Tại sao bác lại sang pháp

Ngày đăng: 05-06-2018 Lượt xem: 39875

Đến giờ này, có người vẫn không hiểu thực ra Nguyễn Tất Thành đi ra nước ngoài để làm gì? Một số kẻ còn tin theo lời của các phần tử xấu cho rằng Nguyễn thực ra đi ra nước ngoài với mong muốn sau này về làm quan cai trị nhân dân. Cũng như có kẻ nói Nguyễn chỉ “tình cờ” tiếp xúc với chủ nghĩa Mác rồi trở thành lãnh tụ của Đảng Cộng sản, chứ từ đầu Nguyễn không có ý định đi tìm đường cứu nước, hoặc chẳng qua vì một sự hiếu kỳ nào đó, rồi ngẫu nhiên đã đặt chân đến gần khắp các châu lục, rồi cũng ngẫu nhiên bị thu hút vào các trào lưu chính trị…

Có một số người lấy chi tiết Nguyễn Tất Thành xin vào học Trường Thuộc địa[1] để nói rằng Nguyễn có ý định học lấy bằng cấp sau này làm việc cho Pháp. Người ta quên mất những luận điểm cơ bản, như bản thân Nguyễn Tất Thành đã từng tham gia khẳng định: “Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”[2]. Để “xem xét” nước Pháp làm thế nào thì phải đến tận nơi tìm hiểu và một trong nơi để có thể tìm hiểu tốt nhất là ở các trường học của Pháp, nhất là trường đào tạo các công chức làm việc ở các xứ thuộc địa[3].

Năm 2009, một số kẻ ở nước ngoài đã tung ra một DVD mang tên Sự thật về Hồ Chí Minh. DVD đưa ra một tài liệu, bức thư của Hồ Chí Minh xin học ở trường thuộc địa và đã bị giám đốc trường này từ chối, để chứng minh rằng mục đích của ông Hồ không phải là xuất ngoại để cứu nước mà để tìm đường mưu sinh. Giải thích về vấn đề này, cố GS. Trần Chung Ngọc, một nhà nghiên cứu tại Mỹ, vốn tham gia chế độ Sài Gòn, đã nhìn nhận: “Thứ nhất, họ không tìm hiểu tại sao giám đốc trường thuộc địa lại từ chối đơn xin học của ông Hồ với lý do rất đáng buồn cười: “Mục đích của ông tới đây là để kiếm sống chứ không phải là để đi học” Ở trên đời này có trường nào bác đơn xin học của một sinh viên với lý do là anh ta không có ý định đi học không? Sở dĩ trường thuộc địa bác đơn xin học của ông Hồ vì trong đơn ông Hồ “đã dại dột” viết rõ là mục đích của ông là có thể dùng nền học vấn để giúp ích cho đồng bào của ông, để cho họ được hưởng những hữu ích của nền học vấn mà ông thu thập được. Những người chống Cộng quê mùa thường bỏ đi đoạn sau trong câu trên và diễn giải là ông Hồ xin học trường thuộc địa để phục vụ cho Pháp. Nhưng một người như ông Hồ, thuộc một gia đình yêu nước chống Pháp, thì “phục vụ cho Pháp” không thể tương hợp với “phục vụ đồng bào”. Đó chỉ là một câu để có thể xin vào học trường thuộc địa. Trường thuộc địa là để đào tạo những tay sai phục vụ cho nước Pháp, chứ không phải để phục vụ cho dân thuộc địa. Giám đốc trường thuộc địa không phải là không biết điều này, nên đã từ chối với một lý do vốn không phải là lý do, vì nó rất vô lý. Những người muốn hạ bệ ông Hồ về một bức thư xin học trường thuộc địa không đủ trí tuệ để thấy sự phản tác dụng khi đưa ra tài liệu này”[4]. Cho nên, sự suy diễn rằng Nguyễn Tất Thành muốn làm việc cho Pháp hoàn toàn sai sự thật không chỉ riêng trong một sự kiện cụ thể mà còn cả chuỗi các sự kiện.

Giáo sư Trần Văn Giàu trong bộ sách Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám lý giải: “Năm 1969, năm Cụ Hồ Chủ tịch từ trần, một vị linh mục Sài Gòn, tiến sĩ Trương Bá Cần, giải đáp thắc mắc trên khi ông viết: “Tất cả cuộc đời của một vĩ nhân, kể cả những biến cố lúc đầu, thường được nhìn qua lăng kính của sự thành công. Tuy nhiên, chúng ta có thể tin rằng chuyến đi tìm sinh kế. Hai mươi tuổi đầu, rời bỏ quê hương, mang trong lòng một tâm sự của một kẻ mất nước, thấy bất lực trên quê hương, thấy không tin ở một sự viện trợ của các nước Á châu, Nguyễn Tất Thành ra đi có thể vì thất vọng, có thể vì muốn tìm một giải pháp cho quê hương, điều chắc chắn là trong đầu óc người trai biệt xứ, luôn luôn có một sự tìm kiếm. Đi tới đâu cũng nhận xét, cũng ghi chép, cũng tìm bạn, cũng gây ý thức… Đến Paris năm 1917, Nguyễn Tất Thành tìm cách liên lạc với Việt kiều và tiếp xúc với các đảng phái chính trị. Cùng với luật sư Phan Văn Trường, Nguyễn Tất Thành [từ đây mang tên Nguyễn Ái Quốc] đã làm kiến nghị 8 điểm gửi lên các cường quốc họp tại điện Versailles, đòi quyền lợi căn bản cho người Việt Nam. Một người tha phương cầu thực chắc không thể sớm có những ý thức và hành động như thế”.

