Theo đạo lương là gì

LTT: Trong loạt bài về hướng nghiệp này, tác giả chia sẻ bằng những suy tư và quan điểm cá nhân, nhưng rất chân thành, tôn trọng tác giả và để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng nguyên bản và không nhất thiết phản ánh quan điểm của TraKieu.net

I. Giới thiệu:

  • I. Giới thiệu:
  • II. Công giáo với nước Việt:
  • III. Những ảo tưởng trong đời sống Công giáo Việt: Bức màn tự phụ
  • IV. Giáo hội và Thời đại: Đường đến tự do

Trong bài tham luận Loan Báo Tin Mừng tại Việt Nam Ngày Nay, Đức Giám Mục Anphong Nguyễn Hữu Long nêu một số nguyên nhân vì sao tỷ lệ người Công giáo Việt Nam không gia tăng mà có chiều hướng thụt lùi. Tựu trung lại là vì Giáo hội Việt Nam chưa ý thức được công cuộc truyền giáo, vì giáo dân Việt Nam giữ đạo tốt nhưng thiếu nhiệt huyết sống đạo, thiếu nền tảng Kitô học, vì các biến cố lịch sử và nhịp sống xã hội.

Theo đạo lương là gì

Những nguyên nhân trên không xa lạ với tôi vì nhiều lần tôi được nghe các Cha nói trong các bài giảng. Đối chiếu với kinh nghiệm của mình, chân thành, tôi nghĩ điều đó chưa đúng. Trước hết là tôi không cảm thấy hụt hẫng, hay khó thừa nhận những thiếu sót trên. Và thứ hai là những nguyên nhân này gợi cho tôi cảm giác ta có thể vượt qua bằng “phương pháp”, “sức lực”. Nếu ai để ý sẽ thấy rằng những gì nằm sâu và chi phối con người thường là những cái rất khó thừa nhận; và một khi hiểu ra, nó tạo khoảng trống (hụt hẫng) chứ không ngay lập tức xuất hiện nhiệt tình thay đổi. Thêm nữa, tôi nghĩ nguyên nhân thật sự phải là văn hóa, ý thức hệ, những cái chi phối ta, chứ không phải cái ta có thể làm chủ hay tháo gỡ ra được bằng sức lực của mình; đó chắc chắn phải là cái sinh ra và gắn chặt trong mối quan hệ lâu dài với người khác, chứ không thể chỉ ở nội vi Công giáo mà thôi.

Tôi nghĩ, có ba nguyên nhân sau. Đầu tiên, người Công giáo Việt Nam ngại nói về đạo là bởi mặc cảm về lịch sử truyền giáo đối với dân tộc. Dù trong mỗi người vẫn hiểu lờ mờ rằng lịch sử đã bị xuyên tạc, không đúng sự thật, nhưng trước sự quy tội và cái nhìn không thiện cảm của phần đông người Việt, chúng ta cảm thấy lạc lõng, không có tiếng nói. Nguyên nhân tiếp theo là những ảo tưởng đến từ văn hóa làm cho nhiều người Công giáo tự phụ (đôi khi kẻ cả) về đạo. Yếu tố này dễ nhầm lẫn với đức tin mạnh nhưng thực chất mang tính hơn-thua (và suy cho cùng là phản ứng tự nhiên của thái độ tự ti do bị cô lập bởi nguyên nhân một). Lý do cuối cùng là xung khắc giữa Giáo hội và thời đại. Khi tuân theo giáo lý Công giáo, người Công giáo dường như “ngược dòng” với số đông, dẫn đến điều tất yếu là các tín hữu cảm thấy mình bị kết tội làm cho xã hội chậm tiến.

Trong bài viết này, tôi chọn lựa những bài viết bàn về ba nguyên nhân trên.

II. Công giáo với nước Việt:

BT: Nguyễn Gia Kiểng không phải người Công giáo, cũng không phải là sử gia. Ông đơn giản là một nhà tri thức Việt Nam. Tôi chọn bài này vì nội dung bài viết phản ánh suy nghĩ chung của nhiều tri thức Việt uy tín.

Cho những người đã nằm xuống

(Trích Tổ quốc ăn năn, Nguyễn Gia Kiểng)

Một thảm kịch vẫn còn chia rẽ trầm trọng trong người Việt Nam với nhau là việc cấm đạo. Con số nạn nhân thực sự là bao nhiêu không ai biết. Một số nhà nghiên cứu đưa ra ước lượng trên một trăm ngàn.

Họ đã bị giết không phải vì đã phạm vào một tội ác nào mà chỉ vì đã theo một tín ngưỡng không được triều đình chấp nhận, dù tín ngưỡng ấy không xúi giục họ làm điều gì bạo ngược mà chỉ dạy họ công bình, bác ái. Có khi sự sống và sự chết được quyết định một cách giản dị: ai chịu bước qua thánh giá để chứng tỏ mình đã phủ nhận tín ngưỡng Công Giáo thì được sống, ai không chịu thì bị dẫn thẳng ra pháp trường. Và khoảng một trăm ngàn người Công Giáo đã chịu chết để giữ tín ngưỡng của mình. Họ đã chết một cách hiền lành không chống trả, chết trong lời cầu nguyện.

Việc bách hại người Công Giáo đã là một vết nhơ khó tẩy xóa trong lịch sử Việt Nam. Đó là sự kiện chính nhà nước Việt Nam, chứ không phải một đoàn quân xâm lược nào, đã tàn sát một số lớn những người Việt Nam hoàn toàn vô tội. Thảm kịch còn lớn hơn nữa vì nhà nước đó biết họ vô tội nhưng vẫn giết họ.

Điều đáng ngạc nhiên là cho tới nay chưa có một chính quyền Việt Nam nào, nhân danh sự liên tục của quốc gia, tổ chức một ngày để xin lỗi những người Công Giáo về sự sai lầm kinh khủng đó.

Phải chăng là vì các chính quyền không ý thức được cuộc sống liên tục của một quốc gia và do đó không cảm thấy có trách nhiệm về những gì những người cầm quyền trước mình đã làm? Hay vì một hành động long trọng như vậy sẽ không khỏi đặt ra những vấn đề lớn cho một chính quyền tự mình cũng cảm thấy tay có nhúng chàm? Chính quyền cộng sản hiện nay cũng đưa ra vô số biện pháp chèn ép các tôn giáo. Tài liệu “Quan điểm và Cuộc Sống” của Nguyễn Hộ, được phổ biến năm 1994, còn tố giác chính đảng cộng sản Việt Nam đã tập trung những người theo đạo Cao Đài tại Củ Chi, tàn sát họ và chôn tập thể. Ông Nguyễn Hộ là tư lệnh phó quân đội cộng sản khu vực Sài Gòn bao gồm Củ Chi hồi năm 1946 lúc xảy ra vụ tàn sát này nên những điều ông nói ra chỉ có thể đúng sự thực.

