Hướng dẫn xử lý tang vật phương tiện tịch thu

Điều 5.D.3.37: Thủ tục tịch thu và xử lý hàng hóa, tang vật, phương tiện vi phạm bị tịch thu

(Điều 37, Nghị định số 97/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010)

1. Trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; nguyên vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; tem, nhãn, bao bì, vật phẩm khác chứa yếu tố vi phạm; nguyên vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh tem, nhãn, bao bì, vật phẩm chứa yếu tố vi phạm; giấy tờ, tài liệu bị sửa chữa, tẩy xóa hoặc giả mạo thì người có thẩm quyền xử phạt tiến hành thủ tục tạm giữ hàng hóa, tang vật, phương tiện vi phạm và áp dụng hình thức xử phạt tịch thu.

Trường hợp hàng hóa, tang vật, phương tiện vi phạm là hàng hóa, phương tiện cồng kềnh, khó vận chuyển, dễ hư hỏng thì áp dụng biện pháp tạm giữ dưới hình thức niêm phong và giao cho tổ chức, cá nhân vi phạm bảo quản, chờ quyết định của người có thẩm quyền xử phạt.

2. Hình thức xử phạt tịch thu và biện pháp xử lý hàng hóa, tang vật, phương tiện vi phạm bị tịch thu do người có thẩm quyền xử phạt quyết định và ghi rõ trong quyết định xử phạt tuân theo quy định sau đây:

  1. Trường hợp có thể loại bỏ yếu tố vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt tổ chức loại bỏ yếu tố vi phạm khỏi hàng hóa, tang vật, phương tiện để bán đấu giá hoặc phân phối hoặc đưa vào sử dụng với mục đích phi thương mại với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp, ưu tiên các mục đích nhân đạo, từ thiện và phúc lợi xã hội;
  1. Trường hợp không thể loại bỏ yếu tố vi phạm khỏi hàng hóa, tang vật, phương tiện hoặc không đủ điều kiện để áp dụng biện pháp quy định tại điểm a khoản này, người có thẩm quyền xử phạt tổ chức tiêu hủy công khai theo quy định tại Điều 5.C.4.9 của Phần này.

3. Việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm bị tịch thu phải được tiến hành trong thời hạn không quá chín mươi ngày, kể từ ngày ký quyết định xử phạt. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm thông báo cho tổ chức, cá nhân yêu cầu xử lý vi phạm biết biện pháp, thời gian, địa điểm xử lý hàng hóa, tang vật, phương tiện vi phạm.

Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp, người đại diện theo ủy quyền của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp có quyền tham gia, giám sát và có trách nhiệm hỗ trợ cơ quan thẩm quyền xử lý hàng hóa, tang vật, phương tiện vi phạm bị tịch thu.

Trước hết, chúng ta biết “tạm giữ tang vật là một trong các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 119 Luật xử lý vi phạm hành chính và biện pháp này áp dụng trong trường hợp cần ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp tạm giữ tang vật theo thủ tục hành chính. Biện pháp này có tên đầy đủ là “Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề”. Tuy nhiên tác giả xin phép chỉ thảo luận đối với nội dung “tạm giữ tang vật”.

Thứ hai, “tạm giữ tang vật” là một biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính do vậy khi áp dụng nó chúng ta cần tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc áp dụng và chỉ áp dụng trong trường hợp cần thiết. Một khi việc áp dụng biện pháp ngăn chặn không còn phù hợp với mục đích và điều kiện áp dụng theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính thì quyết định áp dụng biện pháp đó phải được hủy bỏ. Người có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn khi thấy không còn cần thiết hoặc thay thế bằng một biện pháp ngăn chặn khác.

Thứ ba, những trường hợp cần thiết để áp dụng biện pháp “tạm giữ tang vật”:

- Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt. Trường hợp tạm giữ để định giá tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt thì áp dụng quy định của khoản 3 Điều 60 của Luật xử lý vi phạm hành chính;

- Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội;

- Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt theo quy định.

(Trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự: giấy phép lái xe hoặc giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không có giấy tờ nói trên, thì người có thẩm quyền xử phạt có thể tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trừ trường hợp: Đối với phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có địa chỉ rõ ràng, có điều kiện bến bãi, bảo quản phương tiện hoặc khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được giữ phương tiện vi phạm dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền).

Với 03 trường hợp cần thiết nói trên chúng ta mới tiến hành “tạm giữ tang vật”. Tuy nhiên thực tiễn hiện nay vẫn có những vụ việc chúng ta cố tình hiểu sai để tạm giữ hoặc lạm dụng việc tạm giữ. Một sai lầm thường thấy đối với nội dung tưởng chừng đơn giản này, đó chính là chúng ta ghi lý do tạm giữ không theo 03 lý do nói trên mà chúng ta thường ghi theo cách hiểu của người lập hồ sơ. Điều này dẫn đến “từ ngữ” nêu trong lý do tạm giữ của hồ sơ vụ việc không giống với “03 lý do tạm giữ được nêu tại khoản 1 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính”. Sai lầm thứ hai đối với nội dung này đó là chúng ta sử dụng lý do tạm giữ không phù hợp với vụ việc và quy định của pháp luật đối với từng lý do tạm giữ. Ví dụ: Vụ việc cần tạm giữ để xác minh tình tiết nhưng chúng ta thiết lập hồ sơ lại ghi lý do tạm giữ là để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt và ngược lại. Do vậy theo tác giả, khi ghi lý do tạm giữ vào hồ sơ vụ việc, chúng ta cần bám sát các “từ ngữ” trong 03 lý do nêu trên để áp dụng đúng lý do và đúng tình huống vụ việc.

