Vì sao khó khăn và nghịch cảnh trong cuộc đời lại là một món quà vô giá

"Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố" - câu nói nổi tiếng của nữ anh hùng Đặng Thùy Trâm đã khẳng định bản lĩnh cần có của mỗi một con người trong cuộc sống, bởi thông qua việc vượt qua những khó khăn, chông gai, chúng ta sẽ khẳng định được ý nghĩa, giá trị tồn tại của bản thân. Bàn về vấn đề này, có ý kiến cho rằng: "Nghịch cảnh không chỉ là một phép thử của tình cảm mà còn là thước đo của trí tuệ và bản lĩnh".

"Nghịch cảnh" là những khó khăn, thử thách và là điều không may mắn, không suôn sẻ trong cuộc sống của mỗi một con người. Đó là những trắc trở, rủi ro mà chúng ta không hề mong muốn như: Xung đột, chiến tranh, bệnh tật,... Mặc dù đó là những điều mà con người hi vọng không xảy ra nhưng không thể phủ nhận rằng khi trải qua nghịch cảnh, chúng ta sẽ có thêm những bài học kinh nghiệm quý giá. Câu nói "Nghịch cảnh không chỉ là một phép thử của tình cảm mà còn là thước đo của trí tuệ và bản lĩnh" đã hướng đến khẳng định ý nghĩa, vai trò của nghịch cảnh đối với con người: Thông qua cách ứng xử và đối diện với nghịch cảnh, con người sẽ thấy được tình cảm, cảm xúc của bản thân; đồng thời thấu hiểu thêm về năng lực và trí tuệ của chính mình.

Như chúng ta đã biết, cuộc sống là bức tranh muôn sắc màu vô cùng phong phú. Sự đa dạng đó được tạo nên từ rất nhiều yếu tố như niềm vui và nỗi buồn, hi vọng và tuyệt vọng, may mắn và thất bại,.... Trong vô vàn những yếu tố đó, nghịch cảnh cũng xuất hiện như một quy luật tất yếu mà con người không thể né tránh. Nghịch cảnh được xem "là một phép thử của tình cảm" bởi thông qua những gian nan, chông gai, chúng ta có thể thấy được tình cảm , tâm hồn của chính bản thân mình và những người xung quanh. Cũng giống như "vàng thử lửa, gian nan thử sức", việc vượt qua nghịch cảnh sẽ khẳng định sự mạnh mẽ trong thế giới tâm hồn con người.

Không chỉ dừng lại ở đó, nghịch cảnh "còn là thước đo của trí tuệ và bản lĩnh". Trước những biến cố, sóng gió cuộc đời, một con người có trí tuệ, hiểu biết sẽ giữ được sự bình tĩnh, tìm ra giải pháp và cách khắc phục, xử lý một cách khéo léo, thông minh thay vì sự rối loạn trong việc đối mặt. Điều này còn chứng tỏ bản lĩnh của con người. Những gian nan mà chúng ta đã vượt qua sẽ thể hiện sự mạnh mẽ, lòng dũng cảm, can đảm cũng như nghị lực sống kiên cường, bất khuất.

Thực tế cuộc sống đã chứng minh, có rất nhiều mảnh đời bất hạnh sinh ra trong chiếc vỏ bọc của nghịch cảnh như mồ côi hoặc sinh ra với hình hài không toàn vẹn, nhưng với ý chí và nghị lực phi thường, họ vẫn vươn lên và khẳng định ý nghĩa tồn tại của bản thân. Đó là thầy giáo Nguyễn Ngọc Kí bị liệt hai tay nhưng vẫn kiên trì tập viết bằng hai chân, đó là Nick Vujicic khi sinh ra thiếu hai tay, hai chân - những bộ phận cần thiết để thực hiện những hoạt động cơ bản trong đời sống sinh hoạt nhưng anh vẫn mạnh mẽ vươn lên, nỗ lực học tập để tốt nghiệp đại học và trở thành một diễn giả nổi tiếng, tạo nên động lực và truyền cảm hứng cho rất nhiều người,.... Những tấm gương đó đã khẳng định rõ nghịch cảnh "còn là thước đo của trí tuệ và bản lĩnh", giống như Fanco Molinari từng nói: "Nghịch cảnh không phải là một tảng đá cản lối bước chân bạn. Hãy xem đó như một thềm đá nâng bạn bước cao hơn".

