Tình trạng mang thai và phá thai ở vị tuổi thành niên

Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), tại Việt Nam, mỗi năm dân số tăng thêm khoảng 1 triệu người. Trong những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15 - 49) vẫn tiếp tục gia tăng. Nhu cầu sử dụng các phương tiện tránh thai tiếp tục tăng. Tuy nhiên, các kết quả điều tra cho thấy tỷ lệ phá thai, bao gồm cả phá thai ở vị thành niên và thành niên còn cao. Với tình trạng phá thai phổ biến, tỷ lệ vô sinh, nhất là vô sinh thứ phát đang có chiều hướng gia tăng.

Theo kết quả điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình (tháng 4.2016) của Tổng cục Thống kê, cứ 100 ca phá thai của phụ nữ dưới 49 tuổi đang có chồng thì có 62 ca là mang thai ngoài ý muốn. Đáng lưu ý, rất nhiều trường hợp lựa chọn phá thai tại những phòng khám chui, các cơ sở y tế không được cấp phép gây nguy cơ xảy ra nhiều biến chứng như băng huyết, nhiễm trùng, thủng tử cung…, thậm chí đe dọa tính mạng. Cứ 1.000 phụ nữ tuổi 15 - 24 thì có 18 người đã từng phá thai. Tỷ lệ phá thai ở nhóm vị thành niên và nhóm trưởng thành còn cao, phá thai lặp lại khá phổ biến.

Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê, tổng tỷ suất sinh là 2,09 con/phụ nữ; khu vực thành thị là 1,83 con/phụ nữ; khu vực nông thôn là 2,26 con/phụ nữ. Phụ nữ có trình độ đại học có mức sinh thấp nhất (1,85 con/phụ nữ), thấp hơn khá nhiều so với phụ nữ chưa bao giờ đi học (2,59 con/phụ nữ).

Tình trạng sinh con ở tuổi chưa thành niên vẫn còn tồn tại ở Việt Nam. Trên phạm vi toàn quốc, phụ nữ chưa thành niên (từ 10 - 17 tuổi) sinh con chiếm tỷ trọng 3,3‰; cao nhất ở Trung du - miền núi phía bắc (9,7‰) và Tây nguyên (6,8‰); thấp nhất ở khu vực đồng bằng sông Hồng (1,1‰).

Theo đánh giá của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình trong đại dịch Covid-19, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình của người dân đang bị gián đoạn nghiêm trọng. Ngành y tế, dân số đã huy động các cơ sở y tế công lập và tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ, các biện pháp tránh thai và chuyển đổi các hình thức truyền thông trực tiếp sang các kênh truyền thông kỹ thuật số.

Chương trình truyền thông “Kế hoạch hóa gia đình vì sức khỏe cộng đồng” giai đoạn 2 (2021 - 2025) do Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình triển khai sẽ có các hoạt động đa dạng như: tổ chức các buổi livestream tư vấn trực tuyến, phát triển các ứng dụng cung cấp thông tin, đẩy mạnh các hình thức truyền thông trên mạng xã hội... để cộng đồng dễ dàng tiếp cận. Ở giai đoạn 1 (2016 - 2020), chương trình này đã giúp hơn 25 triệu phụ nữ cả nước được tư vấn về cách lựa chọn các phương pháp tránh thai phù hợp. Trong đó, ứng dụng “Sống chủ động” cung cấp thông tin, kiến thức về sức khỏe sinh sản đã tiếp cận được đến hàng ngàn phụ nữ trên toàn quốc.

Tin liên quan

         Mang thai ở tuổi VTN, sản phụ dễ gặp các nguy cơ dọa sảy, đẻ non. Chưa kể, do cơ thể mẹ chưa phát triển hoàn thiện dễ dẫn đến tình trạng thiếu máu, thai kém phát triển hoặc sinh con thiếu cân, con suy dinh dưỡng cao.

         Khi đối diện với trường hợp trẻ VTN mang thai, việc quyết định tiếp tục cho trẻ mang thai hay chấm dứt thai kỳ là một quyết định khá quan trọng và rất khó khăn đối với trẻ VTN. Vì vậy, cần có sự tư vấn của nhân viên y tế và ý kiến của phụ huynh, người thân trong gia đình.

          Các yếu tố dẫn đến mang thai ở VTN

           Sự thiếu hiểu biết về chu kỳ kinh nguyệt, cơ chế thụ thai, các biện pháp tránh thai… Thiếu tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS). Quan hệ tình dục không chuẩn bị, không mong muốn. Quan hệ tình dục trước hôn nhân, sống thử trước hôn nhân ngày càng tăng.

