Dấu hiệu cơ bản của nhà nước pháp quyền

Dấu hiệu cơ bản của nhà nước pháp quyền
Bản gốc và bản dập Mộc bản bìa sách Hoàng Việt luật lệ - Bộ luật của triều Nguyễn ban hành năm Gia Long thứ 12 (1813)

Để làm rõ lý do ban hành Bộ luật Hình thư, sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Trước kia việc kiện tụng trong nước phiền nhiễu, quan lại giữ luật pháp câu nệ luật văn, cốt làm cho khắc nghiệt, thậm chí có người bị oan uổng quá đáng. Vua lấy làm thương xót, sai trung thư san định luật lệnh, châm chước cho thích dụng với thời thế, chia ra môn loại, biên thành điều khoản, làm thành sách Hình thư của một triều đại, để cho người xem dễ hiểu”(1). Tư liệu trên cho thấy người đứng đầu triều Lý đã nhận thức được sự cần thiết phải có luật thành văn để dân biết mà điều chỉnh hành vi; quan lại có căn cứ để xét xử, tránh việc tùy tiện dẫn đến oan sai; nhà nước có cơ sở để kiểm tra, giám sát quan lại.

Tiếp nối tư tưởng trên, các triều đại tiếp theo đều coi trọng và đánh giá cao vai trò của pháp luật. Năm 1428, vua Lê Thái Tổ đã chỉ rõ: từ xưa tới nay, trị nước phải có pháp luật, không có pháp luật thì sẽ loạn. Cho nên học tập đời xưa, đặt ra pháp luật là để dạy cho các tướng hiệu, quan lại, dưới đến dân chúng trăm họ biết thế nào là thiện, là ác, điều thiện thì làm, điều chẳng lành thì tránh, chớ để phạm pháp”. Đến thời Nguyễn, trong lời tựa khi ban hành Bộ Hoàng Việt luật lệ, vua Gia Long đã viết: “... sống trong xã hội, con người với những ham muốn vô bờ, nếu không có luật pháp để ngăn ngừa thì không có cách gì để dẫn dắt người ta vào đường giáo hóa mà biết được đạo đức. Cho nên lời xưa có nói: Luật pháp là công cụ giúp cho việc cai trị thêm tốt đẹp”(2). Để Bộ luật được thi hành hiệu quả, vua Gia Long chỉ rõ: “Các quan viên giữ chức vụ phải vâng chiếu theo luật này, coi nó như khuôn mẫu đầy ánh sáng về luật pháp”(3).

Như vậy, nếu căn cứ vào những phát ngôn và tuyên bố của nhà vua - người đứng đầu nhà nước (được sử quan ghi chép lại trong các bộ sử cũ), pháp luật đã có vai trò nhất định trong xã hội Việt Nam thời quân chủ. Nhận thức này đã được thể hiện qua việc các triều đại phong kiến cho biên soạn và ban hành nhiều bộ luật thành văn và một số loại văn bản pháp luật khác.

2. Một số quy định của pháp luật thời quân chủ 

Kết quả nghiên cứu nội dung của pháp luật thời quân chủ (qua các bộ luật tổng hợp và hệ thống văn bản đơn lẻ) có thể thấy, phạm vi và những vấn đề được điều chỉnh và đề cập tới rất rộng, phong phú và phức tạp. Có thể khái quát các quy phạm pháp luật thời quân chủ qua những vấn đề cơ bản sau đây:

2.1. Theo cách phân loại hiện nay, nội dung của pháp luật thời quân chủ đã điều chỉnh các quan hệ xã hội thuộc các ngành luật chủ yếu như: luật hành chính, luật hình sự, luật dân sự, luật hôn nhân gia đình, luật tố tụng...

