Lý triện là ai

Theo Ngô Sĩ Liên trong số các tướng giỏi của Lê Thái Tổ, Lý Triện và Đinh Lễ đứng hàng đầu. 
Lý Triện là Thiếu Úy có chỗ chép là Thái Úy. Đinh Lễ gọi Thái Tổ là cậu, được phong Tư không, có chỗ chép lầm là Thái Giám.Theo lệnh Lê Lợi đem quân ra Bắc cùng Phạm Văn Xảo, Đinh Lễ, Trịnh Khả, Nguyễn Xí và bọn Lê Bị, Lê Khuyển vào tháng 8 năm Bính Ngọ [1426].
Ngày 12, Triện đem 3000 quân áp sát thành Đông Quan. Quân Minh thấy Triện có một cánh quân lẻ loi, đem binh chặn đánh. Triện, Khả quyết chiến đánh tan quân giặc ở Ninh Kiều, chém 2000 thủ cấp. 
Ngày 20 tháng 9, Triện đánh nhau với quân Minh ở cầu Mọc chém 1000 thủ cấp. 
Tháng 10, Tổng binh Sơn Thành Hầu nhà Minh là Vương Thông cùng Tham tướng là Mã Anh đem 50 nghìn quân và 5 nghìn quân kỵ tiến sang nước ta. 
Vương Thông qua Cầu Giấy đóng quân ở huyện Hoài Đức, Phương Chính qua Cầu Cót đóng quân ở Láng. Sơn Thọ, Mã Kỳ đem quân qua cầu Mọc tiến đến Thanh Oai. Ba đạo quân dàn quân san sát đóng doanh trại dài mấy chục dặm, tinh kỳ rực rỡ, rợp trời, giáo mác tua tủa, sáng quắc, tự cho là khí thế có thể nuốt chửng quân ta. 
Đinh Lễ cùng Lê Bí mai mục ở cánh đồng Sốm ở Thanh Oai, rồi cho nghi binh khiêu chiến Sơn Thọ Mã Kỳ. Thọ và Kỳ đuổi theo rơi vào trận mai phục quân ta chém hơn ngàn thủ cấp. Lý Triện đem quân tập kích vào quân của Phương Chính nhưng Chính đã kịp rút.
Triện bèn tiến đánh Vương Thông. Thông lập bẫy chông chà, voi của Triện trúng chông, phải rút về cố thủ và báo cho Lễ biết Vương Thông đang tiến đánh. 
Lễ khi đó đang phục binh ở Thanh Trì đợi giặc, nghe tin báo của Triện bèn tiến lên hội quân với Triện ở Trung Hòa. 
Thông đem súng lớn ngầm đem đặt sau doanh của Lễ Triện, định giao binh thì nổ súng phía sau, áp đảo một đòn tiêu diệt quân ta. Lễ và Triện biết được mưu ấy, bèn dùng ngay mưu đó để đánh lại, hạ lệnh cho quân nghe tiếng súng vẫn nằm yên không nhúc nhích. Thông bèn cho toàn quân tiến lên, quân trải dài từ Chúc Động, Tốt Động tới Ninh Kiều. Phục binh ta nổi dậy bất ngờ phá tan 5 vạn quân giặc tại Chúc Động, Tốt Động. Sông Ninh Kiều tắc nghẽn xác giặc. Bắt sống 1 vạn tên. Vương Thông Mã Kỳ Phương Chính chạy thoát thân trốn vào thành Đông Quan. 
Ngày 22 tháng 10, Lê Lợi mang đại quân ra Bắc đóng quân ở Thanh Trì. Ngày 23 sai Trần Nguyên Hãn mang quân thủy ra cửa sông Hát tiến vào bến Đông Bộ Đầu, Đinh Lễ đem 1 vạn quân đến cầu Trung Hòa. Vua dẫn quân áp sát thành Đại La. Phương Chính phải chạy vào thành. 
Mùa xuân tháng giêng năm Đinh Mùi [1427], Lê Lợi vây Đông Quan. Đinh Lễ đánh cửa Nam, Lý Triện đánh cửa Bắc. 
Ngày 7/2, Phương Chính đem quân ra Từ Liêm đánh úp quân ta. Lý Triện hăng hái chống giặc mà tử trận.
Ngày 9/6 Vương Thông đem quân tinh nhuệ ra cửa Nam đánh quân ta. Đinh Lễ và Nguyễn Xí đem 500 quân và cưỡi voi ra đánh tại My Động. Voi bị sa lầy, quân Minh bèn bắt được Lễ và Xí. Lễ quật cường mắng giặc nên bị giết. Xí bị cầm tù, nhân đêm trời mưa trốn thoát về gặp vua. Lê Lợi mừng mà kêu lên "Trời cho người sống lại". 
Cho em của Lễ là Liệt làm Nhập Nội thiếu úy Á hầu. Lại phong các vợ của Lễ là bọn Hà Ngọc Dung 6 người làm Tông Cơ. Cho cha của Lý Triện là Ba Lao làm Quan Sát Sứ, tước Thượng phẩm và 100 mẫu ruộng. Lại cho con Triện là Lăng làm Phòng Ngự Sứ, tước Thượng Trí tự, Trước phục hầu. 
Ngày nay ở Hà Nội, Lễ, Liệt và Xí đều có tên đường. Triện không có.