Hướng dẫn xử lý tang vật phương tiện tịch thu

Thứ tư, chúng ta cần lưu ý việc tạm giữ tang vật phải được chấm dứt ngay sau khi xác minh được tình tiết làm căn cứ quyết định xử phạt, hành vi vi phạm không còn gây nguy hiểm cho xã hội hoặc quyết định xử phạt được thi hành (chấm dứt theo 03 lý do tạm giữ trên). Trường hợp được nộp tiền phạt nhiều lần theo quy định tại Điều 79 của Luật xử lý vi phạm hành chính, sau khi nộp tiền phạt lần đầu thì người vi phạm được nhận lại tang vật bị tạm giữ.

Thứ năm, về thẩm quyền tạm giữ: Người có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật thì có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ tang vật. Thẩm quyền tạm giữ không phụ thuộc vào giá trị của tang vật vi phạm hành chính.

Thứ sáu, việc tạm giữ tang vật được thực hiện như sau:

- Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đang giải quyết vụ việc lập biên bản tạm giữ tang vật vi phạm hành chính theo quy định (Biên bản phải ghi rõ tên, số lượng, chủng loại, tình trạng của tang vật bị tạm giữ và phải có chữ ký của người thực hiện việc tạm giữ, người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm; trường hợp không có chữ ký của người vi phạm thì phải có chữ ký của ít nhất 01 người chứng kiến);

- Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản, người lập biên bản phải báo cáo người có thẩm quyền tạm giữ về tang vật đã tạm giữ để xem xét ra quyết định tạm giữ; quyết định tạm giữ phải được giao cho người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm 01 bản. Trường hợp không ra quyết định tạm giữ thì phải trả lại ngay tang vật vi phạm hành chính. Đối với trường hợp tang vật là hàng hóa dễ hư hỏng thì người tạm giữ phải báo cáo ngay thủ trưởng trực tiếp để xử lý, nếu để hư hỏng hoặc thất thoát thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Thứ bảy, người lập biên bản tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm bảo quản tang vật. Trong trường hợp tang vật bị mất, bán trái quy định, đánh tráo hoặc hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ phải chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Khi thực hiện việc tạm giữ, người lập biên bản, người có thẩm quyền tạm giữ phải niêm phong tang vật vi phạm hành chính bị tạm giữ, trừ các trường hợp: Động vật, thực vật sống; hàng hóa, vật phẩm dễ hư hỏng, khó bảo quản theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp tang vật vi phạm hành chính bị tạm giữ được niêm phong thì phải tiến hành ngay trước mặt người vi phạm; nếu người vi phạm vắng mặt thì phải tiến hành niêm phong trước mặt đại diện gia đình người vi phạm, đại diện tổ chức hoặc đại diện chính quyền cấp xã hoặc ít nhất 01 người chứng kiến.

Biên bản, quyết định tạm giữ tang vật vi phạm hành chính có thể được lập, gửi bằng phương thức điện tử.

Thứ tám, về thời hạn tạm giữ:

- Thời hạn tạm giữ tang vật vi phạm hành chính không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ; trường hợp vụ việc phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn tạm giữ không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ (cách tính thời hạn tạm giữ đã nêu ví dụ trong bài viết trước của tác giả về thời hạn, thời hiệu).

- Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 66 của Luật xử lý vi phạm hành chính (đối với vụ việc mà cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan quy định tại Điều 59 của Luật xử lý vi phạm hành chính thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 01 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính) nhưng không quá 01 tháng, kể từ ngày tạm giữ. Đối với vụ việc thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 66 của Luật xử lý vi phạm hành chính (đối với vụ việc thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 66 Luật xử lý vi phạm hành chính mà đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 02 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính) thì thời hạn tạm giữ có thể được tiếp tục kéo dài nhưng không quá 02 tháng, kể từ ngày tạm giữ.

- Thời hạn tạm giữ tang vật vi phạm hành chính được tính từ thời điểm tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ thực tế.

- Thời hạn tạm giữ tang vật vi phạm hành chính không vượt quá thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 66 của Luật xử lý vi phạm hành chính. Trường hợp tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt quy định tại điểm c khoản 1 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính thì thời hạn tạm giữ kết thúc khi quyết định xử phạt được thi hành xong.

- Người có thẩm quyền tạm giữ phải ra quyết định tạm giữ, kéo dài thời hạn tạm giữ tang vật vi phạm hành chính.

