Có căn nhà nằm nghe nắng mưa đánh giá

Có căn nhà nằm nghe nắng mưa ra rạp khi sức nóng Em chưa 18 chưa hề suy giảm, áp lực dành cho Căn nhà nằm nghe nắng mưa - tác phẩm mới nhất của điện ảnh Việt Nam - là không hề nhỏ. Tuy nhiên bộ phim đã dành được sự quan tâm bất ngờ từ khán giả, vượt kỷ lục phòng vé năm 2017.

Có căn nhà nằm nghe nắng mưa là phim đầu tay của đạo diễn Mai Thế Hiệp. Dàn diễn viên gồm có Kim Xuân, Lê Bình, Dương Cường, Khắc Minh, Tấn Thi và Khánh Hiền.

Câu chuyện bắt đầu khi chàng nhân viên địa ốc tên Sơn (Dương Cường) đến một khu phố nghèo để thuyết phục người dân bán nhà. Tại đây, bà Tư (Kim Xuân) nhận anh là người con bỏ trốn 30 năm trước vì bị tình nghi giết người. Trở về, Sơn bắt đầu có những giấc mơ kỳ lạ, thấy mình là con bà Tư trong quá khứ. Anh dần hoài nghi thân phận mình, trong lúc thời hạn giải quyết công việc đã gần kề.

Có căn nhà nằm nghe nắng mưa thực tế rất chân phương, giản dị. Bối cảnh phim diễn ra chủ yếu trong một con hẻm nhỏ và trải dài suốt 30 năm, từ những ngày đất nước bắt đầu đổi mới cho tới thời hiện đại.

Mặc cho xã hội biến đổi khôn lường, thời gian cứ như ngưng đọng trong căn nhà bé nhỏ của bà Tư (Kim Xuân), nơi người phụ nữ ngày qua ngày mỏi mòn chờ đợi cậu con trai duy nhất trở về nhà.

Cách đây ba thập kỷ, mọi người sống với nhau vui vẻ, chan hòa trong hẻm. Thế rồi, một biến cố kinh hoàng xảy ra khiến cậu con trai bà Tư (Khắc Minh) phải bỏ nhà đi biệt xứ. Tình làng nghĩa xóm giữa gia đình bà Tư và gia đình ông Phát (Lê Bình) cũng tan vỡ.

30 năm sau, khu chung cư ngày càng xuống cấp và buộc phải di dời. Nhưng bà Tư, ông Phát, chú Được (Hoàng Nhất), chị Diễm (Kiều Oanh) vẫn kiên quyết bám trụ.

Hóa ra, họ chẳng phải luyến tiếc căn nhà, mà chỉ bởì lo cho bà Tư - người mẹ gần đất xa trời vẫn đau đáu mong con trở về. Đúng lúc ấy, sự xuất hiện của Sơn (Dương Cường) và mối liên hệ bí ẩn giữa anh với cậu con trai bà Tư càng làm mọi chuyện trở nên rối rắm.

Cần phải khẳng định rằng Có căn nhà nằm nghe nắng mưa chưa phải một bộ phim xuất sắc. Vẫn mang điểm yếu cố hữu ở khâu kịch bản như nhiều tác phẩm điện ảnh Việt Nam khác, phim khó lòng làm thỏa mãn khán giả khó tính bởi một số nút thắt không được tháo gỡ thỏa đáng.

Nội dung: Sơn (Dương Cường đóng) tìm đến khu chung cư cũ để thuyết phục các hộ dân giải phóng mặt bằng, phục vụ cho kế hoạch xây dựng cao ốc của công ty anh. Bà Tư (NSƯT Kim Xuân đóng) – một trong những người sinh sống ở khu chung cư – vừa nhìn thấy Sơn liền trở nên kích động. Bà cho rằng, Sơn chính là đứa con trai mất tích đã 30 năm của bà. Cuộc gặp gỡ kì lạ đó cuốn Sơn vào cuộc phiêu lưu nhiều bất ngờ và đau thương, hé lộ bức màn bí mật của 30 năm trước.

