Nghị quyết hướng dẫn điều 51 blhs 2015

(LSVN) - Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (TNHS) là cơ sở pháp lý để HĐXX đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, từ đó quyết định hình phạt tương xứng với người phạm tội, đảm bảo việc cải tạo, giáo dục người phạm tội, góp phần bảo đảm thực hiện các nguyên tắc công bằng, nhân đạo, bình đẳng và bảo đảm quyền con người. Các tình tiết giảm nhẹ TNHS được quy định tại Điều 51, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 nhìn chung bảo đảm tính khoa học và tính nhân văn sâu sắc, phát huy tác dụng trong thực tiễn xét xử, góp phần tích cực vào nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm. Việc áp dụng pháp luật (ADPL) về các tình tiết giảm nhẹ TNHS của Tòa án trong thực tiễn xét xử thời gian qua cơ bản đảm bảo đúng quy định của BLHS và hầu hết việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ TNHS là đúng với người thực hiện hành vi phạm tội, thể hiện được chính sách hình sự của Nhà nước ta. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy, việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ TNHS vẫn còn nhiều quan điểm chưa thống nhất, còn hạn chế, bất cập trong quy định của pháp luật…

Nghị quyết hướng dẫn điều 51 blhs 2015

Ảnh minh họa.

Những khó khăn, vướng mắc về áp dụng một số tình tiết giảm nhẹ TNHS trong thực tiễn công tác

Áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” (điểm i, khoản 1, Điều 51, BLHS năm 2015)

Tình tiết giảm nhẹ TNHS này được hướng dẫn tại Văn bản số 01/2017/GĐ-TANDTC: Tòa án chỉ áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999 khi có đủ 02 yếu tố “phạm tội lần đầu” và “thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”. Nếu bị cáo phạm tội lần đầu mà không phải thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc ngược lại phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng nhưng lần phạm tội này không phải phạm tội lần đầu thì không áp dụng điểm h khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999 (nay điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015) để giảm nhẹ TNHS cho bị cáo.

Có ý kiến cho rằng, theo quy định tại khoản 3 Điều 51 BLHS năm 2015: “Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt”. Nghĩa là, nếu các tình tiết giảm nhẹ đã là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS, còn nếu không thuộc dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì áp dụng các tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS nếu có.

Như vậy, nếu bị cáo phạm tội lần đầu và gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy đến 03 năm tù thì phải áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” cho bị cáo không phân biệt bị cáo phạm tội gì. Quan điểm khác cho rằng, không phải bị cáo phạm bất kỳ tội gì nếu bị cáo có đủ 02 yếu tố nêu trên thì áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS mà cần phải xem xét đánh giá các yếu tố khác. Bởi lẽ, có rất nhiều điều trong BLHS quy định khoản 1 có khung hình phạt cao nhất đến 03 năm tù, nếu hành vi phạm tội của bị can, bị cáo vi phạm đạo đức bị dư luận xã hội lên án mạnh mẽ; đối tượng của tội phạm được xã hội quan tâm, bảo vệ,… tuy bị cáo có đủ hai yếu tố như hướng dẫn của văn bản nêu trên nhưng không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” cho bị cáo khi quyết định hình phạt.

Thực tiễn việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS này trong từng vụ án cụ thể còn có những quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng (THTT), những người THTT dẫn đến việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” không chính xác nên quyết định hình phạt chưa đạt được mục đích, cụ thể như sau: Khoảng 20h00’ ngày 03/6/2018 tại phòng ngủ nhà chị Nguyễn Thị N., thuộc xã Ayun, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Trần Văn Th. vì ham muốn tình dục, không làm chủ được bản thân. Th. đã có hành vi cho cháu Nguyễn Mai T. (sinh ngày 25/5/2011) nhằm thỏa mãn dục vọng cá nhân. Bản án số 10/2018/HS-ST ngày 29/12/2018 của TAQS Khu vực 1 Quân khu S xét xử Trần Văn Th. phạm tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” theo khoản 1 Điều 146 BLHS và nhận định bị cáo Th. phạm tội lần đầu; khoản 1 Điều 146 BLHS có khung hình phạt đến 03 năm tù “thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”. Áp dụng khoản 1 Điều 146; điểm b, i, s khoản 1 Điều 51; khoản 1, khoản 2, khoản 5 Điều 65 BLHS. Xử phạt Trần Văn Th 08 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 16 tháng.

