Thị trường chứng khoán năm 2008

Thị trường chứng khoán năm 2008

Nhà đầu tư hồi hộp theo dõi bảng giao dịch chứng khoán những năm đầu - Ảnh: T.T.D.

...Những con "sóng dữ" ập đến, cuốn trôi tiền bạc, để lại bài học vỡ lòng cho các nhà đầu tư "non trẻ".

Sáng dậy, thấy mình giàu sang

Gom hết tiền dành dụm được 17 triệu đồng nhờ bán từng dĩa cơm giá 3.000 đồng, cuối năm 2004 chàng sinh viên Đại học Xây dựng Huỳnh Minh Tuấn đổ vào sàn chứng khoán.

"Tôi có ý định đầu tư, nhưng 17 triệu không mua được bao nhiêu vàng, bất động sản với sinh viên lại càng không có cửa, nên qua Đại học Kinh tế TP.HCM gia nhập câu lạc bộ chứng khoán sinh viên" - Tuấn chia sẻ cơ duyên thành nhà đầu tư chứng khoán.

Nhập cuộc, công việc của Tuấn mỗi ngày là dò la tin tức, tới quán cà phê chứng khoán trên đường Võ Văn Tần gặp "đồng đạo", bàn mã này sắp lên sàn, mã kia rục rịch cổ phần hóa.

Rồi cậu sinh viên hóng tin đồn giới "đánh chứng" liên lạc kế toán trưởng các doanh nghiệp sắp cổ phần hóa nhờ gom cổ phiếu, mỗi cổ phiếu thêm chênh lệch từ 5.000 đồng.

Ngoài ra, Tuấn đều đặn lên sàn ghi phiếu tay nhờ đặt lệnh gom hàng ngon. Bấy giờ, mỗi công ty chứng khoán thường cử 2-3 người ngồi trong Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM - HOSTC (nay là Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM - HOSE)... để gọi lệnh của ai, số tài khoản, mã chứng khoán, số lượng đặt mua và nhập theo thứ tự đưa vào.

Để lệnh đi nhanh, nhiều người nghĩ cách "lót tay". Chẳng hạn, muốn mua nhanh 5.000 cổ phiếu giá 170.000 đồng, nhà đầu tư sẽ kẹp dưới giấy lệnh 2 tờ 500.000 đồng, tổng cộng 851 triệu đồng. "Phải "lót bi" vì cầu vượt quá cung, cứ mua là thắng" - Tuấn kể.

Đến năm 2006, thị trường chứng khoán (TTCK) phát triển sôi động khi VN chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), luật chứng khoán được thông qua. Tổng thống Mỹ George W. Bush đến thăm, đích thân đánh cồng mở cửa phiên giao dịch ở HOSTC kích thích sức mua mạnh mẽ.

Đó là những ngày người ta mở mắt dậy đã thấy tiền chảy về túi. Từ người già, bà nội trợ đến sinh viên, giáo viên... cũng xông xáo gia nhập thị trường.

Riêng Tuấn chớp nhanh được nhiều mánh như mua 2.000 cổ phiếu S. giá 65.000 đồng, tăng trần liên tục, chỉ hơn một tháng chốt lời 200 triệu đồng gọn ghẽ.

Nhớ lần lời đậm nhờ "buôn" cổ phiếu OTC (doanh nghiệp chưa niêm yết trên sàn, không có biên độ). Tuấn nhớ vừa có tin phao cổ phần hóa doanh nghiệp F., anh mua ngay OTC giá 70.000 đồng, qua hôm sau tăng 120.000 đồng, lãi hơn 71%. Chưa kể, có cổ phiếu giá mua vài chục, tăng đỉnh gần 500.000 đồng, tiền lời tính bằng lần.