Nguyễn Ái Việt [Debrecen,VIDI73]

Page 2

Ông Đinh Lễ, một tướng giỏi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, là một trong số 221 người được Lê Thái Tổ ban quốc tính [họ vua, họ Lê] .

Sử thần đời sau gọi ông là Đinh Lễ, Lê Lễ một cách tùy tiện, không phân biệt họ Đinh [họ thật, trước khi được vua ban quốc tính] và họ Lê [họ vua, kể từ ngày được vua ban quốc tính] của ông. 

Chẳng hạn như trong Đại Việt Thông Sử [Lê Quý Đôn toàn tập, tập 3, nxb Khoa Học Xã Hội, 1978] chép tên ông năm 1418 là Lê Lễ [tr 35], đến năm 1424 chép là Đinh Lễ [tr 46], năm 1426 lại đổi thành Lê Lễ [tr 51], và năm 1427 lại trở về Đinh Lễ [tr 54] v.v..

Sự lẫn lộn này đôi lúc đã gây thắc mắc và đặt ra cho chúng ta câu hỏi: 

Lê Lợi ban quốc tính, họ vua cho ông Đinh Lễ từ năm nào ? Nói rộng hơn là Lê Lợi ban quốc tính, họ vua cho các công thần từ năm nào, từ trước hay chỉ bắt đầu từ năm lên làm vua ?

Trả lời được câu hỏi trên sẽ giúp chúng ta hiểu thêm được một vài sự kiện của thời kì Khởi nghĩa Lam Sơn.

Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên [tập 3, nxb Khoa Học Xã Hội, 1968, viết tắt là TT] , Đại Việt thông sử [TS] của Lê Quý Đôn [sđd], Khâm định Việt sử Thông giám Cương Mục [CM] của Quốc sử quán triều Nguyễn [tập 1, nxb Giáo Dục, 1998], chép rằng:

- Tháng 3 năm 1427, Đinh Lễ và Nguyễn Xí đánh nhau với quân Minh ở Mi Động [Hoàng Mai, Hà Nội bây giờ]. Voi của hai ông bị sa lầy. Hai ông bị quân Minh bắt đưa về thành Đông Quan. "Lễ không chịu khuất, bị giết chết. Xí về sau nhân ban đêm mưa gió, dùng mẹo đánh lừa kẻ canh giữ thoát về được, vào ra mắt vua ở Bồ Đề..." [TT, tr 33; CM, tr 809]. "Đinh Lễ tử trận, Nguyễn Xí bị giặc bắt " [TS, tr 58].

-Mùa hạ, tháng tư năm 1427, ghi công các người [ Đinh Lễ và Lý Triện] đã hy sinh về việc nước [TS, tr 60], chết vì việc nước [TT, tr 35; CM, tr 809] : phong cho em Lê Lễ là Đinh Liệt làm nhập nội thiếu úy á hầu; các vợ lẽ của Lễ là bọn Hà Ngọc Dung 5 người đều làm tông cơ [...].

- Tháng 12 năm 1427 quân Minh rút hết về nước. Lê Lợi gấp rút tổ chức lại guồng máy cai trị quân dân.

