Ví dụ về sự tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo ở nước ta

Hoạt động hợp tác quốc tế (HTQT) được xem là hoạt động chiến lược và đã có những đóng góp quan trọng cho quá trình xây dựng và phát triển của Nhà trường. Trong thời gian qua, hoạt động HTQT của Nhà trường phát triển đa dạng, hiệu quả với nhiều hoạt động phong phú, trên cơ sở phối hợp tốt với cơ quan chủ quản và các ban ngành từ trung ương đến địa phương, đảm bảo các nguyên tắc, quy định về hợp tác quốc tế và an ninh đối ngoại.

I. MỘT SỐ THÀNH QUẢ VỀ HỢP TÁC QUỐC TẾ GIAI ĐOẠN 2016-2021

1.1. Tích cực củng cố các mối quan hệ hợp tác truyền thống, đẩy mạnh việc tìm kiếm, xây dựng các mối quan hệ với các đối tác có uy tín trên thế giới

Nhà trường đã xây dựng và phát triển nhiều mối quan hệ truyền thống lâu bền và vững chắc với các đối tác quốc tế như Đại học Sassari, Hiệp hội các Trường Đại học và Chính phủ Ý (từ năm 2000); Đại học Công nghệ Queensland và khối đối tác Úc (từ 2004); Đại học Quốc gia Chonbuk và các cơ quan chính phủ (KOICA, KOFIH, NRF) và các trường Đại học Hàn Quốc (từ 2005), … Trong giai đoạn 2016-2021, Nhà trường đã phát triển thêm nhiều mối quan hệ hợp tác mới, làm tiền đề cho việc phát triển, phê duyệt và triển khai nhiều dự án và chương trình hợp tác mới.

Nhà trường đã tổ chức đón tiếp trên 800 đoàn khách đến làm việc với gần 4,000 lượt Giáo sư và chuyên gia nước ngoài đến trao đổi, giảng dạy và hợp tác về nghiên cứu, kháo chữa bệnh, trong đó có những chuyên gia đầu ngành có uy tín trong nhiều lĩnh vực từ Liên đoàn giáo dục Y khoa Thế giới; Đại học Harvard, Hoa Kỳ; Đại học Cambridge, Vương quốc Anh, khối các Đại học Vương quốc Bỉ, Đại học quốc gia Chonbuk, Hàn Quốc … Đặc biệt, Nhà trường vinh dự được đón tiếp các nhà ngoại giao và chính khách quan trọng như Đại sứ Cộng hòa Ý, Đại sứ Úc, Đại sứ Hoa Kỳ, Đại sứ Hàn Quốc, Đại sứ Cộng hòa liên bang Đức và nhiều chính khách, nghị sỹ từ Châu Âu, châu Á và Hoa Kỳ.

Trong giai đoạn 2016-2021, Nhà trường đã tiếp nhận 991 lượt sinh viên đến tham quan, học tập và nghiên cứu; trong đó có những chương trình định kỳ hằng năm với số lượng lớn sinh viên như chương trình Chương trình Work the World (200-250 sinh viên/ năm); FutureDocs Abroad (150-200 sinh viên/ năm).

Tổ chức ký kết trên 60 văn bản hợp tác với các đại học, tổ chức từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Pháp, Phần Lan, Thái Lan và các nước khác. Các văn bản ký kết là cơ sở để mở rộng và phát triển các chương trình hợp tác hiệu quả trong xây dựng đội ngũ cán bộ, đào tạo, nghiên cứu khoa học và khám chữa bệnh trong các lính vực mũi nhọn và chiến lược của nhà trường.

Tổ chức gần 1,000 lượt cán bộ đi công tác tại các nước trên thế giới, trong đó có nhiều chuyến làm việc quan trọng với các cơ quan chính phủ các nước và tham dự các hội thảo, hội nghị thế giới và khu vực, và một lượng lớn cán bộ học tập dài hạn sau đại học ở nước ngoài, chủ yếu tập trung vào Khối Đông Á, Châu Âu, Hoa Kỳ và Úc.

1.2. Xây dựng và triển khai các chương trình liên kết đào tạo quốc tế: 

Triển khai “Chương trình đào tạo liên kết Thạc sĩ Y sinh học quốc tế” hợp tác với Đại học Sassari, Ý; “Chương trình Thạc sĩ Điều Dưỡng quốc tế” hợp tác với Đại học Khon Kaen, Thái Lan, và “Chương trình đào tạo Tiến sĩ Y sinh học” hợp tác với Đại học Tartu, Estonia. Đến nay, đã có trên 100 học viên tốt nghiệp từ các chương trình trên, góp phần đáng kể vào nguồn nhân lực của nhà trường và khu vực.

