Dàn ý an toàn giao thông la hạnh phúc của mọi nhà

Tôi còn nhớ cách đây khá lâu, trong một phóng sự thực tế, những du khách nước ngoài thường nói với nhau một câu thế này: “Nếu du lịch mạo hiểm là chưa đủ với bạn, hãy tham gia giao thông ở Việt Nam”. Bấy giờ, tôi chỉ cảm thấy đó là một câu nói hài hước, đùa vui. Lúc ấy tôi đã chưa thể nhận ra, dù đó là câu đùa đấy, nhưng không phải tự nhiên mà đùa như vậy! Thêm nữa, đó mới chỉ là trải nghiệm của những du khách đi bộ qua đường phố Hà Nội.

Tới khi toàn cảnh bức tranh giao thông Việt Nam được phô bày trước mắt, thì câu nói hài hước của du khách nước ngoài không đủ để hình dung nữa, mà thay vào đó, là câu hỏi chua xót và đầy ám ảnh của nhà báo Quản Hồng Đức: “Mỗi ngày Việt Nam có hơn 30 người đột ngột và vĩnh viễn từ bỏ cuộc sống trong khi đi lại trên đường. Và tử thần sẽ gọi tên ai trong số chúng ta?”.

Không còn là sự phóng đại nữa rồi, khi mà cái thực tế diễn ra ngay trong cuộc sống của chính chúng ta, theo như thống kê của cục cảnh sát giao thông, thì trong 2 tháng đầu năm 2018 đã có tới 1500 người chết vì tai nạn giao thông. Con số này có đủ để kích động bạn không, khi chúng góp phần đưa bạn, và tôi, chúng ta trở thành những người tham gia giao thông may mắn còn sống, trong hiện tại?

Có bao nhiêu vụ tai nạn, thiệt hại vật chất và tính mạng bao nhiêu, ta đếm được, nhưng chẳng có thước nào, máy nào đo nỗi những vết thương vĩnh hằng mà những vụ tai nạn kia đã khoét sâu vào nhân tâm những gia đình, người thân nạn nhân của nó. Những vụ tai nạn thảm khốc cứ dồn dập xảy đến trong cơn hoang mang cực độ của cộng đồng, và chưa hề có dấu hiệu ngưng lại. Nhưng chúng ta đâu có lựa chọn!? Vẫn phải tham gia giao thông, vẫn phải sống chung với hoang mang lo sợ án tử luôn treo lơ lửng mỗi khi ra đường.

Thực tế của giao thông Việt Nam đang là cái vòng tròn loanh quanh luẩn quẩn, bế tắc. Có lẽ rất nhiều người trong chúng ta sợ tai nạn giao thông, là bởi họ đó là thứ tai họa từ trên trời rơi xuống, không ai biết trước, không rõ lí do, và chỉ nhận ra nó khi quá muộn. Và chúng ta biết, nguyên nhân của phần lớn tai nạn hiện nay chẳng dính dáng gì tới hai chữ tâm linh trong ngoặc kép cả.

Những biểu hiện ý thức kém thường thấy nhất thì có thể gặp ở mọi nẻo đường, cơ hồ cứ chỗ nào có xe là chỗ ấy có vi phạm! Không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển mô tô, vượt đèn đỏ, đi tắt bục, dàn hàng ngang trên đường, đi sai làn đường, uống rượu bia trước khi tham gia giao thông, sử dụng điện thoại khi đi xe; chẳng những không nhường nhịn mà còn cố giành giật nhau từng khoảng trống trên đường, rồi thì có va chạm nhẹ là đủ các kiểu nào ăn vạ cố tình, rồi hung hăng đòi đánh người, hậu quả có khi còn nghiêm trọng hơn cả tai nạn thật…

Rất nhiều, rất nhiều những biểu hiện của ý thức tham gia giao thông đã xuống cấp tồi tệ, để cảnh vi phạm không phải là ngoại lệ nữa, mà thành môi trường buộc chúng ta phải thích nghi. Tất thảy bắt nguồn từ thói ích kỉ hẹp hòi vô trách nhiệm với bản thân và người khác, không chịu mở mắt nhận ra sự việc sẽ tồi tệ thế nào khi chính ý thức ấy sẽ mang tới những đau đớn mà thân thể máu thịt không thể chịu đựng!

