Lãi vay vốn hóa trong giao dịch liên kết năm 2024

Cộng đồng doanh nghiệp và các Hiệp hội tại Việt Nam hiện đang rất quan tâm về vấn đề sửa đổi Nghị định 132/2020/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có Giao dịch liên kết (GDLK) và đặc biệt là quy định khống chế trần chi phí lãi vay được trừ không vượt quá 30% của EBITDA. Vậy có những khó khăn gì đang xoay quanh quy định này và quy định này nên được sửa đổi như thế nào?

Tóm tắt quy định hiện hành về khống chế trần chi phí lãi vay

Quy định về khống chế trần chi phí lãi vay được nêu tại Khoản 3, Điều 16, Nghị định 132/2020/NĐ-CP.

Quy định này nói rằng nếu một doanh nghiệp tại Việt Nam có giao dịch liên kết thì tổng chi phí lãi vay (sau khi bù trừ với lãi tiền gửi, lãi cho vay) được trừ khi tính thuế TNDN không vượt quá 30% của EBITDA

Trong đó EBITDA =

Tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ

+ Chi phí lãi vay (sau khi bù trừ lãi tiền gửi, lãi cho vay phát sinh trong kỳ)

+ Chi phí khấu hao/hao mòn phát sinh trong kỳ.

Phần chi phí lãi vay không được trừ (tức vượt quá 30% EBITDA) thì được chuyển tiếp liên tục sang 5 năm tiếp theo để trừ dần nếu chi phí lãi vay của các năm sau thấp hơn, chưa đến mức 30% EBITDA điều chỉnh của các năm đó.

Vấn đề vướng mắc đối với quy định khống chế trần chi phí lãi vay

Hiện nay theo quan sát, có 2 vấn đề mà các doanh nghiệp thường xuyên phản ánh nhất đó là việc khống chế chi phí lãi vay được trừ chỉ ở mức 30% EBITDA khiến rất nhiều doanh nghiệp đi vay gặp khó khăn khi bị loại chi phí lãi vay dẫn đến tăng số thuế TNDN phải nộp. Hay nói cách khác, doanh nghiệp nhận được 100 đồng tiền vay thì phải “để dành ra vài đồng” để nộp thuế.

Vấn đề phản ảnh thứ hai là thiếu hướng dẫn của cơ quan nhà nước đối với một số trường hợp đặc biệt như khi EBITDA âm thì chi phí lãi vay có bị loại không, loại bao nhiêu và có được chuyển tiếp sang kỳ sau hay không.

Mức khống chế 30% EBITDA xuất phát từ đâu?

Thực ra, Chính phủ Việt Nam không tự lựa chọn con số 30% này. Việc khống chế chi phí lãi vay được trừ là một khuyến nghị của OECD nằm trong “Action 4 Limitation on Interest Deductions”, một trong 15 hành động để thực hiện BEPS 1.0 - Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận.

Theo báo cáo của OECD về Action 4, mức tỷ lệ khống chế chi phí lãi vay nên từ 10% đến 30%. Đó là lý do tại sao khi ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP, Chính phủ quy định mức khống chế là 20%, sau đó nâng lên 30% tại Nghị định 68/2020/NĐ-CP.

Theo OECD, mức tỷ lệ khống chế này phải đảm bảo 2 tiêu chí: (1) đảm bảo phần lớn các doanh nghiệp thuộc phạm vi áp dụng được trừ mức chi phí ngang với chi phí lãi vay với bên thứ 3 và (2) hạn chế được khả năng các doanh nghiệp sử dụng chi phí vay nội bộ tập đoàn để tính khấu trừ khi nó phát sinh nhiều hơn chi phí lãi vay với bên thứ 3. OECD đã tính toán số liệu cho tập mẫu từ năm 2009 đến 2013 như sau:

Do đó theo OECD, mức tỷ lệ khống chế từ 10% đến 30% là mức lý tưởng để “phần lớn” các doanh nghiệp được trừ hết chi phí lãi vay với bên thứ 3 đồng thời phù hợp tiêu chí số (2) nêu trên. Khi tỷ lệ khống chế vượt trên 30%, tỷ lệ doanh nghiệp tăng không nhiều và tăng chậm.

Chính phủ có thể tăng mức tỷ lệ khống chế chi phí lãi vay 30% này được không?

Câu trả lời là Được. Hiện tại quy định về mức khống chế chi phí lãi vay 30% được quy định tại Nghị định 132/2020/ NĐ-CP. Do đó Chính phủ có thẩm quyền ban hành Nghị định thay đổi, điều chỉnh mức tỷ lệ này. Tuy nhiên sẽ có nhiều vấn đề mà Bộ Tài Chính và Chính phủ sẽ phải cân nhắc.