Đối với thời hạn tạm giữ, hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau và đa phần đều cho rằng thời hạn tạm giữ như hiện nay là tương đối ngắn, khó thực hiện, nhất là các vụ việc có liên quan đến việc chờ đợi kết quả kiểm định, thử nghiệm về chất lượng .v.v. Và với câu chuyện thời hạn nói trên, hiện nay một số vụ việc ở một số địa phương có sự không giống nhau về trình tự, thủ tục giải quyết như: Có vụ việc tạm giữ tang vật trước, có vụ việc lại lập biên bản vi phạm hành chính trước tạm giữ sau, có những vụ việc thực hiện cùng thời điểm .v.v. Tuy nhiên theo quan điểm tác giả, chúng ta cần tuân thủ các nguyên tắc về trình tự, thủ tục xử lý vi phạm hành chính, nhất là tuân thủ thời hạn tạm giữ theo quy định nói trên. Quá trình thực hiện xử lý vi phạm hành chính cần xem xét thực tiễn từng hồ sơ, tình huống để có cách áp dụng phù hợp, không rập khuôn, máy móc dẫn đến làm sai lệch bản chất vụ việc và lưu ý việc tạm giữ chỉ áp dụng trong các trường hợp cần thiết nói trên. Bên cạnh đó, để đảm bảo thời gian tạm giữ phù hợp, đúng quy định pháp luật, cần xử lý tốt câu chuyện thẩm tra, xác minh, lấy mẫu, kiểm nghiệm .v.v. để rút ngắn thời gian tạm giữ.

Thứ chín, về xử lý tang vật bị tạm giữ theo thủ tục hành chính

- Người ra quyết định tạm giữ phải xử lý tang vật vi phạm hành chính bị tạm giữ theo biện pháp ghi trong quyết định xử phạt hoặc trả lại cho cá nhân, tổ chức nếu không áp dụng hình thức xử phạt tịch thu đối với tang vật bị tạm giữ.

- Đối với tang vật đang bị tạm giữ do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp; cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật vi phạm hành chính vào ngân sách nhà nước. Trường hợp chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp có lỗi cố ý trong việc để người vi phạm sử dụng tang vật vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 26 của Luật xử lý vi phạm hành chính thì tang vật đó bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước.

- Đối với tang vật vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu nhưng đã đăng ký biện pháp bảo đảm thế chấp tài sản theo quy định của pháp luật dân sự thì bên nhận thế chấp được nhận lại tang vật hoặc trị giá tương ứng với nghĩa vụ được bảo đảm; cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật vi phạm hành chính vào ngân sách nhà nước.

- Đối với tang vật bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt theo khoản 6 Điều 125 của Luật xử lý vi phạm hành chính phải được trả ngay cho người bị xử phạt sau khi thi hành xong quyết định xử phạt.

- Đối với tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng thì người ra quyết định tạm giữ phải tổ chức bán ngay theo giá thị trường và việc bán phải được lập thành biên bản. Tiền thu được phải gửi vào tài khoản tạm gửi mở tại Kho bạc Nhà nước. Nếu sau đó theo quyết định của người có thẩm quyền, tang vật đó bị tịch thu thì tiền thu được phải nộp vào ngân sách nhà nước; trường hợp tang vật đó không bị tịch thu thì tiền thu được phải trả cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp.

- Đối với tang vật vi phạm hành chính bị tạm giữ theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 125 của Luật xử lý vi phạm hành chính (để xác minh, để ngăn chặn) khi hết thời hạn tạm giữ mà người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận mà không có lý do chính đáng thì được xử lý như sau:

+ Trường hợp xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho họ 02 lần. Lần thông báo thứ nhất phải được thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất. Hết thời hạn 01 tháng, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật vi phạm hành chính;

+ Trường hợp không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo 02 lần trên phương tiện thông tin đại chúng của trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ nhất phải được thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất. Hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật vi phạm hành chính.

- Đối với tang vật vi phạm hành chính bị tạm giữ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 125 của Luật xử lý vi phạm hành chính (để bảo đảm thi hành quyết định) khi hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không thi hành quyết định xử phạt thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt, người có thẩm quyền tạm giữ phải chuyển tang vật vi phạm hành chính cho người có thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt để quyết định việc kê biên, bán đấu giá theo quy định của pháp luật để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt.

- Đối với tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm độc hại thì phải tiến hành tiêu hủy theo quy định tại Điều 33 của Luật xử lý vi phạm hành chính. Đối với các chất ma túy và những vật thuộc loại cấm tàng trữ, cấm lưu hành thì tịch thu hoặc tiêu hủy theo quy định.

- Người có tang vật vi phạm hành chính bị tạm giữ chỉ phải trả chi phí lưu kho, phí bến bãi, phí bảo quản tang vật, phương tiện và các khoản chi phí khác trong thời gian tang vật bị tạm giữ theo quy định tại khoản 8 Điều 125 của Luật xử lý vi phạm hành chính. Không thu phí lưu kho, phí bến bãi và phí bảo quản trong thời gian tang vật vi phạm hành chính bị tạm giữ nếu chủ tang vật, phương tiện không có lỗi trong việc vi phạm hành chính hoặc áp dụng biện pháp tịch thu đối với tang vật.