Cấu tạo bụng dưới của phụ nữ

Cơ quan sinh dục bao gồm nhiều cơ quan, trong đó có tử cung. Tử cung là nơi để trứng làm tổ, nơi nuôi dưỡng và là ngôi nhà của thai nhi. Vậy cấu tạo của tử cung như thế nào để đảm nhận vai trò đặc biệt đó? Tầm quan trọng của tử cung trong cơ thể chúng ta như thế nào? Những vấn đề sức khỏe nào thường gặp ở tử cung? Hãy cùng Bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân tìm hiểu về tử cung qua bài viết sau đây nhé.

Vị trí của tử cung

Tử cung hay còn được gọi là dạ con. Nó có hình dạng giống hình quả lê lộn ngược nằm giữa bàng quang phía trước và trực tràng phía sau. Phía trên tử cung là các quai ruột non và kết tràng xích ma, phía dưới tử cung là âm đạo. Phần trên lồi to gọi là đáy tử cung, 2 bên là 2 ống dẫn trứng nối ra 2 buồng trứng. Phần dưới nhỏ dài dẫn ra âm đạo gọi là cổ tử cung.

Cấu tạo bụng dưới của phụ nữ
Minh họa hình ảnh tử cung của cơ thể người

Tử cung có đỉnh quay xuống dưới, có một thân, một cổ. Và phần thắt lại giữa thân và cổ gọi là eo.

Hướng và tư thế của tử cung

Tư thế sinh lí bình thường của tử cung là gấp ra trước và ngả ra trước. Đây là tư thế lí tưởng của tử cung. Bởi vì lúc này trọng tâm của tử cung rơi ra phía trước trục âm đạo để tử cung không bị sa xuống âm đạo.

Trong một số trường hợp, khi bạn đọc kết quả siêu âm bụng có thể thấy tử cung ở vị trí trung tính hoặc vị trí ngả sau.

Kích thước của tử cung

Chắc hẳn bạn rất thắc mắc kích thước của tử cung đúng không? Bởi nó sẽ rất lớn khi mang thai. Nhưng bình thường, kích thước của tử cung lại khá khiêm tốn. Thường tử cung dài bao nhiêu cm tùy thuộc vào thể tạng của mỗi người. Kích thước trung bình là 2 cm bề dày, 4 cm chỗ rộng nhất và 6 cm bề cao. Nhờ vào cấu tạo cơ đặc biệt và khả năng dãn nở lớn, nên tử cung có thể to dần lên để chứa thai nhi. Sau đó tử cung sẽ co lại về kích thước ban đầu sau khi sinh xong khoảng 6 tuần.

Bạn có thể hình dung như sau:

  • Bình thường, tử cung to bằng khoảng quả cam và nằm sâu trong hố chậu
  • Sau đó  bắt đầu to dần bằng khoảng quả bưởi và vượt qua khung xương chậu trong 3 tháng đầu của thai kỳ.
  • Đến 3 tháng giữa thai kỳ, tử cung sẽ phát triển nhanh chóng, lớn bằng quả đu đủ. Lúc này tử cung có thể chèn ép lên các cơ quan khác, khiến chúng phải di dời khỏi những vị trí vốn có của mình.
  • Trong 3 tháng cuối thai kỳ, tử cung có thể to bằng khoảng một quả dưa hấu. Phần đáy tử cung sẽ di chuyển từ vùng mu lên gần tới khung xương sườn.
Cấu tạo bụng dưới của phụ nữ
Kích thước tử cung sẽ lớn dần khi mang thai

Xem thêm: Vị trí tử cung khi mang thai có gì đặc biệt hay không?

Hình thể của tử cung

Hình thể ngoài

Thân tử cung

Thân tử cung có hai mặt: mặt bàng quang và mặt ruột. Mặt bàng quang lồi hướng về phía trước dưới, liên quan mật thiết với mặt trên bàng quang. Mặt ruột lồi, hướng lên trên và ra sau, liên quan với ruột non, kết tràng xích ma.

Hai góc bên của thân tử cung liên tiếp với eo vòi tử cung.

Cổ tử cung

Thật vậy, cổ tử cung có âm đạo bám vào, chia cổ tử cung thành hai phần: phần trên âm đạo và phần âm đạo. Hai phần này được xem như cổ trong và cổ ngoài tử cung.

Phần âm đạo của cổ tử cung trông như một mõm cá mè thò vào trong buồng âm đạo. Ở đỉnh của mõm có lỗ tử cung, là một lỗ khá nhỏ. Kích thước có khả năng thay đổi theo giai đoạn nhất định của cơ thể. Trong một số ngày rụng trứng, có kinh nguyệt hoặc trong sinh nở kích cỡ của cổ tử cung sẽ giãn rộng hơn so với kích thước trung bình từ 2 -10 mm. Lỗ có dạng hình tròn nếu là người chưa đẻ, còn nếu ở người đã đẻ thì lỗ bè ngang ra.