Thứ nhất, việc tăng mức trần khống chế lên trên 30% sẽ khiến chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế TNDN tăng lên, dẫn đến giảm số thuế TNDN. Điều này sẽ ảnh hưởng đến số thuế TNDN phải thu hàng năm. Dự toán thu NSNN năm 2023 đặt ra mục tiêu thu thuế TNDN là hơn 280 nghìn tỷ, chiếm khoảng 22% tổng số tiền thu thuế của cả nước. Như vậy việc tăng mức khống chế chi phí lãi vay chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến con số 280 nghìn tỷ của năm 2023 (và các năm sau đó), ảnh hưởng đến cân đối thu chi của ngân sách nhà nước. Do đó, nếu Chính phủ cân nhắc việc tăng mức tỷ lệ thì cần xem xét tăng bao nhiêu %. Với mỗi 1% tăng thêm thì doanh nghiệp được giảm bao nhiêu tiền thuế tương ứng với số giảm thu thuế TNDN của NSNN là bao nhiêu.

Thứ hai, hiện nay tại Dự thảo Đề cương Luật thuế TNDN sửa đổi của Bộ Tài chính có đề xuất luật hóa quy định về “Khoản chi trả tiền lãi vay của doanh nghiệp có GDLK” tại Điều 9 của Dự thảo. Tức là đề xuất đưa quy định khống chế chi phí lãi vay vào Luật thuế TNDN sửa đổi. Như vậy, trong tương lai, với những nội dung trong luật cần điều chỉnh thì phải được Quốc Hội thông qua (và cần ít nhất 2 năm đối với mỗi lần sửa đổi luật). Chính phủ cần xem xét việc điều chỉnh Nghị định 132 và Dự thảo Luật thuế TNDN sửa đổi đồng bộ cụ thể như thế nào để Chính phủ vẫn có thẩm quyền điều chỉnh hay sẽ luật hóa toàn bộ các quy định này tại văn bản luật.

Thứ ba, OECD khuyến nghị các trường hợp sau có thể tăng mức tỷ lệ khống chế lên trên 30%:

  1. Khi quốc gia chỉ giới thiệu chính sách khống chế lãi vay của một doanh nghiệp đơn lẻ và không áp dụng chính sách khống chế lãi vay của cả Tập đoàn;
  2. Khi quốc gia không ban hành quy định cho phép chuyển tiếp phần khống chế lãi vay chưa sử dụng hết hoặc chuyển ngược về trước phần chi phí lãi vay không được trừ.
  3. Một số trường hợp khác ví dụ như khi quốc gia có “interest rates” cao hơn các quốc gia khác, hay thay đổi mức khống chế nhằm theo đuổi một quy tắc khác để chống chuyển lợi nhuận, etc.

Việt Nam thỏa mãn trường hợp (1) để có thể tăng mức khống chế. Tuy nhiên với trường hợp (2), Việt Nam hiện đang cho chuyển tiếp (carry forward) phần chi phí lãi vay không được trừ (để tránh phải hoàn thuế nếu cho chuyển ngược về trước – carry back). Do đó về bản chất, Việt Nam đã ban hành chính sách như tại mục (2) và OECD không khuyến khích tăng mức tỷ lệ khống chế nếu đã ban hành quy định này.

Tuy nhiên cần khẳng định cả Action 4 và báo cáo của OECD đều không có tính ràng buộc pháp lý đối với Việt Nam mà chỉ mang tính khuyến nghị và hướng dẫn.

Có nên chỉ áp dụng quy định này cho doanh nghiệp nước ngoài có GDLK?

Có ý kiến cho rằng chỉ áp dụng quy tắc khống chế chi phí lãi vay đối với doanh nghiệp nước ngoài có giao dịch liên kết và chưa áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, nhưng không áp dụng đối với doanh nghiệp trong nước có giao dịch liên kết.

Đề xuất này không hợp lý do hiện nay trong rất nhiều các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Việt Nam và quốc gia ký kết (Ví dụ: Đức, Hàn Quốc, Ấn Độ…) có quy định về quy tắc Không phân biệt đối xử (Non-discrimination rule). Trong đó có yêu cầu việc tính vào chi phí được trừ của khoản tiền vay trong trường hợp trả cho bên nước ngoài thì cũng phải áp dụng điều kiện tương tự như trả cho doanh nghiệp trong nước. Tức là không có sự phân biệt về chính sách thuế giữa 1 giao dịch trả lãi vay cho bên nước ngoài và trả cho bên nội địa. Nếu vi phạm nguyên tắc này tức là Việt Nam đã vi phạm Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với đối tác, rủi ro tranh chấp và phản đối là rất lớn.