Đạo đức xuống cấp ở phần đông người tham gia giao thông là nguy cơ lớn nhất, thì nguy cơ lớn thứ nhì, là sự vô cảm của một số người – những người nắm trong tay quyền lãnh đạo. Bên cạnh thứ xuất phát từ chính cái đầu của người cầm tay lái, người cầm quyền, những nguyên do của tai nạn giao thông còn tới từ công trình không đảm bảo chất lượng khi bị rút ruột trong quá trình thi công, cơ sở vật chất không được tu bổ đúng kì hạn, quản lí còn nhiều bất cập… rồi lí do thiên tai thời tiết, và… cả số mệnh nữa, chúng chiếm 20% còn lại những nguyên nhân của tai nạn giao thông.

Lâu nay tai nạn giao thông gây ra nhiều hậu quả tới mức người ta chẳng muốn kể ra và cũng chẳng thể kể hết. Nhưng nhìn vào tác hại không cùng của tai họa, âu cũng là động lực hướng cho ta chống lại chúng, nếu vẫn còn lương tri và nhiệt huyết. Bi kịch thực sự của việc vô ý thức là hầu hết không hiểu, không hình dung ra, không có chút bóng đen nào đè lên thói ích kỉ khi nghĩ về hậu quả của tai nạn giao thông, cho tới khi chính mình phải hứng chịu mất mát, để rồi sự việc trở thành nỗi ám ảnh suốt đời không gì thanh tẩy được.

Nói đi nói lại vẫn chỉ có làm sao cho nhận thức, ý thức, trách nhiệm, văn hóa, văn minh, đạo đức, tự trọng của người tham gia giao thông được nâng cao lên. Ở các cấp giáo dục thì đó là thay đổi toàn diện những điều bất cập được chỉ ra trong suốt thời gian qua. Còn với chung toàn xã hội, ta cần tuyên truyền, vận động, nhưng phải tuyên truyền làm sao để người ta thấy đây không còn là chuyện của luật lệ mà còn là chuyện của đạo đức con người.

Cái được coi là bắt buộc nên đứng sau đạo đức, bởi đạo đức mới là yếu tố thực sự có sức mạnh điều chỉnh hành vi của con người. Nó khiến người ta biết kiềm chế bản thân, có ý thức nhận thức một cách đầy đủ để muốn hành động trước khi sự việc ụp xuống mình một cách không thể né tránh, khiến người ta thấy rằng bảo vệ người khác cũng là bảo vệ chính mình vậy….

Đồng thời, những gì còn là bất cập, là thiếu nghiêm minh và còn tạo cơ sở để diễn biến trở nên trầm trọng hơn… của luật pháp, thì chỉ còn cách chỉnh sửa, hoặc dẹp bỏ đi. Cách cải thiện đúng đắn nhất là thay thế những cái sai bằng một việc đúng khác. Tính răn đe trong điều luật phải luôn sẵn sàng cho trường hợp đạo đức không cứu vãn được nữa, đó là thu hồi bằng lái xe vĩnh viễn, là tăng án phạt với các hình thức vi phạm, đồng thời tương quan giữa các án phạt phải tỉ lệ thuận với mức độ sai phạm gây ra…

Trong khu vực của chúng ta có những nước có luật và ý thức chấp hành luật giao thông có thể coi là hình mẫu lí tưởng, như Singapore hay Nhật Bản, những nước mà thành công của họ không chỉ dựa vào cơ sở hạ tầng được đầu tư kĩ lưỡng và hiện đại – thứ chúng ta chưa lập tức mà theo được. Vậy nên trước tiên, bên cạnh thay đổi điều luật, hiển nhiên ta còn phải học hỏi nghiêm túc ý thức và văn hóa giao thông của họ để quyết liệt chống tai nạn giao thông trên mỗi nẻo đường.

Tất cả chúng ta đều trông thấy hậu quả khôn lường cũng như những mất mát là không đo đếm được mà tai nạn giao thông gây ra, chúng ta mang trái tim con người, biết đau xót cảm thương, chúng ta đủ sáng suốt và quyết tâm, hãy hành động ngay bởi thảm cảnh đen tối nơi đây đang không ngừng đe dọa cuộc sống, tương lai của mỗi người!

Dàn ý an toàn giao thông la hạnh phúc của mọi nhà

I. Lập Dàn Ý Nghị Luận Về An Toàn Giao Thông

1, Mở bài

– Dẫn dắt – giới thiệu vấn đề: dẫn dắt từ hiện tượng đời sống: đất nước ngày càng phát triển kéo theo nhiều vấn đề phát sinh.

– Nêu hiện tượng: vấn đề an toàn giao thông đang được đặt lên hàng đầu.

