Nguyên nhân phạm tội là gì

Nhân thân người phạm tội là gì? Ý nghĩa của việc nghiên cứu nhân thân người phạm tội

Khái niệm về nhân thân người phạm tội liên quan mật thiết với khái niệm chung của xã hội học Mác – Lê Nin về nhân thân con người. Theo đó, nhân thân có thể hiểu đó là bản chất xã hội của con người được thể hiện thông qua vị trí của con người trong các quan hệ xã hội. Nhân thân là một phạm trù lịch sử. Đối với với quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê Nin, quan điểm về nhân thân đối với các nhà tư sản là nhân thân tách rời với quá trình phát triển xã hội. Theo đó, nhân thân phải là cá nhân có đặc điểm riêng giữa các cá thể trong xã hội, có khả năng điều khiển được chính con người mình và điều khiển được người khác, có khả năng quyết định tiến trình phát triển của lịch sử.

Nguyên nhân phạm tội là gì

  • Khái niệm nhân thân người phạm tội
  • Đặc điểm của nhân thân người phạm tội
  • Vài trò của yếu tố nhân thân
  • Ý nghĩa nghiên cứu nhân thân người phạm tội

Khái niệm nhân thân con người là khái niệm bao trùm tất cả các đặc điểm sinh học, tâm lý và xã hội của cá nhân. Nhân thân con người là tổng hợp các đặc điểm thuộc 3 nhóm sau:.

– Các đặc điểm sinh học, bao gồm giới tính, tuổi và một số đặc điểm thể chất khác.

– Các đặc điêm tâm lý, bao gồm các đặc điểm tâm lý của cá nhân thuộc về nhân cách. Đó là các thuộc tính tâm lý của một cá nhân biểu hiện ở bản sắc và giá trị xã hội của người ấy, như xu hướng, năng lực, tính cách. Thuộc về xu hướng có thể là các đặc điểm về nhu cầu, thiên hướng, lý tưởng hoặc thế giới quan. Thuộc về năng lực là những đặc điểm về năng lực chung hay năng lực riêng hay những đặc điểm về mức độ biểu hiện năng lực ở tư chất, thiên hướng hay năng khiếu. Thuộc về tính cách là những đặc điểm về hệ thống thái độ của cá nhân đối với xã hội, tập thể, đổi với lao động, đối với mọi người, đối với bản thân và những đặc điểm về hệ thống hành vi, cử chỉ của cá nhân. Thuộc về khí chất có thể là những đặc điểm như khí chất hăng hái, bình thản, nóng nảy hay ưu tư. Khí chất được coi là thuộc tính tâm lý gắn liền với kiểu hoạt động thần kinh tương đối bền vững của cá nhân.

– Các đặc điểm xã hội, bao gồm các đặc điểm phản ánh vị trí vai trò xã hội của cá nhân cũng như các đặc điểm phản ánh quá trình xã hội hoá của cá nhân. Đó là các đặc điểm về gia đình mà cá nhân xuất thân, tình trạng hôn nhân, hoàn cảnh gia đình của cá nhân, đặc điểm về việc làm, nghề nghiệp, địa vị xã hội… Các đặc điểm về quá trình xã hội hoá cá nhân như đặc điểm về giáo dục gia đình, đặc điểm về quá trình học tập trong trường học và trong đào tạo nghề hoặc trong đào tạo khác, đặc điểm về bạn bè cùng trang lứa, đồng nghiệp…

Đối tượng nghiên cứu của tội phạm học là con người phạm tội chứ không phải là con người nói chung. Người phạm tội là người đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà luật hình sự quy định là tội phạm. Thời gian một người bị coi là người có tội được tính từ khi toà án tuyên án cho đến khi xoá án tích. Tội phạm là kết quả của sự tác động qua lại rất phức tạp của nhiều yếu tố trong đó các đặc điểm của nhân thân đóng vai trò quan trọng. Các đặc điểm về nhân thân người phạm tội là kết quả của những điều kiện sống nhất định, của sự giáo dục, của những mối quan hệ và sự ảnh hưởng qua lại giữa môi trường xã hội và người phạm tội.

