Cầu đồng tồn dị hồ chí minh nghĩa là gì

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc là hệ thống những luận điểm, nguyên tắc, phương pháp giáo dục, xây dựng và tổ chức tập hợp lực lượng cách mạng và tiến bộ nhằm phát huy cao nhất sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Thứ nhất, đại đoàn kết dân tộc là vấn đề mang tính chiến lược sống còn, bảo đảm thành công của cách mạng. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta cho thấy: thời kỳ nào mà nhân dân ta đoàn kết "trên dưới một lòng" thì hưng thịnh, còn ở thời kỳ nào mà lòng dân ly tán, chia rẽ và loạn ly thì cũng là lúc thù trong, giặc ngoài xâm lấn, dân tộc có nguy cơ mất nước. Hồ Chí Minh thấy rằng, cuộc đấu tranh cứu nước của dân tộc ta cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX bị thất bại có một nguyên nhân cội nguồn là cả nước đã không đoàn kết được thành một khối thống nhất. Theo Người, muốn đưa cách mạng đến thành công phải có lực lượng cách mạng đủ mạnh để chiến thắng kẻ thù và xây dựng thành công xã hội mới; muốn có lực lượng cách mạng mạnh phải thực hiện đại đoàn kết, quy tụ mọi lực lượng cách mạng thành một khối vững chắc. Người nói: “Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn. Vậy nay ta phải biết đoàn kết, đoàn kết mau, đoàn kết chắc chắn thêm lên mãi dưới ngọn cờ Việt Minh để đánh đuổi Tây - Nhật, khôi phục lại độc lập, tự do”. Bác Hồ nói: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì cũng không làm nên”; “nước lấy dân làm gốc”; “Gốc có vững, cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân”. “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong” Ở mỗi thời kỳ cách mạng, chính sách và phương pháp tập hợp lực lượng cần phải điều chỉnh để phù hợp với các nhóm đối tượng cho phù hợp, song đoàn kết và đại đoàn kết dân tộc luôn được Người xác định là chiến lược sống còn, là yêu cầu khách quan của cách mạng, là chân lý của thời đại. Người dạy rằng, “Dân ta xin nhớ chữ đồng: Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”. Đó chính là con đường đưa dân ta tới độc lập, tự do. Một dân tộc dù nhỏ, đất không rộng người không đông, nhưng nếu biết đoàn kết chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của một Đảng cách mạng chân chính thì nhất định sẽ đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược. Vì sao Đế quốc Pháp có ưu thế về vật chất và phương tiện chiến tranh hiện đại lại phải thua một Việt Nam nghèo nàn, lạc hậu trong cuộc chiến xâm lược? Đó là vì đồng bào Việt Nam đã đoàn kết như Hồ Chí Minh khẳng định: “Toàn dân Việt Nam chỉ có một lòng: Quyết không làm nô lệ. Chỉ có một chí: Quyết không chịu mất nước. Chỉ có một mục đích: Quyết kháng chiến để tranh thủ thống nhất và độc lập cho Tổ quốc. Sự đồng tâm của đồng bào ta đúc thành một bức tường đồng vững chắc xung quanh Tổ quốc. Dù địch hung tàn, xảo quyệt đến mức nào, đụng đầu nhằm bức tường đó, chúng cũng phải thất bại”. Nhờ sức mạnh của lực lượng toàn dân đoàn kết làm nên thắng lợi của Cách Mạng Tháng Tám như Người đã phân tích: “Vì sao có cuộc thắng lợi đó? Một phần là vì tình hình quốc tế thuận lợi cho ta. Nhất là vì lực lượng của toàn dân đoàn kết. Tất cả các dân tộc, các giai cấp, các địa phương, các tôn giáo đều nổi dậy theo là cờ Việt Nam để tranh lại quyền độc lập cho Tổ quốc. Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai thắng được lực lượng đó”. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II Mặt trận tổ quốc Việt Nam (5-1983), Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam phát biểu: "Hồ Chủ tịch và Đảng ta luôn luôn thấy ở mỗi người Việt Nam một người yêu nước và Mặt trận là sự tập hợp và nhân lên gấp bội tinh thần yêu nước đó”. Đoàn kết trong Mặt trận Việt Minh, nhân dân ta đã làm cách mạng tháng Tám thành công, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đoàn kết trong Mặt trận Liên Việt, nhân dân ta đã làm nên Điện Biên Phủ vang dội năm châu, chấn động địa cầu. Đoàn kết trong Mặt trận tổ quốc Việt Nam, trong Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, nhân dân ta đã làm tròn sứ mệnh lịch sử vẻ vang là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Nhờ đoàn kết tạo nên sức mạnh, là nhân tố then chốt bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng. Hồ Chí Minh nói "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết -Thành công, thành công, đại thành công" Đoàn kết đầu tiên là đoàn kết trong Đảng, vế đoàn kết thứ hai là đoàn kết toàn dân tộc và vế đoàn kết thứ ba là đoàn kết Quốc tế. Có như vậy mới có sức mạnh để thành công, thành công, đại thành công. Người khẳng định đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề sống còn quyết định sự thành công của cách mạng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt và nhất quán trong đường lối cách mạng của Đảng ta ở mọi thời kỳ cách mạng. Thứ hai, đoàn kết dân tộc là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Trong Lời kết thúc buổi ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam ngày 3-3-1951, Hồ Chí Minh đã thay mặt Đảng tuyên bố tr­ước toàn thể dân tộc: “Mục đích của Đảng Lao động Việt Nam có thể gồm trong 8 chữ là: Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc”. Đại đoàn kết dân tộc chính là đòi hỏi khách quan của bản thân quần chúng nhân dân trong cuộc đấu tranh để tự giải phóng mình, cũng như khẳng định dân là gốc, nên Hồ Chí Minh xác định vấn đề đại đoàn kết dân tộc để tạo ra sức mạnh là vấn đề cơ bản của cách mạng. Đại đoàn kết dân tộc chính là nhiệm vụ của quần chúng, do quần chúng, vì quần chúng. Đảng có sứ mệnh thức tỉnh, tập hợp, hướng dẫn, biến những đòi hỏi khách quan, tự phát của nhân dân thành sức mạnh vô địch trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Do vậy theo Người: “Đại đoàn kết dân tộc không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của đảng mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc”. Thứ ba, đại đoàn kết dân tộc là đại đoàn kết toàn dân Trong lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 Người kêu gọi: “Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng muốn cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào, chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân biệt đảng phái, tôn giáo, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu tổ quốc…”. “Dân” theo tư tưởng Hồ Chí Minh, là chỉ mọi con dân đất Việt, con rồng cháu tiên, không phân biệt dân tộc đa số, người tín ngưỡng với người không tín ngưỡng, không phân biệt già trẻ, gái, trai, giàu, nghèo. Trong khi vấn đề đại đoàn kết dân tộc lại là phải tập hợp mọi người dân vào một khối trong cuộc đấu tranh chung. Hồ Chí Minh căn dặn chúng ta: Muốn thực hiện được đại đoàn kết toàn dân phải kế thừa truyền thống yêu nước, nhân nghĩa của tổ tiên, phải có lòng khoan dung, đại độ với con người. Người nói: "Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón ngắn, ngón dài. Nhưng ngắn, dài đều hợp nhau lại ở nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này, người thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ, ta phải nhận rằng đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối, lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đoàn kết, có đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang”. Nhiều lần Người đã nói rõ: “Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị. Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập tổ quốc; ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà. Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự tổ quốc và phụng sự nhân dân thì ta đoàn kết với họ”. Người còn nhấn mạnh: Đoàn kết rộng rãi, chặt chẽ, đồng thời phải củng cố. Nền có vững, nhà mới chắc chắn, gốc có tốt thì cây mới tốt tươi. Trong chính sách đoàn kết phải chống hai khuynh hướng sai lầm: cô độc, hẹp hòi và đoàn kết vô nguyên tắc. Thứ tư, đại đoàn kết dân tộc phải biến thành sức mạnh vật chất có tổ chức là Mặt trận dân tộc thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng Theo Người, đại đoàn kết dân tộc không chỉ dừng lại ở quan niệm, ở tư tưởng, ở những lời kêu gọi chung chung, mà phải trở thành đường lối chiến lược cách mạng, thành khẩu hiệu hành động của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Nó phải trở thành sức mạnh vật chất, một lực lượng mạnh có tổ chức. Tổ chức đó chính là Mặt trận dân tộc thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng. Mặt trận dân tộc thống nhất phải được xây dựng theo những nguyên tắc: Trên nền tảng liên minh công, nông và trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Người cho rằng: liên minh công nông- lao động trí óc làm nền tảng cho khối đại đoàn kết toàn dân, nền tảng được củng cố vững chắc thì khối đại đoàn kết dân tộc càng được mở rộng, không e ngại bất cứ thế lực nào có thể làm suy yếu khối đại đoàn kết dân tộc; Mặt trận hoạt động theo nguyên tắc hiệp thương, dân chủ lấy việc thống nhất lợi ích của tầng lớp nhân dân làm cơ sở để củng cố và không ngừng mở rộng; Đoàn kết lâu dài, chặt chẽ, đoàn kết thực sự, chân thành, thân ái giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Phương châm đoàn kết các giai cấp, các tầng lớp khác nhau của Hồ Chí Minh là: “Cầu đồng tồn dị” (lấy cái chung, đề cao cái chung, để hạn chế cái riêng, cái khác biệt). Trong quá trình cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, nội dung và hình thức tổ chức của Mặt trận có sự thay đổi phù hợp với nhiệm vụ cách mạng tùy từng lúc, từng nơi. Đó là Mặt trận dân chủ Đông Dương trong những năm đấu tranh hợp pháp 1936 - 1939, Mặt trận Việt Minh trong cao trào đánh Pháp, đuổi Nhật đưa tới thành công của Cách mạng Tháng Tám và việc thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Mặt trận Liên Việt trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (ở miền Bắc) và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cùng Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình ở miền Nam Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đoàn kết trong Mặt trận Liên Việt, nhân dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, chấn động địa cầu, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi, giải phóng được một nửa đất nước, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn ở miền Nam ruột thịt. Đoàn kết trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình Việt Nam, nhân dân ta đã làm tròn sứ mệnh lịch sử vẻ vang là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; đưa đất nước ta cùng đi lên chủ nghĩa hội, bước vào thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Một số bài học kinh nghiệm được rút ra từ tư tưởng của Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc - Một là, phải quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng xem đây là vấn đề chiến lược sống còn, là nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH. Từ nhận thức đến hành động phải theo nguyên tắc: “Đại đoàn kết phải được xây dựng trên cơ sở bảo đảm những lợi ích tối cao của dân tộc, lợi ích của nhân dân lao động và quyền thiêng liêng của con người ”; “Tin vào dân, dựa vào dân, phấn đấu vì quyền lợi của dân”. Điều này lại càng có ý nghĩa rất lớn đối với việc xây dựng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện nay. Có như vậy, tạo nên cơ sở thực hiện đại đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp, thành phần kinh tế, mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi vùng của đất nước, người trong Đảng và người ngoài Đảng, người đang công tác và người đã nghỉ hưu, mọi thành viên trong đại gia đình Việt Nam dù sống trong nước hay ở nước ngoài. - Hai là, để phát huy cao độ sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, thì trước hết phải đoàn kết thống nhất trong Đảng, vì đây là hạt nhân đoàn kết toàn dân; đồng thời phải mở rộng dân chủ từ Trung ương đến cơ sở, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, tạo không khí cởi mở, tin tưởng, cùng nhau hướng tới tương lai, lấy lợi ích chung, lợi ích quốc gia dân tộc làm điểm tương đồng. Phải xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần giai cấp và chống âm mưu chia rẽ lương - giáo, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phải tôn trọng những ý kiến khác nhau; xây dựng thái độ khoan dung đối với những người lầm lỗi với tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau, đề cao truyền thống nhân nghĩa, tạo sự đồng thuận xã hội, như Bác Hồ đã từng dạy: "Mỗi con người đều có cái thiện, cái ác trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở như mùa xuân, phần xấu bị giảm dần". Đảng phải xây dựng một đường lối chiến lược khoa học, phù hợp với nguyện vọng, quyền lợi của đại đa số dân chúng để thu hút và phát huy triệt để sức mạnh của quần chúng vào sự nghiệp cách mạng. - Ba là, phải xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam thật sự của dân, do dân, vì dân; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên phải gắn bó mật thiết với nhân dân, thường xuyên tự phê bình và lắng nghe ý kiến phê bình, góp ý xây dựng của nhân dân. Đó là điều kiện hệ trọng quan trọng để củng cố mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay, vì mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, góp phần tích cực vào sự nghiệp hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Nguyễn Thị Dung (Phó trưởng phòng QLĐT&NCKH, trường Chính trị tỉnh Kon Tum)