- Tháng 2 năm 1428 Lê Lợi ban thưởng cho các hỏa thủ và quân nhân quân Thiết đột có công siêng năng khó nhọc ở Lũng Nhai, chia ra thứ bậc, cộng 221 người : Công hạng nhất, cho quốc tính, là bọn Lê Vấn, Lê Quy, Lê Dịch, Lê Ê 52 người [...]; công thứ hai, cho quốc tính, là bọn Lê Bố, Lê Liệt, Lê Khảo 72 người [...]; công thứ ba, cho quốc tính, là bọn Lê Lễ 94 người [...] [TT, tr 59; TS, tr72]. CM [tr 833] chép công thứ ba là Lê Trễ, Lê Nghiễn 94 người. 

- Tháng 3 năm 1428, đại hội các tướng và các quan văn võ để định công ban thưởng, theo công cao thấp mà định thứ bực. Lấy thừa chỉ Nguyễn Trãi làm quan phục hầu, tư đồ Trần [Nguyên] Hãn làm tả tướng quốc, khu mật đại sứ Phạm Văn Xảo làm thái bảo, đều cho quốc tính [TT, tr 60; TS, tr 72; CM, tr 835].

- Tháng 4 năm 1428 Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, sai Nguyễn Trãi viết bài Bình Ngô đại cáo, tuyên bố nền độc lập của nước ta.

- Truy phong Lê Lễ làm Nhập nội tư đồ, Lê Triện làm Nhập nội tư mã [CM, tr 839]

- Tháng 9 năm 1428, định lại phẩm tước của quan chức văn võ. Cho các công thần được quốc tính [TT, tr 64 ]. Cho các vị công thần được đổi họ nhà vua [ TS, tr 79]. 

- Tháng 5 năm 1429, ban biển ngạch công thần, phong mọi tước hầu [ liệt hầu] cho 93 người , trong số này có các ông Lê Vấn, Lê Sát, Lê Văn Xảo, Lê Văn An, Lê Liệt, Lê Lễ, Lê Xí, Lê Trãi v.v.[TT, tr 69; CM, tr 853].

Tóm lại, ông Đinh Lễ có tên trong số các công thần được vua Lê Thái Tổ [Lê Lợi] ban thưởng, cho quốc tính [họ Lê] năm 1428, được ban biển ngạch công thần , được phong tước Đình Thượng hầu năm 1429.

Nhưng mặt khác, trước đó sử lại chép rằng ông Đinh Lễ đã bị quân Minh giết tại trận [TS] hoặc tại thành Đông Quan [TT, CM] năm 1427. Dựa vào sự kiện ông bị giết năm 1427 và được ban họ vua năm 1428, nhiều người kết luận rằng:

- Lê Lợi đã ban họ vua cho một số công thần trước năm 1428, ngay từ ngày còn "nằm gai nếm mật ", chưa biết sẽ "được làm vua " hay "thua làm giặc ".

- Năm 1428 Lê Lợi ban thưởng, ban họ vua cho cả các công thần đã chết như ông Đinh Lễ.

Đọc tất cả các bản chính sử đến đây, chúng ta phải công nhận như vậy.

Nhưng ngược lại, chúng ta cũng có thể quả quyết rằng :

1- Câu hỏi về năm Lê Lợi ban họ vua cho các công thần không cần được đặt ra bởi vì hiển nhiên là phải làm vua rồi thì mới có thể ban họ vua cho người khác được . Như vậy mới danh chính ngôn thuận . Vả lại tất cả các đệ nhất công thần cũng chỉ được ban quốc tính từ năm 1428, năm Lê Lợi lên làm vua, không lẽ có người còn hơn cả đệ nhất công thần ? 

Nếu cho rằng ông Đinh Lễ được ban họ vua trước năm 1427 thì hóa ra ông được ban họ vua hai lần , lần thứ nhì vào năm 1428 ?

2- Về mặt chữ nghĩa, Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh [nxb Trường Thi, 1957] giải thích các từ phong, tặng, ban và truy như sau:

- Phong: vua đem đất đai và tước lộc cho bầy tôi.

- Tặng: đem phẩm vật biếu cho người. Phong chức cho người đã chết.

