Khái niệm thuế thu nhập doanh nghiệp là gì năm 2024

Hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về khái niệm thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, căn cứ theo các quy định tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn, có thể hiểu đơn giản về thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:

Căn cứ Điều 3 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi các Luật về thuế 2014 quy định thu nhập chịu thuế như sau:

Thu nhập chịu thuế
1. Thu nhập chịu thuế bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thu nhập khác quy định tại khoản 2 Điều này.
“2. Thu nhập khác bao gồm thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng quyền góp vốn; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản; thu nhập từ quyền sử dụng tài sản, quyền sở hữu tài sản, kể cả thu nhập từ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật; thu nhập từ chuyển nhượng, cho thuê, thanh lý tài sản, trong đó có các loại giấy tờ có giá; thu nhập từ lãi tiền gửi, cho vay vốn, bán ngoại tệ; khoản thu từ nợ khó đòi đã xoá nay đòi được; khoản thu từ nợ phải trả không xác định được chủ; khoản thu nhập từ kinh doanh của những năm trước bị bỏ sót và các khoản thu nhập khác, kể cả thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh ở ngoài Việt Nam.”

Như vậy có thể hiểu thuế thu nhập doanh nghiệp là một loại thuế trực thu, đánh trực tiếp vào phần thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thu nhập khác theo quy định của pháp luật sau khi đã trừ đi các khoản chi phí hợp lý, hợp pháp liên quan đến thu nhập của doanh nghiệp.

Khái niệm thuế thu nhập doanh nghiệp là gì năm 2024

Thuế thu nhập doanh nghiệp là gì? Trường hợp nào được phân bổ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp? (Hình từ Internet)

Năm 2024, trường hợp nào được phân bổ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp?

Căn cứ theo Điều 17 Thông tư 80/2021/TT-BTC quy định về khai thuế, tính thuế, quyết toán thuế, phân bổ và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:

Khai thuế, tính thuế, quyết toán thuế, phân bổ và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp
1. Các trường hợp được phân bổ:
a) Hoạt động kinh doanh xổ số điện toán;
b) Hoạt động chuyển nhượng bất động sản;
c) Đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh là cơ sở sản xuất;
d) Nhà máy thủy điện nằm trên nhiều tỉnh.
2. Phương pháp phân bổ:
a) Phân bổ thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp đối với hoạt động kinh doanh xổ số điện toán:
Số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp cho từng tỉnh nơi có hoạt động kinh doanh xổ số điện toán bằng (=) số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của hoạt động kinh doanh xổ số điện toán nhân (x) với tỷ lệ (%) doanh thu bán vé thực tế từ hoạt động kinh doanh xổ số điện toán tại từng tỉnh trên tổng doanh thu bán vé thực tế của người nộp thuế.
Doanh thu bán vé thực tế từ hoạt động kinh doanh xổ số điện toán được xác định theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 13 Thông tư này.
...

Như vậy, các trường hợp được phân bổ thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm:

- Hoạt động kinh doanh xổ số điện toán.

- Hoạt động chuyển nhượng bất động sản.

- Đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh là cơ sở sản xuất.

- Nhà máy thủy điện nằm trên nhiều tỉnh.

Các khoản chi nào được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp?

Theo Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi bởi Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC, các khoản chi được trừ khi tính thuế thu nhập như sau:

Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.
Trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên ghi trên hóa đơn mà đến thời điểm ghi nhận chi phí, doanh nghiệp chưa thanh toán thì doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Trường hợp khi thanh toán doanh nghiệp không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì doanh nghiệp phải kê khai, điều chỉnh giảm chi phí đối với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt vào kỳ tính thuế phát sinh việc thanh toán bằng tiền mặt (kể cả trong trường hợp cơ quan thuế và các cơ quan chức năng đã có quyết định thanh tra, kiểm tra kỳ tính thuế có phát sinh khoản chi phí này).
...

Như vậy, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ 03 điều kiện như sau:

+ Điều kiện 1 - Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

+ Điều kiện 2 - Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

+ Điều kiện 3 - Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.