2, Thân bài

2.1, Giải thích việc bảo đảm an toàn giao thông là gì?

Là biện pháp đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông nhằm hạn chế các thiệt hại về người và của do những tai nạn gây lên.

2.2. Bàn luận

a, Hiện trạng

– Các vụ tai nạn giao thông xảy ra với tần suất và mức độ nghiêm trọng ngày càng cao, nhất là trong các dịp nghỉ lễ.

– Số người chết và bị thương sau mỗi vụ tai nạn tăng đáng kể.

– Dẫn chứng: Theo thống kê của Cục CSGT thì năm 2017 cả nước xảy ra 10.518 vụ tai nạn, làm chết 9.510 người và bị thương 10.700 người khác.

b, Hậu quả

– Tạo thành một thói quen rất xấu đối với người tham gia giao thông.

– Gây thiệt hại lớn về người => nỗi đau mất người thân cho gia đình nạn nhân

– Tổn thất đáng kể nền kinh tế cá nhân và đất nước.

– Gây mất an toàn xã hội.

– Làm mất hình ảnh trước bạn bè quốc tế.

c, Nguyên nhân

*Nguyên nhân khách quan:     

– Do cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông chưa đảm bảo: đường nhiều ổ gà, không có rào chắn, đường quá hẹp,…

– Do điều kiện thời tiết: mưa, bão, gió to,…

– Do phương tiện giao thông cũ kĩ hoặc không đảm bảo yêu cầu (thiếu gương chiếu hậu, hỏng đèn,…)

* Nguyên nhân chủ quan:

– Do ý thức kém của người tham gia giao thông: không tuân thủ tín hiệu đèn, say xỉn, ….

– Do hoạt động bán hàng rong, vui chơi hè phố khiến hoạt động lưu thông trên đường gặp cản trở.

– Do hoạt động mê tín dị đoan của nhiều người rằng gặp tai nạn giao thông là do số mệnh mà không thể nào phòng tránh được.

– Do trách nhiệm giáo dục an toàn giao thông của gia đình, nhà trường, địa phương chưa tốt.

d, Giải pháp

– Nhà nước quan tâm giải quyết vấn đề về cơ sở hạ tầng, đảm bảo cho người tham gia giao thông thuận tiện.

– Cơ quan có thẩm quyền cần phân công kiểm soát tốt các khu vực, nhất là vào giờ cao điểm.

– Mỗi cá nhân khi tham gia giao thông cần ý thức được trách nhiệm của mình không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân mà còn cho người khác.

– Gia đình, nhà trường quan tâm, tuyên truyền, tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa về an toàn giao thông.

3, Kết bài

– Khẳng định an toàn giao thông là vấn đề cấp bách cần được ưu tiên hàng đầu.

– Mỗi công dân nên ý thức về hành vi, trách nhiệm của mình khi tham gia giao thông, hãy là một người tham gia giao thông có ý thức.

II. Bài Văn Nghị Luận An Toàn Giao Thông Của Học Sinh Giỏi

1. Mở bài

     Đã gần nửa thế kỉ trôi qua từ ngày đất nước ta ngừng tiếng bom tiếng súng, mọi nguồn lực và vật lực chuyển hướng hoạt động, dành hết cho sự phát triển kinh tế của nước nhà. Và thực sự, nền kinh tế ấy đã đạt được những thành tựu đáng kể, nâng vị trí Việt Nam lên dần trên bản đồ xếp hạng thế giới. Nhưng song song với sự phát triển đó là những vấn đề mới nảy sinh hết sức phức tạp mà một trong số đó là an toàn giao thông. Không phải ngẫu nhiên mà Đảng và chính phủ nêu cao khẩu hiệu “An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi nhà”. Đây thực sự là một vấn đề mang tính cấp bách tới sự phát triển của đất nước.

2. Thân bài

     Vậy rốt cuộc cụm từ “An toàn giao thông” có nghĩa là gì? Hiểu một cách đơn giản, đây chính là ý thức của người tham gia giao thông và cả những hành vi, biện pháp đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. Điều này giúp ngăn chặn hạn chế các thiệt hại về người và của do các vụ tai nạn giao thông gây lên:

“Văn hoá giao thông, ta phải nhớ cho,

Chấp hành luật, đừng tự do, tuỳ tiện,

Khi tai nạn tang thương ập đến,

Thì muộn rồi, vào viện mới suy tư.”

