Tại sao Việt Nam chỉ có 1 đảng duy nhất

  • Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ
  • gửi cho BBC từ Hà Nội

Trong Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, phần Lý lịch của Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Đinh, Lê Thăng Long - bị truy tố về “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” quy định tại Điều 79 Bộ Luật hình sự, có ghi: “Đảng phái chính trị: Không”.

Điều này có nghĩa: ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam còn có những đảng phái chính trị khác và những người trên không tham gia bất kỳ đảng phái chính trị nào, kể cả Đảng Cộng sản Việt Nam!

Quả là sấm nổ giữa trời quang vì từ trước tới nay, từ những đảng viên cộng sản đến những người chống cộng, từ trong nước ra ngoài nước, từ phương Đông đến phương Tây, đều có suy nghĩ được “mặc định” rằng ở Việt Nam chỉ có một đảng phái chính trị duy nhất: Đảng Cộng sản Việt Nam!

Và với vị thế “duy nhất” này thì chả tuyên truyền ai cũng hiểu đảng này hiện độc quyền lãnh đạo Việt Nam.

Điều 4 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiền phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Vậy là rõ, Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội Việt Nam nhưng cũng rõ là không phải đảng phái chính trị duy nhất bởi không có câu, từ nào quả quyết như vậy!

Nói cách khác, chế độ “đa đảng” đã hiển hiện ngay trong Hiến pháp và Viện kiểm sát tối cao về điểm này đã tuyệt đối trung thành với Bộ Luật cao nhất của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Để nói, tất thảy những khẳng định theo đó ở Việt Nam chỉ có một đảng phái chính trị duy nhất là Đảng cộng sản Việt Nam để rồi đổ cho nhà cầm quyền là “Độc tài”, là “phản Dân chủ”… quyết không thể đúng sự thật và trong trường hợp này hẳn là giọng lưỡi của “các thế lực thù địch” âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân thoát thai từ các cuộc tổng tuyển cử tự do và đa đảng hoặc của những kẻ bị các thế lực hắc ám nói trên “diễn biến hòa bình”!

Vả lại, điều không kém phần quan trọng là chế độ “đa đảng” bao hàm trong Hiến pháp Việt Nam năm 1992 hoàn toàn “khớp” với ba Hiến pháp tiền bối - 1946, 1959, 1980 - của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và hậu sinh Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà thân sinh của người viết bài này, Bộ trưởng Cù Huy Cận, cả ba lần đều là Tổng thư ký hoặc thành viên Uỷ ban soạn thảo.

Hiến pháp năm 1946 không hề nhắc tới đảng phái chính trị nhưng trên thực tế Quốc Hội khoá I bao gồm thành viên các đảng phái: Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội [Việt Minh], Đảng Dân chủ, Việt Nam Quốc dân Đảng [Việt Quốc], Việt Nam cách mạng đồng minh hội [Việt Cách] bên cạnh các thành viên không đảng phái.

Hiến pháp năm 1959 trong Lời nói đầu có nói tới “sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Lao động Việt Nam” tuy các Điều, Khoản không hề đề cập đến đảng phái chính trị. Mặc dầu vậy có một thực tế là ngoài Đảng Lao động Việt Nam còn có Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội hoạt động một cách công khai.

Hiến pháp năm 1980 tại Điều 4 quy định: “Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong và bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân Việt Nam, được vũ trang bằng học thuyết Mác – Lênin, là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội, là nhân tố chủ yếu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng tồn tại và phấn đấu vì lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam. Các tổ chức Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp”.

Trên thực tế, cũng như thời kỳ Hiến pháp năm 1959, ngoài Đảng cộng sản Việt Nam còn có Đảng Dân chủ và Đảng Xã Hội. Tuy nhiên đến năm 1988, hai Đảng này đã tuyên bố tự giải thể do đã “kết thúc sứ mạng lịch sử” của mình?! [kể cũng lạ, nếu “hoàn thành sứ mạng lịch sử giải phóng dân tộc” khỏi ách của thực dân Pháp thì lẽ ra phải tự giải thể từ năm 1954 khi Hiệp định Genève được ký kết mới phải, còn nói “sứ mạng lịch sử xây dựng Chủ nghĩa xã hội đã hoàn thành” thì rõ là lộng ngôn! Không lẽ “sứ mạng lịch sử” lại là tồn tại chừng nào Đảng cộng sản Việt Nam cần?!].

