Banking book và trading book là gì

Ngân hàng ban đầu được hình thành với vai trò chính là: nhận tiền gửi và cho vay. Lãi suất áp vào các khoản tiền gửi thì thấp hơn các khoản ngân hàng cho vay. Khoản chênh lệch này ngân hàng dùng để bù đắp các chi phí quản lý cũng như bù vào các khoản cho vay mà người vay không có khả năng trả nợ (credit risk), phần còn lại chính là lợi nhuận của ngân hàng.

Hiện nay có 2 loại hình ngân hàng phổ biến là Ngân hàng thương mại (Commercial bank) và Ngân hàng đầu tư (Investment bank). Ngân hàng thương mại hoạt động với các vai trò như các vai trò truyền thống phía trên (nhận tiền gửi, cho vay). Ngân hàng đầu tư ra đời với mục đích giúp các Công ty, Chính phủ phát hỉ ành chứng khoán (trái phiếu, cổ phiếu), tư vấn trong các thương vụ M&A, tái cấu trúc doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực hiện các quyết định về tài chính khác.

Xung đột về lợi ích giữa các đơn vị trong ngân hàng

Trong hoạt động ngân hàng, các bộ phận Ngân hàng đầu tư và Ngân hàng thương mại sẽ nắm được các thông tin về khách hàng của mình dẫn đến việc sử dụng những thông tin này để thu lợi bất chính.

Một xung đột khác có thể kể ra đó là Ngân hàng đầu tư với vai trò giúp các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu, sẽ đặt áp lực lên bộ phận chứng khoán của ngân hàng về việc khuyến nghị các khách hàng mua cổ phiếu mà Ngân hàng đầu tư đang phát hành mặc dù chưa chắc cổ phiếu đó thực sự tốt. Điều này dẫn tới mâu thuẫn giữa lợi ích của bộ phận Ngân hàng đầu tư và trách nhiệm của bộ phận chứng khoán trong ngân hàng.

Các rủi ro mà ngân hàng gặp phải

Trong quá trình hoạt động, các ngân hàng gặp phải 3 loại rủi ro:

  • Rủi ro tín dụng (credit risk): Rủi ro khi bên còn lại không thực hiện được nghĩa vụ của mình trong hợp đồng. Trong ngành ngân hàng thì có các hợp đồng chứng khoán phái sinh (option, forward, futures, swap), hợp đồng cho vay.
  • Rủi ro thị trường (market risk): Rủi ro mất giá từ các hoạt động giao dịch của ngân hàng (nằm trong trading book của ngân hàng) Vd: giảm giá cổ phiếu mà ngân hàng đang nắm giữ
  • Rủi ro hoạt động (operational risk): rủi ro đối với những thiệt hại phát sinh từ các yếu tố bên ngoài hoặc những sai phạm của các hoạt động bên trong ngân hàng

Thông thường, Credit Risk và Operational Risk đánh giá với period là 1 năm còn Market Risk thì ngắn hơn.

Vốn yêu cầu

Các ngân hàng phải duy trì lượng vốn ( bao gồm Vốn cổ phần – Tier 1 & Nợ thứ cấp dài hạn – Tier 2) để tránh gặp phải rủi ro phá sản khi 3 rủi ro kể trên xảy ra. Khi xảy ra rủi ro, Tier1 & Tier2 sẽ hấp thụ phần loss mà ngân hàng phải gánh chịu. Nếu phần Loss này lớn hơn Tier 1 + Tier 2 thì ngân hàng sẽ phá sản. Loss sẽ hấp thụ vào Tier1 trước rồi đến Tier2.

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước quy định tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8%, tức tổng vốn cấp 1 (Tier 1) và vốn cấp 2 (Tier 2) phải đạt ít nhất 8% (theo chuẩn Basel 2 thì là 5%) của RWA (Risk-weighted Assets – tổng giá trị tài sản có rủi ro. Việc tính RWA có thể do Ngân hàng tự xây dựng mô hình rồi tính, sau đó phải được ngân hàng nhà nước thông qua hoặc có thể sử dụng mô hình của ngân hàng nhà nước. Mô hình của Ngân hàng nhà nước đưa ra sẽ cho giá trị RWA cao hơn mô hình do các ngân hàng tự xây dựng. Lý do là vì mô hình do các ngân hàng tự xây dựng thì có tính tối ưu cho hiệu quả của ngân hàng, còn mô hình do Ngân hàng nhà nước đưa ra thì chú trọng đến sự an toàn của hệ thống ngân hàng.

Bảo hiểm tiền gửi

Bảo hiểm tiền gửi là bảo hiểm cho sự kiện ngân hàng phá sản, những người gửi tiền tại ngân hàng sẽ được nhận lại tiền. Tại Việt Nam, hạn mức trách nhiệm đối với tiền gửi của cá nhân là 75 triệu đồng. Để có bảo hiểm, các ngân hàng phải nộp phí với mức phí là 0.15% số dư bình quân tiền gửi được bảo hiểm. Mức phí 0.15% này là mức phí đồng hạng, không phân biệt ngân hàng có nhiều rủi ro hay ít rủi ro.

Việc có bảo hiểm tiền gửi này sẽ dẫn đến rủi ro đạo đức. Người được bảo hiểm (ở đây là người gửi tiền) sẽ chấp nhận nhiều rủi ro hơn so với khi không được bảo hiểm (cụ thể là không quan tâm sức khỏe tài chính của ngân hàng mà mình gửi tiền). Các ngân hàng khi đó sẽ hút vốn bằng cách tăng lãi suất lên cao, sau đó sử dụng số tiền này để cho vay những người có rủi ro tín dụng cao (bù lại được hưởng lãi cao)

Banking book vs Trading book

Banking book ghi nhận các tài sản của ngân hàng trên bảng cân đối kế toán mà ngân hàng sẽ nắm giữ cho đến khi đáo hạn. Banking book chủ yếu ghi nhận các khoản cho vay của ngân hàng, là tài sản chủ yếu của ngân hàng thương mại trên bảng cân đối kế toán. Giá trị của các khoản vay này được ghi nhận gồm cả tiền gốc + tiền lãi. Đối với các khoản nợ xấu thì chỉ ghi tiền gốc. Khoản cho vay chuyển thành nợ xấu khi quá hạn 90 ngày.

Trading book ghi nhận các tài sản, nợ phải trả phát sinh từ các hoạt động giao dịch của ngân hàng. Giá trị của các tài sản, nợ phải trả này đều phải được cập nhật hàng ngày theo giá trị trên thị trường. Nếu không có trên thị trường (do sản phẩm quá phức tạp hay có tính thanh khoản kém) thì sử dụng các mô hình để định giá.

Mô hình originate-to-distribute

Là việc ngân hàng cho vay, sau đó bán các khoản nợ này cho người khác (phát hành chứng khoán). Đây là 1 mô hình khá phổ biến ở Mỹ, ở VN thì có công ty TNHH mua bán nợ DATC. Mô hình này cũng là 1 trong những tác nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009. Lý do là vì do khi ngân hàng bán khoản nợ cho người khác, họ không còn phải chịu rủi ro tín dụng của khoản nợ, nên sẽ nới lỏng các tiêu chuẩn cho vay của mình.