Câu chuyện gia đình với yếu tố luân hồi chuyển kiếp

Có căn nhà nằm nghe nắng mưa là bộ phim hiếm hoi của điện ảnh Việt đưa yếu tố luân hồi chuyển kiếp và du hành thời gian bước lên màn ảnh. Trước đó vào năm ngoái, Bao giờ có yêu nhau (đạo diễn Dustin Nguyễn, diễn viên Minh Hằng và Quý Bình) có chủ đề tương tự cũng từng ra mắt. Tuy nhiên, bộ phim này xoay quay bi kịch tình yêu, còn Có căn nhà nằm nghe nắng mưa thì khai thác tình thân và tình mẫu tử.

Sơn – nhân vật trung tâm của phim – có chuyến phiêu lưu bí ẩn và vô thức trở về quá khứ 30 năm trước và gặp được phiên bản kiếp trước của mình. Đó chính là Nam (Khắc Minh đóng) – con trai bà Tư.

Kết nối tình thân không còn là cốt truyện lạ trên màn ảnh Việt. Phần lớn các phim mang yếu tố này đều có cách xử lý giống như phim Lửa Phật (do Dustin Nguyễn đạo diễn kiêm đóng chính). Đạo diễn thường tạo ra tình huống buộc các nhân vật gặp lại, đồng hành và nhận ra mối quan hệ gia đình.

Vài năm trước, Tèo em của Charlie Nguyễn cũng từng tạo dấu ấn riêng với câu chuyện kết nối gia đình thông qua thể loại phim hành trình. Các tình huống quái gở xảy ra buộc Tí anh (Johnny Trí Nguyễn) và Tèo em (Thái Hòa) phải gắn kết với nhau một cách bất đắc dĩ trong chuyến đi dở khóc dở cười, từ đó hàn gắn mối quan hệ gia đình.

Việc để một nhân vật “xuyên không” về quá khứ và “thế vai” cho kiếp trước của chính mình như Có căn nhà nằm nghe nắng mưa là trường hợp lạ của phim Việt.

Có căn nhà nằm nghe nắng mưa đánh giá

Cảnh phim lần đầu tiên Sơn tìm đến khu chung cư cũ được dàn dựng với không khí ma mị. Góc quay chới với xoay vòng tựa như ánh nhìn chủ quan của nhân vật đang tự mình khám phá từng ngóc ngách trong khu nhà.

Chuỗi hình ảnh không gian mờ ảo bị xé vụn và chồng chéo lên nhau. Nhạc nền rùng rợn và thi thoảng có những âm thanh gây giật mình. Sơn tỏ ra nghi hoặc với cảnh vật trước mắt, có gì đó vừa lạ vừa quen, gây tò mò cho khán giả.

Hình ảnh ảo giác người phụ nữ trên khung ảnh thờ bật cười, ông Phát (Lê Bình đóng) đột ngột ló mặt ra ngoài cửa hay không gian mù mờ ánh đèn đỏ nơi bà Tư sinh sống khiến Sơn rùng mình sợ hãi và cũng khiến khán giả thót tim ngay từ khúc mở màn.

Tuy nhiên, Có căn nhà nằm nghe nắng mưa không phải một phim kinh dị nhằm mục đích dọa khán giả. Yếu tố tâm linh chỉ đóng vai trò công cụ để hai đạo diễn Bình Nguyên và Mai Thế Hiệp dẫn dắt câu chuyện của mình.

Bằng cách đưa Sơn ngược dòng thời gian về 30 năm trước trong những giấc mơ, bộ đôi đạo diễn vừa để nhân vật tự mình khám phá câu chuyện kiếp trước, đồng thời đóng vai trò như người khai phá và lật mở vấn đề cho khán giả.

Xuyên suốt trường cảnh này, Sơn không có bất cứ câu thoại nào. Cảm giác kỳ cục và thái độ nghi hoặc của anh đối với không gian xung quanh tạo ra tính khách quan cho vai trò kể chuyện của nhân vật, đồng thời nhấn nhá cho tiết tấu chậm rãi và tăng sự bí ẩn.

Trong khi đó, việc cắt dựng đan xen giữa loạt cảnh của quá khứ và hiện tại tạo nên nhịp phim ổn định từ đầu tới cuối, kích thích sự tò mò của người xem.

Có căn nhà nằm nghe nắng mưa đánh giá

Thực tế, không khó để người xem đoán ra Sơn là Nam đầu thai chuyển kiếp. Bởi dòng chữ trên poster phim “Dù cho thay dạng đổi hình, luân hồi kiếp kiếp mẹ vẫn nhìn ra con” cùng các chi tiết bà Tư coi Sơn là Nam đã để lộ điều này.