Một điều cũng rất đáng ngạc nhiên là cho tới nay tập thể người Công Giáo chưa bao giờ chính thức đòi các chính quyền Việt Nam phải giải oan, phục hồi danh dự và nhận lỗi với những nạn nhân. Họ tự thấy quá cô đơn, hay họ thấy không còn ràng buộc lắm với đất nước này nên không thấy cần phải đòi hỏi như vậy?

Nhưng đó là một việc phải làm và sẽ phải làm một cách rất long trọng. Mọi người đều hiểu như vậy, và vì không muốn làm hay không thể làm, nhiều người đã thoái thác bằng một thái độ cực kỳ tệ hại là tiếp tục bào chữa cho việc cấm đạo, tiếp tục bào chữa cho việc tàn sát người Công Giáo, tiếp tục bôi nhọ ký ức của những người đã chết oan và tiếp tục gây chia rẽ trầm trọng trong dân tộc. Thái độ thiếu lương thiện này lại gây ra một số nạn nhân khác: có những người nhẹ dạ đã thực sự bị lường gạt vì những luận điệu dối trá ấy và thực sự ghét người Công Giáo. Tôi đã từng được nghe nhắc lại không biết bao nhiêu lần là đạo Công Giáo do thực dân Pháp đem đến, trong khi sự thực là đạo Công Giáo đã được các giáo sĩ Tây Ban Nha và Hòa Lan truyền sang nước ta từ sau thế kỷ 16. Người Pháp chỉ đến vào giữa thế kỷ 19, nghĩa là ba thế kỷ sau. Hơn nữa, tỷ lệ người Việt Nam theo đạo Công Giáo vào cuối thế kỷ 17 trước khi có việc cấm đạo được ước lượng là xấp xỉ 10%. Sự xâm lăng và thống trị của người Pháp làm cho tỷ lệ người Việt Nam theo đạo Công Giáo giảm đi chứ không tăng lên.

Năm 1989, khi vụ Phong Thánh cho 117 thánh tử đạo tại Việt Nam đang sôi nổi, tòa báo TL chúng tôi nhận được một thư độc giả. Lá thư, bằng một giọng điệu hằn học và miệt thị, kể lại việc quân Pháp đánh thành phố Hải Dương, trong đó chỉ có 15 người lính Pháp và cả trăm người Công Giáo đi theo gánh gạo, vác đạn, v.v… Không một lời về việc bách hại hàng trăm ngàn người Công Giáo vô tội.

Năm 1993, Câu Lạc Bộ Thân Hữu TL mời cụ Nguyễn Huy Bảo phát biểu trong một cuộc họp về đề tài “Dân Việt Nam có thể có dân chủ được không?”. Đề tài đó không phải là tất cả buổi họp. Mỗi sinh hoạt của Câu Lạc Bộ Thân Hữu TL gồm ba phần. Phần đầu về kiểm điểm nội dung những số báo TL từ kỳ họp trước đến nay; phần thứ hai hoặc thảo luận về một đề tài hoặc thảo luận về một vấn đề chính trị có tính thời sự, phần thứ ba là sinh hoạt thân hữu, trong đó các thân hữu tự do trình bày những gì mình đã làm, những gì một thân hữu khác đã làm, những gì mình có ý định làm và tìm người hợp tác. Các thân hữu có xuất bản sách thường đem sách của mình tới giới thiệu và bán trong phần này. Bài thuyết trình của cụ Nguyễn Huy Bảo nằm trong phần thứ hai.

Cụ Bảo có đề cập tới chính sách thủ cựu của các vua quan nhà Nguyễn, trong đó có việc cấm đạo, như là những sai lầm đã khiến Việt Nam lỡ mất một cơ hội canh tân với hậu quả tai hại. Chằng có gì là quá khích và lố lăng trong bài thuyết trình. Nhưng như thế cũng đã đủ để ngay khi cụ vừa dứt lời, một thanh niên vẫn thường hay lui tới câu lạc bộ đùng đùng nỗi giận đứng lên bất chấp cả chủ tọa to tiếng mạt sát cụ Bảo bằng những lời lẽ nặng nề, bất chấp cả tinh thần trang trọng của buổi họp, bất chấp cả sự kính trọng tối thiểu mà lễ giáo Việt Nam vẫn dành cho người lớn tuổi (cụ Bảo lúc đó đã 85 tuổi). Những công thức chế tạo sẵn đua nhau tuôn chảy: “Ông là một sản phẩm của thực dân Pháp”, “Bài thuyết trình của ông là của một con người đã chối bỏ tổ tiên…”, “Ông lập lại những luận điệu phản quốc, những lập luận của bọn giáo sĩ cướp nước”, v.v…

Tôi làm chủ tọa buổi họp hôm đó và tôi đã phải quả quyết cắt lời anh ta. Anh ta biết tôi và vẫn dành cho tôi một sự kính trọng nào đó, không biết sự kính trọng đó bây giờ còn hay không vì sau đó không thấy anh ấy lui tới câu lạc bộ nữa. Tôi ôn tồn nói với anh ta là không có ý kiến nào cấm nêu ra và không có đề tài nào cấm bàn đến, anh ta đừng sợ sẽ không được phát biểu hết ý kiến của mình, nhưng phải tôn trọng chủ tọa và cũng phải tôn trọng tinh thần thảo luận của câu lạc bộ là mọi trao đỏi phải có sự tương kính. Rồi tôi lại trao lời cho anh nói tiếp. Có lẽ tự thấy mình đã quá lời, anh ta xin lỗi vì đã dùng lời lẽ quá nặng nhưng giải thích: “Xin quí vị thông cảm cho, vì dân tộc tôi đã đau khổ quá nhiều vì bọn giáo sĩ tới làm do thám cho thực dân cướp nước, vì những tên Việt gian bỏ đất nước đi theo bọn giáo sĩ. Tôi phải tố cáo bọn giáo sĩ, tố cáo mưu đồ cướp nước của Vatican…”. Lời xin lỗi đồng thời cũng là một lời thóa mạ.

Sau buổi họp, ra ngoài gặp tôi, anh ta vẫn còn hậm hực: “Tôi phải vạch mặt tên này [cụ Bảo], hắn là một tên giáo sĩ”. “Giáo sĩ” đối với anh ta là một từ ngữ rất nặng, tự nó đã có tính mạt sát rồi.

Tôi không giận anh ta, vì cái tập quán thù ghét thậm tệ người khác dựa trên những sự kiện mà chỉ cần bình tĩnh một chút cũng đủ thấy là rất sai là một đặc tính của người Việt Nam. Tôi vẫn có cảm tình với anh ta. Xuất thân là một người lao động vượt biên sang Pháp, ngoài việc làm ăn, anh ta còn dành rất nhiều thì giờ để học hỏi. Anh ta đọc rất nhiều sách và tỏ ra có quan tâm với tương lai đất nước. Càng có cảm tình với anh bao nhiêu, tôi càng giận những người trí thức thiếu lương thiện đã đầu độc những tâm hồn nhẹ dạ. Anh ta có kể cho tôi nghe một số sách mà tôi có đọc qua.