- Ban: ban cho. Ban ân: vua gia ơn cho thần dân.

- Truy: tìm trở ngược các việc đã qua. Truy phong: phong tước cho người đã chết.

Như vậy thì những người được vua phong thưởng, ban thưởng, phải là những người còn sống. Những người được vua truy phong hay truy tặng danh hiệu là những người đã chết.

Ông Đinh Lễ được vua phong thưởng, ban thưởng, cho quốc tính năm 1428, điều này tỏ rằng ông còn sống.

3- Sau khi ban thưởng các công thần, nhà vua chỉ huy rằng: " Các chức văn võ, quan võ từ thượng tướng tước trí tự trước phục hầu trở lên, đều cho mặc áo màu đỏ tiá, quan văn từ nhập nội đại hành khiển quan phục hầu trở lên, cũng cho mặc áo màu đỏ tiá " [TT,tr 70; CM, tr 854].

Các ông quan đại thần được mặc áo màu đỏ tiá chắc phải là những người còn sống. Trong số những người này có ông Lê [Đinh] Lễ.

4- " Triều ta [nhà Lê] lúc mới dựng nước, thiên hạ vừa mới được bình định, anh em thì ít, các con thì còn bé. Các võ tướng ai có công thì được ban quốc tính, chia nhau nắm binh mã, họ hàng liên kết chặt chẽ..." [TS, tr 142].

Lê Quý Đôn cho phép chúng ta nghĩ rằng Lê Lợi phong thưởng, ban quốc tính cho các công thần khi " thiên hạ mới được bình định ", tức là năm 1428; và ban thưởng cho những người " chia nhau nắm binh mã ", tức là những người còn sống.

Dựa vào 4 nhận xét, phân tích kể trên thì lại phải thừa nhận rằng năm 1428 ông Đinh Lễ vẫn còn sống. Và điều này có nghĩa là Lê Lợi chỉ ban họ vua cho các công thần bắt đầu từ năm 1428 và chỉ ban cho những công thần còn sống.

Chả lẽ các sử thần lại ghi chép thiếu thận trọng như vậy? 

Vẫn nói về ông Đinh Lễ [TS, Chư thần truyện, tr 168] , Lê Quý Đôn lại gây thêm bối rối cho chúng ta :

"Năm Thuận Thiên thứ nhất [1428], tặng ông [Đinh Lễ] là nhập nội kiểm hiệu tư đồ. Năm Hồng Đức thứ 15 [1484] gia tặng là thái sư Bân quốc công, về sau tấn phong là Hiển Khánh Vương".

Ở đây Lê Quý Đôn dùng chữ tặng, nhưng ở phần Đế kỷ [tr 71] lại dùng chữ phong. Một chữ dùng cho người đã chết, chữ kia cho người còn sống. Dường như có mâu thuẫn trong lối viết của Lê Quý Đôn.

Dầu sao thì TT , TS và CM cũng đã để lại cho chúng ta một mâu thuẫn, một thắc mắc có liên quan trực tiếp đến năm Lê Lợi ban họ vua cho các công thần.

Ông Đinh Lễ bị quân Minh giết năm 1427 hay ông vẫn còn sống năm 1428 ? 

May mắn thay, TT [tr 151-152] và CM [tr 955] chép về đời vua Lê Nhân Tông có đoạn như sau :

Năm 1449, " Mùa hạ, tháng 4, khôi phục lại tự hiệu phong hầu và quan tước nhập nội thị trung cho thái tử thiếu bảo Lê Lễ. Ngày hôm ấy Lễ chết. Lễ đời làm gia thần của Thái Tổ, rất được yêu trọng, sớm tối chầu hầu, không lúc nào rời bên cạnh. Chí dốc trung trinh, có sức khỏe hơn người. Khi Thái Tổ khởi nghĩa, vợ cả vợ lẽ bị hoạn nạn mà vua vượt ra vòng vây, thoát khỏi nơi hiểm, công của Lễ rất nhiều. Thái Tổ thường khen giỏi và từng nói: " Nếu dồn mọi công lao, thời vị tể tướng chẳng ngươi còn ai nữa. Ta có tiếc gì với ngươi, chỉ vì tài ngươi không xứng thôi ".