Các phương án tham khảo quốc tế về quy định khống chế mức trần lãi vay

Tham khảo chính sách của một số quốc gia Châu Âu cho thấy chính sách về khống chế mức trần lãi vay được thực hiện như sau:

Áo: Chi phí lãi vay bị loại nếu lớn hơn 3 triệu EUR và vượt mức 30% EBITDA.

Bỉ: Chi phí lãi vay bị loại là giá trị cao hơn giữa 3 triệu EUR hoặc 30% EBITDA. Riêng đối với vay nội bộ tập đoàn thì Bỉ áp dụng tỷ lệ vốn mỏng “thin capitalization” là 5:1 debt-to-equity ratio

Iceland: Khống chế ở 30% EBITDA nhưng sẽ không áp dụng nếu chi phí lãi vay thấp hơn mức khoảng 707 nghìn USD.

Latvia: Đối với chi phí lãi vay từ dưới 3 triệu EUR, áp dụng tỷ lệ 4:1 debt-to-equity, trên 3 triệu EUR khống chế 30% EBITDA.

Hướng dẫn xử lý đối với trường hợp EBITDA âm

Hiện nay, khi thực hiện quy định khống chế chi phí lãi vay ở mức 30% EBITDA theo Nghị định 132/2020/NĐ-CP thì có nhiều trường hợp EBITDA được tính ra số âm. Tuy nhiên, hiện không có hướng dẫn cụ thể về xử lý thuế đối với chi phí lãi vay khi EBITDA âm. Do đó, trong lần sửa đổi Nghị định 132 tới, Chính phủ và Bộ Tài chính cần hướng dẫn chi tiết thêm về trường hợp này.

Tham khảo hướng dẫn của OECD, thực tế OECD không đề cập nhiều đến trường hợp một công ty riêng lẻ (không xem xét trường hợp của tập đoàn) có mức EBITDA âm thì xử lý như thế nào. Tuy nhiên có một hướng dẫn của OECD có đề cập đến việc nếu một ngân hàng hoặc công ty bảo hiểm có mức EBITDA thấp hoặc âm thì sẽ dẫn đến chi phí lãi vay bị loại gần hết hoặc toàn bộ:

“For example, because a bank or insurance company is likely to have low or negative EBITDA, where such an entity finds itself in a net interest expense position, the fixed ratio rule is likely to result in a disallowance of most or all of this net expense.”

Như vậy có thể hiểu quan điểm của OECD là khi EBITDA âm thì toàn bộ chi phí lãi vay sẽ bị loại.

Về trường hợp chuyển tiếp chi phí lãi vay bị loại, OECD bình luận như sau:

“Where a country permits disallowed interest expense to be carried forward and used in later periods, entities in other sectors which incur an interest disallowance as a result of low EBITDA in a particular period will generally be able to deduct this interest expense once their earnings recover. However, as most banks and insurance companies will always have a low or negative EBITDA, even when they are highly profitable in terms of their level of net interest income, any disallowance that is incurred under the fixed ratio rule is likely to be permanent.”

OECD cho rằng nếu một công ty có chi phí lãi vay bị loại do EBITDA thấp thì sang kỳ sau sẽ được khấu trừ khi EBITDA dương nếu áp dụng chính sách chuyển tiếp. Tuy nhiên các doanh nghiệp ngân hàng hay bảo hiểm thì luôn có EBITDA thấp hoặc âm (do đặc thù kinh doanh) thì phần chi phí lãi vay bị loại sẽ không có cơ hội được khấu trừ. Từ đó có thể hiểu rằng, ngay cả khi chi phí lãi vay bị loại do EBITDA âm thì OECD vẫn đồng ý với việc khấu trừ vào các kỳ kế tiếp.

Mặc dù vậy, cần nhấn mạnh rằng các bình luận trên của OECD chỉ mang tính diễn giải và tham khảo. Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn cần có hướng dẫn chi tiết, cụ thể và mang tính ràng buộc pháp lý khi triển khai quy định này tại Việt Nam.

1. DISCLAIMER: These views are the author's own, and do not reflect those of his current employer or any of its clients.

2. All contents published here are the intellectual property of Trung Kien Nguyen and should not be reproduced or copied without permission and/or without giving credit.