Kinh tế thị trường là sản phẩm của ái

Với vai trò như một hình thức phát triển cao của nền kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường đã tồn tại trước CNTB, trong lòng xã hội tư bản và có thể dự báo một cách khoa học là, cả ở những hình thức xã hội sau TBCN.

Với tư duy Marx - Lênin đổi mới, cần thấy rõ những ưu thế của cơ chế kinh tế thị trường nói chung trong việc phát triển mạnh mẽ các lực lượng sản xuất đi đôi với điều hòa lợi ích chung của chúng thông qua cạnh tranh, từ đó, tạo nên được những sản phẩm ngày một tốt hơn, có chất lượng cao hơn cho xã hội. Cơ chế kinh tế thị trường đã và đang được rất nhiều nước áp dụng theo những định hướng khác nhau, tùy theo mô hình xã hội và điều kiện cụ thể của từng nơi.

Tại từng địa điểm cụ thể, trong những thời điểm cụ thể, nền kinh tế thị trường phải chịu sự chi phối của những hệ tư tưởng, văn hóa, tôn giáo khác nhau. Đã từng tồn tại ở thế kỷ trước cơ chế kinh tế thị trường hoàn toàn tự do cạnh tranh, "khôn sống mống chết". Trong một nền kinh tế như thế, mọi sự trông cậy vào "bàn tay điều tiết vô hình" của chính thị trường: cái gì có nhu cầu lớn thì giá cao, cái gì được chuộng nhiều thì trở nên quý giá, cá lớn được thoải mái nuốt cá bé... Nhưng một nền kinh tế đã huy động được khá dồi dào mọi nguồn lực xã hội như thế lại không có khả năng giúp xã hội trở nên hài hòa và nhân bản hơn, liên tục làm nảy sinh các khủng hoảng và xung đột...

Để tự cứu mình, CNTB hồi đầu thế kỷ XX đã tính tới phương thức kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước, nhằm ít nhiều loại trừ các nguyên nhân gây nên bùng nổ xã hội trong cuộc đua tranh tự do hoang dã. Và phải nói rằng, đây là một bước cách tân khá hữu hiệu của CNTB trong những năm từ những năm 30 tới sau thế chiến thứ hai, vừa giúp cho tư bản độc quyền tồn tại, vừa tạm thời xoa dịu được những bất mãn của người lao động.

Tuy nhiên, với bản chất suy tôn tư bản độc quyền, coi trọng quyền lợi của tư bản cao hơn tất cả, hình thái này vẫn không giúp xã hội TBCN thoát khỏi những mâu thuẫn và xung đột bẩm sinh. Các nhà tư bản trong cơ chế thị trường có điều tiết của nhà nước tư bản cảm thấy mình bị "quá thiệt thòi" vì những đóng góp cho các phúc lợi xã hội.

Trong khi đó, đời sống người lao động vẫn tiếp tục trở nên tồi tệ trong mối quan hệ tương hỗ với các ông chủ, đặc biệt là tại các nước "TBCN hạng hai" nằm ngoài Tây Âu và Bắc Mỹ. Nạn thất nghiệp không bị thủ tiêu mà còn gia tăng ngày một cao hơn. Nền kinh tế vẫn thường xuyên rơi vào khủng hoảng và suy thoái. Hơn nữa, do sự phát triển nhanh, mạnh của nhiều tập đoàn công ty siêu quốc gia, nhất là các tập đoàn tư bản tài chính hiện nay, vai trò điều tiết của từng nhà nước tư sản đối với họ đã bị suy giảm tác dụng... 

Chính vì thế nên vào những năm 80, nữ Thủ tướng Anh quốc lúc đó là Margaret Thatcher đã tung ra chủ trương loại bỏ một nhà nước vì phúc lợi xã hội, tức là đưa nền kinh tế vào quĩ đạo của một chủ nghĩa tự do mới và mang màu sắc bảo thủ của thế kỷ XIX: thị trường nhiều hơn, nhà nước ít can thiệp hơn (Luận điểm này về sau được gọi là chủ nghĩa Thatcher).

Cạnh tranh tự do tuyệt đối lại được coi là điều kiện tối thượng để phát triển kinh tế. Khu vực tư nhân được mở rộng mạnh mẽ (Theo các tác giả cuốn "Các xu thế lớn năm 2000", chỉ trong vòng 8 năm từ 1980 tới 1988, trên 40% khu vực nhà nước Anh được cải tạo thành xí nghiệp tư nhân). Các chi tiêu công cộng bị giảm thiểu. Tư bản lại được ưu đãi đặc biệt. Bất cứ một điều luật nào có chức năng điều hòa quan hệ giữa tư bản và lao động, nhằm bảo đảm cho người lao động một mức sống ít nhiều tương xứng với mồ hôi nước mắt bỏ ra, đều bị những tín đồ của chủ nghĩa Thacher coi như biểu hiện của tư tưởng XHCN và xâm phạm tới nền tự do.

