Nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch chi

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới: yếu tố thuận lợi, nguyên nhân , dấu hiệu , điều trị và phòng bệnh

Bài viết tham khảo chuyên môn của Bác sĩ Trương Thị Hương Giang - Khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện 199

Suy tĩnh mạch mạn tính: tình trạng suy giảm chức năng hệ tĩnh mạch chi dưới do suy các van tĩnh mạch thuộc hệ tĩnh mạch nông và/ hoặc hệ tĩnh mạch sâu, có thể kèm theo thuyên tắc tĩnh mạch hoặc không.

Nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch chi

Giãn tĩnh mạch: là biến đổi bất thường về giải phẩu, đặc trưng bởi sự giãn bệnh lý (>3mm) của một hoặc nhiều tĩnh mạch nông.

Giãn tỉnh mạch mạng nhện, dạng lưới: Giãn các tĩnh mạch nhỏ rất nông trong da (<1mm) hoặc dưới da.

Suy tĩnh mạch, theo lý thuyết có thể xảy ra ở bất kỳ tĩnh mạch nào trên cơ thể. Kế cả ở tay, nhưng trên thực tế phần lớn các trường hợp mắc phải đều xảy ra ở chi dưới tức chân do hệ thống tĩnh mạch chi dưới dài hơn, phức tạp và nhất là chịu ảnh hưởng của trọng lực khi người bệnh phải đứng nhiều.

Trên thế giới, bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới chiếm một tỉ lệ đáng kể trên số dân, trong đó 70% là nữ. Ở Việt Nam có dự đoán bệnh sẽ gia tăng gia tăng do sự phát triển của nền kinh tế và thay đổi nếp sống. Suy giãn tĩnh mạch chân mạn tính thường ít nguy hiểm nhưng sẽ gây cho người mắc bệnh cảm giác khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống

Các yếu tố thuận lợi

- Tuổi: đây là yếu tố nguy cơ chính. Ở độ tuổi 70 khoảng 70% nam và nữ đều bị dãn tĩnh mạch hoặc giãn mao mạch.

- Nghề nghiệp: nguy cơ mắc bệnh suy tĩnh mạch gia tăng đối với người làm việc phải đứng lâu hoặc ngồi lâu. Làm việc trong môi trường nóng bức, khuân vác nặng cũng là các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

- Di truyền: Theo 1 số nghiên cứu bệnh dãn tĩnh mạch tăng gấp 2 lần ở những người có tiền sử gia đình mắc bệnh tương tự.

- Giới tính: tần suất nữ cao hơn nam

- Béo phì: Tình trạng quá trọng lượng cũng là yếu tố nguy cơ cao thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới.

- Thai nghén: Sinh nhiều lần làm tăng nguy cơ dãn tĩnh mạch ở phụ nữ.

- Các yếu tố khác: vẫn còn đang được tranh cãi như: thuốc ngừa thai, tăng cân, tầng lớp xã hội, chế độ ăn, tăng huyết áp…

Bình thường máu từ chân trở về tim nhờ 3 cơ chế

- Nhờ lực đẩy ở chân lúc đi lại: Do hệ thống tĩnh mạch gan bàn chân, Do sự co bóp khi co cơ bắp chân và đùi.

- Nhờ lực hút tạo ra khi hít thở

- Nhờ hệ thống van trong lòng tĩnh mạch làm ngăn ngừa máu không trào ngược xuống dưới

Khi 1 trong 3 cơ chế trên bị hạn chế: máu không trở về tim được, ứ đọng máu tại tĩnh mạch chân, gây nên bệnh suy tĩnh mạch mạn tính.

Dấu hiệu nhận biết

- Chân nặng: cảm giác này thường tăng lên sau 1 ngày làm việc đứng lâu, qua một đêm ngủ dậy thì bớt hẳn, có thể thấy giày dép chật hơn bình thường.

- Mỏi chân: bệnh nhân thường xuyên phàn nàn về triệu chứng này, xuất hiện từng lúc

- Đau chân: dọc hai chân, nhiều nhất ở vùng bắp chân, đau bớt nếu gác chân cao.

- Cảm giác tê bì ngoài da như kiến bò hoặc cảm giác bỏng rát còn gọi là dị cảm.

- Chuột rút (Vọp bẻ): do cơ ở cẳng chân co rút gây đau đớn, thường xuất hiện vào ban đêm.

- Phù chân: thường thấy ở mắt cá trong hoặc bàn chân.

- Tĩnh mạch giãn: Người bệnh có thể thấy mạch máu bé li ti trên bề mặt da như mạng nhện hay lớn hơn và sâu hơn như dạng lưới ở lớp dưới da.

- Loét chân: Ở giai đoạn biến chứng, tĩnh mạch nông giãn to thành búi, bị viêm tạo huyết khối trong lòng , có thể kèm loét hoặc nhiễm trùng.