Trong năm này, cuộc đua niêm yết diễn ra gay gắt, có tới 74 mã niêm yết mới. Chốt năm, VN-Index tăng 144% lên hơn 751 điểm, tổng giá trị giao dịch hơn 86.829 tỉ đồng. "Ra Tết 2007, tôi như tỉ phú. Đám bạn mới ra trường 2 năm lương khởi điểm khoảng 1 triệu 7 về khoe ầm, đâu biết tôi có cả tỉ mấy trong tay" - Tuấn cười nói.

Tiền chảy ào ạt vào túi. Sau mỗi phiên, nhà đầu tư thắng lớn vỗ tay, cười nói rộn rã. Tuấn nhớ rõ: "Ngày đó thân lắm, vui lắm, ai cũng biết nhau, rủ nhau đi nhậu. Có người khởi nghiệp mấy tỉ bạc mà kiếm hơn 200 tỉ".

Thị trường chứng khoán năm 2008

Và vui mừng khi cổ phiếu của mình tăng giá - Ảnh: T.T.D.

Sóng lớn đánh "tan nát" giới đầu tư

Năm 2007, một số tổ chức tín dụng lớn của Mỹ nộp đơn phá sản. Người dân lo sợ, chen lấn rút tiền, ngân hàng "đói" tín dụng. Cuộc rối loạn rộng ra nhiều nước phát triển khác.

2008 trở thành năm đầy sóng gió của thị trường chứng khoán, Ngân hàng Đầu tư Lehman Brother - tổ chức tài chính và lâu đời bậc nhất nước Mỹ - tuyên bố phá sản, "châm mồi" cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Cuối năm chỉ số VN-Index giảm hơn 605 điểm (-65%) so với phiên đầu năm, xuống chỉ còn hơn 315. Tỉ lệ lạm phát VN tăng kỷ lục trong 20 năm.

"Cổ phiếu rớt giá sàn, bắt đầu cảm giác sợ hãi cuộc đại khủng hoảng, tâm lý bầy đàn ai cũng bán nhưng không có người mua, mất thanh khoản, hầu hết không thoát được ra khỏi thị trường, lỗ 70-80% vốn là bình thường" - Tuấn kể thêm sự tháo chạy trên TTCK, nhiều mã rớt xuống giá 3.000-5.000 đồng, cổ phiếu "trà đá" ngập sàn.

Có trường hợp nhà đầu tư H. nắm khoảng 2 triệu cổ phiếu D. từ 60.000 đồng rớt xuống 7.000 đồng, lỗ 106 tỉ đồng.

Bản thân Tuấn nhờ trước đó lên mạng đọc nhiều về dấu hiệu cuộc đại khủng hoảng kinh tế 1929-1933 của Mỹ nên cắt lỗ được, nhưng vẫn mất rất nhiều tiền. Căng thẳng, bên cạnh những giọt nước mắt, có người còn ngất xỉu ngay tại sàn giao dịch.

Mất hết nhà cửa, có nhà đầu tư còn tìm đến cái chết. Đầu năm 2009, báo chí đưa tin nhà đầu tư N. (Hà Nội) đã tự tử để thoát khỏi món nợ với em trai vì "cháy" sạch 130.000 USD, tương đương 2,3 tỉ đồng khi đốt vào chứng khoán.

Tháng 2-2009, VN-Index chỉ xấp xỉ 236 điểm, thấp nhất trong bốn năm. Trước bối cảnh khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế toàn cầu, Chính phủ Việt Nam tung gói cứu trợ, kích cầu kinh tế, phần nào "xoa dịu" thị trường, VN-Index ngoi lên trên 494 điểm.

Kỷ lục mới thiết lập khi có hơn 432.000 tỉ đồng được giao dịch, tăng 226% so với năm trước. Bình quân mỗi ngày giao dịch có 44 triệu chứng khoán được sang tay.