Cấu tạo bụng dưới của phụ nữ
Minh họa cổ tử cung nhìn từ âm đạo hướng lên

Lỗ thông vào ống cổ tử cung, và ống này thông vào buồng tử cung. Thành trước và sau ống, niêm mạc có các nếp dọc và ngang (nếp lá cọ) và có các tuyến tử cung.

Hình thể trong của tử cung

Buồng tử cung

Tử cung được đục rỗng thành một khoang dẹt theo chiều trước sau. Nó được thắt lại ở chỗ eo tử cung, chia thành hai buồng:

Buồng nhỏ ở dưới, nằm trong cổ tử cung, gọi là ống cổ tử cung

Buồng to ở trong tử cung gọi là buồng tử cung. Buồng tử cung có hình tam giác mà 3 cạnh lồi về phía lòng tam giác. Hai bên thông với vòi tử cung, góc dưới thông với ống cổ tử cung.

Các lớp cấu tạo

Từ ngoài vào trong, tử cung bao gồm các lớp sau đây:

  • Lớp thanh mạc: lớp ngoài tử cung
  • Lớp cơ: Ở phần thân tử cung có 3 lớp cơ. Tầng ngoài gồm các thớ cơ dọc và một ít cơ vòng. Tầng giữa rất dày gọi là lớp cơ rối. Lớp này gồm các thớ cơ đan chéo nhau chằng chịt quấn lấy các mạch máu. Chính nhờ tầng cơ này mà máu được cầm lại sau khi sinh. Tầng trong chủ yếu gồm các thớ cơ vòng. Ở phần cổ tử cung, cơ mỏng hơn nhiều và không có tầng cơ rối. Nó chỉ có một tầng cơ vòng kẹp giữa hai tầng cơ dọc.
  • Lớp niêm mạc: lớp trong tử cung. Đây là lớp niêm mạc mỏng manh, dính chặt vào lớp cơ. Niêm mạc dày mỏng theo chu kì kinh nguyệt hàng tháng. Khi niêm mạc bong ra thì gây hiện tượng kinh nguyệt.

Chức năng của tử cung

Cũng như các cơ quan khác trong bộ máy sinh dục, tử cung đảm nhận nhiều vai trò liên quan đến sinh sản, phụ khoa.

Liên quan đến kinh nguyệt

Như đã trình bày, lớp niêm mạc của tử cung bong ra sẽ gây hiện tượng kinh nguyệt. Tử cung cũng hỗ trợ điều chỉnh lưu lượng máu trong chu kỳ kinh nguyệt.

Chức năng tình dục

Tử cung đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện chức năng tình dục. Đây bộ phận giúp kích thích những cực khoái trong suốt quá trình quan hệ.

Vai trò sinh sản

Tử cung đóng vai trò hết sức quan trọng trong thai kỳ, là nơi trứng đã thụ tinh làm tổ. Sau đó các hồ máu của tử cung đảm nhận vai trò nuôi dưỡng phôi thai cho đến khi thai nhi đủ trưởng thành để ra ngoài. Song hành cùng với sự phát triển của thai nhi. Trong suốt thai kỳ, kích thước của tử cung cũng dần tăng lên để tạo không gian cho thai nhi phát triển. Trong suốt thai kỳ kích cỡ của tử cung có những thay đổi rất lớn. Khi chuyển dạ, thành cơ của thân tử cung co bóp giúp đẩy em bé ra qua cổ tử cung và âm đạo.

Vai trò bảo vệ của cổ tử cung

Chức năng cổ tử cung là đưa máu ra ngoài, cản trở các vi khuẩn xâm nhập vào tử cung, giúp trứng gặp tinh trùng.

Cổ tử cung còn đảm nhiệm chức năng sản xuất dịch nhầy. Giúp tinh trùng có thể dễ dàng vận động vào sâu bên trong tử cung để tới ống dẫn trứng cũng như thụ thai.

Hơn nữa, nó còn bảo vệ sự phát triển thông thường của thai nhi trong bụng mẹ, ngăn chặn tạp khuẩn có hại gây tác động tới thai nhi.

