100 trình điều khiển f1 hàng đầu mọi thời đại năm 2022

Sự khác biệt của những "nhà vua"

"Hãy đặt những mục tiêu thật lớn, đừng bao giờ nghi ngờ bản thân hay bận tâm đến lời bàn tán sau lưng. Khi tâm trí được cởi trói, bạn có thể tự do thách thức mọi giới hạn" - Lewis Hamilton nhấn mạnh, sau chiến thắng chặng đua Thổ Nhĩ Kỳ, qua đó chính thức lên ngôi sớm mùa giải 2020.

Vô địch ở tuổi 23, tay đua người Anh đã bắt kịp thành tích bảy lần vô địch F1 của huyền thoại Michael Schumacher. Không những thế, các kỷ lục 68 lần giành pole, 155 podium và 91 chiến thắng chặng của Schumacher cũng lần lượt được Hamilton phá vỡ với 101 lần xuất phát đầu tiên, 173 bục vinh quang và 99 lần về nhất chặng đua F1. Anh cũng giành được nhiều điểm số nhất lịch sử với 3.973 điểm (sau khi cán đích đầy kịch tính tại GP Hungary ngày 1/8/2021).

Xuyên suốt hơn 70 năm lịch sử F1, với hơn 800 tay đua tranh tài, 90% trong số đó chưa từng nếm mùi vị chiến thắng. Trung bình, chỉ 30% số vận động viên giành được điểm (kết thúc trong top 10). Hamilton là thiên tài số một khi đạt hiệu suất chiến thắng vượt trội 35,8% (vô địch 99 trên tổng số 276 lần tham dự), cao hơn "Schumi" với 29,7% và cũng đứng đầu trong số các cá nhân thi đấu hơn 100 chặng. "Quái kiệt" 36 tuổi chỉ kém Alberto Ascari (về nhất 13/33 chặng - 39,3%) và Juan Manuel Fangio (chiến thắng 24/52 chặng - 46,1%).

James Allison, Giám đốc kỹ thuật của Mercedes, người từng làm việc với cả Hamilton và Schumacher, khẳng định: "Khát khao chiến thắng cháy bỏng đã tạo nên sự khác biệt giữa họ và những tay lái giỏi. Hai nhà vô địch vĩ đại giống nhau ở lòng quyết tâm phi thường. Với chàng trai da màu, việc luôn giữ được ngọn lửa khát vọng vẹn nguyên như thời điểm 18 tuổi là mấu chốt giúp chuỗi thành tích lịch sử kia trở nên dài bất tận".

Tài năng sớm nở

Năm lên sáu, người cha Anthony đã tặng con trai mình một chiếc xe điều khiển từ xa. Sau thời điểm ấy, trò chơi tốc độ nhanh chóng chiếm phần lớn thời gian của cậu nhóc. Hamilton mê mẩn đến nỗi miệt mài luyện tập, để rồi đánh bại cả những người lớn khi tham dự Giải quốc gia do Hiệp hội Xe điều khiển từ xa Anh quốc (BRCA) tổ chức.

Tám tuổi, Hamilton bắt đầu học lái karting, và cậu bé chỉ mất hai năm để vô địch nước Anh cũng như chiến thắng hầu hết các giải karting mà cậu tham dự. "Tôi lần đầu giành cúp lúc 10 tuổi. Ngày hôm ấy tuyệt vời tới mức người đàn ông cứng rắn như bố cũng hát vang ca khúc We are the Champions. Không dễ để thấy ông hạnh phúc đến thế. Chính tôi cũng nhẹ nhõm hơn rất nhiều, vì nhận ra mình thật sự không giỏi bất cứ điều gì khác", tay đua 36 tuổi nhớ như in khoảnh khắc đó.

Hamilton còn giành suất tham dự chương trình Phát triển tay đua McLaren lúc 13 tuổi, qua đó, trở thành người trẻ nhất ký hợp đồng với đội đua F1. Năm 2007, McLaren bất ngờ đưa anh đến với F1 Grand Prix. Không phụ sự kỳ vọng, tay đua da màu đầu tiên trong lịch sử nhanh chóng có được chín podium liên tiếp, cùng lần đầu nâng cúp tại chặng thứ sáu của mùa giải. Nối tiếp thành công, Hamilton còn hai lần về nhất ở Canada và Mỹ, giữ ngôi đầu bảng xếp hạng khi mới bước sang tuổi 22.

Tuy nhiên, sự vượt trội của tài năng trẻ lập tức trở thành "cái gai" trong mắt đồng đội - đương kim vô địch Fernando Alonso. Mâu thuẫn khiến họ lần lượt cán đích trên bảng xếp hạng ở vị trí thứ hai và thứ ba (cùng 109 điểm), chỉ kém một điểm so tay đua của Ferrari - Kimi Raikkonen.

Sau khi trở thành nhân tố chủ lực của đội, chàng trai 23 tuổi đã có màn phục thù ngọt ngào khi xếp trên Felipe Massa (Ferrari) đúng một điểm chung cuộc. Chức vô địch F1 ở lần thứ hai tham dự giúp anh trở thành quán quân trẻ tuổi nhất lịch sử, và cũng là tay đua người Anh thứ hai lên ngôi sau Damon Hill năm 1996.

Cảm giác tuyệt vời nhất

Bên cạnh tư cách đại sứ F1 nổi tiếng, Hamilton là tay đua tiên phong trong cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc và bảo vệ môi trường. Từ việc quỳ gối trước mỗi lần thi đấu, giơ nắm đấm tay phải trên bục nhận giải hay thậm chí khiến Mercedes phải thay đổi lớp sơn chiếc xe được mệnh danh "mũi tên bạc" sang mầu đen... Hamilton luôn tận dụng tối đa tầm ảnh hưởng của mình, trong nỗ lực nhằm thay đổi định kiến thế giới.

Gần nhất, vào ngày 27/7, Lewis Hamilton đã thành lập tổ chức từ thiện Mission 44, trong nỗ lực giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Anh được tiếp cận hệ thống giáo dục, đào tạo việc làm, cũng như các gói hỗ trợ tài chính. Với cam kết trị giá 20 triệu bảng, đơn vị này cũng hợp tác cùng chương trình Accelerate 25 của Mercedes và Giải đua F1, với hy vọng có thể mở rộng, đa dạng hóa thành phần lao động, nhằm chống lại nạn phân biệt chủng tộc vốn tồn tại đã lâu ở bộ môn thể thao tốc độ này.

"Tôi từng có cuộc sống rất, rất khó khăn và tôi cũng suy nghĩ nhiều về những chiến thắng. Thành công trong sự nghiệp khiến bản thân luôn tự hỏi về ý nghĩa thật sự của điều này. Mỗi cuộc đua, mỗi dịp cuối tuần, vừa hay cũng là lúc thích hợp để thế giới nâng cao nhận thức về nạn phân biệt chủng tộc. Tôi tự nhủ phải cố gắng hết mình, bởi thông điệp chỉ được truyền đạt một cách trọn vẹn khi đứng trên chiếc bục cao nhất. Trong hơn 70 năm qua, không ai ở F1 từng đứng lên vì bất cứ điều gì ngoài chính họ. Và, khi tôi đứng lên vì những người khác, giây phút ấy trở thành cảm giác tuyệt vời nhất", anh khẳng định.

Ðối với Hamilton, việc vô địch thế giới hay ngồi đếm số lần thắng chặng đã không còn nhiều ý nghĩa như trước nữa. Giờ đây, điều anh luôn muốn khám phá là giới hạn của bản thân và năng lực cạnh tranh theo từng tháng năm, hay đã đóng góp cho xã hội được những gì.