Nhiều nhà đầu tư đã gỡ gạc, trả được nợ, thậm chí có lời trong năm "đổi vận" này. Tuy nhiên, lượng nhà đầu tư đã rời cuộc chơi khá cao, để hút khách, có công ty chứng khoán còn trả hoa hồng 70-80%/phí giao dịch cho môi giới. Chẳng hạn giới thiệu được khách hàng có tổng giao dịch 100 triệu đồng, môi giới nhận 80 triệu đồng hoa hồng.

Nhìn lại quãng đường 20 năm TTCK trải qua không ít sóng gió, thời nay môi giới được đào tạo bài bản hơn, khoản hoa hồng không chót vót nữa. Thay vì "ngây dại" sái cổ tin lời đồn, lớp nhà đầu tư mới đã chăm đọc sách, tham gia khóa học, đọc hiểu báo cáo tài chính, cập nhật tin tức... Hệ thống giao dịch online giúp nhà đầu tư thoải mái lấy điện thoại, máy tính cá nhân ra đặt lệnh ở bất kỳ đâu, không còn vào sàn chen lấn, bảng giao dịch điện tử trưng bày tại các sở giờ để cho "đẹp" đội hình.

Đam mê chứng khoán, hoàn thành văn bằng hai Đại học Kinh tế, nếm trải cả thất bại lẫn thành công, tin tưởng cơ hội còn rộng mở, Tuấn - chàng sinh viên năm nào giờ đã trở thành giám đốc môi giới hội sở của một công ty chứng khoán có vốn điều lệ hơn 5.000 tỉ đồng.

Nhiều nhà đầu tư khác đã lấy lại được nụ cười khi trả xong nợ, yên bề tiếp tục bám nghề bán bánh canh, bán ốc, dạy học, làm việc văn phòng...

Thị trường chứng khoán vượt sóng dữ

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) nhận định đến năm 2015 TTCK VN phát triển ổn định và được xem là điểm sáng thu hút dòng vốn gián tiếp so với các nước trong khu vực.

Năm 2018, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bắt đầu từ các chính sách thuế quan. Ngày 9-4-2018, VN-Index lập đỉnh lịch sử hơn 1.204 điểm, vượt đỉnh 11 năm trước. HOSE có phiên giao dịch tỉ USD, lập kỷ lục thanh khoản.

Chứng khoán VN trong năm 2019 đạt mức tăng điểm cao nhất khu vực Đông Nam Á. Kết thúc phiên cuối năm, VN-Index đạt 960,99, cao hơn các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia.

Dân chơi chứng khoán thời nay không chỉ chăm đọc sách, phân tích báo cáo tài chính, mà còn bỏ tiền tầm sư học đạo. Tuy nhiên, trường học chứng khoán khác trường đời.

Kỳ tới: Học phí bạc tỉ của dân chơichứng khoán

BÔNG MAI

Một trong những dữ liệu đáng lo ngại về sự sụp đổ năm 2007 chính là giá bất động sản giảm xuống gần như đồng thời với sự giảm sút của thị trường chứng khoán. Trên thực tế, đây cũng là điểm khác biệt của sự sụp đổ năm 2007 so với năm 2001 trước đó.

Thị trường chứng khoán năm 2008

Và theo dữ liệu về giá bất động sản được nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Mỹ Robert J. Shiller thu thập, giá danh nghĩa của bất động sản năm 2008 sụt giảm cao hơn rất nhiều so với mức 10,5% của năm 1932 - vốn là mốc giảm tệ nhất của bất động sản trong thời kỳ Đại suy thoái.

Sự sụp đổ diễn ra từ tháng 3 tới tháng 11/2001 xuất hiện rất ngắn sau sự kiện giá cổ phiếu tăng cao một cách kỷ lục năm 1999, vốn được biết đến dưới cái tên "bong bóng dot com".

Bong bóng này được tạo nên do sự xuất hiện của rất nhiều công ty, chủ yếu là hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, vốn có rất ít hoặc không có chút doanh thu nào vào thời điểm đó, nhưng lại được kỳ vọng sẽ kiếm được rất nhiều tiền trong tương lai. Vào năm 1999, bong bóng dot com vỡ, và giá trị cổ phiếu trên thị trường bắt đầu lao đốc.

