Nguyên nhân gây viêm chu vai

Viêm chu vai còn gọi là viêm quanh khớp vai. Khoảng 3-5% số người ở độ tuổi 40 – 60 tuổi bị viêm chu vai. Viêm chu vai tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng nhiều đến khả năng lao động và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

VIÊM CHU VAI LÀ GÌ?

Viêm chu vai còn gọi là viêm quanh khớp vai là thuật ngữ dùng để chỉ các bệnh viêm, đau khớp vai do tổn thương phần mềm (gân cơ, dây chằng, bao hoạt dịch, bao khớp) mà không có tổn thương ở sụn và xương khớp vai, không do nhiễm khuẩn.  Đặc trưng lâm sàng là đau khớp vai, kèm theo có hoặc không có hạn chế vận động khớp vai. Có 4 loại (thể) của viêm quanh khớp vai bao gồm: Viêm gân mạn tính quanh khớp vai, viêm khớp vi tinh thể, đứt mũ gân cơ quay (thể giả liệt khớp vai) và thể đông cứng khớp vai.

NGUYÊN NHÂN

Bênh thường gặp là do tuổi cao (hay gặp viêm quanh khớp vai ở người trên 50 tuổi, không phân biệt giới tính), do lao động nặng và có tính chất lặp đi lặp lại, do tai nạn chấn thương, do vận động thể dục thể thao quá mức hoặc sai tư thế, vận động đột ngột không khởi động kỹ (bóng chuyền, cầu lông, tennis..), do hút thuốc lá quá nhiều và ít vận động..

Nguyên nhân của viêm chu vai có thể do:

  • Thoái hóa và viêm gân cơ chop xoay ở các mức độ khác nhau:
  • Nhẹ là thoái hóa
  • Trung bình là viêm hoại tử có hoặc không có lắng đọng calci
  • Nặng là rách đứt không hoàn toàn hoặc rách đứt hoàn toàn gân cơ chop xoay
  • Viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai
  • Viêm túi hoạt dịch gân cơ nhị đầu cánh tay
  • Viêm gân dài cơ nhị đầu cánh tay
  • Viêm dính bao khớp ổ chảo – cánh tay (đông cứng khớp vai)
  • Loạn dưỡng do phản xạ thần kinh giao cảm (hội chứng vai – tay)
  • Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác gây đau vùng khớp vai như:
  • Đau vùng khớp vai do chèn ép rễ hoặc dây thần kinh
  • Chấn thương khớp vai

ĐỐI TƯỢNG

Khoảng 3-5% số người ở độ tuổi 40 – 60 tuổi bị viêm chu vai. Viêm quanh khớp vai thông thường và viêm quanh khớp vai thể đông cứng thì tỉ lệ nam gặp nhiều hơn nữ. Hội chứng loạn dưỡng thần kinh giao cảm phản xạ (hội chứng vai – tay) nữ chiếm 70%, nam chiếm 30%.

DẤU HIỆU NHẬN BIẾT

Đau quanh khớp vai chính là triệu chứng cơ bản của bệnh, tuy nhiên với mỗi loại (thể) viêm quanh khớp vai sẽ có đặc điểm đau tương đối khác nhau:

 Thể viêm gân mạn tính thường đau mức độ vừa phải, xuất hiện tự nhiên và tăng dần mức độ, đau tăng khi vận động căng các biên độ của khớp vai, có thể sờ ấn thấy một vài điểm đau chói (chính là vị trí bám tận của các gân bị viêm), bệnh nhân vận động các biên độ của khớp vai vẫn tốt.

Thể viêm khớp vi tinh thể thường đau khớp vai dữ dội và xuất hiện đột ngột, đau quanh khớp vai có thể lan xuống cánh tay và lên cổ, đau gây mất ăn mất ngủ. Khớp vai có thể sưng to, nóng và bệnh nhân có thể có sốt nhẹ. Hầu như hạn chế vận động các biên độ của khớp vai, cánh tay có xu hướng ép sát vào nách để tự vệ tránh đau.

Thể đứt mũ gân cơ quay thường bệnh nhân đau khớp vai dữ dội kèm tiếng kêu răng rắc trong khớp sau một vận động mạnh khớp vai sai tư thế hoặc một động tác gắng sức ở người trên 50 tuổi, có thể có bầm tím nhẹ vùng trước trên cánh tay. Khớp vai hạn chế nhiều các biên độ vận động và bệnh nhân thường không thực hiện được động tác nâng vai chủ động.