          Những nguy cơ có thể gặp khi mang thai ở tuổi VTN

          - Nguy cơ khi tiếp tục giữ thai và sinh đẻ

           Mang thai ở tuổi VTN ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, nguy cơ tử vong mẹ vẫn còn cao so với các bà mẹ sinh con ở tuổi trưởng thành. Mẹ dễ bị thiếu máu, tiền sản giật, đẻ non, sẩy thai, chuyển dạ đình trệ, bất tương xứng thai khung chậu. Trong lúc sinh: đẻ khó, dễ phải can thiệp bằng các thủ thuật và phẫu thuật.

          Tỷ lệ tử vong trẻ em sinh ra do các bà mẹ VTN trong năm đầu cao hơn so với các bà mẹ sinh con ở tuổi trưởng thành. Con của các bà mẹ vị thành niên thường có tỉ lệ nhẹ cân, bệnh tật và tử vong cao gấp nhiều lần so với con của các bà mẹ tuổi trưởng thành.

           Về mặt kinh tế - xã hội, khi có thai VTN phải gián đoạn việc học hành, khó khăn về kinh tế và không kiếm được việc làm, dẫn VTN vào con đường bế tắc. Hạnh phúc gia đình có thể bị rạn nứt, dễ lâm vào cảnh éo le, ảnh hưởng đến tương lai của VTN. Tỷ lệ ly dị cao, dễ bị phân biệt đối xử. Làm mẹ sớm dễ bị căng thẳng và khủng hoảng tâm lý.

          - Nguy cơ khi phá thai ở tuổi VTN

          Do mặc cảm, xấu hổ nên VTN thường tìm kiếm dịch vụ phá thai không an toàn. VTN thường không biết các dấu hiệu để nhận biết thai nghén, nên không tìm đến cơ sở y tế sớm dẫn đến phá thai to.  Do cơ thể chưa phát triển hoàn chỉnh, tâm lý lại lo sợ nên thủ thuật phá thai ở VTN thường  xảy ra nhiều tai biến hơn ở người trưởng thành. Những ảnh hưởng tâm lý sau phá thai ở tuổi VTN có thể rất nặng nề và kéo dài.

          Hậu quả của việc mang thai sớm ở lứa tuổi vị thành niên

          Khi mang thai ở tuổi vị thành niên dễ dẫn đến các biến chứng do thai nghén như: Dễ bị sảy thai, đẻ non, nhiễm độc thai nghén, làm tăng nguy cơ tử vong mẹ.

          Làm mẹ quá trẻ, cơ thể chưa phát triển đầy đủ dẫn đến thiếu máu, thai kém phát triển dễ bị chết lưu hoặc trẻ thiếu cân, con suy dinh dưỡng cao.

          Đẻ khó do khung chậu chưa phát triển đầy đủ, dễ phải can thiệp bằng các thủ thuật và phẫu thuật.

          Tỷ lệ mắc bệnh tật và tử vong của trẻ sơ sinh ở người mẹ nhỏ tuổi cao hơn nhiều so với các bà mẹ ở tuổi trưởng thành.

          Dễ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, trong đó có cả HIV/AIDS.

          Làm mẹ sớm dễ bị căng thẳng, khủng hoảng tâm lý, tổn thương tình cảm và thiếu điều kiện tốt trong cuộc sống. Một số bạn gái có thể rất chán nản và cảm thấy bị cách biệt với gia đình và bạn bè.

          Do đó việc ý thức được nguy cơ, hậu quả của việc mang thai sớm sẽ giúp cho trẻ  VTN phòng và tránh được những nguy cơ không mong muốn xảy ra. Hiểu được vấn đề này sẽ  cũng giúp chị em có những hành vi, quyết định đúng đắn mang lại cho bản thân sức khỏe và tương lai. Vì vậy hãy chia sẻ những khó khăn, khúc mắc với những người lớn trong gia đình đặc biệt là người mẹ để nhận được những sự hỗ trợ kịp thời nhất.

Thực trạng mang thai ở tuổi vị thành viên trên thế giới (Phần I)

Lược dịch từ: https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/adolescent-pregnancy

Thực trạng

Hiện nay, mỗi năm ở các nước đang phát triển có khoảng 12 triệu trẻ em gái từ 15–19 tuổi và ít nhất 777.000 trẻ em gái dưới 15 tuổi sinh con. Trong đó ít nhất 10 triệu ca mang thai ngoài ý muốn. Các biến chứng khi mang thai và sinh nở là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em gái trong độ tuổi này trên toàn cầu.