Đặc điểm của nhân thân người phạm tội

Đặc điểm nhân thân của người phạm tội được tội phạm học nghiên cứu là những đặc điểm mang tính đặc trưng, phổ biến điển hình và có vai trò quan trọng trong cơ chế tâm lý xã hội của hành vi phạm tội. Các đặc điểm nhân thân của người phạm tội được tội phạm học nghiên cứu ở một số khía cạnh cụ thể, như: Đặc điểm sinh học tuổi tác, giới tính, đặc điểm xã hội trình độ học vấn, nơi cư trú, nghề nghiệp, đặc điểm tâm lý phản ánh nhận thức xã hội tiêu cực của người phạm tội, đặc điểm nhân thân mang tính pháp lý hình sự

Nhân thân người phạm tội là những đặc điểm dấu hiệu đặc trưng nhất phản ánh bản chất của người phạm tội, những đặc điểm dấu hiệu này tác động với những tình huống và hoàn cảnh khách quan khác đã tạo ra xử sự phạm tội của người đó. Những đặc điểm đó có thể là tuổi, nghề nghiệp, thái độ làm việc, thái độ trong quan hệ với những người khác, trình độ văn hóa, lối sống, hoàn cảnh gia đình và đời sống kinh tế, thái độ chính trị, ý thức pháp luật, tôn giáo, tiền án, tiền sự…

Vài trò của yếu tố nhân thân

Điều 45 Bộ luật hình sự 2015 đã coi nhân thân người phạm tội là một trong những căn cứ quyết định hình phạt. Ngoài ra, Điều 51 và Điều 52 Bộ luật hình sự 2015 cũng coi những tình tiết thuộc về nhân thân của người phạm tội là những tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Các tình tiết nhân thân giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

  • Phạm tội do lạc hậu;
  • Người phạm tội là phụ nữ có thai;
  • Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;
  • Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
  • Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
  • Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;
  • Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.

Ý nghĩa nghiên cứu nhân thân người phạm tội

Tuy cùng nghiên cứu về nhân thân người phạm tội nhưng mỗi ngành khoa học lại có mục đích, phạm vi và nhiệm vụ nghiên cứu riêng.

Khoa học luật hình sự nghiên cứu người phạm tội với tư cách họ là chủ thể thực hiện tội phạm và là người chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội. Các đặc điểm nhân thân người phạm tội được nghiên cứu ở đây là xuất phát từ nhu cầu xác định và đánh giá hành vi phạm’tội, trách nhiệm hình sự và quyết định biện pháp xử lý hình sự đối với người phạm tội theo luật hình sự. Tâm lý học tư pháp và tâm thần học cũng coi việc nghiên cứu người phạm tội là vấn đề trung tâm nhưng lại phục vụ cho mục đích xác định năng lực trách nhiệm hình sự và xử lý những người phạm tội là người mắc các bệnh về tâm lý, tâm thần. Trong khi đó, tội phạm học nghiên cứu người phạm tội hay nhân thân người phạm tội là vì mục đích xác định nguyên nhân của tội phạm, bao gồm không chỉ các nguyên nhân từ phía người phạm tội mà cả các nguyên nhân từ phía xã hội. Nhân thân người phạm tội với tổng thể các đặc điểm có tác động chi phối hành vi phạm tội và cũng chính là kết quả của sự tác động qua lại giữa người phạm tội và môi trường xã hội của người phạm tội. Nghiên cứu nhân thân người phạm tội trong tội phạm học có thể xác định được những đặc điểm nhân thân nào của người phạm tội có tác động làm tăng nguy cơ phạm tội ở người phạm tội hay còn gọi là đặc điểm tiêu cực hay rủi ro phạm tội. Các đặc điểm này có thể là những đặc điểm từ chính người phạm tội, như các đặc điểm sinh học hay cảc đặc điểm tâm lý tiêu cực thuộc nhân cách hoặc là các đặc điểm xã hội là kết quả hoặc phản ánh sự tác động của các yếu tố tiêu cực từ môi trường xã hội đối với người phạm tội. Như vậy, dựa vào việc nghiên cứu nhân thân người phạm tội trong tội phạm học có thể xác định được những yếu tố rủi ro từ phía người phạm tội và những yếu tố tác động tiêu cực từ môi trường xã hội trong sự tác động qua lại với nhau hình thành nguyên nhân của tội phạm.

Trên cơ sở nghiên cứu nhân thân người phạm tội có thể xây dựng các biện pháp phòng ngừa tội phạm bằng cách tác động làm hạn chế hoặc loại trừ các yếu tố tác động hình thành các đặc điểm nhân thân tiêu cực, mà các biện pháp này chủ yếu là các biện pháp tác động từ môi trường xã hội có tính chất phòng ngừa chung và phòng ngừa nguy cơ phạm tội, vì suy cho cùng hầu hết các đặc điểm nhân thân của con người nói chung và của người phạm tội nói riêng đều chịu sự tác động của môi trường xã hội.

Như vậy Luật Nam Sơn đã giải đáp cho các bạn hiểu việc nghiên cứu nhân thân người phạm tội. Trong trường hợp quý khách có bất kỳ các vấn đề nào gặp khó khăn đừng ngần ngại liên hệ Luật Nam Sơn để được hỗ trợ trực tiếp bởi  Luật sư Hà, Luật sư Trung và các luật sư chuyên môn khác.

Điện thoại: 1900.633.246

Gmail: