Ai là tác giả của tiểu thuyết phải làm gì năm 2024

(Bản dịch bài diễn thuyết đăng trên The Guardian của Neil Gaiman, dành cho sinh viên lớp TV6001 và TT6012)

Neil Gaiman, tên đầy đủ là Richard MacKinnon Gaiman, là một tác gia nổi tiếng người Anh chuyên viết truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện tranh, tiểu thuyết đồ họa, kịch truyền thanh, kịch bản phim. Ông đã giành được nhiều giải thưởng danh giá như Hugo, Nebula, Bram Stoker và các huy chương Newbery, Carnegie cho các tác phẩm của mình.

Bài diễn thuyết dưới đây giải thích vì sao việc sử dụng trí tưởng tượng của chúng ta, và đem đến cơ hội cho người khác phát huy trí tưởng tượng lại là trách nhiệm của mọi công dân. Đây là phiên bản đã được chỉnh sửa từ bài diễn thuyết của Neil Gaiman cho Reading Agency, được thực hiện vào ngày 14/10/2013 tại Barbican, London. Chuỗi bài diễn thuyết hàng năm của Reading Agency được khởi xướng từ năm 2012 là diễn đàn để các nhà văn và nhà tư tưởng hàng đầu chia sẻ những ý tưởng độc đáo, đầy thách thức về việc đọc và thư viện.

Điều quan trọng là mọi người phải cho bạn biết họ đứng về phía nào, tại sao và liệu họ có thiên vị hay không. Một kiểu tuyên bố về quan điểm của các thành viên trong xã hội, đại loại như thế. Vì vậy, tôi sẽ nói chuyện với bạn về việc đọc. Tôi sẽ nói rằng thư viện rất quan trọng. Tôi sẽ nói rằng đọc tiểu thuyết, đọc vì niềm vui, là một trong những điều quan trọng nhất mà ai cũng có thể làm. Tôi sẽ nhiệt thành kêu gọi mọi người nên hiểu đầy đủ về thư viện và thủ thư, và nên bảo vệ cả hai thứ đó.

Và tôi rõ ràng là vô cùng thiên vị: Tôi là một tác giả chuyên viết tiểu thuyết. Tôi viết cho trẻ em và người lớn. Trong chừng 30 năm qua, tôi kiếm sống nhờ từ ngữ của mình, chủ yếu bằng việc hư cấu và viết truyện. Đương nhiên là tôi muốn mọi người đọc sách, đọc tiểu thuyết, muốn các thư viện và thủ thư tồn tại và giúp nuôi dưỡng niềm yêu thích đọc cũng như phát triển các không gian đọc.

Vì vậy, tôi thiên vị với tư cách là một nhà văn. Nhưng với tư cách là một độc giả, tôi thiên vị hơn rất nhiều. Và tôi thậm chí còn thiên vị hơn nữa với tư cách của một công dân nước Anh.

Tôi đang ở đây để thuyết trình tối nay, dưới sự bảo trợ của Reading Agency: một tổ chức từ thiện có nhiệm vụ mang lại cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người trong cuộc sống bằng cách giúp họ trở thành những người đọc tự tin và nhiệt huyết. Tổ chức hỗ trợ các chương trình xóa mù chữ, thư viện và cá nhân, khuyến khích việc đọc một cách đơn thuần và hứng khởi. Bởi vì, người ta nói rằng mọi thứ đều thay đổi khi chúng ta đọc.

Và tôi đang ở đây tối nay để nói về chính sự thay đổi đó, chính hành động đọc sách đó. Tôi muốn nói về tác dụng của việc đọc, đọc có những lợi ích như thế nào.

Một lần, tôi đến New York và nghe một buổi nói chuyện về chủ đề xây dựng nhà tù tư nhân - một ngành lớn đang phát triển ở Mỹ. Ngành công nghiệp nhà tù cần lập kế hoạch phát triển trong tương lai - họ sẽ cần bao nhiêu phòng giam? Sẽ có bao nhiêu tù nhân sau 15 năm nữa? Và họ đã phát hiện ra rằng có thể dễ dàng dự đoán điều đó, chỉ cần sử dụng một thuật toán khá đơn giản, bằng cách tìm hiểu xem có bao nhiêu phần trăm trẻ em 10, 11 tuổi không thể đọc sách và chắc chắn không thể đọc vì niềm vui.

Điều này không phải là mối quan hệ một đối một: bạn không thể nói rằng một xã hội biết đọc sẽ không có tội phạm. Nhưng giữa chúng có những mối tương quan rất thực tế.

Và tôi nghĩ rằng một số trong những mối tương quan đó, thứ giản đơn nhất đến từ một điều hết sức đơn giản. Những người biết đọc đã đọc tiểu thuyết.

Tiểu thuyết có hai công dụng. Thứ nhất, nó là một loại chất gây nghiện giúp dẫn dắt việc đọc. Ham muốn được biết điều gì sẽ diễn ra tiếp theo, muốn lật trang, muốn tiếp tục, ngay cả khi gặp trở ngại, chỉ vì ai đó đang gặp rắc rối và bạn muốn biết tất cả sẽ kết thúc như thế nào... đó thực sự là một động lực. Và nó buộc bạn phải học từ vựng mới, trăn trở về những suy nghĩ mới, cứ thế tiếp tục để rồi phát hiện ra rằng việc đọc tự nó đã là một điều thú vị. Một khi hiểu được điều này, bạn sẽ bắt đầu đọc mọi thứ. Và đọc chính là chìa khóa. Vài năm trước người ta từng tranh luận rằng chúng ta đang sống trong một thế giới hậu biết chữ, trong đó khả năng hiểu ý nghĩa của những từ ngữ nào đó được viết ra đã không còn cần thiết nữa. Nhưng những ngày đó đã qua rồi, từ ngữ quan trọng hơn bao giờ hết: chúng ta dẫn dắt thế giới bằng từ ngữ, và khi thế giới chuyển lên web, chúng ta cần theo dõi, giao tiếp và hiểu những gì chúng ta đang đọc. Những người không thể hiểu nhau sẽ không thể trao đổi ý kiến, không thể giao tiếp, và các chương trình dịch thuật thì chỉ làm được đến thế mà thôi.

Cách giản dị nhất để đảm bảo rằng chúng ta đang nuôi dưỡng những đứa trẻ hiểu biết là dạy chúng đọc và cho chúng thấy đọc là một hoạt động thú vị. Và điều đó có nghĩa, ở mức đơn giản nhất, là tìm những cuốn sách mà chúng thích, cho chúng cơ hội tiếp cận và để chúng được đọc các cuốn sách này.

Tôi không nghĩ có cái gọi là sách xấu dành cho trẻ em. Đôi khi đã trở thành một thứ mốt khi một số người lớn chỉ ra một tập hợp nhỏ trong các sách dành cho trẻ em, có thể thuộc cùng thể loại, hoặc của một tác giả, và tuyên bố rằng chúng là sách xấu, những sách mà trẻ em không nên đọc. Tôi đã thấy điều này xảy ra nhiều lần; Enid Blyton bị coi là một tác giả tồi, cả RL Stine nữa và hàng chục người khác cũng vậy. Truyện tranh đã bị lên án là khuyến khích nạn mù chữ.

Đó là điều vô lý. Đó là sự hợm hĩnh và thiếu hiểu biết. Không có tác giả nào xấu đối với trẻ em mà trẻ em lại yêu thích, muốn đọc và tìm đọc, bởi vì mỗi đứa trẻ đều khác biệt. Chúng có thể tìm thấy những câu chuyện mình cần và tự đưa mình vào câu chuyện đó. Một ý tưởng cũ kỹ, lỗi thời nhưng với chúng lại không hề cũ mòn chút nào cả. Đây là lần đầu tiên đứa trẻ tiếp cận với chuyện này. Đừng làm cho trẻ mất hứng thú đọc chỉ vì bạn nghĩ rằng chúng đang đọc những thứ không nên đọc. Sách hư cấu mà bạn không thích có thể là cầu nối đến những cuốn sách khác mà bạn có thể thích hơn. Và không phải ai cũng có sở thích giống bạn.

Những người lớn thiện chí có thể dễ dàng phá hủy tình yêu đọc của một đứa trẻ: ngăn chúng đọc những gì chúng thích, hoặc đưa cho chúng những cuốn sách ý nghĩa nhưng buồn tẻ mà bạn thích, những cuốn sách tương đương với văn học "cải lương" thời Victoria của thế kỷ 21. Và bạn sẽ góp phần tạo ra một thế hệ tin rằng việc đọc sách chẳng có gì hay ho, và tệ hơn, là một trải nghiệm khó chịu.

Chúng ta cần đưa con cái mình bước lên chiếc thang đọc sách: bất cứ thứ gì chúng thích đọc đều sẽ dẫn chúng tiến lên, từng bậc một, thành khả năng biết đọc. (Ngoài ra, đừng làm như tác giả này đã từng khi con gái 11 tuổi của ông ta mê RL Stine, tức là đi mua một cuốn "Carrie" của Stephen King và nói rằng nếu con thích những cuốn sách kiểu ấy thì con sẽ thích cuốn này! Holly đã không đọc gì khác ngoài các câu chuyện an toàn về những người định cư trên thảo nguyên trong suốt những năm tháng thiếu niên còn lại của con bé và vẫn trợn mắt nhìn tôi mỗi lần cái tên Stephen King được nhắc tới.)

Và điều thứ hai tiểu thuyết mang lại là nuôi dưỡng sự thấu cảm. Khi bạn xem ti vi hoặc xem một bộ phim, bạn đang quan sát những sự kiện xảy ra với những người khác. Tiểu thuyết văn xuôi là thứ bạn tạo dựng từ 26 chữ cái cùng một vài dấu chấm câu, và bạn, chỉ có mình bạn, sử dụng trí tưởng tượng, tạo ra một thế giới, những con người trong đó và nhìn ra ngoài bằng góc nhìn của người khác. Bạn có cơ hội cảm nhận những điều, ghé thăm những nơi và thế giới mà nếu không đọc sách bạn sẽ không bao giờ biết đến. Bạn biết rằng, ở đâu đó ngoài kia, trong số mọi người, cũng có một ai đấy giống như "tôi". Bạn đang trở thành một người khác, và khi trở lại thế giới của riêng mình, bạn sẽ thấy mình có chút thay đổi.

Sự thấu cảm là một công cụ để kết nối mọi người thành các nhóm, cho phép chúng ta hành động không chỉ như những kẻ vị kỷ.

Trong khi đọc, bạn cũng phát hiện ra một điều vô cùng quan trọng để xác định hướng đi của mình trong thế giới. Và đó là điều này:

Thế giới không nhất thiết phải như thế này. Mọi thứ đều có thể khác đi.

Tôi đã đến Trung Quốc vào năm 2007, tại hội nghị khoa học viễn tưởng và giả tưởng đầu tiên được chính phủ chấp thuận trong lịch sử Trung Quốc. Và có lúc, tôi đã kéo một quan chức cao cấp sang một bên để hỏi ông ấy: Tại sao? Khoa học viễn tưởng đã bị phê phán trong một thời gian dài cơ mà. Điều gì đã thay đổi vậy?

Đơn giản thôi, ông ấy nói với tôi. Người Trung Quốc rất xuất sắc trong việc chế tạo mọi thứ nếu người khác mang bản vẽ đến cho họ. Nhưng họ đã không sáng tạo và cũng chẳng phát minh. Họ không hề tưởng tượng. Vì vậy, họ đã cử một phái đoàn đến Hoa Kỳ, tới Apple, tới Microsoft, tới Google, và hỏi những người đang sáng tạo tương lai về chính bản thân họ. Và họ phát hiện ra rằng tất cả những người đó đều đã đọc tiểu thuyết khoa học viễn tưởng khi còn thơ bé.

Tiểu thuyết có thể cho bạn thấy một thế giới khác. Nó có thể đưa bạn đến một nơi mà bạn chưa bao giờ đặt chân đến. Một khi bạn đã ghé thăm các thế giới khác, như những người đã ăn trái cây của thần tiên, bạn sẽ không bao giờ có thể hoàn toàn hài lòng với thế giới mà bạn lớn lên. Bất mãn là một điều tốt: những người bất mãn có thể điều chỉnh và cải thiện thế giới của họ, làm cho chúng trở nên tốt đẹp hơn, khiến chúng trở nên khác biệt đi.

Và trong khi chúng ta đang đề cập tới chủ đề này, tôi muốn nói một chút về chủ nghĩa thoát ly thực tế. Tôi thấy thuật ngữ này bị bàn tán như thể đó là một điều tồi tệ. Như thể nếu tiểu thuyết "giải thoát" là một thứ thuốc an thần rẻ tiền được sử dụng bởi những kẻ mộng mơ và dại dột, và người đọc, dù là người lớn hay trẻ em, chỉ nên đọc tiểu thuyết mô phỏng - loại tiểu thuyết phản ánh những điều tồi tệ nhất của thế giới mà độc giả tìm thấy mình trong đó.

Nếu bạn bị mắc kẹt trong một tình huống bất khả thi, ở một nơi không dễ chịu, với những người muốn làm hại bạn, và có ai đó đưa ra cho bạn một lối thoát tạm thời, tại sao bạn lại không chấp nhận nó? Và tiểu thuyết "giải thoát" chính là thứ mở ra một cánh cửa, lấp lánh ánh sáng mặt trời bên ngoài, cho bạn một nơi để đi, nơi bạn có thể kiểm soát mọi thứ, ở bên những người bạn muốn ở cùng (và sách là những địa điểm thực sự, đừng nhầm lẫn về điều này); và quan trọng hơn nữa, trong khi bạn trốn thoát, sách cũng có thể mang lại cho bạn hiểu biết về thế giới và tình cảnh của bạn, mang lại cho bạn vũ khí và áo giáp: những thứ có thực mà bạn có thể mang về nhà tù của mình. Kỹ năng, kiến thức và công cụ bạn có thể sử dụng để trốn thoát thực sự.

Như JRR Tolkien đã nhắc nhở chúng ta, người duy nhất phản đối việc giải thoát chính là những kẻ cai ngục.

Tất nhiên còn có một cách nữa để phá hủy tình yêu đọc sách của trẻ, đó là làm cho môi trường xung quanh chúng vắng bóng sách. Và không cho trẻ tiếp cận với những nơi có thể đọc sách. Tôi là một người may mắn. Tôi đã lớn lên bên một thư viện địa phương tuyệt vời. Bố mẹ tôi cũng thuộc tuýp phụ huynh có thể bị thuyết phục để thả tôi vào thư viện trên đường đi làm vào kỳ nghỉ hè, và có những thủ thư thân thiện không hề thấy phiền chút nào khi có một cậu bé, không người lớn đi kèm, đến thư viện thiếu nhi mỗi sáng, tự loay hoay với mục lục phiếu, tìm kiếm những cuốn sách chứa ma thuật, phép màu hay tên lửa, ma cà rồng, thám tử, phù thủy hay các kỳ quan. Và khi tôi hoàn thành việc đọc ở thư viện thiếu nhi, tôi đã bắt đầu với sách dành cho người lớn.

Họ là những thủ thư tốt. Họ thích sách và họ muốn những cuốn sách phải được người khác đọc. Họ đã dạy cho tôi cách đặt sách từ các thư viện khác thông qua hình thức mượn liên thư viện. Họ không hề tỏ thái độ bề trên với bất cứ thứ gì tôi đọc. Họ chỉ có vẻ thích thú trước một cậu bé mắt to thích đọc sách và sẵn lòng trò chuyện với tôi về những cuốn sách tôi đang đọc, họ sẽ tìm cho tôi những cuốn khác trong cùng bộ, họ sẽ giúp đỡ tôi. Họ đối xử với tôi như một người đọc bình thường - không hơn không kém - điều đó có nghĩa là họ dành cho tôi sự tôn trọng. Tôi vốn không quen được đối xử tôn trọng khi mới là một đứa trẻ tám tuổi.

Nhưng các thư viện là nơi chốn của tự do. Tự do đọc, tự do tư tưởng, tự do giao tiếp. Chúng là nơi chốn của giáo dục (không phải là quá trình kết thúc vào ngày chúng ta rời trường phổ thông hoặc đại học), của giải trí, của việc tạo ra những không gian an toàn và của quyền truy cập thông tin.

Tôi lo ngại rằng trong thế kỷ 21 này người ta đang hiểu sai về khái niệm thư viện và mục đích của chúng. Nếu bạn coi thư viện chỉ như một cái giá sách thì nó có vẻ lỗi thời hoặc lạc hậu ở một thế giới mà hầu hết, nhưng không phải tất cả, sách in đều tồn tại dưới dạng kỹ thuật số. Nhưng đó là một quan điểm phiến diện.

Tôi nghĩ nó liên quan đến bản chất của thông tin. Thông tin có giá trị, và thông tin đúng đắn có giá trị vô cùng to lớn. Suốt lịch sử nhân loại, chúng ta đã sống trong thời kỳ khan hiếm thông tin và việc có được những thông tin cần thiết luôn quan trọng và đáng giá: khi nào nên trồng cấy, nơi nào có thể tìm các thứ, bản đồ, lịch sử và những câu chuyện - chúng luôn hữu ích không chỉ cho các nhu cầu thiết yếu mà còn giúp con người hòa nhập xã hội. Thông tin là một thứ có giá trị, và những người có nó hoặc có thể có được nó nên tính phí cho dịch vụ [cung cấp thông tin] này.

Trong vài năm qua, chúng ta đã chuyển từ một nền kinh tế khan hiếm thông tin sang một nền kinh tế được thúc đẩy bởi một lượng thông tin dồi dào. Theo Eric Schmidt của Google, hiện nay, cứ mỗi hai ngày, con người tạo ra lượng thông tin tương đương với tổng lượng thông tin chúng ta đã tạo ra từ buổi đầu nền văn minh cho đến năm 2003. Đó là khoảng 5 exobytes dữ liệu mỗi ngày, dành cho bạn nào muốn theo dõi thông số. Thách thức trở thành, không phải là tìm loại cây hiếm đang mọc giữa sa mạc, mà là tìm một loại cây cụ thể mọc trong rừng rậm. Chúng ta sẽ cần sự trợ giúp để định hướng thông tin và tìm thấy thứ chúng ta thực sự cần.

Thư viện là nơi mọi người đến để tìm kiếm thông tin. Sách chỉ là phần nổi của tảng băng thông tin: chúng có ở đó, và thư viện có thể cung cấp sách cho bạn một cách miễn phí và hợp pháp. Ngày nay, có nhiều trẻ em mượn sách từ thư viện hơn bao giờ hết - sách thuộc đủ thể loại: sách giấy, sách kỹ thuật số và sách âm thanh. Nhưng thư viện cũng là nơi mà những người không có máy tính, không có kết nối Internet có thể truy cập trực tuyến mà không cần trả bất kỳ khoản phí nào: một việc cực kỳ quan trọng khi bạn tìm việc làm, nộp đơn xin việc hoặc nộp đơn xin trợ cấp - những việc ngày càng được thực hiện chủ yếu dưới hình thức trực tuyến. Thủ thư có thể giúp những người này định hướng trong thế giới đó.

Tôi không tin rằng tất cả sách sẽ hoặc nên được chuyển đổi lên màn hình: như Douglas Adams từng nói với tôi hơn 20 năm trước, khi Kindle xuất hiện, một cuốn sách vật lý giống như một con cá mập. Cá mập đã có từ lâu: đại dương có cá mập trước cả khi khủng long xuất hiện. Và lý do cá mập vẫn tồn tại là vì cá mập giỏi trở thành cá mập hơn bất kỳ thứ gì khác. Sách vật lý rất bền vững, khó bị phá hủy, chịu được nước, hoạt động bằng năng lượng mặt trời, cảm giác dễ chịu khi cầm trong tay: chúng rất giỏi với vai trò là sách, và sẽ luôn có chỗ cho chúng. Chúng thuộc về thư viện, giống như thư viện đã trở thành nơi bạn có thể đến để truy cập sách điện tử, sách nói, đĩa DVD và các nội dung trên web.

Thư viện là nơi lưu trữ thông tin và mang lại quyền bình đẳng cho mọi công dân trong việc truy cập tới thông tin, bao gồm cả thông tin về sức khỏe và sức khỏe tinh thần. Đó là một không gian cộng đồng. Đó là một nơi an toàn, một nơi ẩn náu khỏi thế giới. Đó là nơi có những thủ thư đang làm việc. Điều chúng ta nên hình dung ngay bây giờ là những thư viện của tương lai sẽ ra sao.

Khả năng biết đọc, biết viết trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, trong thế giới của tin nhắn và email, một thế giới của thông tin bằng văn bản. Chúng ta cần đọc và viết, cần những công dân toàn cầu có thể đọc một cách thoải mái, hiểu những gì mình đang đọc, hiểu hàm ý và biết cách làm cho người khác hiểu mình.

Thư viện thực sự là cánh cổng dẫn đến tương lai. Vì vậy, thật đáng tiếc khi trên khắp thế giới, chúng ta đang quan sát thấy chính quyền địa phương tìm cách đóng cửa các thư viện như một phương thức dễ dàng để tiết kiệm tiền, mà không nhận ra rằng họ đang lấy của tương lai để chi trả cho ngày hôm nay. Họ đang đóng những cánh cửa lẽ ra cần phải mở.

Theo một nghiên cứu gần đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD, Anh là "đất nước duy nhất nơi nhóm người ở độ tuổi cao nhất có trình độ về cả đọc viết và tính toán cao hơn so với nhóm tuổi trẻ nhất, sau khi xem xét các yếu tố khác như giới tính, hoàn cảnh kinh tế xã hội và nghề nghiệp".

Hay nói cách khác, con cháu chúng ta ít đọc, viết và ít hiểu về số học hơn chúng ta. Họ ít có khả năng điều hướng thế giới, hiểu rõ nó để giải quyết vấn đề. Họ có thể dễ dàng bị lừa dối và lạc lối hơn, sẽ ít có khả năng thay đổi thế giới mà họ đang sống, ít có khả năng tìm việc làm. Tất cả những điều này và với tư cách một quốc gia, nước Anh sẽ tụt hậu so với các quốc gia phát triển khác vì sẽ thiếu một lực lượng lao động có tay nghề cao.

Sách là cách chúng ta giao tiếp với những người đã khuất, cách chúng ta học bài học từ những người không còn ở bên chúng ta nữa, cách nhân loại đã xây dựng nên chính mình, tiến bộ, làm cho kiến thức ngày càng gia tăng chứ không phải là thứ học đi học lại. Có những câu chuyện cổ xưa hơn tuổi của hầu hết các quốc gia, những câu chuyện đã tồn tại lâu đời hơn cả các nền văn hóa và các tòa nhà nơi chúng lần đầu tiên được kể.

Tôi nghĩ chúng ta có trách nhiệm với tương lai. Trách nhiệm và nghĩa vụ đối với trẻ em, đối với những người lớn mà trẻ em sẽ trở thành, đối với thế giới mà trẻ em sẽ sống. Tất cả chúng ta - với tư cách là độc giả, nhà văn, công dân - đều có nghĩa vụ. Tôi nghĩ tôi sẽ thử nêu ra một số nghĩa vụ đó ở đây.

Tôi tin rằng chúng ta có trách nhiệm đọc để giải trí, cả ở chốn riêng tư và những nơi công cộng. Nếu chúng ta đọc vì niềm vui, nếu người khác thấy chúng ta đang đọc, thì chúng ta sẽ học hỏi, chúng ta sẽ vận động trí tưởng tượng của mình. Chúng ta cho người khác thấy rằng đọc sách là một điều tốt.