Đó là những cuốn sách viết úp úp mở mở, gom lọc tài liệu với dụng ý rõ rệt là tạo cho độc giả một ngờ vực rằng việc truyền bá đạo Công Giáo ở Việt Nam nằm trong âm mưu thôn tính Việt Nam của Pháp. Tôi không thể nhìn thấy một sự xứng đáng nào trong những cố gắng đó. Chúng chỉ tố giác sự thấp kém của các tác giả. Họ hận thù vì thành kiến, rồi chính hận thù làm cho tâm hồn họ bị vẩn đục và trí tuệ họ bị mê muội. Với thời giờ bỏ ra nghiên cứu như vậy, nếu đừng để cho hận thù làm mù quáng đi, họ đã thấy là không làm gì có một âm mưu thôn tính Việt Nam, chưa nói tới một âm mưu với sự đồng lõa giữa Vatican và chính quyền Pháp. Mà tại sao Vatican lại đồng loã với Pháp mà không đồng lõa với Ý, Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha? Những ai nghiên cứu phong trào thực dân trong ba thế kỷ 17, 18 và 19 đều biết rằng phong trào này chủ yếu là do các công ty tư nhân đi tìm lợi nhuận. Không làm gì có một ý chí chính trị của các nước châu Âu nói chung và Pháp nói riêng để chiếm đóng các nước châu Á cả (trong một bài sau chúng ta sẽ bàn kỹ hơn về vấn đề này). Chính quyền Pháp đã bị đẩy tới chỗ phải can thiệp vào Việt Nam dưới áp lực của dân chúng sau khi những đợt bách hại người Công Giáo gây ra xúc động quá lớn.

Tôi càng không hiểu tại sao, trong lúc này và tại hải ngoại, vẫn có những người cố gắng bôi nhọ người Công Giáo bằng những tài liệu xuyên tạc hạ cấp kiểu Tây Dương Gia Tô Bí Lục. Đề làm gì? Đáng buồn nhất là một số người lại còn gắn liền sự phát triển của Phật Giáo với sự bài xích Thiên Chúa Giáo. Phật Giáo Việt Nam không mạnh thêm, mà còn có thể bị hoen ố đi vì những “Phật tử” như thế.

Lý do chính khiến cho vết thương cấm đạo vẫn còn rướm máu cho tới nay là vì chúng ta vẫn chưa tìm được cách đọc lịch sử. Điều đau nhức nhất trong thảm kịch cấm đạo là có những người Việt Nam thực sự yêu nước, thực sự dũng cảm đã tham gia tích cực vào việc tàn sát và nhục mạ những người Công Giáo vô tội. Tôi muốn nói tới những phong trào Văn Thân và Cần Vương. Chắc chắn là trong động cơ thúc đẩy họ có lòng yêu nước, nhưng sự cuồng tín tôn thờ Nho Giáo của họ còn mạnh hơn. Họ đã giết người Công Giáo bởi vì họ thực sự tin rằng người Công Giáo đã bỏ đạo lý của ông cha, đi tôn thờ một tà đạo của người phương Tây mà lúc đó họ gọi là bọn quỷ trắng. Một người Việt Nam đã theo đạo Công Giáo thì không còn là đồng bào của họ nữa, mà chỉ còn là một tâm hồn đã bị quỷ ám cần phải tiêu diệt. Các phong trào Cần Vương và Văn Thân có lẽ đã chỉ giết vài người lính Pháp, nhưng họ đã giết hại hàng chục ngàn linh mục và giáo dân Việt Nam. Họ mù quáng, thiển cận, có tội lớn mà không có công nào. Họ chỉ cố gắng bảo vệ một cái quá khứ hủ lậu cần phải vất bỏ đi: Nhưng họ là những người có chí khí, có can đảm. Họ nằm trong truyền thống của đất nước và của ông cha, nên chúng ta chỉ có thể buồn vì sự mù quáng của họ, chứ không thể ghét họ được. Do đó chúng ta bối rối, rồi để có thể tôn vinh họ, chúng ta biện hộ cho việc họ làm, đổ tội cho những người Công Giáo vô tội đã nằm xuống.

Đó cũng là vì ta không biết đọc lịch sử. Đó cũng là vì ta không tìm ra được cách nào để yêu quí tổ tiên của ta. Đinh Tiên Hoàng, Lý Công Uẩn, Trần Hưng Đạo, Mạc Đăng Dung, Lê Chiêu Thống, Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh, Văn Thân và Cần Vương, và cả những người Công Giáo đã nằm xuống; những anh hùng lập quốc cùng những người đã có tội, những người can đảm cũng như những người hèn nhát, tất cả đều là tổ tiên của ta. Chúng ta không chối bỏ được gia phả. Những người đã có tấm lòng như Văn Thân và Cần Vương, chúng ta vẫn có thể quí mến họ, nhưng khi họ nhảm nhí thì phải nói là họ nhảm nhí, chứ sao lại đổi trắng thay đen? Đâu phải vì chúng ta quí trọng những người Cần Vương, Văn Thân mà nhất định chúng ta phải quí trọng ngay cả những sai quấy của họ và thù ghét những người Công Giáo mà họ đã thù ghét? Nhất là họ thù ghét một cách xằng bậy và hành động một cách càn rỡ?

Nguyễn Khắc Viện, một trí thức cộng sản đã đóng góp nhiều nghiên cứu có giá trị, đã viết về vụ phong Thánh như sau: “Dầu sao thì chúng tôi cũng không thể chối bỏ các vị tiền bối Văn Thân của chúng tôi”. Ông ta cũng đặt nghi vấn là có sự liên kết của người Công Giáo với quân Pháp. Hai chữ “dầu sao” nói lên bối rối của ông ta. Nhưng ông Nguyễn Khắc Viện làm tôi thất vọng về sự tầm thường của một trí thức như ông. Ai bắt ông phải chối bỏ các vị Cần Vương và Văn Thân? Tại sao lại phải chối bỏ? Có phải vì họ đã mù quáng giết người Công Giáo mà chúng ta phải chối bỏ họ không? Có phải khi ông cha ta làm điều gì sai thì không còn là ông cha ta nữa không? Nếu lý luận như vậy thì phải coi chừng chúng ta mất gia phả.

Một lần cho tất cả, phải khẳng định sự vô tội của người Công Giáo. Không làm gì có âm mưu nào trong việc truyền giáo tại Việt Nam. Những giáo sĩ tới Việt Nam chỉ để truyền đức tin Ki-tô mà thôi và các giáo dân đã theo đạo cũng chỉ vì đức tin Ki-tô. Các chúa Trịnh, chúa Nguyễn, rồi các vua nhà Nguyễn, thủ phạm của cuộc cấm đạo đẫm máu, ít ra cũng lương thiện hơn những học giả biện bạch cho họ. Các dụ cấm đạo chỉ buộc tội người Công Giáo theo một tà đạo mà thôi, không bao giờ buộc thêm cho người Công Giáo một tội nào khác cả. Và lý do chính khiến đạo Công Giáo bị coi là một tà đạo và bị nghiêm cấm là vì trong giáo lý của nó, Đức Chúa Trời mà mọi người phải thờ phụng trên hết mọi sự không phải là nhà vua.