Một số bệnh lý thường gặp ở tử cung

U xơ tử cung

U xơ tử cung là một bệnh phổ biến ở phụ nữ. Đây là khối u lành tính ở cơ trơn của tử cung. Kích thước của chúng rất đa dạng: từ rất nhỏ (kích thước của hạt) đến khá lớn (kích thước của một quả cam). U xơ tử cung không phải lúc nào gây ra các triệu chứng, thường được phát hiện tình cờ khi siêu âm. Một số phụ nữ phải trải qua sự chảy máu bất thường và đau khi quan hệ, hay đau âm ỉ bụng dưới… Ngoài ra, trong một số trường hợp, những u xơ kích thước lớn hơn cũng có thể dẫn đến các vấn đề sinh sản.

Cấu tạo bụng dưới của phụ nữ
Minh họa một số vị trí của u xơ tử cung

Lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung là tình trạng xảy ra khi các tế bào nội mạc tử cung được tìm thấy bên ngoài tử cung của phụ nữ. Bệnh có thể gây ra vô sinh. Do khả năng làm tổn thương vòi trứng và ống dẫn trứng, dẫn đến cản trở nhu động ống dẫn trứng và làm rối loạn sự phóng noãn. Nó thường gây triệu chứng đau dữ dội, đặc biệt là trong thời kỳ kinh nguyệt hay lúc sinh hoạt vợ chồng.

Dị tật tử cung bẩm sinh

  • Dị tật tử cung có vách ngăn: một dải cơ ngăn tử cung thành 02 phần riêng biệt
  • Tử cung hai sừng: tử cung có hai khoang nhỏ hơn thay vì một khoang lớn
  • Tử cung kép: tử cung có hai khoang nhỏ hơn, mỗi khoang này có cổ tử cung riêng
  • Tử cung một sừng: chỉ có một nửa của tử cung được hình thành

Xem thêm: Tử cung đôi và ảnh hưởng của nó đến việc mang thai

Viêm vùng chậu

Bệnh viêm vùng chậu (PID) là một bệnh nhiễm trùng trong cơ quan sinh sản nữ. Thường gây ra bởi cùng một loại vi khuẩn gây bệnh lậu và chlamydia, mặc dù các vi khuẩn khác cũng có thể là nguyên nhân.

Các triệu chứng chính của PID là đau bụng dưới, cũng như đau khi quan hệ tình dục, đau khi đi tiểu. Các triệu chứng khác có thể bao gồm tiết dịch âm đạo bất thường, mệt mỏi và chảy máu bất thường. Nếu không được điều trị, PID có thể gây vô sinh và tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung.

Ung thư

Mặc dù ung thư tử cung có thể khởi phát ở bất cứ nơi nào trong tử cung, nhưng thường gặp ở nội mạc tử cung. Một số điều kiện làm tăng nguy cơ phát triển ung thư nội mạc tử cung của phụ nữ, như béo phì hoặc dùng estrogen mà không có progesterone.

Cấu tạo bụng dưới của phụ nữ
Vi rút sinh u nhú ở người là một trong những nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung

Ung thư cũng có thể ảnh hưởng đến các tế bào của cổ tử cung, gây ung thư cổ tử cung. Nguyên nhân chính xác hiện không chắc chắn. Nhưng hút thuốc và bệnh lây truyền qua đường tình dục dường như là một yếu tố. Thêm vào đó, việc có một hệ thống miễn dịch yếu cũng làm tăng nguy cơ.

Sa tử cung 

Sa tử cung (hay còn gọi là sa sinh dục, sa dạ con, sa thành âm đạo) là hiện tượng thường xảy ra ở phụ nữ sau sinh. Xảy ra khi thành tử cung tụt xuống vào trong ống âm đạo, thậm chí có trường hợp tử cung lộ ra ngoài âm đạo. Nguyên nhân sa tử cung là do cơ sàn chậu và dây chằng căng ra quá mức, dẫn đến không thể nâng đỡ tử cung. Có nhiều lý do cho tình trạng này, bao gồm sinh nở, phẫu thuật, mãn kinh hoặc các hoạt động thể chất khắc nghiệt.

Xem thêm: Sa tử cung khi mang thai phải điều trị như thế nào, bạn đã biết chưa?

Hãy khám với bác sĩ nếu bạn phát hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào trên đây. Với bệnh sử và thăm khám lâm sàng, các bác sĩ có thể tìm ra nguyên nhân. Từ đó kịp thời điều trị, phòng ngừa hiệu quả.

Như vậy, chúng ta đã cùng tìm hiểu những thông tin thú vị về hình thể cũng như cấu tạo của tử cung. Cũng như điểm qua một số bệnh lý thường gặp ở tử cung.. Hy vọng bạn đọc đã có những kiến thức hữu ích từ bài viết. Nếu có bất kỳ thắc mắc về vấn đề sức khỏe đừng ngần ngại chia sẻ cùng chúng tôi.