Bất luận thế nào thì việc Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội tự giải thể hoàn toàn độc lập với sự ra đời của các đảng phái chính trị khác trong tương lai hay nói cách khác, không đồng nghĩa chấm dứt chế độ “đa đảng” ở Việt Nam.

Tóm lại, không có bất cứ Hiến pháp nào của Việt Nam quy định Đảng cộng sản Việt Nam và những tiền thân của đảng là đảng phái chính trị duy nhất cũng như trên thực tế đã có nhiều đảng phái chính trị khác, hoặc đối lập, hoặc “anh em”, hoạt động song song.

Như vậy, chế độ “đa đảng” là sự lựa chọn chính trị bất biến của toàn thể nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm thiết lập thành công nền Dân chủ Cộng hòa.

Nói cách khác, Dân chủ đồng nghĩa với Đa Đảng, càng có nhiều đảng phái chính trị tham gia tranh cử Quốc Hội một cách sòng phẳng thì Dân chủ càng cao!

Chụp lại hình ảnh,

Ông Cù Huy Hà Vũ cho rằng Hiến pháp Việt Nam không cấm đa đảng

Vấn đề còn lại là làm thế nào để vận hành chế độ “đa đảng” nhằm tránh tình trạng các đảng phái “tự xưng”, tức bất cần sự thừa nhận của luật pháp, dẫn đến tình trạng “vô chính phủ” về chính trị - một kẻ thù khác của nền Dân chủ ngoài chế độ cực quyền các kiểu.

Muốn vậy thì hãy bắt đầu bằng bổ sung Hiến pháp quy định đăng ký bắt buộc đối với đảng phái chính trị [không đăng ký thì không được phép hoạt động, tựa đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp] cùng lúc với quy định Tòa án tối cao là nơi đăng ký đảng phái chính trị cũng như quy định thiết lập Tòa án Hiến pháp hay Tòa Bảo Hiến nhằm xét xử các hành vi vi phạm Hiến pháp.

Chẳng hạn đảng phái chính trị nào cho dù đã đăng ký mà có chủ trương bằng văn bản hoặc hành vi dùng vũ lực để giành chính quyền hoặc tấn công các đảng phái chính trị hợp pháp khác lập tức sẽ bị Toà án Hiến pháp đặt ra ngoài vòng pháp luật và các thành viên của đảng đó sẽ bị các cơ quan bảo vệ pháp luật khởi tố và truy tố về “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” quy định tại Điều 79 hoặc/và “Tội khủng bố” quy định tại Điều 84 Bộ Luật hình sự!

Cũng như vậy, đảng phái chính trị nào mà có chủ trương bằng văn bản hoặc có hành vi ngăn cấm đảng phái chính trị hợp pháp khác cũng sẽ bị Toà án Hiến pháp “rút phép thông công”, cấm chỉ hoạt động.

Kết luận lại, cho đến thời điểm này đối với cơ quan công an và công tố Việt Nam thì Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định, Lê Thăng Long dứt khoát có tội vì các tổ chức mà những người này thành lập hoặc tham gia là các “tổ chức phản động” chứ không phải là các “đảng phái chính trị” được nhìn nhận hợp pháp.

Oái ăm thay, có đỏ mắt cũng chẳng tìm đâu ra “tổ chức phản động” hay “phản động” không chỉ tại Điều 79 mà ngay cả suốt dọc Bộ Luật hình sự hiện hành của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong khi một trong những nguyên tắc tối cao của Nhà nước pháp quyền là các cơ quan tư pháp chỉ được quyền điều tra và xét xử những gì được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật.

Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả, một tiến sỹ luật tại Hà Nội, không phải của BBC. Thư từ góp ý hay chia sẻ ý kiến, xin quý vị gửi về

Cho đến nay, chúng ta không lạ gì chiêu bài “đa nguyên, đa đảng”, một âm mưu, thủ đoạn nham hiểm trong chiến lược “diễn biến hòa bình’’ của các thế lực thù địch nhằm xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Nhằm lý giải, cổ súy cho luận điệu “đa nguyên, đa đảng”, các thế lực thù địch cho rằng, đa nguyên, đa đảng mới bảo đảm dân chủ rộng rãi trong xã hội, còn chế độ chính trị một đảng là đối lập với dân chủ, rằng muốn thực hiện dân chủ nhất thiết phải chấp nhận đa nguyên, đa đảng. Sự thực có phải như vậy?