Việc cấm đạo đã bắt đầu ở ngoài Bắc dưới chúa Trịnh Tráng để rồi đạt tới cao điểm dưới thời Trịnh Doanh; ở miền Nam ngay dưới thời Nguyễn Hoàng, rồi tiếp tục qua mọi đời chúa dù không gay gắt bằng. Đến khi nhà Nguyễn thống nhất đất nước, việc cấm đạo cũng chỉ ngừng lại ở thời Gia Long. Minh Mạng lên ngôi là lập tức cấm đạo, tiếp tục qua Thiệu Trị và đạt cao điểm dưới thời Tự Đức. Sau cùng chính vua Tự Đức cũng nhận ra sự sai lầm của mình và ra một dụ bỏ việc cấm đạo, kêu gọi Văn Thân thôi bách hại người Công Giáo với lời lẽ trầm thống, chứng tỏ một sự hối hận rất chân thành.

Có người viện dẫn một số tài liệu của Bộ Hải Quân Pháp để chứng minh có sự toa rập giữa các giáo sĩ và chính quyền Pháp. Nhưng các giáo sĩ đã truyền giáo trong điều kiện khó khăn tất nhiên phải có sự giao dịch với các thế lực có ảnh hưởng tới Việt Nam lúc đó. Những người bị bách hại tất nhiên phải tìm chỗ dựa. Điều này cũng tự nhiên như ngày nay chúng ta vận động các chính phủ dân chủ và các tổ chức nhân đạo bênh vực cho những người dân chủ gặp khó khăn tại Việt Nam. Mặt khác, đừng quên là các giáo sĩ cũng đã làm nhiều khuyến cáo và đề nghị với chính các vua nhà Nguyễn để hy vọng giúp Việt Nam canh tân và mạnh lên, chỉ tiếc là họ đã không được nghe vì vua quan nhà Nguyễn quá thủ cựu.

Nhiều người Công Giáo Việt Nam, giáo sĩ cũng như giáo dân, mặc dầu bị ruồng rẫy, tù tội, hạ nhục vẫn cố hết sức tìm cách giúp các vua nhà Nguyễn cải tổ để đưa đất nước đi lên dù chỉ gặp sự dửng dưng của vua quan nhà Nguyễn. Nếu những bài điều trần của Nguyễn Trường Tộ lọt được tai vua quan nhà Nguyễn thì đất nước chúng ta đây không như ngày nay.

Điều đáng ngạc nhiên chính là sự nhẫn nại của người Công Giáo. Mặc dầu bị bách hại đẫm máu họ đã không vùng lên chống lại chính quyền, trong khi đó là một phản ứng tự vệ rất bình thường. Nhà Nguyễn phá kỷ lục về giặc giã: các tay anh chị nổi lên khắp nơi tại miền Bắc, có khi để chống sưu cao thuế nặng, có khi để đòi lập lại nhà Lê, có khi chỉ vì lý do giản dị là quan quân quá yếu. Người Công Giáo ở miền Bắc lúc đó rất đông đảo, chiếm hơn 10% dân số, lại rất tập trung và rất gắn bó. Nếu họ nổi loạn, nhờ người Pháp huấn luỵện và giúp khí giới, họ đủ khả năng đánh bại được quân nhà Nguyễn lúc đó rất suy yếu về cả vật chất lẫn tinh thần. Một viên thiếu úy với bảy tên lính Pháp đã có thể nghênh ngang vào tỉnh Ninh Bình, bắt tất cả tuần phủ, án sát trói lại, tịch thu mấy chục khẩu đại bác, bắt quân Việt Nam hạ khí giới quì hai bên đường. Người Công Giáo, nếu muốn, thừa sức đánh bại thứ quân đội vô dụng đó. Nhưng họ vẫn chịu đựng thà chết vì đức tin chứ không nổi loạn. Ở vào thời buổi đó, đâu đâu cũng có nổi loạn, nhưng những người Công Giáo, có lý do nhất và có khả năng nhất để nổi loạn, lại không nổi loạn.

Cái gì đã khiến người Việt Nam theo đạo Công Giáo đông đảo như vậy? Đó chính là thông điệp Ki-tô. Vào thời buổi nhiễu nhương, con người chà đạp và chém giết lẫn nhau, còn gì an ủi hơn là được nghe một thông điệp hòa bình, bác ái, là được nghe những lời nhắn nhủ “ai thương xót người ấy là phúc thật, ai chịu khốn khổ vì lẽ phải ấy là phúc thật”? Đạo Công Giáo đã được sự hưởng ứng mạnh mẽ của những người cùng khổ. Cũng như Phật Giáo, và khác với Nho Giáo, đạo Công Giáo đã đến với dân tộc Việt Nam không phải qua giai cấp thống trị, mà qua giai cấp bị chà đạp. Dụ cấm đạo của vua Minh Mạng nhận định các giáo sĩ đã lôi kéo bọn “bần dân mạt hạng”.

Người Công Giáo nhẫn nại và chịu đựng nhưng thừa sự dũng cảm. Họ sẵn sàng chịu chết chứ không bỏ đức tin của họ. Sự dũng cảm của họ nổi bật vào một lúc mà sự nhút nhát là tâm lý chế ngự. Quan quân cứ nghe vài tiếng súng là vất gươm súng mà chạy. Chính những người Công Giáo tử đạo đã cho tôi niềm tin vững chắc vào dân tộc Việt Nam: nếu có một lý tưởng trong sáng, người Việt Nam có thể rất dũng cảm và chấp nhận những hy sinh rất to lớn.

Sau này, một chính quyền sáng suốt của đất nước Việt Nam dân chủ sẽ phải để ra một ngày lễ phục hồi danh dự cho những người Công Giáo đã tử đạo. Đó là điều chúng ta cần làm để hòa giải cộng đồng Công Giáo với cộng đồng dân tộc, để hàn gắn một vết thương rất đau nhức, một trang sử bi đát của dân tộc ta.

Chúng ta cũng sẽ phải có những ngày tưởng niệm cho những người đã chết oan trong những cuộc chiến vừa qua, những nạn nhân của cuộc cải cách ruộng đất, những người đã chết trong chiến dịch Phượng Hoàng, hay đã bị bắt cóc ám sát, những người đã bỏ mình trên biển cả trong khi chạy trốn chế độ cộng sản. Chúng ta cần khép lại những vết thương đau, những trang sử bi đát của dân tộc, để có thể nhìn lại nhau là anh em ruột thịt và cùng bắt tay nhau xây một tương lai Việt Nam chung.

III. Những ảo tưởng trong đời sống Công giáo Việt: Bức màn tự phụ

Trong ngăn cách vô hình lương-giáo, có cả vách ngăn văn hóa được xây bởi tính “tự đắc” của người Công giáo. Những ảo tưởng này càng dễ bám trụ và lớn thêm vì suy cho cùng sự “tự đắc” này, phần nào, đến từ tâm lý “tự ti” do những gán ghép và bị cô lập từ người Việt.