Sau khi xét xử sơ thẩm, VKSQS Quân khu 5 ra Quyết định kháng nghị số 01/QĐ-VKS ngày 16/01/2019, nội dung: Kết luận của Bản án hình sự sơ thẩm về tội danh như đã nêu trên để xử phạt bị cáo Trần Văn Th là có căn cứ, tuy nhiên do chưa đánh giá hết tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, hậu quả nghiêm trọng của vụ án do bị cáo gây ra cũng như thực trạng tình hình bạo lực, xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục có chiều hướng diễn biến phức tạp trong giai đoạn hiện nay, nên HĐXX đã áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” là không phù hợp, xử phạt bị cáo Trần Văn Th. 08 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 16 tháng là quá nhẹ, chưa đảm bảo tính răn đe giáo dục và phòng ngừa chung…

Ngày 12/3/2019, TAQS Quân khu S. xét xử phúc thẩm: Chấp nhận kháng nghị của VKS, không áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” đối với Trần Văn Th., sửa hình phạt tù cho hưởng án treo tại Bản án số 10/2018/HS-ST ngày 29/12/2018 của TAQS Khu vực 1 Quân khu S. và tuyên phạt Trần Văn Th. 12 tháng tù.

Tác giả cho rằng mặc dù bị cáo Th. có đầy đủ 2 yếu tố như Văn bản số 01/2017/GĐ-TANDTC hướng dẫn nhưng vì đối tượng xâm hại của tội phạm là trẻ em, được Nhà nước, xã hội, công dân có trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ. Để bảo vệ danh dự, nhân phẩm, sức khỏe cho trẻ em và ngăn ngừa loại tội phạm này Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-Tgg ngày 16/5/2017 đề nghị TAND Tối cao, VKSND Tối cao chỉ đạo Tòa án, VKS các cấp xử lý nghiêm các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.

Hành vi phạm tội của bị cáo Th. đã xâm phạm đến khách thể rất quan trọng được pháp luật hình sự nước ta bảo vệ, đó là quyền bất khả xâm phạm về tình dục của con người, của trẻ em, xâm phạm sự phát triển bình thường về sinh lý và thể chất, danh dự, nhân phẩm của trẻ em không chỉ thể hiện sự nguy hiểm cho xã hội mà còn để lại hậu quả nặng nề, gây ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển hồn nhiên của cháu T. Mặc khác, thời gian gần đây, các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Do vậy, Th. không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” là phù hợp.

Áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” (điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015)

Tình tiết giảm nhẹ TNHS“phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” được quy định tại điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015. Tuy nhiên thực tế trong mỗi vụ án, ở mỗi địa phương còn có cách hiểu khác nhau.

Áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS “chưa gây thiệt hại”

Nội dung vụ án: Khoảng 22 giờ 00’ ngày 02/02/2018, lợi dụng đêm tối không có ai ở nhà, Nguyễn Xuân T. đã lén lút đột nhập vào nhà anh Nguyễn Ngọc H. để trộm cắp tài sản. Khi đang đục thủng chiếc két sắt trong nhà anh H. để lấy tài sản thì bị phát hiện và bắt quả tang. Lực lượng chức năng kiểm tra trong két sắt có số tiền 30.000.000 đồng.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Hành vi nêu trên của bị cáo Nguyễn Xuân T. đã đủ yếu tố cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS; bị cáo chưa chiếm đoạt được tài sản nên phạm tội thuộc trường hợp “phạm tội chưa đạt” theo quy định tại Điều 15 BLHS. Do bị cáo chưa chiếm đoạt được tài sản có nghĩa là hành vi phạm tội của bị cáo “chưa gây thiệt hại” nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Hành vi của bị cáo Nguyễn Xuân T. đã đủ yếu tố cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt theo quy định tại khoản 1 Điều 173 và Điều 15 BLHS. Do bị cáo phạm tội chưa đạt nên đương nhiên thiệt hại chưa xảy ra, do đó không thể áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ TNHS “chưa gây thiệt hại”. Mặt khác, theo khoản 3 Điều 57 BLHS quy định “Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức hình phạt tù mà điều luật quy định”. Điều đó có nghĩa là khi xác định bị cáo phạm tội trong trường hợp chưa đạt đã được xem xét giảm nhẹ TNHS so với phạm tội đã đạt đã hoàn thành; nếu lại tiếp tục áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ TNHS “chưa gây thiệt hại” theo điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS có nghĩa là bị cáo được xem xét giảm nhẹ TNHS hai lần là không bảo đảm tính công bằng trong việc áp dụng PLHS.