1.3. Tổ chức các Hội nghị- Hội thảo- tập huấn quốc tế: 

Tổ chức thành công 150 Hội nghị, Hội thảo, tập huấn có yếu tố nước ngoài, trong đó có một số sự kiện lớn như Hội nghị ASEAN lần thứ 2 về đánh giá tác động y tế với chủ đề “Tiến tới một ASEAN gắn kết và phát triển bền vững” (2017), Hội nghị Đổi mới Giáo dục Y khoa Toàn quốc lần thứ II (2018), Tuần lễ Festival khoa học trong khuôn khổ Festival Huế (2016, 2018), Hội nghị Transmed lần thứ IV (2020), Cụm hội nghị quốc gia và khu vực về Thận- Tiết Niệu, Tiêu hoá- Nội Soi và Tim mạch (2021) có sự tham gia của nhiều diễn giả quốc tế và trong nước, góp phần nâng cao vị thế của Nhà trường. Số lượng các Hội thảo, khóa tập huấn tăng lên và phân bố rộng trong nhiều lĩnh vực về nội khoa, sản khoa, ngoại khoa, chẩn đoán hình ảnh, cấp cứu, gây mê hồi sức, y tế công cộng, y học gia đình, … góp phần nâng cao năng lực của cán bộ và hỗ trợ hợp tác nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế.

1.4. Phát triển và triển khai hiệu quả các dự án hợp tác quốc tế: 

Năng lực phát triển các dự án hợp tác của Trường được nâng cao, hoạt động dự án được giám sát, quản lý chặt chẽ. Bên cạnh quản lý và giám sát hoạt động của 10 dự án đang hoạt động từ những năm trước, Nhà trường đã tiếp nhận mới thêm 12 dự án trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng,…. Hoạt động của các dự án tại Trường đã góp phần đáng kể trong quá trình phát triển của Nhà trường, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực và phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, khám chữa bệnh tại Trường và Bệnh viện Trường, đồng thời nâng cao vị thế của Nhà trường trong nước, khu vực và thế giới.

1.5. Chuyển đổi và tăng cường hoạt động HTQT trực tuyến trong bối cảnh dịch covid lan rộng toàn cầu nhằm đảm bảo an ninh đối ngoại và duy trì sự phát triển của lĩnh vực HTQT trong tình hình mới

Từ đầu năm 2020, sự bùng phát và ngày càng lan rộng của đại dịch covid -19 trên phạm vi toàn thế giới đã ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội của hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh đã khiến cho việc di chuyển quốc tế và nội địa ngừng trệ, là trở ngại lớn nhất cho hoạt động giao thương và hợp tác quốc tế. Trong năm 2020-2021, hoạt động HTQT trực tiếp của Nhà trường đã giảm trên 90% để đảm bảo các quy tắc phòng chống dịch của Chính phủ, Bộ Y tế. Nhà trường đã nhanh chóng đầu tư và phát triển các hệ thống làm việc trực tuyến, bổ sung các quy chế, quy định phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh, đảm bảo duy trì các hoạt động trao đổi, ký kết và hội nghị, hội thảo tập huấn bằng hình thức trực tuyến. Đồng thời, điều chỉnh phương hướng, mục tiêu HTQT hướng đến các lĩnh vực mới phát sinh do dịch bệnh.

Nhờ sự điều chỉnh kịp thời, công tác HTQT của Nhà trường bảo đảm duy trì sự ổn định nhất định và mở ra nhiều hướng, lĩnh vực hợp tác mới liên quan đên nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao kỹ thuật liên quan đến điều trị, chăm sóc và phòng ngừa dịch covid và các dịch bệnh nguy hiểm. Nhà trường cũng đã duy trì số lượng và bảo đảm an toàn cho đội ngũ cán bộ đi học tập, nghiên cứu dài hạn ở nước ngoài và về nước thông qua sự liên hệ chặt chẽ và hỗ trợ của các Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam cũng như các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài.