  1. Thời kỳ bách hại

Những bắt bớ, tàn sát man rợ của triều đình và sự can đảm hi sinh của các Thánh Tử Đạo Việt Nam là trang sử bi thương và hào hùng của Giáo hội. Chúng ta rất nên tự hào về thời kỳ này nhưng không nên tuyệt đối hóa đại trà các tín hữu xưa. Thịnh nộ, trả thù, ngã theo bạo lực là điều luôn tồn tại trong lịch sử mỗi thời.

Trong thư gửi thống đốc Duperré sau chuyến đi Bắc năm 1876, Trương Vĩnh Ký viết:

“[…] Tôi xin phép được nói thật thà, có sao nói vậy, vả lại tôi cũng phải bảo vệ danh dự của tôi là người được hỏi.

Tôi không nói những xích mích dường như đã xảy ra giữa bổn xứ theo đạo, với giáo xứ. Những cái đó tôi không được rõ lắm.

Trước hết tôi nói sự kinh ngạc của tôi đối với cảnh thảm hại hận thù tôn giáo, họ ghét nhau dữ lắm. Và trong những việc vừa xảy ra, nếu những nho sĩ và những người khác bên lương đã làm những tội ác ghê gớm thì sự thật là người bên giáo cũng chẳng vừa gì trong việc báo thù. Khi tôi đến thăm các giáo xứ, tôi có bày tỏ với các ngài nỗi lo sợ của tôi. Tôi cố gắng làm cho họ thấu trước, tai hại đối với giáo dân, gây ra bởi hành vi thiếu suy nghĩ của vài người bên giáo. Tôi còn cho rằng giới giáo sĩ đi quá xa trong quyền lợi của họ, và khư khư đòi đền bồi thiệt hại trước thái độ biết điều của những nhà chức trách bên lương, tôi dám nói rằng họ lắm khi cũng chịu khổ từ phía những người xấu bên đạo. Về điều này tôi chỉ xin kể việc ông Tổng Đốc Nam Định đã nhìn làng mạc nhau rún bị cướp, bị đốt và một số người trong gia đình chết thê thảm bởi hành vi của những người Cơ-rê-chiêng. Thôi cho tôi phủ một tấm vải che lên cảnh thảm khốc của cuộc chiến tranh tôn giáo này. […]”  (Nguyễn Vĩnh Thượng dịch).

Và, trên tuần báo “Missions Catholiques” năm 1886, linh mục Geffroy thuật lại một chi tiết trong biến cố Đức Mẹ Trà Kiệu (1885)

“[…] Khi thấy bị đuổi kịp thì ông [Chương Thủy Tý, chỉ huy quân Văn Thân] quay lại xin hai thanh niên [Trà Kiệu] đó tha cho được sống. Hai thanh niên bảo với ông rằng: “Nếu mày muốn sống chắc mày đã không đem sự chết đến cho chúng tao, ở đây không có sự dung tha”. Nói rồi họ đâm ông, lấy thanh kiếm và cắt đầu ông mang về. Chắc người ta sẽ nghĩ rằng: điều đó thật hung ác, không theo đúng qui luật tù binh (chiến trận). Ôi! những người giáo hữu đáng thương, đối với họ, thì người ta có giữ luật lệ gì đâu. Dù trẻ hay già, đàn ông hay đàn bà, bất cứ ở đâu trong tỉnh, tất cả đều bị người ta bắt và dẫn đến Trà Kiệu để treo cổ trước sự chứng kiến của cha mẹ họ. Dù đó là hung ác, nhưng tôi không muốn bỏ qua đoạn này, vì muốn kể lại tất cả mọi việc. […]”  (Phạm Cảnh Đáng và Lưu Văn Thiên dịch).

Lời của linh mục Geffroy nói hộ hai thanh niên Trà Kiệu có lẽ cũng là lời bào chữa của chúng ta. Nhưng vì các tín hữu xưa là tổ tiên của chúng ta, nên trong bào chữa dễ ngụ ý phủ nhận sự thật. Nếu như dân tộc Việt lấy phong hóa, thực dân, đô hộ để khỏa lấp một thời hiếu sát, thì nhiều người chúng ta cũng đang lấy bạo lực để hiện minh cho bạo lực từ phía mình.

Nếu có điều gì rút ra ở đây thì đó chính là câu nói của anh thanh niên Trà Kiệu trong đoạn trích trên: “Ở đây không có sự dung tha!”. Từ bỏ bạo lực và bao dung chưa bao giờ là tính cách chung của dân tộc Việt. Có thể thấy điều này qua cái kết của chuyện Tấm Cám. Và thật ngạc nhiên là cho đến bây giờ, phần đông người Việt vẫn giữ thái độ quanh co, bào chữa cho Tấm (cũng là biện hộ cho tác giả câu chuyện- dân tộc Việt), mà không khách quan nhìn thẳng vào sự thật.

  1. “Điều gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em hãy làm cho họ truớc” (Mt 7, 12)

Khổng tử cũng có câu tương tự: “Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”. Nhiều người Công giáo vẫn thường lấy hai câu này so sánh để chứng minh rằng đạo Công giáo hơn các đạo khác một bậc. Đây là suy nghĩ thiển cận do ảo tưởng về sự hoàn hảo của con người. Theo nghĩa nào đấy, câu nói của Khổng Tử “minh triết hơn” trong đời thường vì kinh nghiệm về tính chủ quan của con người. Không phải điều gì mình muốn là người khác cũng muốn. Cách dễ nhất để cắt đứt quan hệ là bắt người khác làm những gì bạn muốn. Dù ai đó không đồng ý với ý kiến trên vì cho rằng chưa toàn diện và chỉ đề cập mặt tiêu cực của con người, nhưng khó có thể nói nó không đúng. Vậy nên, việc đem hai câu nói ra so sánh rồi kết luận hơn-thua là không thấu đáo.

Một câu nói khác nhiều người Công giáo cũng thường hiểu theo nghĩa “hơn-thua” đó là: “Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn lề luật” (Mt 5, 17). Chúng ta cho rằng như vậy là “luật mới cao hơn luật cũ” và tự hào vì đạo của mình thật ưu việt. Nhưng nếu hỏi: “Cao hơn là cao hơn chỗ nào? 10 điều răn bạn đã chu toàn chưa mà cần đặt ra luật mới cao hơn?”, thì ta thấy cách hiểu trên là vô nghĩa. Ở đây, sự khác biệt không phải tiêu chuẩn đạo đức mà là ân sủng, không phải nỗ lực nghiệm nhặt tự công chính hóa mà là cần lòng thương xót của Thiên Chúa. Do đó, khi ta tự đắc “cao hơn” về tiêu chuẩn cũng là khi ta đang nhầm lẫn, ảo tưởng về sức lực của mình.

Mùa thu năm 2010, tôi lần đầu học được bài học khiêm nhường từ lời chia sẻ của vị linh mục mà tôi mến trọng:  “Nếu xét về nỗ lực từ phía con người đi tìm Chân- Thiện-Mỹ, thì Công giáo thua xa Phật giáo, không bằng đạo Khổng hoặc Lão giáo. Những gì chúng ta có đều là tình thương của Thiên Chúa, là Ngài nâng chúng ta lên.”

