Vụ em bé bị chết trong xe ô tô

TPO - Luật sư đề nghị triệu tập thêm nhân chứng tới phiên tòa phúc thẩm, đặc biệt là một nữ sinh viên có đứng soi gương cạnh xe nhưng không phát hiện cháu bé bị bỏ quên.

Đề nghị triệu tập nhân chứng

Sáng 11/8, TAND TP Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ bé trai 6 tuổi tử vong trên xe ô tô đưa đón học sinh của trường Quốc tế Gateway ra xét xử phúc thẩm.

Trước đó, TAND quận Cầu Giấy (Hà Nội) phạt Nguyễn Bích Quy - nhân viên Cty TNHH Vận tải và du lịch Ngân Hà án 24 tháng tù; Doãn Quý Phiến - lái xe trường Gateway 15 tháng tù cùng về tội “Vô ý làm chết người”; Nguyễn Thị Thủy - giáo viên chủ nhiệm lớp 1 Tokyo, trường Gateway lĩnh 12 tháng tù về “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tòa án cấp sơ thẩm xác định, sáng 6/8/2019, tài xế Phiến lái ô tô Ford Transit 16 chỗ cùng Nguyễn Bích Quy đi đón 13 học sinh trường Gateway trong đó có cháu Lê Hoàng Long (6 tuổi); khi lên xe cháu ngồi hàng ghế thứ 4, cạnh của sổ.

Đón đủ học sinh, tài xế Phiến lái ô tô tới trường Gateway và đỗ tại cổng phụ để bà Quy mở cửa cho các cháu xuống. Bà Quy bế và dắt hai bé sinh đôi xuống trước vì các cháu quấy khóc nhưng sau đó không kiểm tra bên trong xe còn học sinh hay không đã đóng ngay cửa, để quên cháu Long – lúc đó đang ngủ quên trên ô tô.

Tài xế Phiến cũng không kiểm tra lại mà lái ô tô về ký túc xá Học viện Báo chí và Tuyên truyền gửi. Bị cáo này không kiểm tra khoang hành khách, không vệ sinh trong ngoài ô tô sau khi đưa học sinh tới trường.

Trong vụ án, bị cáo Nguyễn Thị Thủy – giáo viên chủ nhiệm lớp của cháu Long bị xác định phát hiện cháu Long vắng mặt khi điểm danh nhưng không ghi sĩ số, không cập nhật kết quả lên hệ thống, phần mềm của nhà trường.

Đến chiều cùng ngày, khi đón các học sinh về, bị cáo Quy phát hiện bé Long nằm bất tỉnh sau ghế lái trong ô tô đưa đón của trường Gateway. Cháu bé sau đó được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong trước khi nhập viện.

Sau phiên sở thẩm nói trên, bị cáo Quy kháng cáo, cho rằng không phạm tội vô ý làm chết người. Bị cáo Phiến và Thủy kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Vụ em bé bị chết trong xe ô tô

Luật sư Nguyễn Thành Sơn đề nghị triệu tập thêm nhân chứng.

Tại tòa phúc thẩm (11/8), luật sư Nguyễn Thành Sơn (bào chữa cho bị cáo Quy) đề nghị triệu tập nhân chứng, đặc biệt là nữ sinh viên tên T. bởi đây là người đã soi gương cạnh ô tô của bị cáo Phiến vào sáng 6/8/2019 nhưng không phát hiện ra bất thường. Ông Sơn cũng nộp bản bóc băng ghi âm cuộc nói chuyện với chị T. để Hội đồng xét xử xem xét.

Sau hội ý, chủ tọa cho biết sẽ triệu tập những người này nếu thấy cần thiết.

Người đón trẻ kêu oan

Trong phần xét hỏi, bị cáo Nguyễn Bích Quy cho rằng cấp sơ thẩm xác định bị cáo có trách nhiệm khi không kiểm tra xe là sai bởi khi bị cáo đưa học sinh xuống, người phải kiểm tra xe là tài xế Phiến.

Bà Quy cũng đề nghị làm rõ các tình tiết như cháu bé lúc sáng mặc một áo nhưng khi phát hiện đã tử vong lại mặc một áo khác; rèm cửa trên ô tô thay đổi vị trí dù không ai thừa nhận tác động; trong xe có một quả bóng bay không rõ của ai…

Bị cáo này cũng khẳng định vào buổi chiều, khi mở cửa xe phát hiện thấy mùi lạ và lúc đó, cháu Long nằm ra sàn xe, đầu hướng ra cửa xe. Tuy nhiên, bà Quy không tham gia cấp cứu cháu bé vì phải đưa các cháu khác về. Bị cáo nói thêm, trên đường đưa học sinh về, tài xế Phiến có rất nhiều cuộc điện thoại.

Vì vậy, Nguyễn Bích Quy cho rằng mình bị oan và xin tòa phúc thẩm xem xét toàn bộ tình tiết vụ án.

Trong khi đó, bị cáo Doãn Quý Phiến thừa nhận có trách nhiệm khi không biết cháu Long ở trên xe nhưng cho rằng hình phạt của mình là quá nặng bởi bản thân chỉ vô tình “bỏ quên” cháu bé.

Tương tự, bị cáo Nguyễn Thị Thủy cho biết rất ăn năn vì đã làm sai quy định và thiếu trách nhiệm của một giáo viên. Bà Thủy khẳng định mình không bị oan nhưng xin được giảm nhẹ hình phạt.

Đại diện trường Gateway và gia đình bị hại cũng mong tòa án xem xét giảm nhẹ trách nhiệm cho Thủy.

