Khoa Luật của Đại học Ngoại thương

YMCONLINE.COM – Khoa Luật được coi là “trẻ” nhất của FTU. Tuy vậy, nó đang không được mọi người đánh giá cao và sinh ra những lầm tưởng, mà cơ bản là 5 lầm tưởng sau:

Ở FTU, học Luật là do “trượt” các chuyên ngành Kinh tế và Kinh tế quốc tế?

Đây có thể là sự hiểu lầm trầm trọng của mọi người khi nói về khoa Luật của FTU. Thực tế, chẳng hề có một số liệu cụ thể nào chứng minh việc các sinh viên khoa Luật rớt xuống do không đủ điểm để vào các ngành Kinh tế thuộc nhóm ngành NTH01. Nhưng chúng ta vẫn tự cho rằng như vậy. Đơn giản là bởi điểm để đỗ vào chuyên ngành Luật thương mại quốc tế (LTMQT) luôn thấp hơn những chuyên ngành cùng nhóm ngành.

Mặc dù vậy, phần lớn sinh viên học chuyên ngành LTMQT, khi được hỏi thì luôn trả lời rằng khoa Luật là sự lựa chọn ưu tiên thứ nhất của họ.

Khoa Luật của Đại học Ngoại thương
Lời nhắn của bạn học sinh ước mong học Luật trong Ngày hội tuyển sinh FTU 2019.

Người ta thường cho rằng học luật là vùi đầu trong một núi sách, học thuộc từ ngày này qua ngày khác? Điều đó chỉ phù hợp với các bạn học khối C? Đây là một quan niệm hoàn toàn sai. Sinh viên khoa Luật ở FTU vốn không phải học thuộc luật, mà học để áp dụng luật là chủ yếu. Từ đó hình thành nên tư duy logic, phản biện cực mạnh. Điều này không chỉ có ích cho sự nghiệp mà còn trong cuộc sống. Với tư duy đó, các bạn luôn dễ dàng sắp xếp các ý kiến mình muốn trình bày một cách logic và có căn cứ để thuyết phục người khác.

Khoa Luật của Đại học Ngoại thương
Các thầy cô khoa Luật trường Đại học Ngoại thương.

Để phát triển tư duy, không ngành luật nào là việc học lại không được chú trọng đi đôi với thực hành. Xét về độ “cân não”, học luật có thể so sánh với việc học Y. Bởi cả hai ngành đều phải đứng trên một “bàn cân” – nơi mà “sai một li đi một dặm”. Chỉ một sai sót nhỏ, sự sống của một con người hoặc một doanh nghiệp, thậm chí cả một nền kinh tế có thể bị đe dọa. Điều này đòi hỏi các em phải nằm lòng kho kiến thức khổng lồ và sử dụng tư duy của mình để áp dụng nhanh nhạy, đúng, trúng và kết hợp những kiến thức được học. Ai nói nghề luật gia là không “ngầu” nào?

Kiến thức luật và tư duy kể trên, là 2 điều vô cùng thiết thực – cần thiết và thực tế, với cuộc sống hiện đại, bất kể trong lĩnh vực gì. Dù các em đi đến đâu hay làm gì, đây cũng sẽ là hành trang tuyệt vời cho em tự tin vững bước trên đường đời. Các em sẽ không dễ dàng bị lừa lọc hay đánh bại khi đã có “cái đầu lạnh” và “trái tim nóng” của một luật gia phải không nào?

Học ngành Luật Thương mại quốc tế thì không toàn diện?

Nhiều người thường đặt câu hỏi: “Học luật thì sao không học bên HLU, mà lại học ở FTU. Như thế có phải phí không?”. Và cho rằng việc học ngành Luật Thương mại quốc tế ở FTU là một thứ nửa mùa, không toàn diện.

Khoa Luật của Đại học Ngoại thương
Khoa Luật – Ngày hội tuyển sinh FTU 2019.

Nhưng khoan, chẳng phải ngẫu nhiên mà Luật lại được xếp chung cùng với các ngành Kinh tế và Kinh tế quốc tế trong nhóm ngành NTH01. Chúng ta vẫn luôn thấy được tầm quan trọng của luật pháp trong cuộc sống, đặc biệt là trong lĩnh vực Kinh tế. Trong một nền Kinh tế với những bộ óc nhanh nhạy, người nắm được luật pháp trong tay mới là người chiến thắng. Vì vậy, được học chuyên sâu về Luật pháp trong Kinh tế, điều đó là toàn diện, hay nửa mùa?

Khoa Luật của Đại học Ngoại thương
Các thầy cô khoa Luật trong Ngày hội tuyển sinh FTU 2019.