  1. Số lượng người Công giáo Việt Nam đứng thứ nhì Châu Á

Dù ít đề cập đến điều này vì có lẽ ý thức được tỷ lệ ít ỏi của người theo đạo so với cả nước, nhưng khi nhìn vào thứ hạng và bề dày lịch sử của Giáo hội Việt Nam, nhiều tín hữu thật sự tin rằng đức tin chung của chúng ta mạnh. Điều này đúng và sai. Nếu chúng ta nghĩ rằng đức tin chúng ta mạnh là vì tâm tính người Việt gần với Tin Mừng hơn so với các dân tộc Châu Á khác, thì đó là sai lầm.

Tại sao Tin Mừng không bén rễ ở Châu Á? So sánh với Phi Châu, ta sẽ thấy rằng một trong những lý do chính là Á Châu đã có sẵn triết lý tôn giáo cao để đề kháng lại những gì lạ từ ngoài vào. Có thể thấy điều này qua trường hợp Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản. Ngay cả những nước nhỏ như Thái Lan, Lào và Camphuchia, tư tưởng Phật giáo ở đây tuy chỉ bình dân nhưng cũng đủ để việc chuyển tiếp sang đức tin Kitô trở nên khó. Còn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, Trần Trọng Kim đã nhận xét như sau:  “[Người Việt] hay tin ma tin quỉ, sùng sự lễ bái, nhưng vẫn không nhiệt tín tôn giáo nào cả” (Trích Việt Nam Sử Lược). Vậy, chính tín ngưỡng Tam Giáo làng nhàng và sự không nhiệt tín tôn giáo nào là yếu tố quan trọng mở ra cho các tôn giáo mới được đón nhận. Không riêng Công giáo mà Phật Giáo Hòa Hảo, Cao đài và nhiều ông đạo khác ở Miền Nam cũng rất đông tín hữu.

Ta nên nhìn sự thật dễ ngã lòng này như thế nào? Để dễ hiểu, ta xem xét một vấn đề khác, ở bình diện rộng hơn, nhưng cùng chung bản chất.

Khi giải thích về tôn giáo Độc thần, nhiều người dựa trên thuyết tiến hóa xã hội : Thời đầu con người mông muội, xem đâu cũng là thần, gắn cho mỗi sức mạnh tự nhiên là một vị thần, như thần Mưa, thần Gió, thần Rừng, thần Sấm sét… Việc thờ cùng lúc nhiều vị thần quá phức tạp, con người nghĩ rằng các thần cũng có tổ chức giống con người, tức có một vị đứng đầu, cai quản các thần khác, do đó, muốn cầu xin gì chỉ cần xin với vị thần đứng đầu này là đủ. Dần dần, những vị thần còn lại bị lãng quên, và từ đó tôn giáo Độc thần hình thành.

Giải thích trên tự nhiên hợp với tâm tính của con người. Nhưng nếu tiến trình quả thật đơn giản  như vậy thì khó có thể lý giải được tại sao trong lịch sử nhân loại, chỉ có những tôn giáo xuất phát từ Cựu Ước (Do thái giáo, Ki-tô giáo và Hồi giáo) là tuyên xưng “có một Thiên Chúa duy nhất”, ngoài ra không tìm thấy tôn giáo Độc thần nào khác. Ngày nay, ý niệm “Độc thần” đã trở nên quen thuộc với chúng ta qua văn hóa Thiên Chúa giáo, nên chúng ta thấy bình thường; nhưng thực sự đó là Mặc khải lớn lao, tự con người không thể nghĩ ra được, và tự con người cũng không thể đủ sức để sống và trung tín với niềm tin đó. Toàn bộ thời kỳ Cựu ước, có thể nói, chỉ dành để nói với dân tộc Israel một điều rằng: Có một Thiên Chúa duy nhất.

Trở lại vấn đề của chúng ta, quả thật vì văn hóa tín ngưỡng Việt Nam sùng sự lễ bái nhưng không sâu sắc là yếu tố quan trọng để đức tin Kitô giáo có cơ hội bén rễ. Nhưng cũng chính nguyên nhân này lại dẫn đến điều kinh ngạc: Tại sao lại có những người Việt, giống người mà vốn dĩ “không nhiệt tín tôn giáo nào”, lại có thể “kiên tâm chịu gian lao đau khổ, quyết một lòng theo Đức Kitô trên con đường Thập Giá và hy sinh đến giọt máu cuối cùng”? Một lần nữa, chúng ta lại thấy rằng những gì chúng ta có đều là tình thương của Thiên Chúa, là Ngài nâng chúng ta lên.

Kết

Ba nhận định trên có thể làm phiền lòng nhiều người. Dù những cảm nghiệm này đến với tôi từ từ, nhưng cũng tạo nơi tôi sự hụt hẫng khi phải tháo gỡ những gì mình tự đắc ra khỏi con người mình.  Nhưng đó là điều cần thiết. ĐHY Nguyễn Văn Thuận có lần nói “Thiên Chúa viết thẳng trên những đường cong”. Đó có lẽ là điều ngài rút ra không chỉ từ cuộc đời lao tù của mình mà còn từ kinh nghiệm về sự bất toàn, đôi khi nông nổi, của Giáo hội Việt Nam được Thiên Chúa thương xót.

Nước Trời không phải là thực tại có thể thấy được. Nước Trời giống như tí men, chỉ một ít so với bột, nhưng làm cho cả khối bột dậy men. Dù cho người Công giáo Việt Nam còn nhiều cái dở, dù cho dân tộc Việt vẫn còn giữ định kiến về đạo, cách khách quan tôi nhận thấy rằng, người Công giáo, chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ so với cả nước, đã có những đóng góp âm thầm và lớn lao về văn hóa, tinh thần và đời sống của đất nước.

IV. Giáo hội và Thời đại: Đường đến tự do

(Trích The Road to Freedom, Romano Guardini)

Dẫn nhập:

  • Đọc bài này trong thời đại, trên mọi phương tiện, nhân danh lòng khoan dung, người ta bài xích giá trị cũ và kêu gọi đồng tính, li dị, quyền được chết, phá thai… Tự do của thời đại được hiểu đơn giản là giải phóng ta ra khỏi cái đang có.
  • Đọc bài này trong những ồn ào nhạt nhẽo showbiz, những chương trình truyền hình thực tế bán buôn thị phi và nước mắt, những chuẩn mực, tư tưởng ăn khách mà khi truy nguyên sẽ nhận được câu trả lời “Vui thôi mà!”.