Giai đoạn tiến triển của suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Hệ thống được áp dụng phân chia theo CAEP, trong đó giai đoạn tiến triển bệnh và mức độ nặng trên lâm sàng được phân thành C1-C6 như sau:

• C1: Giãn tĩnh mạch mạng nhện hay dạng lưới

• C2: Giãn tĩnh mạch lớn dưới da >3mm

• C3: Phù

• C4: Biến đổi cấu trúc da và mô dưới da (chàm)

• C5: Loét có thể lành

• C6: Loét không lành

Nguyên nhân

Nguyên nhân của bệnh suy giãn tĩnh mạch chân mạn tính chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên một số yếu tố nguy cơ suy giãn tĩnh mạch chân gây ra do tổn thương chức năng các van một chiều của hệ tĩnh mạch ngoại biên:

- Quá trình thoái hóa do tuổi tác (thường gặp ở người già).

- Do tư thế sinh hoạt hay làm việc phải đứng hay ngồi một chỗ lâu, ít vận động, phải mang vác nặng... tạo điều kiện cho máu bị dồn xuống hai chân, làm tăng áp lực trong các tĩnh mạch ở chân, lâu ngày sẽ gây tổn thương các van tĩnh mạch một chiều. Khi các van này bị suy yếu sẽ giảm khả năng ngăn chặn luồng máu chảy ngược xuống dưới do tác dụng của trọng lực, dẫn đến ứ máu ở hai chân.

- Các yếu tố nguy cơ như chế độ làm việc phải đứng nhiều, làm việc trong môi trường ẩm thấp, béo phì,chế độ ăn ít chất xơ và vitamin.

Biến chứng

Suy giãn tĩnh mạch chân không nguy hiểm đến tính mạng, chỉ gây khó chịu, đau đớn và mất thẩm mỹ, cản trở sinh hoạt. Tuy nhiên biến chứng của bệnh này là sự hình thành các cục máu đông trong lòng tĩnh mạch, các cục máu này có thể gây tắc mạch máu tại chỗ hoặc di chuyển theo dòng máu và gây tắc mạch chỗ khác, trong đó nguy hiểm nhất là tắc mạch phổi, có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong.

Có đến 77,6% các bệnh nhân không biết mình mắc bệnh. Ngoài ra, họ còn ngại đi khám, không điều trị hoặc điều trị không đúng. Điều này dẫn đến những hậu quả rất khó lường, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Có ba biến chứng mà người mắc bệnh suy và giãn tĩnh mạch chân có thể gặp phải nếu không được điều trị đúng cách, là huyết khối (máu đông), xuất huyết (chảy máu) và loét chân.

Các tĩnh mạch giãn to nếu không được lấy bỏ sẽ có nguy cơ tạo lập cục máu đông, gây viêm tĩnh mạch nông huyết khối. Các cục máu đông tạo lập trong lòng mạch có thể bong ra, theo dòng máu trôi ngược lên phổi, làm tắc mạch phổi, nguy cơ tử vong cao. Các tĩnh mạch giãn to dần đến một lúc nào đó sẽ bị vỡ khi chấn thương hay va chạm nhẹ, gây xuất huyết, bầm máu. Sự rối loạn biến dưỡng da ở cẳng chân lâu ngày sẽ dẫn đến chàm, tăng sắc tố da và loét chân do ứ đọng. Tình trạng loét chân do tĩnh mạch là một biến chứng rất khó điều trị.

Phòng bệnh

Suy giãn tĩnh mạch là bệnh lý mang tính xã hội, liên quan nhiều đến chế độ ăn uống và làm việc. Vì vậy khuyến cáo chung là nên tránh đứng lâu, ngồi nhiều.

Để làm chậm tiến triển của bệnh, cần loại bỏ những thói quen có hại là đứng, ngồi lâu, khiêng vác nặng... Nếu bệnh ở giai đoạn nhẹ, có thể điều trị làm giảm triệu chứng bằng các thuốc tăng trương lực tĩnh mạch, phối hợp với mang vớ thun (vớ tĩnh mạch) tạo áp lực ngăn máu chảy ngược (bas contention). Nếu bệnh ở giai đoạn nặng gây đau nhiều và nổi nhiều búi mạch, có thể phải cần đến phương pháp phẫu thuật lấy bỏ bớt một vài tĩnh mạch ở chân.

Đối với người làm công tác văn phòng, đánh máy phải ngồi nhiều nên tránh ngồi liên tục bất động suốt 8h làm việc vì như thế sẽ không tốt cho bệnh suy tĩnh mạch mạn tính, cũng như bệnh mạch vành. Nên tranh thủ đi lại giải lao khoảng 30-60 phút/lần. Trong lúc ngồi làm việc, có thể phối hợp tập các bài tập vận động chân như: co duỗi các ngón chân, gập duỗi cổ chân, nhón gót... để máu lưu chuyển tốt hơn.