II. PHƯƠNG HƯỚNG HỢP TÁC QUỐC TẾ GIAI ĐOẠN 2020 – 2030.

Nhiệm vụ trọng tâm của công tác hợp tác quốc tế giai đoạn 2020-2030 là: Tăng cường thu hút nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và tăng cường gắn kết nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế với đào tạo và khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Mở rộng, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế nhằm tạo thêm nguồn lực, phát triển đội ngũ cán bộ khoa học, chuyển giao công nghệ đào tạo tiên tiến phù hợp với xu thế giáo dục y khoa, mô hình bệnh tật trong nước, khu vực và thế giới. Cụ thể là:

2.1. Hoàn thiện các quy định về quản lý công tác hợp tác quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và xu thế phát triển của y học thế giới; hướng dẫn các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến hợp tác quốc tế. Phối hợp chặt chẽ với các Ban, Ngành, cơ quan liên quan ở địa phương trong các hoạt động HTQT.

2.2. Tiếp cận với các đối tác chiến lược, tiềm năng, thiết lập các mối quan hệ, hợp tác, ký các văn bản ghi nhớ thỏa thuận và mở rộng phạm vi hợp tác. Phát triển mới các liên kết trao đổi học thuật song phương, đa phương giữa Nhà trường với các Trường Đại học Y và Khoa học sức khỏe, các bệnh viện và các hội nghề nghiệp trên thế giới thông qua các chương trình đào tạo dài hạn, ngắn hạn, đào tạo liên kết và đào tạo liên tục. Đặc biệt chú trọng tăng cường các hình thức đào tạo có bằng cấp cho cán bộ Trường thông qua các chương trình học bổng hợp tác quốc tế.

2.3. Tăng cường ứng dụng các thành tựu của cách mạng 4.0, từng bước chuyên nghiệp hóa công tác quản lí hợp tác quốc tế, hoàn thiện hệ thống trực tuyến cho việc  liên lạc, đào tạo và tổ chức hội nghị, hội thảo và các hình thức trao đổi học thuật khác, đảm bảo duy trì ổn định và phát triển hoạt động HTQT xứng tầm với vị trí và thương hiệu của Nhà trường.

Ví dụ về sự tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo ở nước ta
Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: VGP/Minh Thi