Chú giải:

  • Emmanuel Kant (1724-1804): Triết gia người Đức. Ông cho rằng những quyết định đạo đức phải dựa trên lý trí. Sách ông viết bàn về sự tồn tại của Thiên Chúa và chúng ta nhận thức thế giới như thế nào. Tác phẩm quan trọng nhất của ông là The Critique of Pure Reason. Tư tưởng Kant có ảnh hưởng rất lớn đến nền triết học thế kỷ 19. (Dịch theo từ điển Longman).
  • Chủ nghĩa Tương đối: Không có cái gì hoàn toàn đúng, cũng như không có cái gì hoàn toàn sai. Đúng hay sai là tương đối, tùy vào bối cảnh và cách nghĩ của mình. Nếu mình thấy đúng thì nó đúng, nếu mình thấy sai thì nó sai.

[…] Đâu là những rào cản của sự tự do?

Điều kiện sống và ý thức hệ là hai đầu  giới hạn của tự do. Chúng ta có thể từ khước sự phụ thuộc vào điều kiện sống bằng cách thay đổi nhu cầu bên trong, hay bằng việc tự do từ bỏ, nhưng sẽ chẳng có hi vọng để vượt qua giới hạn thuộc ý thức. Suy nghĩ của chúng ta đã bị cột chặt vào cộng đồng thông qua quan điểm thời cuộc, truyền thống và phong tục; thông qua rất nhiều cái không thể đánh giá để kết luận đúng- sai, nhưng đã thành nếp, làm khuôn mẫu cho cảm xúc và nhận thức của mỗi người. Tất cả những ảnh hưởng như vậy đã ăn vào máu, kỳ tài đến đâu cũng không gỡ ra được. Và rồi, dù muốn dù không, chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng con người là tổng hòa tất cả những chủ thể tác động lên nó.

Hãy xem xét những ảnh hưởng này trong thực tế. Có ai là không bị tác động bởi khẩu hiệu của thời đại? Không ai cả. Trào lưu tư tưởng của một giai đoạn lịch sử chi phối chúng ta rất mạnh. Nó có thể làm cho nhiều khái niệm khó hiểu trở nên được tin nhận tuyệt đối dựa vào sự mặc nhiên của cộng đồng. Đã bao giờ chúng ta kinh ngạc tự hỏi làm thế nào mà một số tư tưởng của Kant lại được chân nhận là nguyên lý cho ngày hôm nay, và bất kỳ sự phản bác nào cũng bị cho là nông cạn? Cũng vậy, nhớ lại xem các loại hình thức nghệ thuật tân thời đã cuốn hút và làm thay đổi nhận thức của con người hằng bao thế kỷ nay như thế nào. Hãy nghĩ về vô vàn những cách thức mà tâm lý chung của chúng ta bị nhào nặn bởi phương thức xã hội, bởi các mô hình kinh tế, chính trị, ví dụ như nền độc tài và dân chủ mà chúng ta vẫn phân biệt. Thông thường phải rất tinh tế mới không bị cuốn vào lực hấp dẫn của cái mới. Tại sao chỉ một phẩm tính của con người, nếu được gắn vào hình tượng hợp thời như hiệp sĩ, tu sĩ, hay kẻ viễn chinh, lại có thể làm lu mờ những phẩm tính khác và làm say mê nhân loại. Chống lại những ảnh hưởng như vậy bằng sức riêng là vô vọng.

Ngẫm nghĩ về sự mê hoặc của trào lưu tư tưởng ở một giai đoạn lịch sử đặc biệt- thời kỳ Phục Hưng. Thời kỳ này sinh ra nhận thức con người là ưu việt, có khả năng bất tận; và hệ quả là đoạn tuyệt với mọi tư tưởng trước đó, ở đây là những giá trị của thời Trung Cổ. Ngày nay, chúng ta lại đang có xu hướng đánh giá ngược lại, xem thời Phục Hưng và những gì kéo theo là thảm họa, và cho rằng giá trị Trung Cổ mới chính là tương lai nhân loại. Qua đây chúng ta thấy được gì? Không có sự thay đổi nào từ bên ngoài, chỉ có thái độ của con người về bản chất, giá trị và tư tưởng là thay đổi. Với thực tế đó, chúng ta chỉ có một lựa chọn. Hoặc là chọn cách tôn sùng chủ nghĩa tương đối để hợp lý hóa mâu thuẫn nơi con người; hoặc là với tất cả lòng tín thác ta chọn ôm lấy nguồn lực có thể giải thoát chúng ta. Nguồn lực đó là Giáo hội.

Nơi Giáo hội, sự vĩnh cửu thấm nhập vào thời gian. Ngay cả khi chính trong Giáo hội cũng đầy sự thế tục không thể phủ nhận nếu biết về lịch sử. Nhưng, bản chất giáo lý của Giáo hội, những yếu tố cơ bản xác định cấu trúc tôn giáo, những nguyên tắc chung cho luân lý và cái nhìn về sự toàn mỹ, đã vượt lên trên thời gian.

Trước hết, với căn tính của mình, suy nghĩ của Giáo hội không dựa trên phạm vi chủng tộc mà đặt nền ở sự phổ quát và thế giới Công giáo. Giáo hội sống và phân xử không theo nhận thức của thời đã qua, mà theo truyền thống được kết từ toàn bộ những kinh nghiệm của Giáo hội xuyên suốt chiều dài lịch sử. Do đó, Giáo hội vượt lên những thiên kiến về địa phương, quốc gia và thế tục, vượt lên trên những tiếng nói tương đồng còn cần nhờ tựa đỡ trước những hạn chế trên. Điều này cũng đồng thời làm cho cách nhìn của Giáo hội trở nên tự do hơn. Giáo hội tự bản chất được hình thành không phải trong một môi trường đặc biệt hoặc trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt, nhưng là trong sự vĩnh cửu sau hết. Giáo hội đi vào mối tương quan với mọi thời, nhưng cũng đồng thời chống lại mỗi thời đại. Giáo hội không bao giờ có gương mặt hiện đại. Điều này cũng chưa từng ngay ở thời Trung Cổ. Chúng ta chỉ cần tầm nguyên ẩn ý đằng sau sự “ Mô phỏng” sẽ phát hiện ra. Hiện tại luôn chê trách Giáo hội cổ hủ. Nhưng đây là quan điểm sai lầm, sự thật là Giáo hội không thuộc về thời gian. Giáo hội cơ bản tách biệt khỏi mọi thế tục và thậm chí luôn giữ thái độ hoài nghi về những điều này.

Hệ quả là Giáo hội phải chịu đựng sự chỉ trích không ngừng rằng Giáo hội không phải là thực tại quốc gia, rằng Giáo hội rao giảng về một thế giới khác chứ không phải bàn về vấn đề cụ thể của một đất nước. Đó là hiểu sai sự thật. Sau tất cả, Giáo hội không bận tâm đến chính trị, nhưng là về con người trên phương diện toàn thể nhân loại và nơi mỗi một cá nhân.  Tuy nhiên, đây lại là hai sự biểu đạt về con người chạm đến sự vĩnh hằng, mọi cái nằm giữa chúng, chẳng hạn như các tổ chức quốc gia và chính trị, rồi cũng qua đi theo thời gian.