Trong Quốc triều hình luật (Luật Hồng Đức, thời Lê), Hoàng Việt luật lệ (Luật Gia Long, thời Nguyễn) đều có quy định về tổ chức các cơ quan nhà nước, chức trách của quan lại; quy định tội danh, các loại hình phạt và nguyên tắc định tội, định hình; quy định về quyền sở hữu đối với đất đai, tài sản, quy định quyền thừa kế; quy định về kết hôn, quan hệ trong gia đình, ly hôn; quy định về thủ tục và trình tự trong điều tra, giam giữ và xét hỏi...(4).

2.2. Luật pháp thời phong kiến đã quy định tương đối cụ thể quyền hạn của vua, quyền lợi, trách nhiệm của quan lại và nghĩa vụ của người dân. Ví dụ:

- Trong các loại tội, nhà nước quân chủ xếp hàng đầu là tội thập ác(5), gồm 10 tội nặng nhất xâm hại đến quyền lực của vua, đến sự tồn tại và quyền thống trị của nhà nước phong kiến, đến sự tồn vong của quốc gia; xâm hại tới những quan hệ xã hội quan trọng nhất theo quan điểm Nho giáo lúc bấy giờ (vua tôi, cha con, chồng vợ). Những người phạm tội này phải chịu hình phạt cao nhất (tử hình) và dù thuộc diện "bát nghị" cũng không được chiếu cố và không được chuộc tội bằng tiền. Trong chương "Cấm vệ" luật quy định các hành vi xâm phạm đến hoàng thành, cung điện, xâm phạm tới tính mạng, tài sản của vua và hoàng tộc, xâm phạm đến an ninh và biên giới quốc gia (ví dụ: người không có phận sự, hết giờ không được ở trong cung điện; không được đùa cợt, ngạo mạn hoặc tự tiện nói chuyện với cung tần mỹ nữ; không được đem ruộng đất ở bờ cõi bán cho nước ngoài; không được tiết lộ bí mật quốc gia.v.v... ). Loại tội này thường bị xử với hình phạt cao (đồ, lưu, chém).

- Đối với quan lại, luật quy định xử phạt nặng nếu mắc vào các tội như: ăn hối lộ, cố ý làm trái chiếu chỉ của vua, thiếu trách nhiệm khi thi hành công việc, sử dụng quyền hành để ức hiếp nhân dân.v.v... (hình phạt tùy theo nặng nhẹ từ xuy, trượng đến tử hình).

- Đối với dân chúng, luật quy định xử phạt đối với các tội như: trộm cướp; giết người; đánh nhau gây thương tích; lăng mạ và vu cáo người khác; gian dối và giả mạo giấy tờ, ấn tín, chức vụ để mưu cầu lợi; thông gian, cưỡng gian; phao tin đồn nhảm, làm nghề mê tín dị đoan.v.v...

2.3. Thông qua các quy định chi tiết và cụ thể trên nhiều lĩnh vực, pháp luật thời quân chủ cơ bản là nhằm mục đích bảo vệ quyền thống trị của nhà nước phong kiến đương thời. Những quy định trong các bộ luật cũng như trong nhiều văn bản khác đều tập trung bảo vệ quyền thống trị duy nhất, độc tôn của giai cấp địa chủ phong kiến mà người đại diện cao nhất là vua (những hành vi xâm phạm tới quyền lực, tính mạng, danh dự của nhà vua bao giờ cũng phải chịu những hình phạt nặng). Pháp luật cũng tập trung bảo vệ những đặc quyền, đặc lợi của vua và hoàng tộc; của quan lại, quý tộc và giai cấp địa chủ (về chính trị và kinh tế). Pháp luật bảo vệ những cơ sở để nhà nước tồn tại và phát triển, bao gồm: cơ sở tư tưởng (chủ yếu là Nho giáo); cơ sở kinh tế (bảo vệ chế độ sở hữu tối cao của nhà nước thông qua việc quản lý ruộng đất và thu thuế; bảo vệ chế độ tư hữu về ruộng đất và tài sản, đặc biệt là tư hữu của giai cấp địa chủ; bảo vệ tư liệu và sức lao động cho sản xuất... ); cơ sở xã hội (bảo vệ trật tự đẳng cấp, bảo vệ quyền lợi của tầng lớp trên và sự bất bình đẳng trong gia đình cũng như ngoài xã hội).