Linh mục Trương Bá Cần kết luận; đúng là:

“Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm một giải pháp cho quê hương”.

Đồng ý với lập luận của ông linh mục, nhà báo, nhà sử học. Năm 1911, Nguyễn ra đi với mục đích tìm đường cứu nước”[5].

Rõ ràng, khi Nguyễn Tất Thành đã nhìn thấy cách cụ Phan Chu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương chẳng khác nào xin giặc rủ lòng thương; cách cụ Phan Bội Châu hi vọng Nhật giúp đỡ để đánh đuổi Pháp chẳng khác nào đuổi hổ cửa trước rước báo cửa sau; cách cụ Hoàng Hoa Thám trực tiếp đấu tranh chống Pháp thì còn nặng cốt cách phong kiến, thì Nguyễn phải tìm con đường khác. “Ngày nay, suy nghĩ như Bác, như Nguyễn Tất Thành ngày ấy, chúng tôi gọi là “suy nghĩ khác”. Dám tìm một con đường khác cho riêng mình, khác biệt với những gì đã có, là một yếu tố quan trọng quyết định thành công. Hai mươi mốt tuổi, với lòng nhiệt thành của tuổi trẻ, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã tìm đường ra nước ngoài để tìm hiểu cách xây dựng đất nước của người, để tìm con đường giúp nước mình. Suy nghĩ tưởng chừng như đơn giản ấy chứa đựng một lòng quyết tâm mạnh mẽ, dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân. Khi người bạn còn tần ngần hỏi “tiền đâu mà chúng ta đi?” thì người thanh niên ấy, bằng một sự tự tin cao độ, đã trả lời: tiền chính từ bàn tay chúng ta. Chúng ta sẽ làm việc, sẽ nuôi sống bản thân bằng chính sức lao động của mình, sẽ tìm hiểu cuộc sống chính tại nước Pháp để đánh Pháp. Nếu như Nguyễn Tất Thành là người an phận thủ thường, khư khư nghĩ đến lợi ích nhỏ của bản thân mình thì đã không thể làm những việc mà anh đã làm. Và kết quả thì như chúng ta đã biết, 30 năm sau cuộc ra đi, Người về nước và lãnh đạo dân tộc Việt Nam làm nên Cách mạng tháng Tám vĩ đại, mang lại dân chủ tự do thật sự cho Tổ quốc Việt Nam”[6].

Có tâm thế của một người ra đi tìm con đường cứu nước, có suy nghĩ khác đó mới dần dần thúc đẩy Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc đến với Đảng Xã hội, rồi Đảng Cộng sản Pháp, cũng như tìm thấy lối đi thực sự phù hợp cho cách mạng Việt Nam ở Dự thảo Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin…

Nhưng đó là chuyện sau này. Còn trong thời gian làm phụ bếp trên tàu, anh Văn Ba, tên mới của Nguyễn Tất Thành, hàng ngày phải làm các công việc như lấy than, quạt bếp, mang rau, khoai tây, thịt cá… từ kho lên bếp… Có những việc ban đầu gần như ngoài sức tưởng tượng của anh là phải rửa sạch những chiếc nồi đồng to, nặng không thể nhấc lên được hay những việc khác mà anh chưa từng làm. Là một cu li sai vặt, anh luôn tất bật, lại thường xuyên đi giữa căn bếp nóng nực và phòng kho lạnh buốt, hoặc khuân vác đồ nặng trên con tàu chòng chành, hay đi lên xuống những bậc thang chật hẹp giữa các tầng của tàu… Anh luôn làm việc với tinh thần hăng hái, chăm chỉ nên các thủy thủ và đầu bếp đã bắt đầu nể phục anh vì họ nhìn thấy ở anh không chỉ hoàn thành công việc hết sức nặng nề mà người thanh niên ấy là một người thông minh, hiếu học. Mặc dù đã mệt lả sau một ngày làm việc nhưng anh vẫn không chịu đi ngủ mà còn thức rất khuya để đọc sách hoặc viết lách. Một số người thủy thủ và phụ bếp mù chữ đã nhanh chóng kết thân với anh để được anh viết hộ những bức thư gửi cho người thân và gia đình… Nếu ở tâm thế của một kẻ đi kiếm sống hay một kẻ mượn hành trình để sang được châu Âu thì liệu Văn Ba có nỗ lực như vậy không? Chính sự hòa mình đó, giúp anh có những hiểu biết đầu tiên hết sức quan trọng về người Pháp: có những người Pháp tốt bụng, có những người Pháp bị áp bức, chứ không phải chỉ có những người Pháp đè đầu cưỡi cổ người khác như anh thấy ở Việt Nam.