Mục đích của Đảng là xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh

Chúng ta biết rằng, đa nguyên chính trị là khuynh hướng xã hội học - triết học, xuất phát từ học thuyết tuyệt đối hóa sự đa dạng đối kháng của các nhóm, các đảng phái và các tổ chức chính trị khác nhau trong xã hội, xuất hiện lần đầu tiên vào đầu thế kỉ 18, khi giai cấp tư sản còn là giai cấp tiến bộ trong việc đấu tranh chống lại sự độc quyền chân lí, bảo vệ sự đa dạng và quyền bình đẳng của các nhóm xã hội có lợi ích khác nhau, chống lại sự hình thành các nhóm đa số chèn ép các nhóm thiểu số, phát triển quyền tự do dân chủ trong chế độ tư bản chủ nghĩa. Tuy nhiên, khi các tổ chức độc quyền tư bản xuất hiện, thì đa nguyên chính trị mất dần ý nghĩa ban đầu, trở thành thủ đoạn để điều chỉnh lợi ích trên nguyên tắc cạnh tranh giữa các nhóm, các tổ chức độc quyền tư bản có lực lượng ngang bằng nhau và là bình phong "dân chủ" che đậy sự bất công, bất bình đẳng trong xã hội do các tổ chức độc quyền tư bản lũng đoạn.

Chúng ta hãy nghe người dân Mỹ nói gì về chế độ đa nguyên, đa đảng ở nước Mỹ. Thomas A.Hutching - cựu chiến binh, công dân Mỹ, phân tích sự thật về chế độ đa nguyên, đa đảng ở nước Mỹ đã chỉ ra rằng, Chính phủ Mỹ bị chi phối bởi hai đảng: Dân chủ và Cộng hòa, song cả hai đảng này đều được tài trợ bởi cùng những tập đoàn kinh tế, và họ đều bỏ phiếu ủng hộ cho cùng luật pháp bảo vệ các tập đoàn kinh tế và làm thiệt hại lợi ích nhân dân. Ông cũng cho rằng, đa đảng ở nước Mỹ cũng không mang lại dân chủ, một thực tế là, hệ thống hai đảng ở nước Mỹ loại trừ bất kỳ tiếng nói của một quan điểm thiểu số nào, thậm chí họ cố tình loại bỏ bằng bất cứ giá nào. Cuối cùng ông đi đến kết luận: “Ở nước Mỹ, mẫu hình dân chủ đa đảng đã và đang không thể phục vụ nhân dân”;  “Buồn thay, nước Mỹ đã không thể trở thành tiêu chuẩn mẫu mực về luân thường đạo lý trên thế giới. Hệ thống đa nguyên, đa đảng đang thất bại ở nước Mỹ và đang thất bại cả trên thế giới”[1].

Như vậy là vấn đề đã rõ, đa nguyên, đa đảng trong chế độ tư bản, dựa trên quan hệ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất chỉ mang lại dân chủ cho thiểu số giai cấp bóc lột, không mang lại dân chủ đầy đủ và rộng rãi cho quần chúng nhân dân lao động, nên không thể là hình mẫu lý tưởng, giá trị chung mà có thể  áp đặt cho các nước. Ngược lại, trong chế độ xã hội chủ nghĩa, như ở Việt Nam hiện nay, thực hiện chế độ một đảng cũng không triệt tiêu dân chủ. Bởi vì, Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của cả dân tộc; đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc.

Mục đích của Đảng là xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản. Đó cũng là ý chí, nguyện vọng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Đồng thời, Đảng Cộng sản Việt Nam được xây dựng, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Điều đó bảo đảm cho việc thực hiện dân chủ rộng rãi trong Đảng. Mặt khác, Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện vai trò lãnh đạo xã hội bằng nghị quyết, thông qua đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng.