Trong Bộ luật Hồng Đức cũng như Bộ luật Gia Long đều có quy định chế độ “Bát nghị”(6). Theo luật định, những người thuộc diện này nếu phạm vào tội nặng (trừ tội thập ác) thì quan nghị án chỉ được xác định tội trạng và hình phạt rồi tâu lên để vua quyết định, nếu chịu hình phạt từ lưu trở xuống thì giảm đi một bậc. Ngoài ra, luật cũng quy định việc giảm hình phạt cho con cháu những người có công, cho phụ nữ theo quan phẩm của chồng.v.v... Trong số những người được chuộc tội bằng tiền có họ hàng của vua và hoàng hậu...

2.4. Mặc dù tập trung bảo vệ đặc quyền, đặc lợi của vua và tầng lớp quý tộc, quan lại, nhưng luật pháp thời quân chủ vẫn có những quy định về một số quyền của người dân.

Trong những đối tượng được chiếu cố và cho phép chuộc tội bằng tiền, người già trên 90 tuổi và trẻ em dưới 7 tuổi được tha miễn dù phạm tội chết, người già trên 70 tuổi và trẻ em dưới 15 tuổi, người tàn tật được chiếu cố và xem xét giảm nhẹ hình phạt... Luật cũng quy định việc tha hoặc miễn cho những người phạm tội nhẹ nhưng ra tự thú, quy định việc thưởng cho người tố giác hoặc phạt kẻ nào bao che cho tội phạm. Một số quy định của pháp luật hạn chế sự ức hiếp, sách nhiễu của cường hào, quan lại đối với nhân dân. Đặc biệt, trong một chừng mực nhất định, Bộ Quốc triều hình luật còn có những quy định nhằm bảo vệ và chú ý đến quyền lợi của người phụ nữ (quyền thừa kế tài sản, quyền được đề nghị ly hôn) và các dân tộc thiểu số (được tự phân xử bằng luật của dân tộc mình, được dùng tiếng nói riêng trong các phiên tòa xét xử).v.v...

3. Vấn đề phổ biến và thực thi pháp luật trong thời quân chủ

3.1. Phổ biến pháp luật

Để pháp luật được thực thi, vấn đề quan trọng là phải phổ biến, tuyên truyền rộng rãi đến đối tượng thi hành là quan lại và dân chúng. Tuy nhiên, trong xã hội phong kiến, việc này không đơn giản, bởi lẽ lúc đó chưa có những điều kiện để in ấn, nhân bản như hiện nay; dân chúng lại rất ít người biết chữ. Để có thể phổ biến pháp luật, các nhà nước phong kiến đã áp dụng những biện pháp sau:

Thứ nhất, sau khi ban hành các văn bản pháp luật quan trọng, nhà nước cử các quan lại trong triều sao chép (chép tay) thành 3 bản (bản giáp, bản ất, bản bính)(7). Bản giáp (hay còn gọi là bản gốc, bản chính) được lưu trữ tại nơi bảo quản các tài liệu của nhà vua; bản ất (sao từ bản gốc) được gửi và lưu tại bộ (cơ quan trung ương để thực hiện và giám sát), còn bản bính (cũng sao từ bản gốc) được gửi xuống địa phương để thi hành. Tuy nhiên, việc sao chép văn bản dạng này mất rất nhiều thời gian và công sức, lại không thể đảm bảo tính chính xác hoàn toàn so với văn bản gốc, nên việc phổ biến pháp luật chỉ đến được với một bộ phận quan lại. Để khắc phục hạn chế này, các triều đại về sau (đặc biệt là thời Nguyễn) đã áp dụng biện pháp cho khắc các văn bản quan trọng lên gỗ (còn gọi là mộc bản), sau đó dùng bản gỗ dập ra thành nhiều bản giấy. Cách làm này cũng mất nhiều công sức, vì phải khắc ngược chữ Hán lên các mảnh gỗ (tương đương với trang giấy thời đó), nhưng lại có thể in ra nhiều bản và đảm bảo độ chính xác của văn bản(8).

