xây dựng, phát triển tổ chức nền tảng vững chắc. Trong đó, định hướng chiến lược phải rõ ràng và linh hoạt; Xây dựng được môi trường văn hóa doanh nghiệp mạnh, phát huy sức mạnh tổ chức bằng sự gắn kết, chia sẻ và sự tích cực, chủ động của từng thành viên trong tổ chức. Từ đó nâng cao hình ảnh, thương hiệu, tạo dựng lợi thế cạnh tranh nhằm chiếm lĩnh thị phần, tăng doanh thu bán hàng và tạo ra những trải nghiệm tích cực cho khách hàng.

 OD CLICK tổng hợp

 

Nguồn tham khảo:

  1. http://vinanet.vn/kinh-te/nhung-thuong-hieu-dang-chiem-linh-thi-truong-o-to-viet-nam-735379.html
  2. https://news.oto-hui.com/phan-tich-thi-truong-o-to-viet-nam-den-nam-2020/
  3. https://thitruongtaichinhtiente.vn/thi-truong-o-to-viet-nam-khoi-sac-31176.html
  4. https://baotintuc.vn/kinh-te/thi-truong-o-to-viet-nam-2020-day-bien-dong-nam-2021-kho-doan-dinh-20201226091200577.htm
  5. https://bnews.vn/thi-truong-o-to-viet-nam-tang-truong-gan-nguong-cao-nhat-hai-nam-qua/177577.html
  6. https://bnews.vn/thi-truong-o-to-viet-nam-2021-nhieu-yeu-to-kho-doan-dinh/181991.html
  7. https://vneconomy.vn/thi-truong-o-to-cuoi-nam-2020-xe-nhap-giam-toc-xe-lap-nuoc-rut-20201223113531538.htm