" Đến khi Thái Tổ sắp băng, khóc bảo rằng: Nếu trẫm không còn thì ai biết khanh nữa, sợ từ đây về sau sẽ bị giáng truất mà thôi ". Sau bị Nguyễn Thị Lộ gièm, phải giáng làm thái tử thiếu bảo, đúng như lời nói của Thái Tổ. Đến đây ốm nặng, được phục lại chức cũ. Ngày mồng 4 chết, tuổi 82. Tặng hương hầu, thụy là Trung Tiết " . 

Các chi tiết chép về ông Lê Lễ, trải thờ ba đời vua và chết năm 1449 [ làm gia thần của Thái Tổ, không lúc nào rời bên cạnh, có sức khỏe hơn người, theo Thái Tổ khởi nghĩa ], đều giống những điều Lê Quý Đôn viết về ông Lê [Đinh] Lễ trong TS [tr 165].

Những chi tiết này chứng tỏ rằng ông Đinh Lễ, theo Lê Lợi từ ngày khởi nghĩa, không hề bị quân Minh giết tại trận hay giết tại thành Đông Quan năm 1427, như chính sử đã chép trước đó.

Cùng năm 1427 còn có ông Đỗ Bí cũng bị quân Minh bắt. " Sau giặc về nước, lấy lễ đưa Bí trở lại " [TT, tr 31].

Ông Đỗ Bí cũng được ban quốc tính, được ban biển ngạch công thần năm 1429 cùng với ông Đinh Lễ.

Như vậy là TT và CM đã bắt ông Đinh Lễ chết...hai lần. Hay nói khác đi, hai ông Lê [Đinh] Lễ của cùng một bản chính sử, chết hai năm khác nhau, thực ra là cùng một người. TS chỉ chép đến năm 1433 nên chỉ bắt ông chết một lần, nhưng đó là lần...chết hụt.

Phải chăng các sử thần đã quên hay cố ý bỏ sót không chép việc ông Đinh Lễ sống sót trở về với Lê Lợi ?

Các đời sau chép sử về Lê Lợi và cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn thường dừng lại ở năm 1428 [năm cuộc khởi nghĩa thành công hoàn toàn và Lê Lợi lên làm vua], hoặc năm 1433 [năm Lê Lợi chết]. Vì thế mà người ta quên mất ông Lê Lễ chết năm 1449, đời vua Lê Nhân Tông. Và người ta cũng quên cả đính chính một điều sai lầm của chính sử chép rằng ông Đinh Lễ bị quân Minh giết năm 1427.

Ngày nay chúng ta vẫn còn được đọc :

"Đinh Lễ bị giặc giết chết, còn Nguyễn Xí thì sau trốn thoát được. Đinh Lễ hy sinh là một tổn thất lớn của nghĩa quân vì ông là một tướng cao cấp [lúc bấy giờ Đinh Lễ giữ chức nhập nội tư không] và dũng cảm, đã có công lớn trong trận Khả Lưu năm 1424, trận thành Diễn Châu năm 1425 và nhất là trận Tốt Động - Chúc Động cuối năm 1426" [Phan Huy Lê - Phan Đại Doãn, Khởi nghĩa Lam Sơn, in lần thứ ba, Khoa Học Xã Hội, 1977].

Năm chết của ông Đinh Lễ [ 1449] được xác định, chính sử trở thành dễ hiểu và hợp lí hơn. Nhờ đó mà chúng ta có thể kết luận rằng Lê Lợi phong thưởng, ban quốc tính [họ Lê] cho các công thần còn sống bắt đầu từ năm 1428, năm Lê Lợi lên làm vua.

Kết luận trên còn giúp chúng ta tìm hiểu một vài sự kiện lịch sử khác.

Năm 1427, Lê Lợi "giết tư mã là Lê Lai, tịch thu gia sản, vì Lai cậy có công đánh giặc, nói ra những lời ngạo mạn nên bị giết " [TT, tr 30; TS, tr 56]. CM không chép chuyện này.

Ông Lê Lai này là ai ? Có thể nào là ông Lê Lai liều mình cứu chúa năm 1419 không ?