Trước tòa, bị cáo Nguyễn Bích Quy – người đưa đón học sinh trường tiểu học Quốc tế Gateway, thừa nhận sai khi không theo sát số học sinh trên xe, nên bé L. bị bỏ quên, tử vong mà bị cáo không biết.

Vụ em bé bị chết trong xe ô tô
Bị cáo Nguyễn Bích Quy (áo xanh) khai báo về sai phạm trong đưa đón các bé trường Gateway. Ảnh chụp qua màn hình.

Sáng 14.1, mở phiên sơ thẩm xét xử vụ bé trai Lê Hoàng L., học sinh lớp 1 trường tiểu học Gateway tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh, Tòa án Nhân dân (TAND) quận Cầu Giấy (Hà Nội) thẩm vấn bị cáo Nguyễn Bích Quy – bị cáo buộc tội Vô ý làm chết người.

Bị cáo Quy được thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang tại ngoại trước khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra.

Trước tòa, bị cáo Quy cho rằng quá trình lấy lời khai tại cơ quan điều tra không bị ép cung, nhục hình.

Trình bày về việc tham gia làm giám sát xe buýt số 19 cho Công ty Ngân Hà, bị cáo được phó giám đốc giao cho việc đón, đưa học sinh trường Gateway, song không ký hợp đồng.

“Anh Đoàn thuê thì tôi làm”, bị cáo khai và cho hay mức lương là 2,8 triệu đồng/tháng.

Sáng 6.8.2019, bị cáo đến tòa nhà Trung Yên Plaza, theo xe buýt số 19, đón bé L. Lúc này, cháu mặc quần soóc, áo đỏ... Lên xe bé ngồi ở hàng ghế thứ tư từ trên xuống, gần cửa sổ. Sau khi đón thêm 7 học sinh, tài xế Doãn Quý Phiến đưa các bé đến trường.

Theo bị cáo, từ lúc lên xe, cháu L. vẫn khỏe mạnh bình thường. Trên xe, bé vẫn thức. Đến hơn 7h, bị cáo mở cửa xe để các cháu xuống. Do một bé ngày đầu tiên tới trường nên bị cáo bế, dắt theo một cháu khác, đưa 13 học sinh lên tầng 2 của trường để ăn sáng.

“Tôi đã không lên xe kiểm tra vì cho rằng các cháu đã xuống hết”, bị cáo Quy trình bày và cho hay, hôm trước, bé L. cũng tự đi vào trường nên nghĩ đủ học sinh rồi.

“Tại nhà ăn, bị cáo có nhìn thấy cháu L.?”, chủ tọa hỏi. “Do đông các cháu quá nên tôi không để ý”, bị cáo Quy trả lời.

“Sau khi các cháu ăn sáng xong, bị cáo điền vào cuốn sổ để sẵn trên mặt bàn ở tầng 1 với nội dung: Đủ 13 cháu. Tôi nghĩ tất cả các cháu bình thường nên điền số học sinh vậy. Sau đó tôi về nhà.”

Buổi chiều, bị cáo đến trường để đón các cháu đưa về nhà. Theo bị cáo, xe có 3 cháu là gia đình đón. Còn lại 10 cháu, song bị cáo thấy có 9 bé nên kiểm tra và thấy thiếu cháu L.

Lúc đó, dẫn các cháu ra thì thấy ông Phiến ở ngoài, bị cáo mở hé xe ra, các cháu đã hô lên, có người chết. “Tôi phát hiện bé L. nằm ngửa, chân tay ruỗi thẳng”, bị cáo trình bày.

“Lúc đó, có 1 nam thanh niên ra bảo phải đưa bé L đi cấp cứu. Do các cháu láo nháo nên bị cáo phải đứng lại, và không báo. Người thanh niên bế cháu L. vào trong trường, xe ô tô vẫn đứng đấy. Sau đó, bị cáo cho các cháu ngồi lên. Ông Phiến nghe vài cuộc điện thoại, bảo đưa các cháu về các điểm rồi quay lại.”

“Bị cáo đã sai”

Trước tòa, bị cáo Quy cho rằng làm công việc giám sát đưa đón các bé và không được tập huấn. Theo bị cáo, hôm nhận tờ giấy đưa đón, bị cáo chỉ hỏi ông Lê Đoàn (Phó Giám đốc Công ty Ngân Hà) về điểm “đen đen” là như thế nào thì nhận được trả lời “nghĩa là không đón các cháu”.

Chủ tọa cho hay, tại cơ quan điều tra, bị cáo có khai việc được anh Đoàn hướng dẫn việc giám sát đưa đón các cháu. “Tôi biết là sai”, bị cáo Quy nói chậm lại.

Trước tòa, ông Lê Đoàn cho hay, khóa học năm 2019-2020, trường Gateway có thông báo việc tập huấn cho lái xe và nhân viên giám sát. Công ty đã thông báo cho ông Phiến, bà Quy bằng nhắn tin, gọi điện thoại. Tuy nhiên cả hai bị cáo này đều nghỉ vì nhà có việc.

Theo ông Đoàn, sau khi dự tập huấn của trường, đã gặp bà Quy ở nhà mình, thông báo có quy chế mới trong việc đưa đón trong đó có nội dung: về sơ cứu y tế, chủ yếu là đưa đón học sinh đúng giờ, nếu để quên các bé trên xe 10 phút là bị phạt 1 triệu đồng.

“Việc tập huấn thông tin, quy chế mới của Gateway cho bà Quy có ai làm chứng?”, chủ tọa hỏi. “Hôm đó trời mưa to, nhà tôi ngập, chỉ có tôi và vợ”, ông Đoàn trình bày.