Trong số ước tính 5,6 triệu ca nạo phá thai xảy ra hàng năm ở trẻ em gái vị thành niên từ 15–19 tuổi, có 3,9 triệu ca không an toàn, là yếu tố nguy cơ gây tử vong, bệnh tật và các vấn đề sức khỏe lâu dài cho mẹ. Các bà mẹ ở tuổi vị thành niên (từ 10–19 tuổi) phải đối mặt với nguy cơ sản giật, viêm nội mạc tử cung và nhiễm trùng toàn thân cao hơn phụ nữ từ 20 đến 24 tuổi và con của các bà mẹ ở tuổi vị thành niên đối mặt với nguy cơ sinh con nhẹ cân, sinh non và các tình trạng sơ sinh nặng hơn.

Phạm vi của vấn đề

Hàng năm, ước tính có khoảng 21 triệu trẻ em gái từ 15–19 tuổi ở các nước đang phát triển mang thai và khoảng 12 triệu trẻ em trong số đó sinh con.

Tỷ lệ sinh cụ thể của vị thành niên ước tính trên toàn cầu đã giảm 11,6% trong 20 năm qua. Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn về tỷ lệ giữa các khu vực. Ví dụ, tỷ lệ sinh của vị thành niên ở Đông Á là 7,1 trong khi tỷ lệ tương ứng ở Trung Phi là 129,5. Ngoài ra còn có sự khác biệt rất lớn trong các khu vực. Trong năm 2018, tỷ suất sinh chung của vị thành niên ở Đông Nam Á là 33,6, tuy nhiên, dao động từ 0,3 ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đến 83 ở Bangladesh.

Mặc dù tỷ suất sinh của vị thành niên ước tính trên toàn cầu đã giảm, nhưng số lần sinh con thực tế của trẻ vị thành niên thì không, do dân số phụ nữ trẻ trong độ tuổi 15-19 ngày càng lớn - và ở một số nơi trên thế giới. Số ca sinh lớn nhất xảy ra ở Đông Á (95.153) và Tây Phi (70.423).

Định nghĩa

Mang thai ở tuổi vị thành niên là một vấn đề toàn cầu xảy ra ở các nước có thu nhập cao, trung bình và thấp. Tuy nhiên, trên toàn thế giới, tình trạng mang thai ở tuổi vị thành niên có nhiều khả năng xảy ra ở các cộng đồng bị thiệt thòi, thường do nghèo đói, thiếu giáo dục và cơ hội việc làm.

Một số yếu tố góp phần vào việc mang thai và sinh con ở tuổi vị thành niên. Ở nhiều xã hội, trẻ em gái phải chịu áp lực phải kết hôn và sinh con sớm. Ở các nước kém phát triển nhất, ít nhất 39% trẻ em gái kết hôn trước 18 tuổi và 12% trước tuổi 15. Ở nhiều nơi, trẻ em gái chọn mang thai vì họ bị hạn chế về triển vọng giáo dục và việc làm. Thông thường, trong những xã hội như vậy, quyền làm mẹ được coi trọng và hôn nhân và sinh con có thể là lựa chọn tốt nhất trong số các lựa chọn hạn chế hiện có.

Thanh thiếu niên muốn tránh thai có thể không thực hiện được do thiếu kiến ​​thức và quan niệm sai lầm về nơi lấy các biện pháp tránh thai và cách sử dụng chúng. Thanh thiếu niên phải đối mặt với các rào cản trong việc tiếp cận các biện pháp tránh thai bao gồm các luật và chính sách hạn chế liên quan đến việc cung cấp các biện pháp tránh thai về tuổi tác hoặc tình trạng hôn nhân, thành kiến ​​của nhân viên y tế và/hoặc thiếu thiện chí thừa nhận nhu cầu sức khỏe tình dục của thanh thiếu niên, và thanh thiếu niên không có khả năng tiếp cận các biện pháp tránh thai do hạn chế về kiến ​​thức, phương tiện đi lại và tài chính. Ngoài ra, thanh thiếu niên có thể thiếu quyền tự chủ để đảm bảo việc sử dụng đúng và nhất quán một biện pháp tránh thai. Một nguyên nhân khác dẫn đến mang thai ngoài ý muốn là bạo lực tình dục, hiện đang phổ biến với hơn một phần ba trẻ em gái ở một số quốc gia báo cáo rằng lần quan hệ tình dục đầu tiên của họ bị ép buộc.

DS. Nguyễn Thị Mai Diệu

Người duyệt bài: TS. Hà Hải Anh