Tác giả cho rằng vì trong trường hợp này đã xác định Nguyễn Xuân T. phạm tội “Trộm cắp tài sản” thuộc trường hợp chưa đạt thì không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS “chưa gây thiệt hại”. Hay nói các khác tình tiết “chưa gây thiệt hại” ở đây được hiểu như là dấu hiệu định tội trong trường hợp phạm tội chưa đạt nên việc không áp dụng tình tiết giảm nhẹ “chưa gây thiệt hại” trong trường hợp này là phù hợp với tinh thần của khoản 3 Điều 51 BLHS: “Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt”.

Áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS “gây thiệt hại không lớn”

Nội dung vụ án 1: Khoảng 21 giờ 00’ ngày 23/9/2018, Trần Quang D. rủ Nguyễn Việt A. đi lên tầng 2 công trình xây dựng Trung đoàn 885 Quân khu 5, quan sát thấy anh Bùi Văn T. là người quản lý công trình đã ngủ, D. và A. đã lấy trộm số tài sản, gồm: 03 cuộn dây điện loại 1×2,5mm2; 02 cuộn dây điện loại 1×1,5mm2; 05 cuộn ống đồng phi 6; 05 cuộn ống đồng phi 12 là tài sản của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng T.A., Tổng Công ty C., Bộ Quốc phòng. D. và A. đã cho 05 cuộn dây điện vào trong bao tải màu trắng và cùng bê tất cả số tài sản trên đi cầu thang bộ xuống đến hàng rào bằng tôn của công trình rồi ném tất cả số tài sản vào bụi cỏ rậm để cất giấu. Đến khoảng 22 giờ 30 phút cùng ngày, D. và A. đến nơi cất giấu, mang số tài sản vừa trộm cắp được đi tìm nơi tiêu thụ thì bị tổ tuần tra Công an phường Tân Th., thành phố N. kiểm tra, phát hiện, lập biên bản sự việc và thu giữ tang vật. Tổng giá trị tài sản bị trộm cắp được định giá là 17.300.000 đồng.

Quan điểm thứ nhất cho rằng hành vi trộm cắp của D., A. bị lực lượng chức năng phát hiện trước khi bị cáo đưa tài sản đi tiêu thụ, tài sản trộm cắp đã được thu hồi nguyên vẹn, vì vậy hành vi phạm tội của D. và A. “chưa gây thiệt hại”.

Quan điểm thứ hai thì hành vi trộm cắp của D., A. đã gây mất trật tự trị an tại nơi quản lý tài sản của Quân đội, tuy chưa có thiệt hại cụ thể về vật chất nhưng đã có hậu quả phi vật chất là gây ảnh hưởng đến sự an toàn, danh dự, uy tín của đơn vị nên cần áp dụng tình tiết quy định ở ý 2 điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS “gây thiệt hại không lớn”.

Chúng tôi cho rằng vì trong vụ án trên bị cáo đã xâm phạm đến khách thể là quan hệ sở hữu và hành vi phạm tội đã ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội; đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức,…gây dư luận xấu trong xã hội, mặc dù tài sản đã được thu hồi nhưng vẫn có hậu quả xảy ra; vì vậy cơ quan THTT áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS “gây thiệt hại không lớn” là phù hợp.