     Thật đáng buồn khi hiện trạng của các vụ tai nạn giao thông luôn diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng lên. Chúng xảy ra với tần suất và mức độ nghiêm trọng ngày càng cao, nhất là trong các dịp lễ – khi mà số lượng các phương tiện tham gia giao thông nhiều hơn. Số người chết và bị thương sau mỗi vụ tai nạn cũng tăng đáng kể. Theo thống kê của Cục CSGT thì năm 2017 cả nước xảy ra 10.518 vụ tai nạn, làm chết 9.510 người và bị thương 10.700 người khác. Đây hoàn toàn là những con số biết nói, nhắc nhở chúng ta về ý thức tham giao thông cần được quan tâm hơn nữa.

     Hậu quả để lại sau mỗi lần bất cẩn thật không thể cân đo đong đếm được. Ngoài việc tạo thói quen xấu về văn hóa giao thông cho cộng đồng còn gây thiệt hại về người. Đã qua rồi cái thời ông bà ta bịn rịn chia tay người thân khi họ ra chiến trường nhưng ở thời hiện đại, cũng biết bao ông bố bà mẹ lo lắng không biết con cái mình ra đường liệu còn trở về không. Nỗi đau mất người thân tại sao đến thời đại này vẫn có? Không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân, những vụ tai nạn để lại còn gây thiệt hại tới nền kinh tế đất nước, gây mất an toàn xã hội. Rộng hơn nữa, nó còn giảm sự tin tưởng của bạn bè quốc tế khi đến du lịch ở Việt Nam. Thế mới thấy, hậu quả do mất an toàn giao thông để lại vượt ra ngoài tầm kiểm soát của bất cứ cá nhân, tổ chức nào.

     Nguyên nhân của hiện trạng trên có cả yếu tố khách quan và chủ quan. Về nguyên nhân khách quan là do cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông chưa đảm bảo an toàn: còn nhiều ổ gà, không có vạch chia làn đường hay đường quá hẹp,…. Mặt khác còn do điều kiện thời tiết làm giảm tập trung của người lái xe (gió to, mưa, bụi,…) và cả sự mất an toàn ngay trên chính phương tiện tham gia giao thông đã quá cũ kĩ hay không tuân thủ yêu cầu (như xe máy phải đủ gương chiếu hậu, đèn,…). Về phía nguyên nhân chủ quan (người tham gia giao thông): Do ý thức tham gia giao thông kém khi không đội mũ bảo hiểm, uống rượu bia khi lái xe, không tuân thủ tín hiệu đèn,…; do hoạt động bán hàng rong, vui chơi lấn chiếm lòng đường; do mê tín dị đoan khi nghĩ rằng tai nạn là số mệnh mà không có cách nào tránh đc; do trách nhiệm giáo dục của gia đình và địa phương chưa tốt.

     Để khắc phục vấn đề trên, cần có những giải pháp thiết thực và phù hợp. Nhà nước cần là người đi đầu tiên trong công cuộc này bằng cách khắc phục những cơ sở hạ tầng xuống cấp. Các cơ quan có thẩm quyền cần phân công điều tiết tốt các làn đường vào giờ cao điểm. Nhưng quan trọng hơn cả là ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân khi tham gia giao thông để đảm bảo tính mạng cho mình và người khác. Gia đình, nhà trường quan tâm, tổ chức các buổi sinh hoạt giáo dục ý thức tham gia giao thông cho con em mình. “An toàn là bạn, tai nạn là thù” là câu nói mà mỗi chúng ta cần nhớ khi bước ra đường.

3. Kết bài

     Như vậy, an toàn giao thông thực sự là vấn đề cấp bách cần được ưu tiên hàng đầu. Chẳng ai có thể bảo vệ bạn ngoài chính bản thân bạn nên hãy là một công dân có ý thức về hành vi, trách nhiệm của mình khi tham gia giao thông. Hãy là một người tham gia giao thông có ý thức! Hãy chung tay vì một xã hội an toàn và văn minh!

___HẾT___

       Trung tâm thân gửi các bạn Bài văn nghị luận về an toàn giao thông – một dạng bài nghị luận rất hay gặp trong chương trình. Mong rằng với tài liệu này các bạn sẽ có thể biết phương hướng triển khai ý để làm bài kiểm tra, bài thi một cách tốt nhất. Hãy chia sẻ bài văn để trung tâm có động lực cho ra nhiều tài liệu bổ ích khác nhé!!


Tư vấn gia sư (24/7) 097.948.1988

.

Dàn ý an toàn giao thông la hạnh phúc của mọi nhà