" Thực ra không có căn cứ gì để cho rằng Lê Lai đã bị giết năm 1427 thì không thể có Lê Lai hy sinh năm 1419 vì rất có thể có hai người cùng tên họ, hay cùng tên khác họ nhưng được ban quốc tính nên thư tịch cũ chép thành cùng tên họ. Hơn nữa, Lam Sơn thực lục tục biên lại chép cả việc Lê Lai hy sinh cứu Lê Lợi và cả việc giết Lê Lai năm 1427. Điều ấy chứng tỏ lúc bấy giờ có hai người tên Lê Lai "[Khởi nghĩa Lam Sơn, sđd tr 154].

Cho tới năm 1427 Lê Lợi chưa ban họ vua cho các công thần, và sau năm 1428 Lê Thái Tổ cũng không ban quốc tính cho ai đã từng ngạo mạn, bị chính mình giết năm trước. Ít ra thì họ Lê cũng phải là họ thật của ông tư mã. 

Trường hợp của ông Lê Lễ bị chết hai lần vào hai năm khác nhau nhắc chúng ta cần phải bàn lại ý kiến cho rằng có hai ông quan đại thần Lê Lai.

Chúng ta còn gặp một trường hợp khác trong chính sử.

Năm 1411 đời Hậu Trần, vua Trần Quý Khoáng sai Hồ Ngạn Thần và Bùi Nột Ngôn đi sứ cầu phong. "Trước đây vua sai hành khiển Nguyễn Nhật Tư và thẩm hình Lê Ngân sang cầu phong, vua Minh giận bắt giam giết " [TT, tập 2, tr 242; CM, tr 747].

Khởi nghĩa Lam Sơn cũng có một tướng giỏi tên là Lê Ngân. Ông theo Lê Lợi khởi nghĩa, tham dự từ trận đánh đầu tiên năm 1418, được phong tước Thượng hầu năm 1429. Đại đô đốc Lê Ngân bị Lê Thái Tông giết năm 1437 [TT, tr 125; CM, tr 918].

Thẩm hình Lê Ngân bị vua Minh giết năm 1411 và Đại đô đốc Lê Ngân bị Lê Thái Tông giết năm 1437 là hai người trùng tên họ hay chỉ là một người ? 

Xin chờ câu trả lời của các nhà nghiên cứu sử.
 

Nguyễn Dư 
[18.10.2000] 

Page 2

 
 

  . Nguyễn Dư :
- Phong tục về Tang Ma . Huỳnh Mạnh Tiên : 
- Lỗ Tấn Thơ Chứ Bộ 
. Nguyễn Hồi Thủ :
- Đi-a-xpo-ra
. Thơ tiền chiến : - Cảm xúc  - Xuân Diệu - Buồn thu - Hàn Mặc Tử - Vạn lý tình - Huy Cận - Thơ sầu rụng -  Lưu Trọng Lư - Hai lòng- Nguyễn Bính . Miêng : - Bóng chân
. Xuân Sương : - Thư Paris

. Nguyễn Thị Chân Quỳnh dịch : - Louise  [nguyên tác : W. Somerset MAUGHAM] 


. Đỗ Đình Truật : - Dấu ấn Phật giáo trong nềnvăn hóa mộ táng cổ ở Việt Nam
. Quách Thanh Tâm : -  LA COMPASSION TRANSCENDEE l ' " Oraison pour le rachat des âmes abandonnées " [Văn Chiêu hồn]
. Nguyễn Hồi Thủ :   - Quả đất quê hương  [  - Dẫn nhập  : Lịch sử của lịch sử  - Chương I : Thời đại toàn cầu  -  Chương II  : Tấm thẻ căn cước địa cầu   - Chương III : Sự hấp hối toàn cầu  ] . Nguyễn Dư : - Ông Lê [Đinh] Lễ chết... hai lần ?
. Hồ Đắc Duy : - Bệnh án của  Ngọa Triều Hoàng Đế

**********
Để vào Trạm Chim Việt Cành Nam, xin dùng dịa chỉ : //chimviet.free.fr
Trang hình ảnh
***
. Dáng Nét quê hương
. Những nẻo đường
Mục lục tác giả Biên tập - Hộp thư - Trang bạn

Video liên quan

Chủ Đề