Chúng ta có trách nhiệm hỗ trợ thư viện, sử dụng thư viện, khuyến khích người khác sử dụng thư viện, phản đối việc đóng cửa thư viện. Nếu bạn không coi trọng thư viện thì bạn không coi trọng thông tin, văn hóa hay trí tuệ. Bạn đang làm cho những tiếng nói của quá khứ trở nên câm lặng và bạn đang làm hỏng tương lai.

Chúng ta có trách nhiệm đọc sách cho con cái chúng ta. Đọc những điều mà chúng thích. Đọc cho chúng những câu chuyện mà chúng ta đã chán ngấy. Hãy thay đổi nhiều giọng điệu trong khi đọc, hãy làm cho việc đọc trở nên thú vị và không ngừng đọc cho trẻ nghe ngay cả khi chúng đã tự đọc được. Hãy biến khoảng thời gian đọc to thành khoảng thời gian gắn kết, là thời gian khi ta không kiểm tra điện thoại, khi các muộn phiền của thế giới được đặt sang một bên.

Chúng ta có trách nhiệm sử dụng ngôn từ để thúc đẩy bản thân: tìm hiểu ý nghĩa của từ ngữ và cách sử dụng chúng, giao tiếp một cách rõ ràng, nói ra đúng những gì ta muốn nói. Chúng ta không được cố gắng đóng băng ngôn ngữ hoặc giả vờ nó là một thứ đã chết cần được thờ phụng, mà chúng ta nên sử dụng nó như một thứ sống động, luôn biến đổi, vay mượn từ ngữ, để cho ý nghĩa và cách phát âm thay đổi theo thời gian.

Chúng tôi, những nhà văn - đặc biệt là những người viết cho trẻ em, nhưng tất cả các nhà văn - có một trách nhiệm đối với độc giả của mình: đó là nghĩa vụ viết những điều chân thực, đặc biệt là khi chúng tôi đang tạo ra những câu chuyện về những người không tồn tại ở những nơi chưa từng có - phải hiểu rằng sự thật không nằm ở những gì xảy ra mà là ở những gì có thể giúp chúng ta biết mình là ai. Suy cho cùng, tiểu thuyết là lời nói dối kể về sự thật. Chúng tôi có nghĩa vụ không làm độc giả của mình chán nản, mà phải khiến họ lật giở từng trang sách. Sau rốt, một trong những phương pháp chữa trị tốt nhất cho những người đọc không tự nguyện là một câu chuyện mà họ không thể ngừng đọc. Và trong khi chúng tôi phải kể cho độc giả những điều chân thực, trao cho họ vũ khí, áo giáp, cũng như bất kỳ sự khôn ngoan nào mà chúng ta học được trong khoảng thời gian ngắn ngủi của mình trên thế giới xanh tươi này, chúng tôi có nghĩa vụ không rao giảng, không diễn thuyết, không nhồi nhét cho độc giả những đạo lý và thông điệp đã ấn định trước như cách những con chim trưởng thành đang nuôi con non bằng giun đã nhai sẵn. Chúng tôi có nghĩa vụ không bao giờ, trong bất kỳ trường hợp nào, viết bất cứ điều gì cho trẻ em mà chính chúng tôi cũng không muốn đọc.

Chúng tôi có trách nhiệm phải hiểu và nhận thức rằng với tư cách là những người viết cho trẻ em, chúng tôi đang thực hiện một công việc quan trọng, bởi vì nếu chúng tôi làm hỏng và viết những cuốn sách buồn tẻ khiến trẻ em xa rời việc đọc và xa rời sách, chúng tôi đã thu hẹp tương lai của chúng và cả tương lai của chính mình.

Tất cả chúng ta - người lớn và trẻ em, nhà văn và độc giả - đều có trách nhiệm phải mơ mộng. Chúng ta có trách nhiệm phải tưởng tượng. Thật dễ dàng giả vờ rằng không ai có thể thay đổi bất cứ điều gì, rằng chúng ta đang sống trong một thế giới mà xã hội thì rộng lớn và cá nhân thì nhỏ bé: một nguyên tử trên một bức tường, một hạt thóc trên một đồng lúa. Nhưng sự thật là, các cá nhân liên tục thay đổi thế giới của mình, cá nhân tạo ra tương lai và họ làm điều đó bằng cách tưởng tượng ra rằng mọi thứ đều có thể khác.