+ Nên tập thể dục để giảm cân như: đi bộ với tốc độ nhanh, bơi lội, đi xe đạp, tập dưỡng sinh.

Tập thể dục bằng cách đi bộ nhanh, vừa đi vừa nghỉ, gác chân cao cũng tốt cho bệnh tĩnh mạch. Đi bộ là phương pháp tập luyện quan trọng. Tuy nhiên trong bệnh suy tĩnh mạch chi dưới, đi bộ không phải là giải pháp tối ưu, và nếu đi bộ không đúng cách cũng có thể làm bệnh nặng thêm. Nên đi bộ ít hơn, không đi quá xa, phải đi bộ với vận tốc nhanh, tránh đi liên tục mà nên vừa đi vừa nghỉ, ngồi gác chân cao. Nếu đã suy tĩnh mạch nhiều, phải mang vớ trong khi đi bộ. Nếu có điều kiện, bơi lội là môn hể thao thích hợp nhất cho bệnh lý này.

+ Ngủ gác chân cao.

+ Chế độ ăn giàu trái cây rau tươi thức ăn giàu vitamin, nhiều chất xơ…hạn chế ăn nhiều thịt & chất bột đường.

+ Tránh béo phì, tránh táo bón.

Điều trị nội khoa

Tại khoa Phục hồi chức năng bệnh viện 199 khách hàng sẻ được bác sỹ thăm khám, chẩn đoán dựa trên các trang thiết bị hiện đại và điều trị kết hợp giữa thuốc và vật lý trị liệu -phục hồi chức năng.

Thuốc:

- Có thể dùng các thuốc làm tăng trương lực tĩnh mạch (như Daflon, Ginko Fort…), giảm sự ứ trệ của tĩnh mạch, bình thường hóa tính thấm của mao mạch, tang cường sức bền thành mạch, ức chế tại chỗ các hóa chất gây viêm

- Trong các trường hợp đã có biến chứng thiểu dưỡng và loét ở chân, ngoài điều trị như trên, cần chú ý điều trị tại chỗ vết loét, kháng sinh chống bội nhiễm…

Vật lý trị liệu – PHCN

+ Chống viêm bằng sóng ngắn dọc chân, chế độ xung, liều không nóng

+ Chống phù nề bằng nâng cao chân, co cơ tĩnh hoặc vận động khớp các ngón chân, bàn chân, cổ chân.

+ Không dùng các phương pháp nhiệt, không xoa bóp và vận động mạnh ở giai đoạn tĩnh mạch đang viêm và đau vì có thể làm bong cục máu đông đi vào tuần hoàn toàn thân gây biến chứng nguy hiểm.

+ Xoa bóp nhẹ nhàng vuốt về

+ Sử dụng máy xoa bóp tự động áp lực hơi: là hệ thống bao gồm các túi khí sử dụng để tạo lực ép ngắt quảng theo tầng xoa bóp cho 2 chân. Máy có tác dụng liên tục và nhịp nhàng trong quá trình sử dụng giúp tăng cường lưu thông mạch máu, tăng cường vững bền thành mạch các chất dinh dưỡng và bạch huyết tới các cơ quan

+ Điều trị bằng laser công suất thấp nội mạch: Laser công suất thấp nội mạch là hình thức điều trị bằng cách đưa nguồn laser vào bên trong lòng mạch máu thông qua một kim dẫn quang (kim laser) để chiếu tia laser trực tiếp lên các tế bào máu và các thành phần khác của máu có tác dụng cải thiện dòng máu và điều hòa hoạt động chức năng cơ thể. Ngoài ra, còn có thể chiếu tia laser trực tiếp trên một số tĩnh mạch nông ở dưới da (tĩnh mạch cẳng tay, tĩnh mạch khoeo chân) hoặc ở dưới lưỡi, mà không cần phải đưa nguồn laser trực tiếp vào trong lòng mạch máu mà vẫn đạt được hiệu quả giống như chiếu laser trong lòng mạch máu, gọi là phương pháp “chiếu laser tĩnh mạch không xâm lấn”

+ Tập các bài tập vận động chủ động tự do các khớp háng, gối, cổ chân trong tư thế nâng cao chân hay duỗi thẳng chân về phía trần nhà để hỗ trợ tuần hoàn tĩnh mạch.

Suy tĩnh mạch chi dưới là bệnh mạn tính, tiến triển chậm nhưng giai đoạn muộn có thể gặp những biến chứng nguy hiểm nên cần theo dõi hướng dẫn bệnh nhân điều trị và tập luyện thường xuyên, tái khám định kỳ để phát hiện sớm và xử lý kịp thời biến chứng