Thứ hai, đối với dân chúng, trong điều kiện nhiều người không biết chữ, chính quyền phong kiến đã có những biện pháp phổ biến pháp luật tương đối hiệu quả và phù hợp. Sử cũ đã ghi nhận biện pháp sao chép lại mệnh lệnh của vua hoặc một số quy định cụ thể của nhà nước và chính quyền sở tại, sau đó dán các bản bố cáo ở những nơi công cộng, nhiều người qua lại. Khi thấy các bố cáo, dân chúng thường tụ lại xem, người biết chữ đọc và giải thích cho người không biết chữ, rồi cùng bàn tán, trao đổi với nhau để hiểu rõ các quy định và tự giác thi hành. Tuy nhiên, hình thức này có hạn chế là không đến được với mọi người dân, khi được nghe giải thích, mỗi người lại hiểu một cách khác nhau. Vì vậy, để khắc phục hạn chế trên, chính quyền phong kiến còn áp dụng biện pháp phổ biến pháp luật thông qua hình thức truyền miệng trực tiếp của “Mõ làng”(9). Tuy nhiên, hình thức này cũng tạo ra cho người dân thói quen không chủ động trong việc tìm hiểu pháp luật, mà chính quyền phải “mang” luật đến nhà mới chú ý, theo kiểu “mõ chưa đến ngõ thì chưa lo”. Tâm lý và thói quen này chính là một trở ngại cho việc tuyên truyền, phổ biến và giảm tính chủ động trong việc thi hành pháp luật của một bộ phận không nhỏ người dân hiện nay.

3.2. Thực thi pháp luật

Trong thực tế, do nhiều nguyên nhân, thời nào cũng có nạn quan lại tham nhũng, dân chúng không chấp hành pháp luật. Đối với tình trạng này, để đảm bảo việc thi hành pháp luật, biện pháp chủ yếu của các nhà nước là phải đặt ra các loại hình phạt và xử lý nghiêm minh.

- Đối với quan lại

Do xác định rõ vai trò của đội ngũ quan lại trong việc thực thi pháp luật, nên các nhà nước đã đặt ra và áp dụng một số biện pháp để kiểm tra, giám sát đội ngũ quan lại trong việc thực thi pháp luật ở những nơi họ được giao phụ trách. Trong các bộ luật cũng như trong văn bản pháp luật khác của nhà vua, những hành vi sau đây của quan lại đều bị nghiêm cấm, không được phép làm:

+ Không được tham lam, tìm cách vơ vét của cải của dân;

+ Các quan xét xử phải giữ phép công bằng, không được nhận đút lót mà làm sai, để có người bị oan uổng;

+ Đi ra nước ngoài không được mua hàng vụng trộm;

+ Quan lại không được nhận hối lộ, nếu nhận thì tuỳ theo số lượng tiền của mà trị tội;

+ Quan thu thuế không được ẩn lậu;

+ Không được phép lợi dụng việc công để mưu lợi riêng;

+ Nghiêm cấm việc vì tình riêng, vì nhận hối lộ mà tiến cử người kém đức, kém tài…

Tất cả những quy định trên đây, nếu quan lại nào vi phạm đều bị trị tội theo pháp luật. 

Ví dụ: hối lộ là hành vi tham nhũng rõ nét nhất, được quy định cả trong Luật Hồng Đức và Luật Gia Long. Để xử lý hành vi này, pháp luật có quy định xử phạt đối với người nhận hối lộ (thường là quan lại) và người đưa hối lộ (thường là dân chúng và quan lại cấp dưới). Mức phạt tùy theo mức tiện nhận và đưa hối lộ.