Nội dung vụ án 2: Khoảng 20 giờ 30 phút ngày ngày 07/8/2018, Nguyễn Bá T. cùng Đặng Tuấn V., Đặng Văn A., Nguyễn Xuân Th. cùng trú tại thôn Nam Cát, xã Tam Anh B., huyện Núi T., tỉnh QN đi bắn chim. Khi đi, T. và V. mỗi người mang theo một khẩu súng tự chế làm bằng các đoạn ống nhựa, lực đẩy bằng hơi cồn, đạn bằng bi kim loại còn A. và Th. dùng chung 01 khẩu súng tự chế như trên. Trong lúc T. đang soi chim thì có xe ô tô hiệu Huyndai Accent do anh Nguyễn Việt H. điều khiển chạy qua. Bực tức vì bị bụi xe cuốn lên người, T. đã chửi lái xe rồi giương súng bắn vỡ tấm kính chắn gió phía sau xe của anh H. Kết luận định giá tài sản, tấm kính chắn gió trị giá 4.350.000 đồng.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 10/2019/HSST ngày 25/3/2019 của TAQS Khu vực 1 Quân khu V. quyết định: Áp dụng khoản 1 Điều 178; điểm b, i, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 BLHS xử phạt Nguyễn Bá T. 10 tháng tù về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản”. Ngày 02/4/2019, bị cáo T. có đơn kháng, xin được hưởng án treo do có nhiều tình tiết giảm nhẹ TNHS.

Xét kháng cáo của bị cáo Nguyễn Bá T., HĐXX cấp phúc thẩm đã đánh giá toàn diện tính chất, mức độ nguy hiểm mà bị cáo đã gây ra cho xã hội; bị cáo được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại điểm b, i, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 BLHS, đó là “Người phạm tội tự nguyện bồi thường thiệt hại”, “Bị cáo phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”, “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” và “bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo”; đồng thời qua tranh tụng cho thấy, ngoài các tình tiết giảm nhẹ TNHS nêu trên, bị cáo còn được hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS “Phạm tội nhưng gây thiệt hại không lớn” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS. Do bị cáo T là người có nhân thân tốt, có nơi cư trú và làm việc cụ thể, rõ ràng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ TNHS và không có tình tiết tăng nặng TNHS. Đối chiếu với Điều 2 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, cấp xét xử phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo của bị cáo T; áp dụng khoản 1 Điều 178; điểm b, h, i, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; các khoản 1, 2, 5 Điều 65 BLHS xử phạt bị cáo Nguyễn Bá T 10 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Như vậy, việc xác định thế nào là “thiệt hại không lớn” chưa có sự thống nhất trong thực tiễn. Việc dành quyền xem xét cho HĐXX đánh giá áp dụng khi cá thể hóa hình phạt trong từng trường hợp cụ thể là phù hợp, tuy nhiên sự nhìn nhận của mỗi người THTT khác nhau, dẫn đến việc giải quyết vụ án có kết quả đối lập trong thực tiễn xét xử.

Áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS “Phạm tội do lạc hậu” (điểm m khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015)

Phạm tội do lạc hậu là trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội có nhận thức kém về tính trái pháp luật của hành vi họ thực hiện, hoặc hành động theo phong tục, tập quán, tín ngưỡng, thói quen cổ hủ, lạc hậu mà không biết là mình phạm tội (mặc dù pháp luật quy định buộc phải biết). Đối với những trường hợp này, họ có hành vi trái với pháp luật nhưng lại cho rằng phù hợp với lợi ích xã hội… Thực tiễn xét xử xác định nguyên nhân của nhận thức lạc hậu còn chưa có quy định rõ ràng, dẫn đến việc áp dụng chưa chặt chẽ và thiếu tính thuyết phục.