Đây có thể coi như là một sự đầu hàng của nhà nước TBCN trước sức ép mạnh mẽ và không hẳn đã dễ chịu, nếu không muốn nói hơn, của thị trường. Các tay buôn tài chính được thêm cơ hội lũng đoạn. Mặc dù vậy, với chủ trương phát triển bằng mọi giá, chủ nghĩa Thatcher đã thu hút được sự ủng hộ của nhiều chính phủ các nước tư bản và các định chế tài chính quốc tế. Và trái đắng nhỡn tiền là các cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính đã và đang lan tràn ở nhiều nước, gây nên những hậu quả còn chưa lường hết được, cộng vào đó là tình trạng căng thẳng xã hội gia tăng.

Mặc dầu vậy, hiện nay, bóng ma của chủ nghĩa Thatcher vẫn còn ám ảnh cả những chính phủ mang danh thiên tả như nội các Tony Blair (vốn thuộc Công đảng, tức là đảng đối lập với đảng Bảo thủ của Thatcher) ở Anh vì sức hấp dẫn của những chỉ tiêu kinh tế có thể tăng vọt.

Tuy nhiên, không thể tai ngơ mắt lấp trước những hậu quả mà chủ nghĩa Thatcher đã gây nên vì trong xã hội tư bản, không bao giờ sự giàu có của cải của những cá thể lại trùng khít với sự phân phối hợp lý các phúc lợi chung; các học giả kinh tế TBCN đang cố gắng tìm ra một lối thoát nào khác trong nền kinh tế thị trường của mình.

Toa thuốc mới tới nay vẫn chưa được kê xong. Nhưng dù chủ nghĩa tự do mới có được thay thế bằng hình thức gì thì với quan điểm trọng tư bản hơn nhân bản, làm sao có thể đạt được một xã hội phát triển hài hoà trong một nền kinh tế như thế. Tín hiệu báo động hiện đã được không ít bậc trí giả trong lòng CNTB nhận thức rõ ràng: phát triển như thế đồng nghĩa với phản phát triển

Minh Huyền

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (2001), Đảng ta khẳng định: "kinh tế thị trường là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Cơ chế kinh tế thị trường (KTTT) đã và đang được rất nhiều nước áp dụng theo những định hướng khác nhau, tùy theo mô hình xã hội và điều kiện cụ thể của từng nơi. Ở Việt Nam, KTTT được xác định phải theo “định hướng xã hội chủ nghĩa”. 

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (2001), Đảng ta khẳng định: "KTTT là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Tuy nhiên hiện nay, các thế lực thù địch đang tập trung chống phá, tuyên truyền các quan điểm sai trái, phi khoa học nhằm hướng tới mục tiêu làm chệch định hướng xã hội chủ nghĩa của nền KTTT, làm biến đổi dần cơ sở kinh tế - xã hội của chủ nghĩa xã hội ở nước ta; thúc đẩy tự do hóa nền kinh tế theo hướng tư bản chủ nghĩa, làm cho kinh tế Việt Nam lệ thuộc dần vào các trung tâm kinh tế quốc tế; dần dần đặt ra những điều kiện ràng buộc, kể cả gây sức ép chính trị, từng bước can thiệp nội bộ và tạo sự chuyển hóa theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa. Đồng thời mua chuộc, lôi kéo, dẫn tới biến chất về chính trị, suy thoái về đạo đức, lối sống một số cán bộ do rơi vào cạm bẫy kinh tế của các thế lực phản động, thù địch.

Các thế lực thù địch, chống phá Việt Nam cho rằng không thể kết hợp KTTT với định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo họ, KTTT là của chủ nghĩa tư bản cho nên KTTT không thể định hướng xã hội chủ nghĩa được, phải từ bỏ hệ tư tưởng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Nghĩa là họ đã đem đối lập hoàn toàn giữa KTTT với định hướng xã hội chủ nghĩa, phủ định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. 

Một số ý kiến còn cho rằng, không thể có KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa; rằng chủ nghĩa xã hội và KTTT không thể dung hợp với nhau, nếu đem “ghép” định hướng xã hội chủ nghĩa vào KTTT thì chẳng khác nào “trộn dầu vào nước”, tạo ra một “thân hình dị dạng”. Chúng còn đặt ra câu hỏi KTTT với định hướng xã hội chủ nghĩa như “nước với lửa” làm sao có thể kết hợp được với nhau?

Thực tế, KTTT không phải là “con đẻ”, là sản phẩm “thuộc về” CNTB. Lịch sử cho thấy, CNTB không sinh ra kinh tế hàng hóa. Do đó, KTTT với tư cách là kinh tế hàng hóa ở trình độ cao không phải là sản phẩm riêng của CNTB mà là thành tựu phát triển chung của nhân loại. KTTT đã có mầm mống từ trong xã hội nô lệ, hình thành trong xã hội phong kiến và phát triển cao trong CNTB. Hay nói một cách khác, KTTT có lịch sử phát triển lâu dài. 