Mặc dù vậy, sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 2000 có nhiều điểm khác biệt so với sự sụp đổ năm 2008, khi mà vào năm 2000, các nhà đầu tư đã chuyển hướng từ thị trường chứng khoán sang thị trường nhà đất.

Vào thời đó, lúc thị trường chứng khoán đang giảm điểm nhanh chóng, cũng là lúc thị trường nhà đất đang đi lên. Do đó, mặc dù các hộ gia đình tại Hoa Kỳ mất nhiều tiền trên thị trường chứng khoán, họ cũng kiếm được nhiều tiền từ nhà đất. Có thể cho rằng, chính sự đi lên của thị trường nhà đất đã giúp giữ vững mức độ tiêu dùng của người dân.

Vậy cuối cùng, cuộc khủng hoảng năm 2008 gần giống với năm 1929 hay năm 1987 hơn? Thực tế là nó giống cả hai.

Trong trường hợp năm 1987, FED đã hành động và mang lại tính thanh khoản cho thị trường. Nhưng vào tháng 7/2009 thì thị trường không có khả năng bình tĩnh như vậy. Thường thì trong các thời kỳ hậu chiến, giá nhà sẽ tăng lên và nhà đất được xem là một kênh đầu tư an toàn.

Sự đi lên mạnh mẽ của thị trường nhà đất dẫn tới chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp được ra đời. Về bản chất, đây là một loại tài sản có cả tiền gốc và tiền lãi được sinh ra từ việc thế chấp các tài sản khác. Thị trường này chưa hề tồn tại vào năm 1970, nhưng nhanh chóng phát triển lên tới quy mô 7.500 tỷ USD vào cuối năm 2007.

Trong số tiền đó, có tới 6.000 tỷ USD được nắm giữ và vận hành bán tự động bởi hai tổ chức Ginnie Mae và Freddie Mac, được đảm bảo hoàn toàn bởi Chính phủ Hoa Kỳ. Chính phần còn lại của thị trường không được đảm bảo bởi Chính phủ Hoa Kỳ là nguyên nhân gây nên cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Khi giá nhà tại Hoa Kỳ bắt đầu giảm xuống năm 2007, lãi suất của loại chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp này hoá ra cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ mọi người dự đoán, và các tổ chức tài chính trên khắp thể giới đột nhiên khám phá ra họ đang nắm giữ các tài sản có giá trị thực có thể thấp hơn rất nhiều so với trên giấy tờ.

Nhưng giá trị thực của chúng là bao nhiêu?

Các nhà đầu tư tại Hoa Kỳ bắt đầu đặt ra câu hỏi này, và nó tiếp tục lan ra các nhà đầu tư khác trên toàn thế giới đầu năm 2009. Hoá ra, khắp nơi trên thế giới, công xưởng, máy móc, nhà đất đều được định giá dựa trên việc nhà đầu tư sẵn sàng trả bao nhiêu cho chúng. Nếu các tài sản đó được định giá thấp hơn giá trị thực, thì lãi suất thế chấp sẽ rất cao, và việc các tài sản sụt giảm giá trị nghiêm trọng sẽ trở thành hiện thực.

Khi sự thịnh vượng đi xuống, nhu cầu tiêu dùng sẽ giảm và công nhân khắp nơi trên thế giới sẽ bị mất việc làm. Nhà kinh tế học Roger Edward Alfred Farmer nhận định, sẽ là một sai lầm nghiêm trọng nếu tin rằng kiểu xảy ra khủng hoảng này sẽ không lặp lại một lần nữa.

"Cũng sẽ là một sai lầm nghiêm trọng không kém nếu tin rằng cuộc khủng hoảng này xảy ra là do các quy luật thị trường, nằm ngoài khả năng kiểm soát của chúng ta và không thể tránh khỏi", ông kết luận.