Trong thời quân chủ, việc kiểm tra khảo hạch quan lại thường xuyên là một biện pháp ngăn chặn có hiệu quả các hành vi tham nhũng và nâng cao năng lực thực thi pháp luật. Bởi lẽ, trong các đợt kiểm tra, triều đình thu thập được nhiều thông tin về quan lại, có biện pháp xử lý kịp thời đối với những viên quan tham nhũng. Mặt khác, vì có những đợt kiểm tra nên quan lại cũng phải tự điều chỉnh bản thân, hạn chế việc mắc sai lầm. Vì thế, biện pháp này mang tính tích cực và chủ động.

- Đối với dân chúng

Đối với người dân, để pháp luật được thực thi, những hành vi vi phạm bị xử phạt nặng, vừa để làm gương cho người khác, vừa để chứng tỏ sự nghiêm minh của pháp luật. Điều này được minh chứng qua những ghi chép trong thư tịch cổ, khi bất cứ hành vi không tuân thủ ý chỉ của vua, mệnh lệnh của chính quyền đều bị ghép vào tội “khi quân” hoặc là “nội loạn”. Đã bị ghép vào tội này thì nhẹ là đánh roi, đánh trượng, nặng là lưu đày, chém đầu, “tru di tam tộc”. Những hình phạt này được coi là biện pháp hữu hiệu để người dân vì sợ hãi mà phải tuân thủ pháp luật.

Tuy nhiên, do trình độ dân trí thời đó còn hạn chế, nên việc xử phạt dân chúng thường được kết hợp với các hình phạt của cộng đồng làng xã, thông qua việc ban hành và thực hiện các quy định trong hương ước (hay còn gọi là lệ làng).

- Một số bất bình đẳng trong thực thi pháp luật

Về bản chất, pháp luật của các nhà nước phong kiến thường tập trung bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị. Vì vậy, mặc dù xử phạt nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật của quan lại, nhưng trên thực tế, thời phong kiến vẫn xảy ra sự thiên lệch. Cùng hành vi vi phạm, nhưng dân thường bị phạt nặng hơn quan. Ngoài ra, một số quan lại cũng lợi dụng sự phân biệt này để làm sai lệch các vụ án, bắt ép dân nhận tội, xử oan trái nhiều người, dẫn đến sự bất bình trong dân chúng.

Để giảm bớt phần nào nỗi oan khuất của dân chúng, có những triều đại đã áp dụng một số biện pháp để người dân có cơ hội phản ánh, tâu bày những điều bức xúc với nhà vua. Sách Đại Việt sử ký toàn thư có ghi lại hai sự kiện: tháng 3/1052, dưới thời vua Lý Thái Tông, nhà vua đã ra lệnh cho đúc một quả chuông lớn, để ở Long trì, cho phép dân chúng ai có oan ức gì không bày tỏ được thì đánh chuông ấy kêu lên. Năm 1158, đời vua Lý Anh Tông đã cho đặt một chiếc hòm bằng đồng ở giữa sân triều để ai có trình bày gì thì bỏ thư vào hòm ấy.

4. Một số nhận xét

Theo những tiêu chí chung, ở Việt Nam thời kỳ quân chủ đã có một số dấu hiệu của nhà nước pháp quyền. Đó là việc nhận thức được vai trò của pháp luật; nhà nước đã tổ chức biên soạn và ban hành các bộ luật chung và các văn bản pháp luật đơn lẻ để dân chúng biết và thực hiện, quan lại có căn cứ để thực thi; có nhiều biện pháp để phổ biến và tuyên truyền pháp luật đến đối tượng thi hành bằng nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với trình độ nhận thức và điều kiện từng vùng; xử phạt nghiêm minh những hành vi vi phạm. Những biện pháp đó đã phần nào làm cho pháp luật được thực thi. Nhờ vậy, nhiều triều đại đã duy trì được trật tự xã hội, huy động lực lượng chống giặc ngoại xâm và duy trì quyền quản lý, điều hành đất nước hàng trăm năm.