Trong quá trình xác định đường lối, chủ trương chính sách, Đảng lấy ý kiến dân chủ rộng rãi trong xã hội. Khi mà mọi tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân đều có thể đóng góp với Đảng, phản biện cho Đảng, thì không thể nói là triệt tiêu dân chủ. Việc còn để xẩy ra tình trạng thiếu dân chủ ở chỗ này, chỗ khác đó chỉ là những hạn chế, thiếu sót cụ thể trong quá trình thực hiện dân chủ, chứ không phải là vấn đề thuộc về bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam, của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.

Thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và những thành tựu to lớn của hơn hai mươi năm đổi mới đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo đã chứng tỏ rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ có khả năng lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành đấu tranh giành độc lập dân tộc, mà còn có khả năng lãnh đạo công cuộc xây dựng đất nước trên con đường đi tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Hiện nay, ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam không phủ nhận quá trình đa dạng hoá sự phát triển của xã hội, chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần [kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài] dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất với đa dạng hóa hình thức sở hữu [sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân và sỡ hữu hỗn hợp],... Tuy nhiên, Việt Nam không chấp nhận đa nguyên, đa đảng, còn bởi vì, đa nguyên, đa đảng còn là thủ đoạn thâm hiểm trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch nhằm chống phá cách mạng Việt Nam.

Ngay từ khi chủ nghĩa xã hội xuất hiện, thuyết đa nguyên chính trị, đa đảng đã trở thành công cụ tư tưởng để giai cấp tư sản chống lại các nước xã hội chủ nghĩa, phong trào công nhân và các trào lưu tiến bộ trên thế giới bằng việc đòi mở rộng quyền tự do dân chủ vô chính phủ nhằm chống lại nguyên tắc tập trung dân chủ, đòi thực hiện chế độ đa đảng và các tổ chức chính trị đối lập nhằm vô hiệu hóa sự lãnh đạo của các đảng cộng sản, từng bước đẩy đảng cộng sản ra khỏi vị trí lãnh đạo xã hội, đòi xây dựng nhà nước theo hình mẫu pháp quyền tư sản - bề ngoài đại diện cho lợi ích của tất cả các nhóm và các đảng phái đối lập nhau, nhưng thực chất là đại diện cho lợi ích của giai cấp tư sản.

Đặc biệt là, sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, thì chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện âm mưu đa nguyên, đa đảng đối với các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, trong đó có Việt Nam. Âm mưu đa nguyên, đa đảng đối với Việt Nam, của chúng là nhằm mục đích làm mất ổn định chính trị xã hội, tạo ra những điều kiện để thủ tiêu quyền lãnh đạo đối với xã hội của Đảng cộng sản Việt Nam và các thành quả cách mạng mà nhân dân Việt Nam tốn bao xương máu mới giành được, dọn đường cho các tổ chức, đảng phái chính trị phản động, tay sai hoạt động hợp pháp, công khai chống Đảng Cộng sản, chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hãy thử hình dung điều gì sẽ xẩy ra khi Việt Nam thực hiện đa nguyên, đa đảng. Dưới sự bảo trợ, dung túng của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, chắc chắn rằng nhiều tổ chức, đảng phái chính trị phản động, tay sai của chúng sẽ đẩy mạnh các hoạt động chống phá cách mạng nước ta. Lúc đó bức tranh chính trị ở Việt Nam sẽ hoàn toàn khác hiện nay, đất nước sẽ rơi vào tình trạnh hỗn loạn, cản trở sự phát triển của dân tộc. Sự mất ổn định về chính trị luôn diễn ra ở nhiều nước thực hiện chế độ đa nguyên, đa đảng, như: Philippine, Indonesia, Thái Lan, Pakistan, Myanmar,…mấy chục năm vừa qua và đến nay vẫn tiềm ẩn khả năng khủng khoảng, mất ổn định về chính trị là bài học còn nguyên tính thời sự.

Như vậy là, lý do trả lời cho vấn đề Việt Nam không cần có đa đảng là đã rõ, chắc chắn rằng, âm mưu, thủ đoạn “đa nguyên, đa đảng” của các thế lực thù địch sẽ hoàn toàn thất bại./.

[1] Theo Báo Sài gòn giải phóng [18/9/2006]

PGS, TS. Nguyễn Đức Độ- Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự

Video liên quan

Chủ Đề