Nội dung vụ án: Sáng ngày 03/7/2022, Siu K. điều khiển xe mô tô chở Ksor U., Rơ Lan H., Rơ Châm Y. mang theo 04 con dao đi đến Đồn Biên phòng Ia Pnôn để đánh cán bộ biên phòng, uy hiếp, lấy lại xe mô tô bị thu giữ ngày 02/7/2022. Khoảng 08 giờ 30 phút cùng ngày, khi đi đến đoạn đường bê tông thuộc làng Bua, xã Ia Pnôn, huyện Đức C., tỉnh Gia L. (cách Đồn Biên phòng Ia Pnôn khoảng 3,5km), 04 bị cáo gặp và dùng dao, đá tấn công các anh Thảo Lan V., Trần Văn C., Lê Bá Nh. (đều là cán bộ thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Gia L); 03 bị hại sợ bỏ chạy để lại 02 xe máy và không thể bảo vệ được tài sản. Các bị cáo chiếm đoạt xe mô tô của anh Nh. và xe mô tô của anh C., tổng giá trị 02 chiếc xe mô tô là 27.950.000 đồng; gây thương tích cho anh V., anh Nh., mỗi người tổn hại sức khỏe là 02%.

Cáo trạng của VKSQS Khu vực 2 xác định: Các bị can sử dụng 02 con dao có đặc điểm dài từ 29,5 cm đến 48 cm, lưỡi dao làm bằng kim loại dài từ 19cm đến 30,5cm, mũi dao nhọn, lưỡi dao sắc bén và 01 cục đá nặng 1,3 kg để tấn công các bị hại, thỏa mãn tình tiết định khung "Sử dụng phương tiện nguy hiểm" nên Ksor U., Siu K., Rơ Châm Y., Rơ Lan H. phạm tội "Cướp tài sản” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 168 BLHS. Về tình tiết giảm nhẹ TNHS: …, các bị can đều sống tại khu vực có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, trình độ học vấn thấp (01/12), hạn chế về mặt nhận thức, ý thức pháp luật kém, lạc hậu. Vì vậy, các bị can được hưởng các tình tiết giảm nhẹ TNHS “phạm tội do lạc hậu” quy định tại điểm m khoản 1 Điều 51 BLHS.

Bản án hình sự sơ thẩm số 05/2023/HS-ST ngày 26/4/2023 của TAQS Khu vực 1 Quân khu N. xác định: Các bị cáo Ksor U., Siu K., Rơ Lan H., Rơ Châm Y. nhận thức được và buộc phải biết việc xâm phạm đến sức khỏe, quyền sở hữu tài sản của người khác là trái đạo đức xã hội và pháp luật Nhà nước, nên không có cơ sở áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS "Phạm tội do lạc hậu" theo điểm m khoản 1 Điều 51 BLHS cho các bị cáo theo đề nghị của VKS. Về tình tiết các bị cáo là người đồng bào dân tộc thiểu số, học vấn thấp, nhận thức pháp luật còn hạn chế, cư trú ở vùng điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, là lao động chính trong gia đình, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhân thân tốt, hành động phạm tội bộc phát vì suy nghĩ giản đơn đây không phải là tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại Điều 51 BLHS, tuy nhiên HĐXX sẽ xem xét những tình tiết này khi quyết định hình phạt.

Như vậy, VKS đã đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS “phạm tội do lạc hậu” với lý do: Các bị cáo là người đồng bào dân tộc thiểu số, sống ở vùng kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, có trình độ học vấn thấp..., việc xác định về nguyên nhân dẫn đến lạc hậu là chưa chặt chẽ bởi vì các bị cáo mặc dù là người dân tộc thiểu số, sống ở vùng khó khăn nhưng không đồng nghĩa với việc các bị cáo có nhận thức kém về hành vi phạm tội của mình; bên cạnh đó các bị cáo đương nhiên sẽ nhận thức được hành vi của mình là trái với lợi ích của xã hội. Việc đề nghị áp dụng pháp luật trong trường hợp này của VKS là cảm tính, chưa khách quan, toàn diện làm mất đi tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm.