Trước chủ nghĩa tư bản, KTTT còn ở thời kỳ manh nha, trình độ thấp thì trong chủ nghĩa tư bản nó đạt đến trình độ cao đến mức chi phối toàn bộ cuộc sống của con người trong xã hội đó. Điều đó khiến người ta nghĩ rằng KTTT là sản phẩm riêng của CNTB và cũng là “chiêu bài” để các thế lực thù địch tuyên truyền, chống phá tính “định hướng XHCN” trong KTTT ở Việt Nam hiện nay.

Cần nhận thức khách quan là KTTT sẽ còn tồn tại lâu dài ở nước ta, là sự cần thiết cho công cuộc phát triển kinh tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bởi lẽ, sự tồn tại hay không tồn tại của nó là do những điều kiện kinh tế, xã hội khách quan sinh ra nó quy định; người ta không thể áp đặt ý muốn chủ quan một cách tuỳ tiện cho điều này.

PGS, TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương từng khẳng định rằng, sự lựa chọn mô hình KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam không phải là sự gán ghép chủ quan giữa KTTT và chủ nghĩa xã hội, mà là sự nắm bắt và vận dụng xu thế vận động khách quan của KTTT trong thời đại ngày nay; là sự tiếp thu có chọn lọc thành tựu văn minh nhân loại, nhằm phát huy vai trò tích cực của KTTT trong việc phát triển sức sản xuất, xã hội hóa lao động, cải tiến kỹ thuật - công nghệ, nâng cao đời sống nhân dân… Đồng thời, hạn chế những mặt tiêu cực của KTTT như chạy theo lợi nhuận đơn thuần, cạnh tranh không hoàn hảo, bóc lột và phân hóa giàu nghèo quá đáng….

Thực tiễn cho thấy, tại từng địa điểm cụ thể, trong những thời điểm cụ thể, nền KTTT phải chịu sự chi phối của những hệ tư tưởng, văn hóa, tôn giáo khác nhau, và tất nhiên ở đó luôn có sự thống nhất, và cả những xung đột xoay quanh nó. Vậy nên, để đảm bảo ổn định chính trị, xã hội phát triển vững chắc, đương nhiên phải có “bàn tay” của Nhà nước – bằng những quyết sách và kế hoạch của mình nhằm “định hướng” sự phát triển đó đúng đắn. 

Một bài học nhãn tiền là vào những năm 80, nữ Thủ tướng Anh quốc lúc đó là Margaret Thatcher đã tung ra chủ trương loại bỏ một nhà nước vì phúc lợi xã hội, tức là đưa nền kinh tế vào quĩ đạo của một chủ nghĩa tự do mới và mang màu sắc bảo thủ của thế kỷ XIX: thị trường nhiều hơn, nhà nước ít can thiệp hơn (Luận điểm này về sau được gọi là chủ nghĩa Thatcher). Hậu quả là mô hình này gây ra những tác động nghiêm trọng như tình trạng bất bình đẳng xã hội và tỉ lệ người nghèo tăng, chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục giảm, các thị trường tài chính quốc tế trở nên bất ổn hơn…

Trong khi đó, KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam vẫn hội đủ các yếu tố của KTTT, nhưng nó mang những giá trị hết sức nhân bản, chứa đựng những thuộc tính nhân văn riêng mà không phải quốc gia nào cũng đạt được. Tại Đại hội XII, Đảng ta đã xác định “…đó là nền KTTT hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Như vậy, KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam có các thiết chế để bảo vệ các nhóm yếu thế, tạo điều kiện cho họ vươn lên tiếp cận các cơ hội của thị trường, giúp họ đối phó với các rủi ro nghiệt ngã mà tự họ không có khả năng đối phó. 

Trong bối cảnh cụ thể ở nước ta, các nhóm yếu thế này chính là đông đảo nhân dân lao động, cùng những người bất hạnh, các gia đình bị thiệt thòi do phải hy sinh xương máu và của cải cho sự nghiệp giành độc lập dân tộc, nông dân ít ruộng đất, người nghèo, người lao động có thu nhập thấp... 

Điều này thể hiện khát vọng, nhu cầu chính đáng của nhân dân lao động, đồng thời cũng là ước vọng mà từ lúc sinh thời cho đến khi từ biệt cõi trần, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn đau đáu, mong mỏi, và trọn đời cống hiến cho dân, cho nước…

Những thành tựu phát triển đất nước trong hơn 30 năm qua đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình; bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, bảo vệ môi trường sinh thái, củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả đối ngoại, hội nhập quốc tế… mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa XII về hoàn thiện thể chế KTTT định hướng CNXH xác định đã chứng minh thể chế kinh tế của Việt Nam là đúng đắn, là phù hợp với mục đích của cách mạng Việt Nam.

TS Lê Hoàng Việt Lâm