Do đó, Giáo hội đứng giữa những dòng tư tưởng đương thời như một con đê ngăn nước. Giáo hội là sức mạnh kháng cự những mê hoặc của mọi biến động lịch sử, bất luận có như thế nào đi chăng nữa. Giáo hội chống lại những nghi ngại sâu sắc của mình đối với mọi quyền lực có khả năng nô dịch hóa tâm trí con người- những lý thuyết kinh tế, những khẩu hiệu chính trị, tư tưởng thế tục về sự hoàn mỹ, những chiêu trò tâm lý, và đồng thời phủ nhận mọi giá trị chúng cho là tuyệt đối. Giáo hội luôn đối lập với thời đại. Khi tư tưởng mới xuất hiện, nó tạo ra sức hút đặc biệt. Nó tươi mới, khác lạ; mở cho tâm trí những lối đi chưa từng khám phá, và vì vậy mang đến sự phấn kích lớn hơn nhiều so với giá trị bên trong của nó. Khi một người chỉ hiểu sơ về nền văn hóa nào đó còn xa lạ trước đây, nếu điều kiện môi trường thích hợp, nó sẽ bắt đầu có ảnh hưởng rõ nét trên người ấy, như cách văn hóa Á châu đang tác động lên chúng ta ngày hôm nay là một ví dụ. Với cùng cách thức như vậy, những trào lưu nghệ thuật mới, những nguyên tắc chính trị tiên phong, những cái mới mẻ trong mọi lĩnh vực mà chỉ chú trọng thực tại bên ngoài đều giống như gu ăn mặc và những phép tắc trong giao tiếp. Một khi môi trường cởi mở, mọi cái mới đều có ảnh hưởng rất mạnh, giống như oxygen “in statu nascendi”. Thường sức cuốn hút quá đỗi của nó không tỉ lệ với giá trị thực chứa đựng, và kết quả là bức tranh chúng ta thấy trước mắt, thực tế, đã được tô hồng để giấu đi những phần méo mó. Vì vậy, ở chừng mực nào đó, hiện tại chỉ là ảo giác và là nơi đọa đày. Hiện tại lúc nào cũng tấn công Giáo hội, bởi vì hiện tại vốn kích động, mà sự trầm tĩnh muôn thuở của Giáo hội lại từ khước những đòi hỏi cáu kỉnh của nó; bởi vì hiện tại chỉ nhìn thấy một chiều, còn sự bao quát nơi Giáo hội lại vượt lên trên cách nhìn hạn chế của hiện tại. Và, Giáo hội cũng luôn là kẻ thù của hiện tại, bởi vì cái quá khích hời hợt của hiện tại nô lệ hóa tâm trí con người và những hò hét khó chịu của nó lấn át tiếng nói của vĩnh hằng. Trong mọi thời, Giáo hội luôn chống lại những cái Ở Đây ở Bây Giờ cho mục đích của những gì Mãi Mãi, chống lại những khuynh hướng đương thời và “chính trị” cho mục đích bảo vệ phẩm giá con người, những chiều kích nối kết mỗi cá nhân và toàn nhân loại với sự vĩnh viễn. Khi điều này được hiểu, rất nhiều cái trở nên rõ ràng.

Ai sống trong Giáo hội sẽ có cảm nghiệm trước hết là sốt ruột, bực mình, vì Giáo hội cứ bắt họ phải ngược lại với người khác. Khi họ tiếp xúc lâu với những vấn đề được nói đến trên mọi phương tiện, tiếp xúc với dư luận chung của thời đại; và khi họ cố gắng đặt cho những đảng phái, quốc gia hệ tiêu chuẩn của mình, tất yếu họ sẽ cảm thấy mình đang bị quy tội làm xã hội chậm tiến. Nhưng một khi miếng băng được gỡ ra khỏi mắt, họ sẽ nhận ra rằng Giáo hội luôn kéo con cái mình ra khỏi lối đi của quyền lực thời đại và sự đo lường những giá trị thế tục đã giữ họ lại với sự thật trường cửu.  Thật lạ lùng, không ai có được thái độ hoài nghi và độc lập nội tâm trước “cái mọi người đều nói” hơn là người thật sự sống với Giáo hội. Và khi một người rời bỏ Giáo hội, họ cũng sẽ đồng thời buông xuôi theo những ảo tưởng của chính mình. Chắc chắn, sự chọn lựa giữa hai thái độ dẫn đến hai cách ứng xử hoàn toàn khác nhau trong đời sống. Giáo hội, thật ra, là con đường dẫn đến với tự do. […]

(Dịch từ https://guardini.wordpress.com)

Về Romano Guardini:

“ Những điều giáo sư ấy viết ra cũng phản ảnh cuộc đời của ông. Thời Guardini ngồi trên ghế đại học là lúc gia sản chủ nghĩa tự do còn rất mạnh, ngay cả trong thần học công giáo. Giáo sư Koch, một trong những thầy dạy ông ở đại học Tübingen, bị ảnh hưởng chủ nghĩa đó khá nặng. Dĩ nhiên anh sinh viên trẻ Guardini lúc đó cũng theo thầy. Chuyện các sinh viên liên đới với một ông thầy ăn nói mạnh bạo, tự do, bàn về những điều mới lạ vượt khỏi vòng vây truyền thống và bốp chát lại với Rô-ma, là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, trong thời gian học, cũng là thời gian ông rơi vào mối hoài nghi lớn về đức tin, rốt cuộc ông đã nhận ra được bộ mặt đích thực của Giáo Hội qua phụng vụ. Ông cho hay, dù vẫn mê theo thầy, nhưng ông đã chọn cho mình con đường chống lại tự do, bởi vì suy cho cùng, theo ông, chỉ có Giáo Hội là thực lực duy nhất dám phê bình lại chủ nghĩa này. Càng bước theo Giáo Hội, càng đi sâu vào trong nó, càng tín thác vào đức tin Giáo Hội – sự tín thác này bị coi là thái độ trẻ con, thiếu độc lập -, ông càng nhận ra mình có được sự độc lập lớn hơn trước tinh thần thời đại, càng có được đầu óc tỉnh táo, hơn là đứng ở bất cứ từ nơi đâu khác. Guardini là một trong những kẻ tiên phong phá bỏ khuynh hướng tự do trong thần học. Nhờ đó, họ đã đánh thức dậy, cho cả một giai đoạn khoảng từ 1920 tới 1960, niềm vui lớn nơi Giáo Hội, niềm vui cùng nghĩ, cùng tin với Giáo Hội. Cá nhân Guardini đã kinh nghiệm điều đó như thể miếng vải che mắt được lột đi, và ông bỗng thấy rằng : thì ra vấn đề hoàn toàn khác, không như thiên hạ nghĩ. Đó không phải là thái độ thiếu độc lập trẻ con, mà là can đảm phản đối, và đó là sự tự do đối kháng trước dư luận kìm toả của thời thế. Cái tự do đó đồng thời cung cấp cho ta một nền tảng chắc chắn, nền tảng đó không do Giáo Hội tự nghĩ ra.”

(Joseph Ratzinger, Trích Thiên Chúa và Trần Thế, Hồng Lam dịch)