Tuy nhiên, nguyên nhân cái chết của Nam luôn là một ẩn số mà chính Sơn phải từng bước khám phá. Ngay cả vết bớt trên bàn tay của hai nhân vật giống hệt nhau cũng phải tới gần cuối phim mới được lộ diện.

Với tựa đề Có căn nhà nằm nghe nắng mưa, bộ phim mang đến một hình ảnh ẩn dụ tuyệt đẹp xuyên suốt bộ phim: căn nhà cũ hay cũng chính là mái ấm gia đình. Căn nhà là minh chứng cho tình yêu thương thiêng liêng của bà Tư dành cho con trai. Bà kiên quyết giữ nhà vì không muốn Sơn không tìm thấy nhà nếu may mắn một ngày trở về.

Đó cũng là một ngụ ý về sự gắn kết của hàng xóm láng giềng trong khu nhà. Gia đình ở đây không đơn thuần là gia đình của bố mẹ và con cái, đó còn là một gia đình lớn của những người bạn đồng hành trong cuộc đời của nhau.

Rất nhiều cảnh quay sinh hoạt chung của hàng xóm láng giềng xuất hiện trong bộ phim, tại thời điểm 30 năm trước. Còn ở hiện tại, khi bà Tư chỉ còn lại đơn độc một mình, những người hàng xóm thân thiết nhất vẫn bám trụ cùng khu nhà và làm chỗ nương tựa cho bà.

Những điểm trừ đáng tiếc

Có thể, đạo diễn không dự định giấu khán giả về mối liên hệ của hai nhân vật. Tuy nhiên, điều này cũng để lộ nhược điểm lớn nhất của phim, chính là thiếu tính kết nối giữa Sơn và Nam.

Sơn và Nam có ngoại hình khác biệt (do hai diễn viên khác nhau đóng), không thực sự phù hợp với mối liên hệ kiếp trước – kiếp này.

Nếu như đạo diễn giao hai vai cho cùng một diễn viên, hoặc Dương Cường hoặc Khắc Minh đảm nhận – với sự thay đổi kiểu tóc, trang phục thì yếu tố luân hồi chuyển kiếp ở đây sẽ rõ ràng hơn, việc bà Tư nhận nhầm Sơn và Nam cũng hợp logic hơn. Đây là cách làm thường thấy trong dòng phim luân hồi chuyển kiếp của màn ảnh Hoa ngữ và Hàn Quốc.

Chẳng hạn như trong phim Saimdang: Nhật ký ánh sáng lên sóng truyền hình xứ Hàn hồi đầu năm, giáo sư Ji Yoon của hiện tại vốn là nữ văn nhân Saimdang thời Joseon chuyển kiếp, hai nhân vật này đều do Lee Young Ae đảm nhận.

Trong chuỗi cảnh năm 1986, Sơn và Minh ít có sự tương tác trong khuôn hình, không có tình tiết nào đủ mạnh để làm nổi bật sự liên quan mật thiết của hai nhân vật. Điểm giống nhau duy nhất của hai nhân vật này là vết bớt trên bàn tay phải.

Có căn nhà nằm nghe nắng mưa đánh giá

Diễn xuất chủ yếu ở đây là Dương Cường với vai Sơn, còn vai Nam của Khắc Minh chỉ lướt qua khung hình trong rất ít phân cảnh với thời lượng mỗi lần lên hình chỉ ngắn ngủi chừng 3-5 giây. Trong đó, một cảnh Nam xuất hiện trong nhà cùng ba má, không có thoại, còn một cảnh cậu đi học cùng người bạn thân.

Nói cách khác, nếu như đất diễn của hai tuyến vai Sơn và Nam tương xứng nhau với những tình huống lặp lại tương tự nhau thì mối liên quan giữa họ sẽ được miêu tả rõ ràng hơn.

Một chi tiết không ổn khác của phim, đó là tình huống Nam bị tai nạn chết. Sự việc xảy ra trong lúc ông Phát đuổi theo Nam, chứng tỏ nơi xảy ra tai nạn cách khu nhà không quá xa. Cho nên, việc vợ chồng bà Tư không truy ra được tung tích của con có phần bất hợp lý.

Bỏ qua những sơ hở trong cách dàn dựng, Có căn nhà nằm nghe nắng mưa vẫn kể đầy đủ một câu chuyện có ý tưởng mới lạ trên màn ảnh.