Hơn nữa, một giảng viên ở FTU đã từng nói với các sinh viên của mình: “Ngoại thương là ngôi trường có sinh viên giỏi Ngoại ngữ nhất trong các trường Kinh tế, và giỏi Kinh tế nhất trong các trường Ngoại ngữ.”. Chúng ta vẫn luôn tự hào vì là sinh viên Ngoại thương, là những sinh viên có nền tảng Ngoại ngữ tốt. Điều này là một lợi thế không nhỏ cho những sinh viên khoa Luật ở FTU trong những phiên tranh chấp quốc tế.

Học ngành Luật Thương mại quốc tế ở FTU, cơ hội việc làm hạn chế?

Tại ngày hội tư vấn tuyển sinh 2019, PGS.TS Nguyễn Minh Hằng – Trưởng khoa Luật ĐH Ngoại thương đã nói: “Cơ hội việc làm về luật chưa bao giờ rộng mở như hiện nay”. Ngày càng nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn mọc lên, càng đòi hỏi có một bộ phận tư vấn luật vững chắc. Hơn nữa, nhiều vụ việc xảy ra trong thực tiễn cho thấy rằng, rất nhiều vấn đề nảy sinh đều liên quan đến kiến thức pháp luật. Xây dựng một đội ngũ luật gia uy tín cho doanh nghiệp, tập đoàn hay cho một đất nước luôn là việc làm cấp thiết và chưa bao giờ là đủ.

Các cơ hội việc làm cho sinh viên chuyên ngành LTMQT ở FTU rất rộng mở. Sinh viên tốt nghiệp có thể trở thành các cán bộ pháp chế trong các doanh nghiệp, ngân hàng trong và ngoài nước, hoặc trở thành các luật gia, luật sư, các trọng tài viên, các nhà hòa giải chuyên nghiệp trong môi trường thương mại toàn cầu tại các tổ chức quốc tế như WTO, Liên hợp quốc, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Tập đoàn Ngân hàng thế giới (WB) và tại các văn phòng luật sư Việt Nam, nước ngoài và quốc tế. Ngoài ra, các em còn có thể trở thành cán bộ tại các cơ quan Tư pháp của Nhà nước như Tòa án, Viện kiểm sát, cán bộ tại các cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ, Ban, Ngành, Ủy ban Nhân dân các cấp,…), các cơ quan nghiên cứu về lĩnh vực pháp lý. Với những bạn đam mê giảng dạy thì có thể trở thành giảng viên của các cơ sở đào tạo, nghiên cứu viên về luật Thương mại quốc tế.

Học Luật thì ít năng động hơn? 

Chẳng biết từ bao giờ, những sinh viên khoa Luật lại bị gán mác “mọt sách”, bị động và không hoạt bát. Nhưng có vẻ, tất cả những điều đó chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng.

Khoa Luật của Đại học Ngoại thương
Phiên tòa giả định năm 2019 – Khoa Luật FTU.

Khoa Luật của Đại học Ngoại thương
Các bạn sinh viên khoa Luật trong Phiên tòa giả định 2019.

FTU luôn nổi tiếng là một môi trường năng động, nơi mà nhịp sống nhanh bằng nhịp tim. Khoa Luật ở FTU cũng luôn nổi tiếng với chuỗi hoạt động, sự kiện tầm cơ cho sinh viên, mà điển hình là cuộc thi Soul of Law. Ngoài ra còn là những buổi giao lưu và những phiên tòa giả định – đem đến không gian thực nghiệm quý giá cho sinh viên.

Khoa Luật của Đại học Ngoại thương
Chung kết Soul of Law 2019.

Khoa Luật của Đại học Ngoại thương
Cuộc thi Vietnam International Arbitration Pre-Moot 2019 (viết tắt: Vietnam CISG Pre-Moot).

So với Kinh tế – một ngành cơ hội việc làm rộng mở ở nhiều lĩnh vực, thì chuyên ngành Luật Thương mại quốc tế chỉ là một lĩnh vực tập trung nhưng có độ chuyên môn cao. Cơ hội việc làm đi sâu về chuyên môn thậm chí còn rộng mở hơn Kinh tế. Hơn nữa, sinh viên khi ra trường có thể đi làm luôn, không gặp khó khăn bởi việc kiến thức được học xa vời với thực tiễn. Chắc hẳn đến đây, các em đã thấy phần nào yên tâm hơn về quyết định của mình rồi đúng không?

Nguồn ảnh: Fanpage Khoa Luật FTU
Fanpage Soul of Law
Fanpage FTU Times.

Cheese – Lộc Lương