Một số đề xuất, kiến nghị

Một là, đối với tình tiết giảm nhẹ TNHS “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” theo điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS, cần sửa đổi, bổ sung trên cơ sở hướng dẫn của Văn bản số 01/2017/GĐ-TANDTC theo hướng “Phạm tội lần đầu là từ trước đến nay chưa phạm tội lần nào. Nếu trước đó đã phạm tội và bị kết án, nhưng đã được xóa án tích hoặc chưa bị kết án, nhưng đã hết thời hiệu truy cứu TNHS hoặc chưa bị kết án, chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS nay bị truy cứu TNHS trong cùng lần phạm tội sau, thì được coi là phạm tội lần đầu”. Bởi có như vậy sẽ phù hợp với lý luận và thực tiễn ADPL theo nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo. Đặc biệt, phù hợp với nguyên tắc “Người được xóa án tích coi như chưa bị kết án” và cũng phù hợp với quy định “Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích” theo quy định tại Điều 69 BLHS. Bên cạnh đó, cũng cần bổ sung vào khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 66 và Điều 106 của BLHS về tha tù trước thời hạn có điều kiện, trường hợp đó là: Nếu trước đó đã phạm tội và bị kết án, nhưng đã được xóa án tích hoặc chưa bị kết án, nhưng đã hết thời hiệu truy cứu TNHS sự hoặc chưa bị kết án, chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS nay bị truy cứu TNHS trong cùng lần phạm tội sau, thì được coi là phạm tội lần đầu.

Đồng thời, quy định cụ thể một số tội danh mặc dù bị cáo có đủ 02 yếu tố “phạm tội lần đầu” và “thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” nhưng đối tượng của tội phạm được xã hội quan tâm, bảo vệ; hành vi phạm tội của bị can, bị cáo vi phạm đạo đức bị dư luận xã hội lên án mạnh mẽ,… thì không áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS này (như tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi; Đào ngũ,…).

Hai là, tình tiết giảm nhẹ TNHS “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” còn khó khăn trong xác định trường hợp nào là “chưa gây thiệt hại” hoặc “gây thiệt hại không lớn”, việc xác định thiệt hại không lớn tại điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS cần dựa vào mức độ thiệt hại xảy ra trên thực tế cho người bị thiệt hại và cho xã hội (cả thiệt hại vật chất, thể chất, tinh thần), các quy định cụ thể của từng loại tội phạm, tính chất mức độ nguy hiểm của tội phạm trong từng trường hợp cụ thể… , tác giả kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sớm có hướng dẫn áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS để có sự áp dụng thống nhất trong thực tiễn.

Ba là, cần có quy định rõ ràng về nguyên nhân và điều kiện để xác định một người là có nhận thức lạc hậu: Nguyên nhân của nhận thức lạc hậu phải là nguyên nhân khách quan như do không được học tập, không có những điều kiện thực tế để nhận biết được giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu.

Bởi lẽ, có rất nhiều đối tượng mặc dù có điều kiện để được học tập nhưng không học, có điều kiện để tiếp thu những tiến bộ xã hội nhưng bảo thủ không tiếp thu… những đối tượng như vậy cần thiết phải nghiêm trị theo đúng quy định của pháp luật, mặc dù quy định tình tiết giảm nhẹ “phạm tội do lạc hậu” thể hiện bản chất nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta.

Trong xu thế phát triển của xã hội hiện nay, bên cạnh mặt tích cực thì mặt trái của quy định này đó là không tạo động lực cho sự phát triển của con người và xã hội. Thiết nghĩ, những người có tư tưởng lạc hậu cần phải có biện pháp giáo dục để loại bỏ tư tưởng đó, đồng thời cần có quy định sâu sát, chặt chẽ hơn với những đối tượng này tránh tạo “kẻ hở” pháp luật để những phần tử xấu lợi dụng để ngăn ngừa và hạn chế thấp nhất những hành vi phạm tội, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước.

Bốn là, hiện nay các cơ quan THTT, những người THTT vẫn vận dụng tinh thần hướng dẫn của Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04/8/2000 và Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần chung của BLHS năm 1999 và một số tình tiết giảm nhẹ khác tại khoản 2 Điều 46 BLHS năm 1999. Chính vì vậy, cơ quan tư pháp Trung ương cần ban hành hành Nghị quyết hướng dẫn mới phù hợp với thực tiễn xét xử và đúng theo tinh thần của BLHS năm 2015.