Hồ Chí Minh: toàn tập, NXB CTQG, H.2011, tập 15, tr. 611.

Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.1995, tập 3, tr.232.

Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2000, tập 8, tr.276.

Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.2000, tập 5, tr.879.

Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.2000, tập 12, tr.215.

Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.1995, tập 3, tr 229.

Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H. 2000, t.6, tr.183.

Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2000, t.7, tr.438.

Cầu đồng tồn dị có nghĩa là gì?

Thực hiện nguyên tắc “cầu đồng, tồn dị” thì không chỉ “cầu đồng”, mà còn phải “tồn dị”, tức là phải chấp nhận và tôn trọng những cái khác biệt, miễn là không tổn hại đến cái chung. “Tồn dị” thể hiện tinh thần khoan dung, độ lượng, hay nói theo cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “khoan hồng đại độ”.

Khối đại đoàn kết toàn dân tộc là gì?

Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Người là đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, các chính đảng, đoàn thể, các dân tộc, tôn giáo, kể cả những người trước đây lầm đường lạc lối nhưng đã biết hối cải, quy về với chính nghĩa của dân tộc.

Đại đoàn kết toàn dân tộc có vai trò như thế nào?

Đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng cách mạng và phải là điểm xuất phát, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ đường lối, chủ trương của Đảng. Bác khẳng định: “Nhờ đại đoàn kết mà nhân dân Việt Nam đã đánh thắng chủ nghĩa thực dân, làm Cách mạng Tháng Tám thành công và đã kháng chiến đến thắng lợi.

Khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam đã được hình thành từ khi nào?

Ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế Đồng Minh, hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam đánh dấu sự phát triển về chất của phong trào yêu nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.