Tuy nhiên, với những dấu hiệu trên chưa thể khẳng định sự tồn tại của nhà nước pháp quyền trong thời quân chủ, bởi lẽ, nhiều yếu tố cơ bản và quan trọng chưa có. Đó là việc tổ chức và phương pháp xây dựng pháp luật (không có sự tham gia và bàn bạc của người dân); luật hầu như được ban hành là để cho vua và nhà nước áp đặt và kiểm soát dân, chứ chưa phải là “bản khế ước” giữa nhà nước với công dân; luật pháp vẫn thể hiện sự bất bình đẳng giữa quan lại và dân chúng. Việc thực thi pháp luật vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là việc quan lại dùng quyền lực để làm khác với những quy định đã được ghi trong luật; quyền con người, quyền của người dân tuy đã được chú ý, nhưng vẫn còn rất hạn chế; việc xử phạt còn phân biệt theo thứ bậc xã hội, nạn tham nhũng còn khá phổ biến, việc thi hành pháp luật còn nặng về áp chế... Những hạn chế này đã làm cho uy tín của một số vương triều vì thế mà suy giảm mạnh.

PGS. TS. Vũ Thị Phụng - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

-------------------------

Ghi chú:

(1) Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch tập 1, Nxb Khoa học Xã hội, H.1998, tr.263.

(2), (3) Hoàng Việt Luật lệ, Nxb Văn hoá -Thông tin, H.1994, tr.1, 3.

(5) Những quy định cụ thể xin xem thêm: Vũ Thị Phụng, Lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội (1990), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội (1993, tái bản 1998, 2003, 2008).

(5) Thập ác gồm các tội: mưu phản (mưu cướp ngôi vua, làm nguy xã tắc); mưu đại nghịch (phá hủy tôn miếu, cung điện nhà vua); mưu bạn (mưu phản nước theo giặc;... ác nghịch (đánh giết ông bà, cha mẹ, họ hàng thân tộc); bất đạo (giết một lúc nhiều người); đại bất kính (ăn trộm đồ thờ trong lăng miếu, làm giả ấn tín, phạm tới sức khoẻ, danh dự của vua); bất hiếu (tố cáo, chửi mắng, không để tang ông bà, cha mẹ); bất mục (giết người thân tộc, phụ nữ đánh, tố cáo chồng); bất nghĩa (dân giết quan, trò giết thầy...) và nội loạn (thông dâm với người trong họ, với thê thiếp của ông cha).

(6) “Bát nghị" bao gồm: họ hàng thân thuộc của nhà vua và hoàng hậu, hoàng thái hậu (nghị thân); những người giúp vua lâu ngày hoặc giúp việc từ đời vua trước (nghị cố); những người có đức hạnh lớn (nghị hiền); những người có tài năng lớn (nghị năng); những người có công lao lớn (nghị công); quan lại từ tam phẩm trở lên (nghị quý); người cần mẫn trong công việc (nghị cần); con cháu các đời vua trước (nghị tân).

(7) Thời xưa có thành ngữ “tam sao thất bản” để chỉ việc sao chép văn bản nhiều lần sẽ không thể tránh khỏi sai sót.

(8) Hiện nay, tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đang lưu giữ hàng ngàn tấm mộc bản, trong đó có bản khắc Bộ Hoàng Việt luật lệ thời Nguyễn.

(9) Mõ là từ để chỉ một loại lao động đặc biệt, phục vụ cho bộ máy chức dịch của các làng xã, đặc biệt là ở vùng đồng bằng Bắc bộ. Ngoài những công việc lặt vặt như nấu nước, quét đình, trải chiếu, bưng mâm... mỗi khi bộ máy chức dịch trong làng hội họp hay bàn việc, “mõ làng” còn có nhiệm vụ đến từng nhà để thông báo những quy định của triều đình hoặc của chính quyền sở tại để người dân biết và thực hiện.

tcnn.vn