Hãy nhìn xung quanh bạn: Ý tôi là như vậy. Hãy tạm ngừng trong chốc lát và nhìn quanh căn phòng bạn đang ở. Tôi sẽ chỉ ra một điều rõ ràng đến mức nó có xu hướng bị lãng quên. Đó là: mọi thứ bạn có thể nhìn thấy, bao gồm cả những bức tường, tại một thời điểm nào đó đều là tưởng tượng. Ai đó đã quyết định rằng việc ngồi trên ghế sẽ dễ dàng hơn so với ngồi trên mặt đất và đã tưởng tượng ra chiếc ghế. Ai đó đã tưởng tượng ra cách để tôi có thể nói chuyện với bạn tại London ngay lúc này mà không bị ướt mưa. Căn phòng này và những vật dụng trong đó, cũng như tất cả những thứ khác trong tòa nhà này, trong thành phố này, tồn tại là bởi, hết lần này đến lần khác, mọi người đã tưởng tượng ra những điều đó.

Chúng ta có nghĩa vụ làm cho mọi thứ trở nên tươi đẹp. Không để lại một thế giới xấu xí hơn so với những gì chúng ta đã thấy, không làm đại dương kiệt quệ, không để lại những vấn đề cho thế hệ tiếp theo. Chúng ta có nghĩa vụ dọn dẹp chính bản thân mình và không để lại cho con cái chúng ta một thế giới mà chúng ta đã làm hỏng, làm tổn thương và làm tê liệt một cách thiển cận.

Chúng ta có nghĩa vụ nói với các chính trị gia của mình những gì chúng ta muốn, phản đối những chính trị gia thuộc bất kỳ đảng phái nào không hiểu giá trị của đọc sách trong việc tạo ra những công dân xứng đáng, những người không muốn hành động để bảo tồn và bảo vệ kiến thức cũng như khuyến khích khả năng đọc viết. Đây không phải là vấn đề đảng phái chính trị. Đây là vấn đề chung của nhân loại.

Albert Einstein có lần được hỏi làm cách nào để giúp con cái chúng ta thông minh hơn. Câu trả lời của ông vừa đơn giản vừa thông thái. "Nếu bạn muốn con mình thông minh," ông nói, "hãy đọc cho chúng nghe truyện cổ tích. Nếu bạn muốn con mình thông minh hơn, hãy đọc cho chúng nghe nhiều truyện cổ tích hơn." Ông ấy hiểu giá trị của việc đọc và tưởng tượng. Tôi hy vọng chúng ta có thể mang đến cho con cái chúng ta một thế giới nơi chúng sẽ đọc, được đọc, tưởng tượng và hiểu biết.

Ai là tác giả của tác phẩm?

Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghê thuật và khoa học, gồm: tổ chức, cá nhân Việt Nam có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào hoặc được công bố đồng thời ...

Tác phẩm làm đi của ai?

Làm đĩ là một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Việt Nam Vũ Trọng Phụng, tác phẩm được viết vào năm 1936 và xuất bản vào năm 1937. Đây được coi là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Việt Nam đề cập đến vấn đề mại dâm.

Tiểu thuyết có gì?

Tiểu thuyết là một thể loại văn xuôi có hư cấu, thông qua nhân vật, hoàn cảnh, sự việc để phản ánh bức tranh xã hội rộng lớn và những vấn đề của cuộc sống con người, biểu hiện tính chất tường thuật, tính chất kể chuyện bằng ngôn ngữ văn xuôi theo những chủ đề xác định.

Tiểu thuyết gia có nghĩa là gì?

Một tiểu thuyết gia là một tác giả hoặc nhà văn viết tiểu thuyết, mặc dù thường các tiểu thuyết gia cũng viết các thể loại khác của cả tiểu thuyết và phi hư cấu.