Vì sao Nguyễn Tất Thành sang Pháp cũng là một câu hỏi không khó trả lời, nhưng nhiều người vẫn cố tình lờ đi sự thật. “Với một sự mẫn cảm đặc biệt, Nguyễn Tất Thành không đi sang nước Nhật, không đi Trung Quốc… mà Người sang các nước Tây Âu, sang nước Pháp, đến tận nơi nước đang cai trị mình, đến tận châu Âu, nơi đang có sự phát triển vượt bậc về kinh tế, về văn hóa, về chính trị để tìm hiểu những truyền thống tự do, bình đẳng, bác ái và nền văn minh của chính quốc và tìm hiểu nơi đã sinh ra mọi chế độ thực dân thối nát và cực kỳ tàn bạo như chính Người đã thấy trên đất nước mình”[7]. Bởi chính người Pháp đang cai trị nước ta, muốn đánh đuổi được họ thì phải tìm hiểu về họ, chứ chẳng phải Nguyễn sang Pháp để cầu cạnh họ phục vụ riêng cho mục đích của mình.

Nhưng không chỉ có Pháp. Bởi từ Pháp, Nguyễn Tất Thành đã hiểu thêm nhiều dân tộc khác, đất nước khác. “Trong vòng mười năm, từ năm 1911 đến năm 1920, Người đã tận dụng mọi cơ hội để được đến nhiều nơi trên thế giới. Bàn chân của Người đã từng in dấu trên nhiều nước thuộc các đại lục Âu, Á, Phi, Mỹ. Đặc biệt Người đã dừng chân khảo sát khá lâu ở 3 nước đế quốc lớn nhất thời đó là Mỹ, Anh và Pháp. Trên suốt chặng đường bôn ba, cuộc sống đầy gian khổ không làm Người chùn bước, trái lại, càng tôi luyện, hun đúc lòng yêu nước nồng nàn với mục tiêu giải phóng dân tộc kiên định. Với những chuyến đi, Người tranh thủ mọi thời cơ để học hỏi, nghiên cứu các học thuyết cách mạng, hòa mình vào thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản và thuộc địa; Người đã bổ sung được cho mình những kiến thức vô cùng phong phú với một tầm nhìn hết sức rộng lớn và bao quát. Từ đó, Người đã rút ra kết luận là chủ nghĩa đế quốc, thực dân là cội nguồn của mọi đau khổ cho giai cấp công nhân và nhân dân ở các nước chính quốc cũng như thuộc địa”[8].

Như vậy có thể thấy, Nguyễn Tất Thành ra đi đã xác định mục đích là tìm con đường giải pháp dân tộc, có mục tiêu là đến nước Pháp và các nước phương Tây, có tâm thế rõ ràng và nhất quán chứ không phải đi ra nước ngoài vì một mục đích khác hoặc chỉ tình cờ tiếp cận với hoạt động chính trị. Đó là sự thật không ai có thể phủ nhận!

Trúc Giang

 

[1] Ngày 15-9-1911, tại Marseille, Nguyễn Tất Thành đã gửi thư đến Tổng thống Pháp và Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp để xin vào học Trường Thuộc địa. Theo Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tập 1. tr.43-44. Theo một số tài liệu, trong thư này có những câu như: “Tôi xin hân hạnh yêu cầu Ngài giúp đỡ cho tôi được vào học nội trú tại Trường Thuộc địa”; “Tôi muốn trở nên có ích cho nước Pháp trong quan hệ với đồng bào tôi và đồng thời mong muốn đồng bào tôi thu lợi được từ học hành”...

[2] Trình Quang Phú, Từ Sài Gòn, Bác ra đi tìm đường cứu nước, Báo Sài Gòn Giải phóng, ngày 15-5-2011.

[3] Trường Thuộc địa [École Coloniale] được thành lập năm 1885 tại Paris với mục đích đào tạo những công chức để gửi sang các nước thuộc địa làm việc. Học viên chủ yếu là người Pháp, rất ít người của các nước thuộc địa, trừ một số do chính quyền ở thuộc địa gửi sang. Chú thích của Bảo tàng Hồ Chí Minh, tại địa chỉ //www.baotanghochiminh.vn/TabId/495/ArticleId/290/PreTabId/465/Default.aspx

[4] Trần Chung Ngọc, Nhận định về DVD “Sự thật về Hồ Chí Minh” của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ & Trần Quốc Bảo, //sachhiem.net/TCN/TCNls/TCNls10.php.

[5] Bộ Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám, tập III mang tên Thành công của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1993, tr.20.

[6] Giang Tùng, Nguyễn Tất Thành, người thanh niên “nghĩ khác”, Báo Tuổi trẻ, ngày 14-6-2007.

[8] Huyền Trang, tài liệu đã dẫn.

Video liên quan

Chủ Đề