Đó là đa số ý kiến của các chuyên gia, nhà giáo trong lĩnh vực giáo dục tại "Diễn đàn hợp tác và đầu tư trong giáo dục” do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng, Trường Đại học Văn Lang vừa phối hợp tổ chức. Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc, trong bối cảnh quốc tế hóa giáo dục là xu thế toàn cầu, Việt Nam luôn chú trọng đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong giáo dục. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác giáo dục với trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ; đồng thời là thành viên tích cực của các tổ chức giáo dục quốc tế. Tính đến 31/12/2019, Việt Nam đã có trên 500 dự án hợp tác đầu tư còn hiệu lực của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục với tổng số vốn đầu tư lên tới trên 4,4 tỉ USD. Việt Nam hiện có 5 cơ sở giáo dục đại học và gần 100 cơ sở giáo dục ở các bậc học mầm non, phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài và hơn 450 chương trình đào tạo quốc tế được giảng dạy tại 70 cơ sở giáo dục đại học. Với chính sách thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, đến nay Việt Nam đã có gần 3.000 cơ sở giáo dục ngoài công lập ở tất cả các địa phương trong cả nước. Hệ thống cơ sở giáo dục ngoài công lập đã góp phần bổ sung nguồn lực cho giáo dục, cung cấp thêm cơ hội cho người học. Một số cơ sở giáo dục phổ thông ngoài công lập đã khẳng định được chất lượng chương trình và phương pháp giảng dạy qua việc tích hợp giữa chương trình giảng dạy của Việt Nam với chương trình giảng dạy của các nước tiên tiến (như Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Australia, Phần Lan...). “Chính sách hội nhập quốc tế trong giáo dục đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và cải thiện thứ hạng của Việt Nam trên bản đồ giáo dục thế giới. Việt Nam đã có 3 cơ sở được xếp hạng vào danh sách 1.000 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu thế giới và 8 cơ sở được xếp hạng trong nhóm 500 trường đại học hàng đầu châu Á. Đối với giáo dục phổ thông, học sinh Việt Nam luôn đạt thành tích cao trong các cuộc thi quốc tế và khu vực và được xếp hạng cao trong chương trình đánh giá quốc tế PISA”, Thứ trưởng nhấn mạnh. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, mặc dù việc thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đã đạt những kết quả nhất định nhưng còn chưa tương xứng với tiềm năng. Hoạt động hợp tác và đầu tư trong giáo dục còn đơn lẻ, chưa tạo sự đột phá trong toàn hệ thống. Đầu tư của nước ngoài vào giáo dục còn chiếm tỉ lệ nhỏ so với các ngành kinh tế xã hội của Việt Nam. Vì vậy, việc tổ chức “Diễn đàn hợp tác và đầu tư trong giáo dục” không chỉ để các địa phương và nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng chia sẻ nhu cầu, những bài học kinh nghiệm về đầu tư vào giáo dục, mà diễn đàn còn giới thiệu các chính sách về hợp tác và đầu tư trong giáo dục. Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho rằng trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều cơ sở giáo dục do nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài thành lập tại Việt Nam. Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng một lần nữa khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam là khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục. Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Dante Brandi, Tổng Lãnh sự Italy tại TPHCM nhấn mạnh Italy không phải là đối tác lớn nhất tại Việt Nam về giáo dục và đầu tư vào giáo dục so với những nước châu Âu và ngoài châu Âu khác, nhưng là một đối tác chiến lược, chất lượng và tâm huyết với lĩnh vực cực kỳ quan trọng này trong quan hệ hợp tác song phương. Từ năm 2013, Italy đã mở Văn phòng Uni Italy tại Việt Nam chuyên về quảng bá và hỗ trợ hợp tác giáo dục đại học. Đánh giá cao những chính sách được Chính phủ, Bộ GD&ĐT Việt Nam ban hành gần đây, trong đó đặc biệt là Nghị định 86 đã đưa ra các quy trình rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác đầu tư trong giáo dục, ông Dante Brandi khẳng định: Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Italy luôn sẵn sàng hỗ trợ các đối tác tiềm năng tiếp xúc, tìm hiểu lẫn nhau và đi đến hợp tác hiệu quả. Là một trong những tập đoàn giáo dục đi đầu trong việc tạo nên một hệ sinh thái giáo dục quốc tế hoàn chỉnh, từ mầm non đến đại học và sau đại học, PGS.TS Thái Bá Cần, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng chia sẻ để phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong sự nghiệp giáo dục, Tập đoàn mong muốn được đồng hành với các nhà đầu tư tâm huyết trong và ngoài nước; được chính quyền các địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi về đất đai và cung cấp dịch vụ hạ tầng tốt nhất cho việc thành lập các cơ sở giáo dục mới; được các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục hỗ trợ về mặt chuyên môn và pháp lý để những mô hình chưa có trong thực tiễn giáo dục Việt Nam, điển hình như Thành phố giáo dục quốc tế được áp dụng một cách nhanh nhất, giúp mang đến cho thế hệ trẻ Việt Nam những sản phẩm giáo dục ngang tầm thế giới. Đại diện cho Trường Đại học Văn Lang trao đổi tại diễn đàn, TS. Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Hội đồng trường cho rằng, cách mạng kỹ thuật số trong thời đại 4.0 tác động đến nhiều lĩnh vực trong xã hội, bao gồm cả lĩnh vực giáo dục đào tạo, đồng thời tạo nhiều thách thức to lớn đòi hỏi con người phải thay đổi để thích nghi, đáp ứng các yêu cầu về trình độ và kỹ năng chuyên nghiệp. Nhận thức sâu sắc về tác động của cuộc cách mạng 4.0 đối với hoạt động giáo dục đại học của Việt Nam hiện nay, TS. Nguyễn Cao Trí đề xuất: Cần tạo điều kiện tối đa cho các trường đại học thực hiện mô hình thí điểm các giải pháp đột phá về ứng dụng công nghệ trong giáo dục; linh động thay đổi khung thời gian đào tạo vì lợi ích người học, đổi mới phương pháp và phức thức đào tạo. Đồng thời đẩy mạnh hợp tác công tư để có thể tối ưu hóa nguồn lực xã hội, chuyển từ cạnh tranh thành hợp tác cùng phát triển. Với tiềm lực lớn, Đại học Văn Lang đang khuyến khích triển khai công nghệ và kêu gọi đầu tư để vận hành Trung tâm Đổi mới sáng tạo, kết nối người học bằng công nghệ. Trong khuôn khổ diễn đàn đã diễn ra cuộc tọa đàm trao đổi về các chính sách hợp tác đầu tư trong giáo dục. Nhiều đề xuất, khuyến nghị tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hợp tác, đầu tư trong giáo dục tại Việt Nam và các mô hình, các lĩnh vực có tiềm năng hợp tác trong giáo dục mầm non, phổ thông và đại học cũng đã được chia sẻ tại tọa đàm này. Cũng tại “Diễn đàn hợp tác và đầu tư trong giáo dục” đã có 11 thỏa thuận hợp tác đầu tư trong giáo dục giữa các đối tác Việt Nam và các nước được ký kết.

Minh Thi