Tuy nhiên, trong cuộc sống của chúng ta, vẫn còn tồn tại không ít người run sợ, e ngại và chùn bước, dẫn đến việc dễ dàng đầu hàng và buông xuôi trước nghịch cảnh. Họ hèn nhát trước những chông gai, khó khăn, những bất trắc của cuộc sống và không dám mạnh mẽ vươn lên và vượt thoát.. Đó chính là những con người không dám bứt phá những giới hạn của bản thân để khẳng định và vượt lên chính mình.

Như vậy, trong cuộc sống, để khẳng định giá trị, ý nghĩa tồn tại của bản thân, chúng ta cần kiên cường trước những nghịch cảnh. Đồng thời, không ngừng làm đầy khoảng trống tâm hồn, tình cảm và rèn luyện trí tuệ sáng suốt, bản lĩnh kiên cường để có thể bình tĩnh, mạnh mẽ bước qua những khó khăn để bước chân tới mảnh đất của thành công.

Câu danh ngôn "Nghịch cảnh không chỉ là một phép thử của tình cảm mà còn là thước đo của trí tuệ và bản lĩnh" không chỉ khẳng định ý nghĩa của những khó khăn, trắc trở mà còn để lại bài học giáo dục có ý nghĩa sâu sắc, nhắc nhở con người cần mạnh mẽ khắc phục những gian nan, chông gai trên chặng đường đời.

Nghị luận về "Nghịch cảnh không chỉ là phép thử của tình cảm" số 2

Nghị luận về "Nghịch cảnh không chỉ là phép thử của tình cảm" số 2

    Sống trong đời, mỗi người có một hoàn cảnh. Tuy nhiên, chẳng mấy ai may mắn được hoàn cảnh trải cho tấm nhung để đi đến thành công. Hoàn cảnh luôn tác động lớn đến mỗi người. Nếu ai đó sinh ra chẳng may gặp điều rủi ro, bất hạnh họ thường so bì với kẻ khác và cảm thấy bất công. Khi gặp thất  bại, họ gục ngã và đổ tội cho số phận. Thật ra, chỉ có nghị lực của mỗi người mới  là nhân tố cốt lõi quyết định người đó có thành công hay không ...

   Nghị lực là một năng lực tinh thần. Nghị lực tác động đến suy nghĩ cách làm việc của mỗi người. Thành công là kết quả làm việc. Kết quả đó có được là nhờ dùng phương tiện lương thiện để đạt mục đính. Trong cuộc sống, ai cũng phải có mục đích của riêng mình, dù lớn nhỏ miễn sao không ti tiện. Để đạt được mục đích, con nguời phải có nghi lực để thực hiện chứ không thể trông chờ vào may mắn, hay phụ thuộc vào hoàn cảnh.

   Hiển nhiên ta thừa nhận có những kẻ thành công dựa vào hoàn cảnh may mắn. Đó là những kẻ từ khi sinh ra đã được cha me chăm lo đầy đủ, có sự giáo dục hoàn hảo. Họ được tạo mọi điều kiện để học hành, rèn luyện nên có tri thức, sức khỏe cần thiết. Lớn lên học có thể đỗ vào các trường đại học rồi ra trường được cha mẹ cho vốn để làm ăn, mở công ty, xưởng sản xuất,.... từ đó mà phát triển và làm ra của cải giàu có. Những người thành công như vậy vẻ vang gì đâu? Bất kì ai nằm trong hoàn cảnh đó mà chẳng thành công được.

    Chỉ có những người từ nghịch cảnh vươn lên để tạo dựng sự nghiệp mới thật là đáng nể. Cuộc đời vẫn thường chất chứa bao nhiêu sóng gió, nhiều người gặp những hoàn cảnh rủi ro, đầy gian truân, trở ngại. Thế những họ vẫn vươn lên và đạt những thành công rực rỡ, có những người được cả thế giới biết đến. Macxim Goroki là một ví dụ. Tuổi thơ ông cũng chẳng êm đềm như bao đứa  trẻ khác. Chẳng được học hành đến nơi đến chốn, lại phải bương chải kiếm sống, đối chọi với một nghị lực mạnh mẽ vượt qua mọi trở ngại để cuối cùng trở thành một nhà văn Nga vĩ đại, mọi người ngưỡng mộ. Ngoài ra còn rất nhiều tấm gương điển hình như như thế. Bà Hellen Keller hồi hai mươi tuổi bị bệnh rồi hóa đui, điếc và câm, lớn lên nghèo đến nỗi có lúc phải vào ngủ trong nhà xác. Vậy mà bà vẫn vượt lên số phận, học rộng hiểu sâu. Bà viết được bảy quyển sách, đi diễn thuyết khắp Châu Âu và Châu Mĩ, được cả thế giới biết đến. Hay hầu hết những ông vua thép, vua dầu lửa, vua xe ơi… những thành công của họ thì bất kì ai trong chúng ta cũng phải nghiêng mình kính nể. Đó là những con người có nghị lực phi thường. Nhờ đó mà họ mới thành công như vậy.