Thể đông cứng khớp vai thường bệnh nhân đau ít nhưng nổi bật là hạn chế vận động khớp vai, bệnh nhân khó thực hiện động tác dạng và quay ngoài của khớp vai, khi vận động khớp vai thường cả khối xương bả vai di chuyển theo. Thể này thường gặp ở nhóm bệnh nhân trên 40 tuổi, có chấn thương khớp vai cũ và/hoặc ít vận động, stress thần kinh và/hoặc hút thuốc lá quá nhiều.

CHẨN ĐOÁN

Chụp Xquang khớp vai 2 bên để đánh giá-so sánh kết hợp với chụp cộng hưởng từ khớp vai (không hoặc có tiêm thuốc cản quang) là hai phương tiện thăm dò cận lâm sàng quan trọng nhất giúp chẩn đoán, điều trị và tiên lượng cho bệnh lý viêm quanh khớp vai. Trên Xquang chúng ta có thể thấy hình ảnh canxi hóa tại gân, canxi hóa trong khớp, giảm cản quang khớp, thoái hóa khớp, loãng xương..Cộng hưởng từ là phương tiện chẩn đoán rất giá trị cho nhóm bệnh lý viêm quanh khớp vai, trên cộng hưởn từ chúng ta có thể thấy được hình ảnh đứt gân, đụng dập cơ, tụ dịch trong khớp, màng hoạt dịch phản ứng, bao khớp dày và co thắt..Xét nghiệm máu và chụp cắt lớp vi tính (CT-scanner) thường ít giá trị trong nhóm bệnh lý này.

CÁCH ĐIỀU TRỊ

Thường cần kết hợp nhiều phương pháp khác nhau, trong đó nổi bật vai trò của điều trị nội khoa và tập phục hồi chức năng. Chúng ta có thể sửu dụng các loại thuốc giảm đau chống viêm thông thường kết hợp các nhóm thuốc chống thoái hóa khớp, chống loãng xương, treo tay hoặc nẹp bột bất động khớp vai trong giai đoạn đau cấp. Duy trì thực hiện các bài tập phục hồi chức năng khớp vai cũng đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt thể đông cứng khớp vai khi bệnh nhân đỡ đau. Việc tiêm thuốc Corticoid (thuốc chống viêm tác dụng chậm) vào khớp vai rất hạn chế và nên thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm trong phòng vô trùng, viêm quanh khớp vai thể đứt mũ gân cơ quay chống chỉ định tiêm corticoid vào khớp vai vì corticoid sẽ đẩy nhanh quá trình thoái hóa và hoại tử các đầu gân đứt. Phẫu thuật khâu nối lại gân đứt thường chỉ định trong những trường hợp đứt các gân vùng khớp vai sau chấn thương (thể đứt mũ gân cơ quay), đặc biệt ở người trẻ tuổi. Ở người lớn tuổi (trên 50 tuổi), việc chỉ định phẫu thuật cần rất hạn chế.

LỜI KHUYÊN

Duy trì thể dục thể thao đều đặn, chế độ dinh dưỡng hợp lý, uống nhiều nước lọc trước khi đi ngủ và ngay sau khi ngủ dậy, khởi động kỹ trước khi chơi các môn thể dục thể thao, không hút thuốc lá..là những yếu tố dự phòng tuyệt vời cho nhóm bệnh lý viêm quanh khớp vai.

Mọi người và bệnh nhân bị viêm quanh khớp vai cần chú ý tư thế lao động, sinh hoạt phòng tránh chấn thương dù rất nhẹ nhưng lặp đi lặp lại  cũng dễ gây viêm. Phát hiện sớm và điều trị tích cực các bệnh nội khoa như đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp, bệnh mạch vành, bệnh phổi…

Viêm chu vai tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng nhiều đến khả năng lao động và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Trong đó, hội chứng vai – tay nếu không được điều trị có thể dẫn đến mất chức năng tay và tay bị bệnh trở thành tàn phế.

THẠC SĨ BÁC SĨ NGUYỄN HỒNG TRUNG