    Người có nghị lực luôn có thể chuyển rủi thành may, chuyển họa thành phúc. Chẳng khi nào họ chịu khuất phục số phận và đổ lỗi thất bại của mình cho cái "số xấu" như nhiều kẻ vẫn làm. Họ luôn biến nghịch cảnh thành sức mạnh và động lực mạnh mẽ để đẩy họ đến thành công lớn. Nếu như không bị mù thì Milton chắc gì trở thành một thi hào muôn thuở, nếu Beethoven không bị điếc thì tài nghệ của ông chưa chắc đạt đến mức tuyệt đỉnh. Ông Ben Fortson bị tai nạn xe hơi, cụt hai chân nhưng không cho đó là nghịch cảnh. Ông 'tận dụng' điều đó để dành thời gian nằm một chỗ đọc sách. Ông đọc rất nhiều sách về kinh tế, chính trị, xã hội và trở thành một nhà bác học có tài hùng biện rồi được bầu làm thống đốc một tiểu bang của Mĩ. Như vậy, rõ ràng nhờ có nghị lực họ có thể vượt qua tất cả để đến thành công họ mong muốn.

   Nghị lực của con người không phải trời sinh ra mà có, nó xuất phát và được rèn luyện từ gian khổ của cuộc sống. Người xưa nói: "Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời" là vậy. Khi người ta bị hiếp đáp nghèo khó, tủi nhục người ta sinh ra nghị lực và tận lực quyết tâm vượt qua số phận để cải thiện đời sống. Những người sống trong nhung lụa, giàu sang cần gì chẳng có, nên họ chẳng phải lao tâm vào việc gì mà cần nghị lực. Nghị lực của họ yếu dần và có thể mất đi. Khi gặp thất bại khó khăn họ thường sụp đổ nhanh chóng và bỏ cuộc sớm. Vậy nên muốn có nghị lực ta phải rèn luyện, đi từ gian khó mà lên. Trời không lấy hết đi của ai thứ gì, nghị lực là tài sản lớn nhất và vô giá mà cuộc sống ban tặng cho người bị cuộc sống lấy đi những may mắn.

    Để rèn luyện nghị lực, ta phải rèn ở ba phương diện năng lực, đó là: suy nghĩ, quyết định và hành động. Để được gọi là người có nghị lực ta phải đạt mức: suy nghĩ thông sâu, sáng kiến; tinh thần quyết đoán và hành động bền bỉ, tự chủ. Những đức tính này phải trung hòa, nếu thái quá sẽ có hại cho nghị lực. Có nhiều yếu tố tác động đến nghị lực. Chẳng hạn, sự hiểu rộng, biết nhiều giúp ta suy nghĩ chín chắn, thông sâu; tình cảm nồng nhiệt giúp ta quyết định mau và bền chí hành động; hoàn cảnh xã hội - lời khen chê của người khác làm tăng giảm nghị lực,.... Ta phải dựa vào những điều đó để điều tiết việc làm và rèn nghị lực sống. Bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như thay đổi những thói quen xấu mà lâu nay ta vẫn chưa làm được đến những việc lớn hơn.

    Khi đã có nghị lực con người đối chọi với khó khăn một cách dễ dàng hơn, có thể vượt qua được mọi thử thách của cuộc sống một cách đơn giản hơn. Người có nghị lực lớn được xem là người ''bị định mệnh thử thách'', họ luôn tỏ ra xuất chúng khi vượt qua trở ngại, thậm chí còn thích đương đầu với nó. Thành công của họ là từ chính họ làm nên vì vậy nó không phụ thuộc và bất kì hoàn cảnh nào. Những thành công đó thật vẻ vang và đáng tự hào.

   Vậy nên muốn thành công thì không thể thiếu nghị lực. Đừng sợ trở ngại, vì chính nó là thứ để ta rèn nghị lực sống của mình. Phải đương đầu với thử thách và thất bại thì mới đủ nghị lực để đạt đến thành công trong cuộc sống......

Theo Mái ấm Thiên Ân

Video liên quan

Chủ Đề